Một vài suy nghĩ về công tác tổ chức chiêm bái Phật ngọc tại chùa Phật Tích

Có thể, vì quá chú trọng tính vĩ mô và ít lưu tâm tính vi mô trong công tác tổ chức mà vô tình, cơ duyên hành hương chiêm bái Phật ngọc cho hòa bình thế giới của hàng vạn đồng bào Phật tử các tỉnh phía Bắc trở thành việc đi xem Phật ngọc, làm giảm đi tính tôn nghiêm cần thiết trong một lễ hội tín ngưỡng tâm linh quí hiếm, không biết đến bao giờ mới có thể có lại.

Qua 5 điểm triển lãm Phật ngọc tại 4 tỉnh, thành: Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP. HCM, Đồng Tháp, chưa điểm triển lãm nào trên đây khiến cho người viết hăm hở, háo hức hành hương chiêm bái Phật ngọc. Chỉ duy nhất điểm triển lãm tại chùa Phật Tích, Bắc Ninh đã thôi thúc người viết bỏ dở công việc, vượt qua 2000 km, đến chiêm bái Phật ngọc cho bằng được. Cũng chính vì vậy, người viết xin có vài suy nghĩ thiển cận chia sẻ với những ai đã đến hoặc chưa đến chùa Phật Tích chiêm bái Phật ngọc.

h1_resize.JPG
Hàng chục ngàn người hăm hở tập trung về chùa Phật tích
 
Khao khát chiêm bái Phật ngọc

Khao khát chiêm bái bảo vật vô giá của Phật giáo - Phật ngọc cho hòa bình thế giới - của hàng vạn đồng bào Phật tử miền Bắc để cầu nguyện bình an, hạnh phúc cho bản thân, gia đình cũng như cho xã hội là những hình ảnh mà người ta rất dễ bắt gặp, và trông thấy trong những ngày vừa qua tại chùa Phật Tích, Tiên Du, Bắc Ninh.

Ngay từ ngày 15/5, trước ngày khai mạc đại lễ cung nghinh Phật ngọc một ngày, rải rác từng đoàn, từng đoàn người từ Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng v.v đã tập trung về chùa Phật Tích với tâm trạng háo hức, hân hoan, khao khát được chiêm bái Phật ngọc. Họ đi, đứng, nằm, ngồi la liệt trong khuôn viên chùa Phật Tích có diện tích rộng cả chục héc-ta, tọa lạc bên sườn núi Phật Tích rợp bóng cây xanh.

Thật là cảm động khi rừng người hành hương chiêm bái Phật ngọc, trong đó có các cụ già lụ khụ mặc áo tràng nâu, tay lần tràng hạt và đủ mọi thành phần xã hội đội mưa lũ lượt đổ về chùa Phật Tích càng lúc càng tăng lên gấp bội khi giờ phút khai mạc đại lễ cung nghinh Phật ngọc chỉ còn được tính bằng phút, bằng giây.

h2_resize.JPG
Dường như, khách hành hương chỉ lo chụp hình Phật ngọc
 hơn là tập trung tinh thần đảnh lễ Phật ngọc.

Mặc dù suốt thời gian diễn ra đại lễ khai mạc cung nghinh Phật ngọc tối ngày 16/5, trời mưa tầm tã, kéo dài gần 3 giờ liền, nhưng cả chục ngàn người vẫn dầm mưa kiên nhẫn chờ đợi giờ phút trọng đại được thân hành chiêm bái Phật ngọc. Nếu không có lòng khát khao chiêm bái Phật ngọc tận đáy lòng, thiết nghĩ mọi người đã “bỏ của chạy lấy người.”

Ấy thế mà vừa mới kết thúc buổi lễ khai mạc cung nghinh Phật ngọc, hàng vạn khách hành hương đang rạo rực, hăm hở, háo hức quên cả mưa sa bão táp đã bỗng dưng như bị hụt hẫng sau khi ban tổ chức tuyên bố tạm ngưng chiêm bái Phật ngọc, chờ sáng ngày hôm sau mới tiếp tục cho mọi người chiêm bái, đồng thời ngay tức khắc, Phật ngọc được phủ kín bởi “Phật bào”, và điện của cả khu tôn trí Phật ngọc liền bị cúp tối mò như đêm 30.

Quyết định bất ngờ đình chỉ chiêm bái Phật ngọc tại chùa Phật Tích trong buổi tối lễ khai mạc không chỉ là một quyết định thiếu tỉnh táo và phủ nhận trái tim khao khát chiêm bái Phật ngọc của hàng ngàn người không quản đường sá xa xôi, dầm mưa dãi nắng, hao tài tổn sức lũ lượt tập trung về chùa Phật Tích mà có thể, đối với họ, chắc hẳn đó là giờ phút thiêng liêng, trọng đại trong đời.

Dường như, quyết định này vẫn không thể ngăn cản quyết tâm bày tỏ lòng khao khát chiêm bái và thành kính lên bậc đại đạo sư của trời, người - đức Thế Tôn - của hàng trăm người đến từ các tỉnh, thành miền Bắc trước đó. 23 giờ đêm 16/5, bất chấp quyết định đóng cửa chiêm bái Phật ngọc của ban tổ chức, hàng trăm Phật tử lưu lại qua đêm tại chùa Phật Tích hoặc nhà trọ đã tự ý thành kính thắp nến ngồi niệm Phật và cầu nguyện ngay trước tôn tượng Phật ngọc giữa canh thâu sương gió, mưa dầm.

Nhìn quang cảnh lòng người thành tâm chiêm bái Phật ngọc giữa canh thâu mưa gió ấy, người viết vừa không nén nổi lòng xúc động dâng trào nước mắt, vừa cảm thấy trong cổ họng như có cái gì đó nghẹn đắng tiếc thay cho một sự kiện có một không hai  tại chùa Phật Tích!.

Vấn đề sắc phục của lực lượng an ninh, trật tự tại “điểm nóng”

Nói đến công tác tổ chức một hội nghị, hội thảo, lễ hội, lễ đặt đá hoặc lễ khánh thành v.v dù là ngoài thế gian hay trong nhà chùa, các nhà tổ chức không thể không đề cập đến công tác đảm bảo an ninh, gìn giữ trật tự. Trong những dịp lễ như thế, vấn đề giữ gìn an ninh - trật tự, bảo vệ tài sản của mọi người được xem là một công tác cực kỳ hệ trọng.

Bất cứ ai dù khó tính đến mấy cũng không thể phủ nhận sự quan tâm giúp đỡ hết lòng của chính quyền tỉnh Bắc Ninh nói chung, của Sở Công an tỉnh Bắc Ninh nói riêng khi điều động hàng trăm nhân viên an ninh, cảnh sát: giao thông, trật tự, cơ động v.v đến chùa Phật Tích gìn giữ sự bình yên cho mọi người trong suốt thời gian diễn ra lễ cung nghinh, chiêm bái Phật ngọc một tuần ở đây.

Ở đâu trong cũng như ngoài khuôn viên chùa Phật Tích, khách hành hương đều có thể nhìn thấy hình ảnh lực lượng cảnh sát Bắc Ninh với trang phục chỉnh tề, khí giới đầy đủ, vất vả hướng dẫn du khách hoặc gìn giữ an ninh, trật tự trong suốt mấy ngày vừa qua. Tuy không có số liệu chính xác về quân số lực lượng an ninh, cảnh sát Bắc Ninh tham gia bảo vệ an ninh, trật tự trong lễ cung nghinh, chiêm bái Phật ngọc tại chùa Phật Tích, nhưng người viết cũng có thể ước tính con số ấy không dưới hàng trăm.

h3_resize.jpg
Tại “điểm nóng” trung tâm chiêm bái Phật ngọc, sắc phục của lực lượng cảnh sát cơ động và lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp quay lưng vào Phật ngọc  

Nếu lấy con số hàng trăm nhân viên an ninh, cảnh sát đem so với con số hàng vạn lượt khách hành hương lũ lượt đổ về chiêm bái Phật ngọc thì con số hàng trăm ấy chưa phải là đã quá lớn hay quá nhiều. Vấn đề mà người viết muốn đề cập ở đây chính là vị trí “điểm nóng” mà lực lượng cảnh sát cơ động và lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp hiện diện tại “điểm nóng” ấy với bổn phận thi hành nhiệm vụ đã được giao. “Điểm nóng” này chính là khu vực dành riêng cho khách hành hương chiêm bái Phật ngọc tại ngôi chùa cổ được thiết kế theo phong cách kiến trúc chùa Bắc bộ, nơi tôn trí Phật ngọc.

Có lẽ, tâm lý của khách hành hương nào thì cũng giống nhau cả thôi, bởi vì một khi đã phải vượt qua một chặng đường hành hương gian nan vất vả hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn km để đến chùa Phật Tích thì ai cũng đều khao khát, mong mỏi được thân hành chiêm bái Phật ngọc.

Vì vậy, sẽ là rất khó chịu khi họ đến nơi, đứng đối diện trước mặt tôn tượng Phật ngọc và trước mặt mình là hình ảnh rào chắn bảo vệ chuyên dụng bằng sắt sơn mầu đỏ trắng của lực lượng cảnh sát và rào chắn bảo vệ của chính lực lượng cảnh sát cơ động với trang bị đầy đủ dành riêng cho việc chống biểu tình bạo động và khủng bố như: mặc đồng phục cảnh sát, tay cầm dùi cui, đầu đội nón cối, chân đi giầy bốt-lồ-sô đặc dụng, cũng như hình ảnh  nhân viên bảo vệ chuyên nghiệp quay lưng vào mặt Phật ngọc cho dù các nhân viên cảnh sát và bảo vệ chuyên nghiệp ấy có nhiệm vụ bảo vệ Phật ngọc và hướng dẫn du khách đi chăng nữa.

Hình ảnh này hẳn sẽ gây cho khách hành hương cảm giác như có một vấn đề gì đó bất ổn sắp sửa xảy ra tại điện thờ tôn trí Phật ngọc, bởi lẽ sự xuất hiện của lực lượng cảnh sát cơ động thường khiến cho người ta liên tưởng đến nhiệm vụ của họ là chống bạo loạn, khủng bố nhiều hơn là nhiệm vụ bảo vệ Phật Ngọc.

Hơn nữa, nhìn vào hình ảnh phản cảm ấy, khách hành hương có thể nào tập trung tinh thần, tâm trí của họ vào việc đảnh lễ chiêm bái Phật ngọc được chăng? Và nếu hàng vạn khách hành hương không thể tập trung tinh thần vào việc đảnh lễ chiêm bái Phật ngọc thì mục đích trưng bày Phật ngọc để cầu nguyện quốc thái dân an, thế giới hòa bình sẽ đi về đâu?

Qua 5 điểm trưng bày Phật ngọc tại 4 tỉnh: Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu, và Đồng Tháp  hầu như tại các điểm triển lãm Phật ngọc ấy không có lực lượng cảnh sát cơ động đứng làm rào chắn trước tôn tượng Phật ngọc, vậy mà đã có một sự cố đáng tiếc nào xảy ra đâu? Tại sao ban tổ chức không rút ra bài học kinh nghiệm từ các điểm trưng bày Phật ngọc này?

Thiết nghĩ, tại nơi tôn nghiêm, linh thiêng  như thế, lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự cần phải có sắc phục, thái độ phù hợp với truyền thống thiền môn như mặc áo tràng nâu hoặc lam chẳng hạn, chính là tầm nhìn tinh tế cần có của nhà tổ chức khi tổ chức sự kiện mang tính tín ngưỡng tâm linh như sự kiện trưng bày Phật ngọc.

Hành hương chiêm bái Phật ngọc hay đi xem Phật ngọc?

Hầu hết khách hành hương từ các tỉnh, thành phía Bắc về chiêm bái Phật ngọc tại chùa Phật Tích đều tổ chức đi theo đoàn. Mà đi theo đoàn như thế thì dĩ nhiên phải có người đứng ra tổ chức và có  trưởng đoàn chịu trách nhiệm hướng dẫn cả đoàn.

Phatngoc 1_resize.jpg
Cánh phóng viên, nhà báo luôn được chăm sóc kỹ trước lễ đài (ảnh Dân Trí)

Trong những ngày lưu trú tại chùa Phật Tích theo dõi việc chiêm bái Phật ngọc, người viết nhận thấy ban tổ chức đã không thành lập tiểu ban đón tiếp các phái đoàn khách hành hương và tiểu ban xướng ngôn hướng dẫn từng phái đoàn vào chiêm bái Phật ngọc, giống như ban tổ chức cung nghinh Phật ngọc tại chùa Phổ Quang, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh.

Vì không có hai tiểu ban cực kỳ quan trọng này nên việc phân luồng lối vào chiêm bái và lối ra sau khi chiêm bái Phật ngọc không những trở nên không có hiệu quả cao, mà còn thường xuyên tạo ra cảnh vừa lụm thuộm vừa lộn xộn, kém văn minh ngay tại “điểm nóng”, trung tâm chiêm bái Phật ngọc, dù lúc đông người hay thưa người.

Có thể, ban tổ chức cung nghinh Phật ngọc tại chùa Phật Tích cho rằng việc thành lập hai tiểu ban này là không cần thiết vì không có người hoặc vì đây là vấn đề mang tính vi mô, không quan trọng; mà họ chỉ cần tập trung vào các chương trình mang tính vĩ mô, hệ trọng như: lễ khai mạc và bế mạc cung nghinh Phật ngọc, hội thảo về văn hóa truyền thống Bắc Ninh, khóa lễ cầu nguyện của Việt kiều 3 thế hệ v.v.

Nếu ban tổ chức chỉ xem trọng tính vĩ mô mà không để ý tính vi mô trong công tác tổ chức, chắc chắc sẽ phát sinh ra nhiều hệ quả đáng tiếc, ngoài mong muốn. Hệ quả dễ thấy nhất của việc xem trọng tính vĩ mô ấy là biến lễ hội hành hương chiêm bái Phật ngọc trở thành lễ hội đi xem Phật ngọc của hàng vạn người, trong đó có Phật tử kiền thành.

Sự kiện này có thể thấy rất rõ qua một số hình ảnh đã được báo chí trong nước đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng khi khách hành hương đến chiêm bái Phật ngọc chỉ lo chụp hình nhiều hơn là lo chắp tay lễ Phật, cầu nguyện hoặc lo tranh thủ móc tiền trong túi, trong ví dâng cúng giọt dầu tại thùng công đức đặt sờ sờ ngay trước chân tượng Phật ngọc, bởi vì trên thực tế, họ chỉ có 10 giây để thực hiện tất cả mọi việc sau khi đã vượt qua hành trình hành hương truân chuyên, vất vả.

Phatngoc 2_resize.jpg

Phật tử đội mưa để được dự đại lễ khai quang ( Ảnh Dân Trí)

Không những thế, hệ quả nghiêm trọng hơn nữa là nó tạo ra sự phân biệt đối xử giữa Việt kiều ngoài nước và đồng bào trong nước khi ban tổ chức tiếp đón Việt kiều thì nồng hậu, còn quần chúng nhân dân trong nước thì chưa lễ Phật đã mời đi tiếp.

Sáng ngày 16/5, chúng tôi thấy hàng chục đoàn viên sinh viên thanh niên tình nguyện tham gia công tác trang trí cảnh quan bên trong của khuôn viên tôn trí Phật ngọc. Tiếc thay, ban tổ chức đã không biết tận dụng một lực lượng vừa trẻ trung vừa năng động, hoạt bát trong tiểu ban đón tiếp và hướng dẫn các phái đoàn từ các địa phương xa xôi về chiêm bái Phật ngọc để tạo ấn tượng tốt đẹp trong chuyến hành hương chiêm bái Phật ngọc của du khách!

Lời kết

Lễ hội văn hoá, tín ngưỡng tâm linh thì dường như năm nào nước ta cũng tổ chức như: Chùa Hương, Yên Tử… và chùa Phật Tích là địa điểm trưng bày Phật ngọc lần thứ sáu và cũng là lần cuối cùng trong hành trình triển lãm Phật ngọc đầu tiên trên thế giới tại Việt Nam mà chẳng hiểu sao những người yo63 chức  lại chẳng ra những kinh nghiệm quý báu ấy để áp dụng trong dịp lễ này?

Dẫu sao thì cũng cần ghi nhận những nỗ lực to lớn của ban tổ chức lễ cung nghinh, chiêm bái Phật ngọc tại chùa Phật Tích trong việc tổ chức sắp xếp một lễ hội có tính qui mô hoành tráng như thế. Việc thiếu sót ít hay nhiều, nghiêm trọng hay bình thường trong quá trình tổ chức của bất kỳ cuộc lễ nào là điều không tránh khỏi.

Hy vọng, trong tương lai nếu có những sự kiện hiếm hoi như chiêm bái Phật Ngọc thì ban tổ chức nên chú trọng cả vấn đề mang tính vĩ mô lẫn vi mô trong khâu tổ chức, cũng như chú trọng đến việc hành hương chiêm bái của số đông người hơn là chỉ quan tâm đến một thiểu số thành phần nào đó trong xã hội để ý nghĩa tổ chức chiêm bái Phật ngọc cho hòa bình thế giới được thành tựu viên mãn, tốt đẹp, đáp ứng tâm nguyện tha thiết mà người chủ nhân của tôn tượng Phật ngọc hằng mong đợi.  

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Giác linh đài cố Hòa thượng Thích Thiện Toàn tại chùa Thanh Hà

Đà Nẵng: Lễ tưởng niệm Tiểu tường cố Hòa thượng Thích Thiện Toàn

GNO - Sáng nay 30-4 (22-3-Giáp Thìn), môn đồ pháp quyến đã trang nghiêm tổ chức Lễ tưởng niệm Tiểu tường cố Hòa thượng Thích Thiện Toàn tại chùa Thanh Hà (Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng), nguyên Ủy viên Hội đồng Trị sự, nguyên Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.Đà Nẵng, trụ trì chùa Thanh Hà và chùa Pháp Lâm.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1247 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Kiềm chế các căn

GNO - Kiềm chế các căn có nghĩa là đảm bảo rằng chúng hòa hợp với các đối tượng của chúng.

Thông tin hàng ngày