Một số suy nghĩ đằng sau vài con số của Vesak 2008

Một số suy nghĩ đằng sau vài con số của Vesak 2008
Đại lễ Phật đản Liên Hiệp quốc 2008 tại Hà Nội vừa qua là một biến cố cực kỳ to lớn trong lịch sử của Phật giáo Việt Nam. Lớn về ý nghĩa, lớn về tổ chức và lớn về tác động lâu dài của nó trong mạch sống của Phật giáo nước ta.

 Nhưng nó chỉ có thể lớn hơn “lớn” nếu sau những ngày Đại lễ huy hoàng đó, ta tiếp thu được từ trí tuệ của bạn bè đồng đạo khắp nơi, thông qua nội dung của các cuộc hội thảo, mà tổng hợp để rút ra được những bài học hầu vận dụng vào hiện thực của hoàn cảnh Phật giáo nước ta. Không rút ra được những bài học đó thì Đại lễ sẽ chỉ là một lễ hội tốn rất nhiều tiền của, tốn rất nhiều công sức, bay vèo trong một tuần lễ và sẽ để lại rất nhiều ngẫn ngơ và tiếc nuối cho tứ chúng. Và các bài tham luận quý giá sẽ chỉ là những nốt bytes vô ích nằm im lìm trong các ổ cứng của máy vi tính vô hồn.  
 
Thật vậy, thông qua bảy chủ đề hội thảo mà Ban Tổ chức đề xướng, bảy chủ đề mà nội dung của chúng bám chặt vào những vấn nạn đang và sẽ tác động sâu sắc lên từng con người cá nhân cũng như con người xã hội trên hành tinh này, các tác giả có bài tham luận đã cống hiến trí tuệ và kinh nghiệm quý báu cho Phật giáo Việt Nam. Vậy thì ta phải làm gì để xứng đáng với cống hiến của họ, với kỳ vọng của họ, với niềm tin yêu của họ. Và nhất là kỳ vọng và tin yêu của Chính phủ và đồng bào nước ta.   
  
Tôi thật sự hy vọng rằng Giáo hội PGVN sẽ thành lập một Ủy ban ở cấp trung ương, huy động những bộ óc sắc bén nhất, trong và ngoài Giáo hội, để nghiên cứu, đánh giá, và sàng lọc nội dung các bài tham luận hầu rút ra những bài học để cụ thể từng bước vận dụng vào chính sách phát triển cho Phật giáo Việt Nam trong nhiều năm sắp tới. Ủy ban đó cần hoàn tất ít nhất là ba công tác sau đây: (i) Thiết lập và duy trì mối quan hệ trí thức và ân tình đồng đạo với các bạn bè nước ngoài đã đến tham dự và đóng góp cho PGVN; (ii) Hoàn tất phần Việt dịch và phổ biến rộng rải tất cả các bài tham luận của bảy buổi hội thảo cho cả nước cùng tham khảo sử dụng; và (iii), quan trọng hơn cả, phân tích, đánh giá và tổng hợp những nghiên cứu và đề xuất nào ứng dụng được cho Phật giáo Việt Nam trong thời đại nhiều cơ hội mà cũng lắm cạm bẫy này.
 
Ai cũng biết đó sẽ là việc Giáo hội cần làm và phải làm. Và ai cũng đồng ý đó là tâm nguyện của cấp lãnh đạo Giáo hội khi quý ngài được tứ chúng cả nước đề cử vào vai trò lãnh đạo Giáo hội cách đây chưa đến nửa năm tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI vào tháng 12 năm ngoái tại Hà Nội. Trong khi chờ đợi kết quả của công việc rất cần thiết đó, người viết xin được tiếp cận những bài tham luận đó dưới một góc độ khác. Góc độ thống kê định lượng để tìm đàng sau số lượng bài tham luận, ta đã thấy thấp thoáng được những “vấn đề” gì của Phật giáo Việt Nam.
 
Sử dụng công cụ thống kê trong trường hợp này, bài viết có ba giới hạn:
 
• Giới hạn về dữ kiện: Nguồn thông tin duy nhất mà người viết sử dụng là từ “Trang Hội thảo” của webpage chính thức của IOC [1] tính cho đến ngày 31 tháng 5 năm 2008.
• Giới hạn về phương pháp: Bài viết chỉ sử dụng số lượng mà không lý đến chất lượng của các bài tham luận (cũng vì còn khoảng 65% các bài tham luận chưa được dịch ra tiếng Việt) để căn cứ vào đó mà triển khai phần phân tích hầu đi đến những phát hiện của mình.
• Giới hạn về lĩnh vực: Đại lễ Vesak là tổng hợp phức tạp của nhiều hoạt động vật thể và phi vật thể khác nhau. Chỉ lấy một lĩnh vực (hội thảo) để đi đến những kết luận tổng thể, các kết luận nhiều khi thiếu chuẩn xác.
Vì những giới hạn đó, xin bạn đọc xét các “kết luận” của người viết với sự cẩn trọng của một người dân Kalama sau khi được Đức Phật dạy về cách nắm bắt và xử lý thông tin. Tuy nhiên, mặc những giới hạn đó, người viết xin viết bằng tấm lòng của một Phật tử Việt Nam thiết tha đặt hết niềm tin vào tương lai của đạo Phật mình, dân tộc mình. Nên xin khiêm cung, nhưng không ngại ngùng.
 Có tất cả 117 bài tham luận gửi về cho 7 chủ đề của phần hội thảo. Tuy nhiên, chỉ có 99 tác giả (ít hơn 117 vì có người tuy một mình mà viết nhiều bài), và có đến 123 lượt người gửi bài tham dự (nhiều hơn 117 vì có bài do nhiều tác giả cùng viết chung). Vì sự khác biệt đó, người viết sẽ lấy số 117, là lượng bài cụ thể, để làm cơ sở quy chiếu nền thống kê.
 
Trước hết, trong số 117 bài tham luận đó, ta có thể phân loại bài viết theo thành phần tác giả, với phân bố chi tiết theo bảng sau đây:
Phân bố theo Tu sĩ/Cư sĩ và Trong/Ngoài nước
 

Bài viết của

Số lượng

Phần trăm (%)

Quý Thầy thuộc Trung ương Giáo hội, trong nước

9

7,69

Quý Thầy Cô thuộc tổ chức Cơ sở Giáo hội, trong nước

18

15,38

Quý vị Cư sĩ hoặc nhà nghiên cứu, trong nước

5

4,27

Chuyên gia tôn giáo của Chính phủ, trong nước

5

4,27

Tu sĩ chức sắc Giáo hội các nước ngoài

16

13,68

Tu sĩ gốc Việt Nam ở nước ngoài

4

3,43

Học giả Phật giáo người nước ngoài

57

48,72

Cư sĩ gốc Việt Nam ở nước ngoài

3

2,56

Tổng số lượng bài tham luận

117

100,0

   
Trên nền phân bố “thô” này, và chỉ với 8 con số trong bảng, ta rút ra được những kết luận gì:
             
1-     Trước hết là tỷ lệ trong-ngoài: Có 37 bài trong nước và 80 bài ngoài nước. Tỷ lệ 46% (37/80) này là quá lớn với tư cách của người chủ nhà đăng cai tổ chức, và khi so sánh số lượng cũng như mặt bằng tri thức của tứ chúng của Giáo hội PGVN với cộng đồng PG thế giới. Ta nhiều không phải vì ta giỏi đâu, tại vì đáng lẽ với sự tham dự của 74 quốc gia và vùng lãnh thổ, đóng góp của bạn bè nước ngoài phải lớn hơn rất nhiều. Cái gì đã làm cho bạn bè đóng góp ít thế, hay tại ta chưa tạo được uy tín tri thức để họ tham gia diễn đàn. Hay tại trong quá khứ, ta chưa quan tâm đúng mức đến chính sách đối ngoại, dù ta đã nói đến rất nhiều, quá nhiều, đến xu thế hội nhập và toàn cầu hóa.
 
2-     Đặc biệt đối với Tăng sĩ và Cư sĩ gốc Việt Nam ở nước ngoài, chỉ với 7 bài, nghĩa là 6% (7/117), gửi về tham gia hội thảo thì đó là một con số quá nhỏ. Nhất là khi so sánh với con số  42% (41/98) [2] bài cũng của thành phần này, chỉ mới cách đây hai năm, khi Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố HCM  tổ chức Hội thảo quốc tế “Phật giáo trong Thời đại mới” vào tháng 7 năm 2006. Hoặc chỉ cần đọc báo chí Phật giáo và các website Phật giáo trong nước,  chỉ trong 3 tháng vừa qua, ta cũng đã thấy số lượng Phật tử nước ngoài (có tiêu chuẩn nghiên cứu tầm quốc tế) đã đóng góp bài vở cho những định chế truyền thông này là lớn hơn rất nhiều con số 7 bài đó. Cái gì đã làm cho các Tăng sĩ và Cư sĩ gốc Việt này chọn lựa “trái khoáy” như vậy: Hợp tác với một bộ phận của Giáo hội chứ không với toàn bộ Giáo hội? Có phải Giáo hội có vấn đề về “hình ảnh” của mình phóng chiếu ra nước ngoài không? Hay do tác động của những yếu tố khác ? Với khoảng gần 1 triệu Phật tử ở nước ngoài (trên hơn 3 triệu Việt kiều) mà khả năng trí tuệ không phải là nhỏ và thấp, chính sách của Giáo hội là gì mà kết quả … thê thảm thế !
 
3-     Tỷ lệ Cư sĩ / Tăng sĩ trong nước: Có 5 bài của Cư sĩ và 27 bài của quý Thầy Cô. Tỷ lệ 18,5 % (5/27) là quá nhỏ nếu đặt nó trong khuôn khổ của các chủ đề hội thảo. Đành rằng đây là buổi hội thảo của Phật giáo cho Phật giáo, nhưng nội dung 7 chủ đề nêu lên, và kích thước của nó, là vận dụng Phật pháp để đối trị với những vấn nạn đời thường, tác động lên toàn nhân loại chứ không phải chỉ tác động lên Phật tử mà thôi (chiến tranh, công bằng xã hội, phát triển kinh tế, môi trường, gia đình, giáo dục và kỹ thuật số), nên ngoài kiến thức nền tảng Phật pháp còn phải có hiểu biết về các chuyên ngành liên hệ mà chỉ Cư sĩ mới quen thuộc. Cho nên tỷ lệ này nếu không phải là một nửa thì cũng không nên quá ít như 18.5% vừa qua. Cứ nhìn ngay tỷ lệ số lượng các bài tham luận Cư sĩ / Tăng sĩ nước ngoài trong hội thảo thì rõ: 300% (60/20)! Điều nầy thật hiễn nhiên vì ở hầu hết nước ngoài, vai trò cư sĩ là rất lớn. Người viết hoàn toàn không tin lực lượng Cư sĩ trong nước ta thiếu nhiệt tâm cũng như khả năng để hoàn thành các công trình nghiên cứu ngang tầm với các nhà nghiên cứu quốc tế. Vậy thì cái gì đã làm họ vắng bóng trong sinh hoạt trí thức quan trọng này? Truyền thống của Phật giáo Việt Nam ? Chính sách, chủ trương, cơ chế, vận hành của Giáo hội?
 
4-     Một điểm nổi cộm rất xót xa khi nhìn vào chi tiết số lượng các tác giả trong nước, đặc biệt trong thành phần Tăng Ni, ta thấy chỉ có một bài tham luận của quý Ni: Bài “Bạo hành Gia đình” của Ni cô Thích nữ Huệ Liên. Một trên 27 bài là tỷ lệ 3,7% (1/27) trong khi theo tài liệu của Giáo hội, tỷ lệ Ni chiếm 54% trên tổng số 50.000 Tăng Ni trong cả nước. Cái gì đã khiến hơn một nửa lực lượng nhân sự của Giáo hội bị gạt ra khỏi một sinh hoạt tri thức quan trọng của Phật giáo như hội thảo tại Đại lễ Vesak? Kế hoạch đào tạo Tăng Ni (và chính sách nhân dụng sau khi tốt nghiệp) có lý đến tình trạng này không? Bản thân người viết được quen biết với ít nhất là hai Sư cô tốt nghiệp cấp bằng Tiến sĩ ở nước ngoài, và Cư sĩ chúng tôi vẫn thường vào trang web www.nigioingaynay.com  để thu hoạch được rất nhiều lời giảng quý giá từ các bài nghiên cứu có tiêu chuẩn khoa học cao. Vậy thì quý Ni ở đâu trong 7 buổi hội thảo này?  Quan điểm, và do đó chính sách, của Giáo hội đối với bộ phận quan trọng và đông đảo này đã vượt được truyền thống phụ hệ và trọng nam khinh nữ Tống Nho chưa?
 
5-     Ngoài 5 chuyên gia tôn giáo thuộc cơ quan chính phủ, trong số 5 vị tác giả thiện tri thức trong nước, có vẽ như tất cả đều là Phật tử. Thế còn những nhà nghiên cứu ngoài Giáo hội, không phải là Phật tử ở đâu. Chúng ta thường tự hào là 80% dân số nước ta chịu ảnh hưởng của đạo Phật. Chúng ta cũng thường tự hào là Phật giáo đã đóng góp to lớn cho học thuật và văn hóa nước nhà. Vậy thì tại sao chúng ta không huy động được họ tham gia vào một sinh hoạt trí thức quốc tế như hội thảo vừa qua. Việt Nam có 77 trường Đại học, Học viện và Cao đẳng ( http://www.vietnamtradefair.com/dn/gd_dh.htm ), gần 200 viện nghiên cứu và không biết bao nhiêu tập san chuyên ngành. Trong số đó, không thiếu những định chế có (hay chuyên về) các chuyên ngành thuộc khoa học nhân văn, khoa học xã hội, triết học, văn học,... Vậy ta đã làm gì mà mà các nhà nghiên cứu của các định chế này ngoảnh mặt làm ngơ với Phật giáo trong ngày Đại lễ Vesak vừa qua? Phật giáo Việt Nam đang đồng hành cùng dân tộc hay đang tụt hậu, tự cô lập mình khỏi dân tộc?          
 
Trong toán học, với 8 yếu tố, chúng ta có thể đạt được 40.320 tổ hợp (C = 8!, giai thừa của 8). Nghĩa là 40.320 điều đáng cho ta suy gẩm, tra vấn để đi đến những kết luận. Rất nhanh, người viết chỉ xin ghi nhận 5 điều trên, năm điều bức xúc nhất mà ai cũng thấy, như một thao tác gợi mở để đóng góp cho công trình nghiên cứu tương lai của “Ủy ban Lượng giá Hội thảo Vesak” của Giáo hội. Trong nỗ lực ủng hộ Giáo hội đánh giá lại để kiện toàn chính mình …
 
Mong lắm thay...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).
Ví dụ mặt trăng

Ví dụ mặt trăng

NSGN - Tỳ-kheo các thầy phải tu tập giống như mặt trăng, như người mới học, khi đi vào nhà người thì phải nhiếp tâm, kiểm thúc thân, biết hổ biết thẹn, luôn khiêm hạ.
Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày