Lấy việc giúp người làm niềm vui
Sinh ra trong một gia đình đông anh em (12 người), Cường là con thứ 10. Vì cuộc sống mưu sinh nên vừa học hết lớp 10, anh đã phải nghỉ học, rời quê Sóc Trăng lên TP.HCM làm công nhân. Một thời gian sau, anh lại về Cần Thơ làm việc cho một công ty thuộc Khu công nghiệp Trà Nóc.
Ngồi tâm sự với chúng tôi, Cường kể lại một sự việc khiến anh hết sức đau lòng. Lần đó, công ty có đoàn khách nước ngoài về thăm quan đồng thời kiểm tra hàng hóa, người quản lý vì sợ ảnh hưởng xấu đến “hình ảnh” công ty, liền đi giấu một chị công nhân bị khuyết tật vào tủ chứa đồ. Bất bình trước thái độ kỳ thị, phân biệt đối xử đối với NKT, anh đã quyết định nghỉ việc và bắt đầu tìm hướng đi giúp NKT.
Nghĩ là làm, chàng trai trẻ hăm hở hỏi thăm các nơi, những người có kinh nghiệm, rồi lên mạng tìm hiểu luật lao động cho NKT và những mô hình liên quan đến việc làm hỗ trợ họ… Với niềm đồng cảm và thấu hiểu nỗi khó khăn của NKT trên bước đường tìm kế mưu sinh, lúc nào anh cũng đau đáu suy nghĩ làm sao để giúp NKT dù không có tay nghề nhưng vẫn tìm được chỗ làm ổn định.
Ý tưởng vụt lóe lên khi Cường nhớ lại ngày còn làm trong công ty, mỗi lần tan ca, anh thường thấy công nhân ghé mua vé số rất nhiều, thậm chí còn gửi bảo vệ mua giùm. Từ đó, anh nghĩ ngay đến việc xin các doanh nghiệp, cơ quan cho phép mở một gian hàng vé số nhỏ để NKT vào bán. Tháng 10-2010, việc lập kế hoạch và các bước chuẩn bị cho dự án cơ bản hoàn thành. Để có tư cách pháp nhân, Cường nhờ các chị gái của mình “giúp sức” vay 40 triệu đồng thành lập Công ty
Dự án vừa thực hiện thí điểm được vài tháng nay nhưng bước đầu đã cho nhiều kết quả khả quan. Một số cơ quan, doanh nghiệp mà Cường liên hệ đã đồng ý cho NKT vào bán vé số. “Tìm được nơi có “cá” nhưng tìm NKT để “trao cần câu”, rồi hướng dẫn họ học cách kiên nhẫn chờ “câu được cá” không phải dễ. Nhiều người trước đây đi làm xa nhà quen rồi thì không sao nhưng những NKT ở dưới quê, ai cũng nhát, mình phải xuống tận nhà vận động mãi mới chịu lên bán vé số, họ sợ công việc không ổn định, thu nhập thấp, lại nhớ gia đình, nhớ con không chịu đựng được”, Cường nói.
Đối với Cường, “cuộc sống rất ngắn ngủi, cảm thấy việc giúp người đã là niềm vui, niềm hạnh phúc trong đời”. Với suy nghĩ ấy, Cường khẳng định “sẽ cố gắng theo đuổi phát triển và mở rộng dự án dù bước đầu có gặp nhiều khó khăn thế nào đi chăng nữa”.
Giải bài toán việc làm cho NKT
Mỗi tờ vé số bán ra, tiền huê hồng thu lại được 1.200 đồng/vé, trong đó trích 1.000 đồng cho NKT, 200 đồng còn lại sẽ được trích vào quỹ duy trì hoạt động dự án. Với hình thức này, dự án có thể “tự thân vận động” và phát triển chứ không như những dự án xã hội khác, khi tiền viện trợ không còn thì dự án cũng ngưng hoạt động. Cường tin tưởng dự án khi mở rộng sẽ tạo việc làm ổn định cho nhiều NKT trong một môi trường lành mạnh, đông vui, an toàn và được sống trong sự yêu thương, đùm bọc của mọi người.
Chị Nguyễn Thị Lam (30 tuổi, quê Hậu Giang), bán vé số ở quán cà phê Hợp Phố, đường 30-4, phấn khởi: “Từ ngày vào bán vé số ở đây, công việc của tôi bớt cực nhọc mà thu nhập cũng ổn định hơn. Mỗi ngày tôi bán được 60-70 vé, thu nhập một tháng cũng được ngoài 2 triệu đồng. Anh Cường còn giúp tôi lo chỗ ở, ngoài ra bán trong quán này, tôi còn được chủ quán bao cơm trưa và nước uống miễn phí”.
May mắn hơn là chị Nguyễn Thị Liễu (26 tuổi, quê Vĩnh Long), mới vào bán vé số tại nhà hàng Miền Tây Tửu Quán khoảng nửa tháng nay nhưng mỗi ngày bán được 150 đến 200 vé. “Có hôm đông khách, giao 300 vé bán cũng hết. Việc làm nhẹ nhàng, lại được tiếp xúc với nhiều người, bạn bè nên lúc nào tôi cũng cảm thấy vui vẻ, thoải mái. Trước đây, đi dán đề-can thuê trên TP.HCM, tối ngày ở trong phòng, ít giao tiếp với ai, thu nhập lại thấp chỉ khoảng 1,5 triệu đồng mỗi tháng”, chị Liễu kể.
Anh Lê Minh Đức (27 tuổi, quê Hậu Giang) bị liệt hai chân từ nhỏ, cũng được anh Cường giới thiệu vào bán vé số ở Trung tâm Thương mại Cái Khế gần 5 tuần. Anh Đức kể: “Hồi còn đi làm lắp ráp hàng gia công quạt điện, mỗi tháng chỉ được 1 triệu đồng, không đủ trang trải cuộc sống. Giờ thì an tâm hơn vì bán vé số mỗi ngày cũng được khoảng 60-70 ngàn đồng, ngồi bán từ 6g sáng đến trưa hoặc đầu giờ chiều là hết vé. Hôm qua đông khách, tôi bán đến 9g sáng đã xong”.
Cùng cảnh ngộ khuyết tật, ông Nguyễn Ngọc Châu (ngụ ở hẻm đường 30-4) lúc trước cũng đi bán vé số ở khu vực chợ Cái Khế tâm sự: “May nhờ gặp được anh Cường nên bây giờ tôi không còn phải lo lắng tìm nguồn vé nữa, sáng có người giao vé số tận nơi, chiều có người gom vé dư mang trả, tôi lại còn được cấp cho đồng phục, bảng tên, bàn ghế, dù che và chỗ bán vé. Hồi trước để có vé bán là mỗi lần xoay xở kiếm tiền mặt rất khó khăn”.
Anh Đặng Văn Nam, quản lý cà phê Hợp Phố tâm đắc: “Ngay từ đầu khi nghe anh Cường trình bày về dự án này, tôi và ban giám đốc rất ủng hộ vì thấy dự án có ý nghĩa thiết thực, giúp tạo điều kiện cho NKT việc làm, tự kiếm thêm thu nhập. Chúng tôi đã đồng ý cho hai người vào bán vé số ở trước cổng quán, một người bán ở cà phê Hợp Phố đường 30-4 và một ở chi nhánh gần bến Ninh Kiều”.