Mênh mông tình mẹ

Trong cánh rừng ở ấp Doi Lầu, xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ, có một người phụ nữ góa chồng ngày ngày bươn chải, lặn hụp khắp các con rạch kiếm kế sinh nhai, tìm lấy tương lai tươi sáng cho bốn đứa con. Cả cuộc đời chị, mọi thứ đều dở dang nhưng ý niệm vì con mà cố gắng thì chưa bao giờ gián đoạn...

Dành trọn tình yêu cho bốn đứa con

Theo sự chỉ dẫn của cô Tuyết Phượng, chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cần Giờ (TP.HCM), chúng tôi tìm đến nhà chị Phạm Thị Thu Thảo và cảm nhận về tình mẫu tử thiêng liêng mà chị dành cho 4 đứa con mồ côi cha.

Để vào được nhà chị, phải qua đoạn đường đất trơn trợt, hai bên là những con rạch chằng chịt. Chỗ ở của mẹ con chị Thảo là ngôi nhà nhỏ ở cuối khu đất ven rừng. Hình ảnh đầu tiên chúng tôi chứng kiến là cái nhà bếp đã đổ sập, nhà chính thì hai bên vách lá đã tuột gần hết nửa căn, chị lấy áo mưa nẹp vào để che mưa, che nắng.

hinh xh Vu lan.JPG

Chị Thảo hàng ngày đi kiếm sống nuôi bốn con

Năm mẹ con sống trong căn nhà chừng 30m2. Nói là nhà nhưng không khác gì cái chòi đứng chơ vơ trước gió. Chị Thảo ngại ngùng nói: “Nhà bếp đã sập cách đây hơn 1 tháng nhưng chưa có tiền để mua đinh, kẽm về chèo chống lại, cũng không có thời gian bỏ ra mấy ngày công để sửa sang, còn phải đi lặn hụp ngoài kia để chạy ăn từng bữa...”. 

Chồng mất cách đây 7 năm là chừng ấy thời gian chị gồng mình, vừa làm mẹ, vừa làm cha cho 4 đứa trẻ. Không nghề nghiệp ổn định, chị suốt ngày trầm mình xuống kênh rạch trong rừng, trong bưng biền để kiếm con cua, con ốc, mớ rau. Dáng người chị gầy rộc, đôi bàn tay thô ráp, bị nước ăn nham nhở…

Đó là kết quả của những chuỗi ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, dầm mình dưới nước. Chị mò mẫm suốt ngày, người đen nhẻm, nếu không hỏi sẽ không nghĩ chị Thảo đang ở tuổi 39.

Cực khổ là vậy nhưng ngày nhiều nhất, chị chỉ kiếm được một trăm ngàn đồng, có ngày chỉ có vài ba chục. Đồng tiền khó kiếm, đến cái nón lá, chị cũng không dám mua để che nắng, chỉ độc nhất một chiếc khẩu trang bịt mặt cũ mèm chị xài đã ba năm. Toàn bộ áo quần chị và các con đang mặc, do người quen thấy thương tình giúp cho, đến gạo ăn cũng vậy.

Cô Tuyết Phượng nói với chúng tôi: “Thấy Thảo khổ quá, tôi thương bốn đứa nhỏ hiếu học, thương Thảo hy sinh tất cả vì con. Có nhiều lúc năm mẹ con không tiền mua gạo, mì tôm từ thiện cũng hết, nhà trống hoắc huơ, tôi mua cho mấy ký gạo, rồi nó hái rau ở đầm, ở trong rạch luộc chấm nước mắm. Có những bữa muối, mắm cũng không có nữa, nhưng chưa ngày nào Thảo cho con nghỉ học… Sáng sớm năm mẹ con đèo nhau trên chiếc xe máy để bọn nhỏ đi học, thấy mà thương. Người Thảo nhỏ thó, các con cũng nhỏ nên năm mẹ con mới chất lên được một chiếc xe”. 

Thấy chị cực, cũng có người nói sao không cho con nghỉ học bớt, cho đỡ phần nào. Chị Thảo lắc đầu, nói không. Bởi với chị: “Đứa nào cũng thương, đứa nào cũng cho ăn học để đời nó thoát khổ”.

Trong ba tháng con nghỉ hè, chị Thảo bươn chải nhiều hơn để chuẩn bị tiền trường, sách vở, đồng phục đầu năm học. Bốn đứa con của chị, hai đứa đầu được miễn giảm học phí, đứa thứ ba đóng 50%, đứa thứ tư đóng 100%. Tiền học phí đầu năm của hai đứa con hết 4 triệu, chưa kể áo quần, tập sách. Đầu năm học này, chị Thảo có thêm những khoản lo khi đứa con thứ hai lên lớp 10, ngoài tiền học phí, phải tốn thêm tiền đồng phục của trường, rồi áo dài, và chi phí lặt vặt kèm theo hàng ngày…

Hỏi chị có xoay xở nổi không? Chị thiệt thà nói: “Không nổi cũng phải ráng. Như mần được, tiền học bổng đầu năm của đứa lớn hoặc ai cho thì mua lần lần, mua từng món, sách vở cho từng đứa. Rồi ai cho thêm thì mua thêm viết nữa, chứ sắm một lần thì không nổi”.

Những đứa trẻ ngoan

Thương mẹ vất vả, đứa con gái lớn của chị Thảo, Trương Ngọc Kiều mặc quần áo từ lớp 10 đến năm nay, lớp 12 mà không dám xin gì thêm. Hai em Trương Ngọc Anh Thư, học lớp 8 và Trương Quốc Duy, học lớp 4 cũng giống các chị, không dám đòi hỏi hay nhắc nhở gì về ngày tựu trường, vì chúng biết mẹ đã cố gắng rất nhiều.

Nghe chị Thảo nói mà thương: “Lặn lội sinh nhai, cực mấy cũng chịu, chỉ sợ mình không có sức khỏe để lo cho con. Mấy đêm bệnh, bốn đứa nhỏ cứ hối mẹ ơi, mẹ đi khám lấy thuốc uống đi. Giờ bệnh ít khám liền thì người ta dễ trị, chứ nặng sao mà trị được. Mẹ mà có gì bỏ tụi con tội nghiệp. Nghe tụi nó nói mình càng thương, càng phải phấn đấu, cố gắng. Nói thật ra, là mình sợ khám rồi lòi thêm bệnh, lo thêm, sợ không có tinh thần mà tiếp tục bươn chải”.

Nhìn nhà mình rách bươm, đứa con lớn của chị Thảo bảo: “Ngày nào hay ngày đó, chứ giờ tụi con biết làm sao. Tụi con đi học, tiền mẹ cho đầu tuần, tuần nào dư tiền là đưa lại cho mẹ, để mẹ xoay xở. Tụi con sợ mẹ cố gắng nhiều quá, mẹ đổ bệnh...”.

Nhà nghèo nhưng được cái các con chị, đứa nào cũng thương mẹ, đứa lớn dạy cho đứa nhỏ học, để mẹ vui có sức mà phấn đấu kiếm sống. Bốn đứa trẻ chia nhau nấu cơm, dọn nhà phụ mẹ, để mẹ có thời gian nghỉ ngơi. Đứa con thứ ba của chị Thảo kể: “Thương mẹ, sáng mẹ chở bốn chị em đi học rồi mẹ về đi vào rừng. Chị em con tan học là mẹ về đi rước. Tối đến thường mẹ không dám đi đặt lợp, hoặc có đi thì cũng chừng một chút rồi về, sợ tụi con ở nhà có chuyện gì biết kêu ai, nhà có ba đứa con gái…”.

Vì nhà đơn chiếc nên chị Thảo nuôi bốn con chó để đêm hôm nó giữ nhà, đó cũng là tài sản của gia đình chị. Những đứa con thương mẹ, biết nghĩ cho mẹ nên bốn chị em bảo nhau phải ráng học, học giỏi, để sau này đi làm, sẽ giúp đỡ mẹ bớt cực khổ.

Ngôi nhà nhỏ nơi mông quạnh nhưng luôn đầy ắp yêu thương. Chúng tôi cảm nhận nơi ấy, những ước mơ thầm lặng của năm mẹ con nghèo luôn là động lực được nuôi dưỡng, lớn dần của mỗi người. Ở đó, mỗi ngày có tiếng nói cười rôm rả của năm mẹ con vang khắp con rạch, xua đi phần nào sự nhọc nhằn của cuộc mưu sinh...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày