Mẹ - Vị Hộ pháp vĩ đại!

GN - Một ngày đầu tháng Chạp, sắp Tết, ba thầy ra đi. Trong cảnh thắt ngặt khốn cùng không tiền mua hòm, má thầy đánh liều sang nhà em chồng, rồi sang nhà họ hàng bên ngoại, sang nhà anh ruột mượn tiền, nhưng tất cả đều lắc đầu, lý do vì: mẹ góa con côi lấy gì trả?!

Đó là một phần phác họa tuổi thơ của HT.Thích Thiện Bảo qua tập tự truyện Quăng đời mình vào chốn thiền môn - cho con đi tu nghe má vừa ra mắt vào tháng 9-2020. Sách do Thái Hà Books liên kết cùng NXB Hà Nội ấn hành, dày 210 trang, gồm 28 phân mục.

machoconditu.jpg

Qua góc nhìn của tác giả từ khi còn là một đứa trẻ nhà quê nghèo cho đến khi ra gánh vác trọng trách Giáo hội, bức tranh Phật giáo miền Tây Nam Bộ và Sài Gòn - TP.HCM trước và sau năm 1975 được khắc họa một cách chân thực, sinh động. Tập tự truyện gợi nhớ câu chuyện tuổi thơ, những ngày gian nan vào đạo của cố HT.Thích Trí Tịnh, TT.Thích Chơn Thanh - đều xuất thân từ miền Tây Nam Bộ.

Trong tự truyện của mình, HT.Thích Thiện Bảo không ngại phơi bày một “thực tế trần trụi” ở chốn thiền môn, khiến không ít người ưa lý tưởng hóa cuộc sống tu hành không khỏi “vỡ mộng”: những đứa trẻ vào chùa được thầy xuống tóc nhưng không dạy dỗ; những chú tiểu bị bóc lột sức lao động đến kiệt quệ; những sự tranh chấp, hiếp đáp, tỵ hiềm của huynh đệ; những Phật tử đến chùa ưa tranh cãi, trách hờn; những người nhà của vị trụ trì thao túng việc chùa khiến Tăng chúng không thể ở… Dĩ nhiên, đó chỉ là bức tranh Phật giáo qua cái nhìn cá nhân của tác giả trong thời kỳ khó khăn chung của Phật giáo - đất nước, nhưng đến nay, những “sự thật” ấy không hẳn đã sạch những tàn dư…

Tự truyện của HT.Thích Thiện Bảo cũng khiến cho người ta tin hơn vào “cơ duyên” xuất gia tu hành. “Tôi đã từng chứng kiến có người mong muốn đi tu nhưng cơ duyên không đến nên rồi cũng không thực hiện được, cho đến ngày từ giã cuộc đời họ chỉ đành nuối tiếc. Có người phát tâm vào chùa với ý nguyện rất dõng mãnh, khi thọ Đại giới, phát nguyện tấn hương, còn gọi là đốt liều, phát nguyện đốt thân cúng dường Tam bảo trong các đại giới đàn của Tăng Ni (…). Có người phát tâm thọ trì kinh Pháp hoa vừa tụng vừa đốt một ngón tay cúng dường… Nhưng rồi năm sau thì tất cả trở thành gió thoảng mây bay, mất hết Bồ-đề tâm, ý chí mãnh liệt lúc đầu không còn nữa, họ chọn con đường quay về đời sống thế tục” (tr.136). Trong những người “quay đầu” đó, không ít vị là huynh đệ đồng tu với thầy, những đệ tử và cả những đứa cháu…, khiến thầy không khỏi băn khoăn về việc giáo dục lý tưởng xuất gia cũng như phương pháp dạy dỗ đệ tử…

Bản thân thầy còn trụ được trong ngôi nhà Phật pháp hẳn cũng do “cơ duyên”; nhưng như lời thầy kể, đó còn là do thầy có duyên được làm con của một vị Hộ pháp vĩ đại: mẹ thầy! “Chư Tăng Ni quen biết đều nói má là một vị Hộ pháp trên đường tu của tôi. Nhiều người còn phán một câu: ‘Thầy mà không có má kế bên chưa chắc thầy có thể tu được cho đến ngày hôm nay’. Thật lòng, tôi chưa bao giờ khởi lên ý nghĩ rời bỏ chiếc áo tu cho dù bất cứ khó khăn nào, nhưng chắc chắn một điều má hẳn là vị Hộ pháp của tôi, một thiện tri thức suốt quãng đường tu tôi đã đi qua”. Thầy khẳng định: “Tôi đi tu mấy chục năm nhưng chưa chắc tinh tấn bằng cụ già như má tôi” (tr.199).

Còn gì xúc động hơn hình ảnh “một bà già quê mù chữ”, luôn nhận mình là “người làm công quả ở chùa”, “không ai biết má là má của thầy trụ trì ngoại trừ Phật tử đến tụng kinh hàng đêm”. Người “công quả” ấy: “Mỗi buổi chiều lúc sáu giờ má mặc áo tràng lên chánh điện ngồi niệm Phật cho đến hết thời Tịnh độ, khuya công phu chuông chưa thức chúng má đã có mặt ở chánh điện từ ba giờ đến gần năm giờ mới xuống bếp nấu cơm và tiếp đó là lo toan chuẩn bị cho một ngày. Luôn như vậy”. Đặc biệt, khi thầy trụ trì tiếp khách nữ, “má thầm lặng làm thêm một việc là… ngồi bên cạnh”, “họ ngồi lâu chừng nào thì má cũng ngồi lâu chừng đó!”. Có lẽ “vì là phụ nữ nên má hiểu tâm lý phụ nữ hơn. Mình không để tâm mà bên kia có để ý thì cũng phiền”.

Xuyên suốt tự truyện, người đọc luôn thấy bóng dáng một bà mẹ hiền không rời mắt khỏi đứa con thân yêu, dù đến khi con đã là một vị Thượng tọa, và má đã là một Sa-di-ni, má vẫn luôn là một vị Hộ pháp nâng đỡ con, sợ con lầm đường lạc lối. Trong bất kỳ hình thức nào, má vẫn luôn là má, âm thầm đợi con về để cùng dùng cơm, đơn giản là vì sợ con mệt nên bỏ cơm, ảnh hưởng đến sức khỏe. Cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, má vẫn là tấm gương tu hành cho con. “Đến giờ sắp từ biệt vĩnh viễn, những ngón tay má nắm chặt bàn tay tôi và ánh mắt nhìn tôi đầy lưu luyến không muốn chia ly. Khi tôi và quý thầy quý Ni quý chú nhắc ‘Bà niệm Phật đi’ thì má mới nhớ ra và niệm Phật thành tiếng, cho tới khi những ngón tay má mềm dần trong tay tôi và tiếng niệm Phật nhỏ dần nhỏ dần…” (tr.210).

HT.Thích Thiện Bảo giữ nhiều trọng trách của Giáo hội giao phó, đặc biệt đã phụng sự cho Báo Giác Ngộ nhiều năm - từ vai trò phóng viên cho đến Thư ký và Phó Tổng Biên tập. Những năm qua, Hòa thượng trở về ngôi chùa quê - Bửu Thọ, Kiên Giang tịnh tu, thành lập Trung tâm Thiền tập Bửu Thọ hướng dẫn cho nhiều Tăng Ni, Phật tử tu tập.

Quảng Kiến/Báo Giác Ngộ

Cho con đi tu nghen má?

Một buổi chiều, khi má tôi đang ngồi sàng bắp chuẩn bị cho buổi chợ sáng mai, tôi ngồi nhìn má hai tay đều đều xoay cái giần, mớ mày bắp dần dần gom lại chính giữa và má chụm hai tay hốt hất mớ mày ra ngoài một cách gọn gàng.

Thấy má vui nên tôi buột miệng nói: “Cho con đi tu nghen má?”.

Cái giần trên tay ngừng khựng, má thừ người một hồi rồi bần thần nói: “Nhà có hai má con... Liệu đi tu có được không, hay vì ham vui nay tu mai bỏ về thì mang tội”.

Có lẽ trong ý nghĩ của má, tôi là đứa con được nuông chiều từ nhỏ nên vô chùa sẽ khó mà chịu được sự cực nhọc, và má cũng muốn tôi ở nhà với má.

Má thốt hai tiếng “Tùy con” một cách cam lòng, đúng như tính ít nói của má và lòng thương con không nỡ can ngăn. Rồi thì má may cho tôi hai bộ áo vạt khách với hai cái quần lá nem và đưa tôi tới chùa.

...

Một hôm thầy kêu tôi lại và nói: “Thôi, con ở lại giữ gìn chùa, thầy ra Hòn Nghệ tịnh tu một thời gian”.

Vậy là thầy đi.

Một mình ở lại chùa, tôi tiếp tục đi cúng đám tang, làm nhà kho, nhà minh khí... không chỉ chuông mõ đọc kinh mà nhờ chăm chỉ tự học chữ Hán nên tôi còn tự viết được liễn tang và lá triệu cho gia đình khi người ta có nhu cầu!...

Nếu không có duyên sâu dày với Phật pháp có lẽ đường tu của tôi chỉ là ông thầy cúng nhà quê dốt nát dựa dẫm kinh Phật làm kế mưu sinh. Quanh tôi là những người dân quê đến chùa vào ngày mùng một và rằm để cầu xin Trời Phật gia hộ, họ cần có ông thầy tu để khi đám tang tụng kinh cho người chết, đốt vàng mã, cúng tuần thất. Vậy thôi.

Và nếu không có sự trợ giúp của má… Những khi nhớ lại, tôi tự hỏi nếu không có má thì chẳng biết đoạn đường tu đó của tôi đã rẽ qua lối nào? Tuổi mười lăm, không có thầy dạy dỗ hướng dẫn cũng không hiểu biết gì về đời sống của người xuất gia và rồi một thân một mình ở một chùa... Có người tới chùa còn gọi tôi bằng tên tục như con cháu trong nhà là thằng Khánh chứ có mấy ai biết tới pháp danh Thiện Bảo!

Má đem đồ đạc ở nhà tới, bàn ghế và cả bộ ván trước đây ba hay nằm… Má sắp xếp bày biện cho ngôi chùa được tươm tất. Ban đầu, khi thầy mới đi, má nấu cơm đem tới cho tôi, sau thì má xay lúa đem gạo tới chùa để đó, ngày ngày má tới nấu cơm. Mọi việc của chùa má đều cáng đáng. Sợ tôi một mình giải đãi ngủ quên nên bốn giờ sáng má xách cây đèn dầu tới chùa thức tôi dậy công phu, lạy Phật xong thì má tất tả đi về nhà để qua chợ bán…

Má quay vòng vòng giữa việc đời và việc chùa, còn tôi thì vẫn tu một cách vô tư. Có những đêm, vừa xong đợt đạn pháo vang trời không khí còn nồng nặc mùi thuốc súng, tôi nghe tiếng gõ khe khẽ cùng với ánh đèn vàng thấp thoáng qua khe cửa và giọng má thì thào “Khánh ơi, con có sao không?”. Là má sợ lỡ tên bay đạn lạc trúng ngôi chùa nhỏ nên dù đạn vẫn còn nổ đì đùng má vẫn xách cây đèn bươn bả trong đêm tới chùa, tận mắt nhìn thấy tôi vẫn bình thường thì má mới yên tâm quay về nhà. Nhiều lần tôi nói: “Má đừng đi ra đường giờ này nguy hiểm lắm”. Má gật đầu, ờ ờ... Rồi thì vẫn vậy, sau mỗi đợt súng đạn vang trời thì má lại đi tới chùa rón rén gõ cửa và thì thào gọi xem tôi có ổn không.

(Trích Quăng đời mình vào chốn thiền môn,
chương “Cho con đi tu nghen má?”)

- Bài đăng trên Giác Ngộ số 1068, phát hành ngày 18-9-2020 -

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày