GN - Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) thành lập đến nay đã hơn 36 năm, qua 7 kỳ Đại hội, với 6 ban ngành, viện T.Ư, nay đã phát triển thành 13 ban ngành, viện, và hệ thống hành chánh đã phủ khắp 63/63 tỉnh thành cả nước.
HT.Thích Giác Toàn phát biểu tại buổi lễ khai giảng và tốt nghiệp
của Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM năm 2017 - Ảnh: Bảo Toàn
Nổi bật là hệ thống 4 Học viện Phật giáo tại Hà Nội, TP.HCM, Huế và Cần Thơ, đồng thời với hơn 30 trường trung cấp Phật học cùng hệ thống các lớp sơ cấp, gia giáo dành cho người xuất gia. Theo đó, một trong những tâm nguyện của Đức Đệ nhất Pháp chủ - Trưởng lão HT.Thích Đức Nhuận được ngài nêu ra trước khi nhận lời thỉnh cầu của toàn thể đại biểu suy tôn vào ngôi vị Pháp chủ Hội đồng Chứng minh đầu tiên của Giáo hội đã được thực hiện.
Các kỳ đại hội, từ Hội nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam (1981) đến Đại hội VI đều được diễn ra theo truyền thống. Đại hội VII được gắn với chủ đề “Kế thừa - Ổn định - Phát triển”, và đây là lần đầu tiên sự kiện trọng đại của Giáo hội 5 năm diễn ra một lần có chủ đề. Nghị quyết hội nghị kỳ 5 - khóa VII của TƯGH đồng thuận chọn chủ đề “Trí tuệ - Kỷ cương - Hội nhập - Phát triển” cho Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2017-2022.
Trí tuệ trong đạo Phật, nói một cách phổ quát, đó là thấu hiểu tính vô thường của cuộc đời; do vô thường nên không có tự ngã, không có sự thường hằng bất biến. Thấu hiểu như thật nên hành giả không hề sợ hãi, lo lắng hay sống thực dụng, mà nỗ lực tu tập, cống hiến và dấn thân mà không bị vướng danh lợi tầm thường, như tinh thần bài kệ “Thị tịch” của Thiền sư Vạn Hạnh (938-1025), vị Quốc sư đời Lý được tôn vinh là kiến trúc sư trưởng của kinh đô Thăng Long - Hà Nội ngày nay: “Thân như điện ảnh hữu hoàn vô/ Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô /Nhậm vận thịnh suy vô bố úy / Thịnh suy như lộ thảo đầu phô” (Thân như ánh chớp hoàng hôn / Ngàn cây xuân thắm thu buồn mênh mông / Dòng đời suy thịnh... có không / Thịnh suy như giọt sương đông đầu cành).
Kỷ cương với một tổ chức tôn giáo không giáo điều và áp đặt như Phật giáo, thì giới luật là nội dung định hướng căn bản. Phật giáo chủ trương sự sống là duyên sinh, và qua những đúc kết lịch sử hơn hai ngàn năm gắn bó mật thiết với dân tộc, sự cống hiến của Phật giáo trọn vẹn chỉ khi nào những người Phật tử, cả xuất gia lẫn tại gia, dấn thân phụng sự nhưng không đánh mất giới luật đã tự nguyện tiếp nhận như pháp. Giới luật - nguyên tắc đạo đức giải thoát chính là điều mang lại lợi ích cho xã hội, là chất liệu làm nên truyền thống “hộ quốc an dân” mà chúng ta tự hào.
Trí tuệ và kỷ cương có thể ví như hai cánh khiến cho con chim cất cánh lên bầu trời cao rộng, và giữ được sự cân bằng trên không trung, dẫu có gặp phong ba bão táp. Hay nói cách khác, đó chính là điểm tựa, là nền tảng - kim chỉ nam cho mọi sự dấn thân, làm nên chất liệu Phật sự trong mọi suy nghĩ, lời nói và hành động, ở mọi lĩnh vực phù hợp với yêu cầu chung, vì lợi lạc thực sự cho số đông, nhất là đối với cộng đồng dân tộc.
Đó cũng là chất liệu để Giáo hội chọn làm yếu tố “bất biến” trong lộ trình hội nhập và phát triển của mình, trong bối cảnh chung của đất nước đang có những sự tích cực chỉnh đốn, đổi mới và sắp xếp lại bộ máy lãnh đạo của cả hệ thống chính trị.
Với tinh thần đó, chúng ta kỳ vọng sự thành tựu từ Đại hội VIII của GHPGVN sẽ đem lại nhiều khởi sắc thực sự, xứng với một tổ chức tôn giáo của dân tộc, kế thừa lịch sử hai ngàn năm Phật giáo Việt Nam.
HT.Thích Giác Toàn