Mùa hoa xoan nở

Mùa hoa xoan nở
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Rét Nàng Bân qua đi, tiết trời ấm hẳn. Gió xuân hây hẩy, nồng nàn thì hoa xoan khắp đường làng, vườn cây quê tôi bắt đầu nở tím sáng trên cây cao từng chùm, từng chùm như ai đó thả pháo hoa.

Mới tới đầu làng mà hương hoa xoan đã thoảng cái mùi ngan ngát, hăng hắc lên mũi từ những hàng xoan tít tắp hai bên đường. Cái mùi thơm ngai ngái ấy làm cho người đi đường cảm thấy khó chịu nhưng với chúng tôi là kỷ niệm của tuổi thơ. Bọn trẻ con chúng tôi đấu võ mồm với nhau về mùa hoa xoan nở, um xùm trong ngõ xóm vẫn không đứa nào chịu thua mới căng chứ!

Chẳng biết thế nào mà cứ hễ hoa xoan nở thì trẻ con trong làng bị bệnh sởi? Hay là cái năm hoa xoan nở của hồi nảo hồi nào đó trúng dịch sởi ở quê tôi? Có lẽ do dịch sởi trùng hợp mùa hoa xoan nở nên đã mang lại cái tên gọi “nổi hoa xoan” khi có đứa trẻ nào mắc phải hay các nốt đỏ thâm tím nổi trên người mà gọi bị nổi hoa xoan? Chúng tôi lăn ta lăn tăn cãi nhau, tranh luận rồi rủ nhau hỏi người lớn cho ra nhẽ đúng sai. Nói nhiều rách việc!

Đúng! Cứ hỏi người lớn thì khắc biết. Chỉ có cái việc cỏn con khi các cây xoan bên lề đường, vườn cây vào mùa ra hoa mà giằng co rồi xì xào to nhỏ. Và thế là lời giải của bài toán về “hoa xoan nở” cũng đã tìm ra đáp số. Những nốt li ti li ti tím lại trên người trẻ con ấy, dân làng tôi gọi là bệnh hoa xoan (sởi). Cuộc tranh luận cũng đã đi đến hồi kết. Đứa thắng cuộc thì hoan hỉ, còn thua cuộc thì mặt bí xị lại. Chỉ có mùa xoan nở mà to chuyện.

Đấy cũng là kí ức một thời về mùa xoan nở. Trong làng, ngõ xóm quê tôi xoan nhiều vô kể, cây xoan cao, thẳng đuột, vỏ tím sậm cứ thế mà to dần, vươn cành, xòe lá, nở hoa từng chùm màu sang sáng, tim tím đung đưa theo gió xuân. Hoa xoan ngộ hơn các loài hoa khác là ra từng chùm cách chỗ bắt đầu dài khoảng 5cm. Hoa bung nở đều ra chụm lại một chùm to kết lại đẹp lắm. Hoa xoan nở thì hấp dẫn các loài kiến hôi chứ lại không hấp dẫn loài ong mật. Dường như ong sợ mùi thơm của loài hoa này thì phải. Kiến hôi (kiến càng) màu đen đen kéo nhau lên làm tổ trên các cành xoan.

Bọn trẻ chúng tôi chẳng hiểu kiến hôi làm tổ khi nào mà sáng ra đã thấy lủng lẳng đầy cây xoan. Những tổ kiến đen đen, xam xám to bằng quả lựu đạn tiếp nối nhau rải khắp tán cây. Hay chúng làm tổ để hút mật hoa nuôi lũ con còn đang trong bọc trứng? Thì ra là thế! Họ hàng nhà kiến chỉ có một đêm mà đã kết nhanh các tổ thật là cừ khôi. Vô tình đứng dưới gốc xoan không hay biết gì, một làn gió xuân chao ngang khéo chùm “lựu đạn” kia rơi trúng đầu thì biết tay với họ hàng nhà kiến.

Hết mùa hoa nở thì trời nắng ấm, mùa xuân đã sắp nhường cho mùa hè nóng nực, oi bức. Cây xoan lại vươn thêm một cành mới. Trái xoan cứ thế mà to dần và chín vàng rồi rụng xuống đất. Nếu chẳng ai ngó ngàng tới thì tự nó mọc ra cây con nhiều vô kể dưới gốc.

Thời nay, cây xoan vắng dần. Thỉnh thoảng mới còn một vài cây lác đác, rải rác quanh làng. Dân làng tôi giữ lại để nhớ về một thuở xa xưa. Hoa xoan xao xuyến nở là báo hiệu rét Nàng Bân đã qua đi nhường cái nắng xuân ấm áp. Và chuẩn bị đón cái gió nóng rát Tây Nam phả vào làng quê thanh bình, yên ả.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

[Video] Lần đầu tiên tổ chức Khoá bồi dưỡng thiết kế truyền thông hướng đến Đại lễ Vesak LHQ 2025

[Video] Lần đầu tiên tổ chức Khoá bồi dưỡng thiết kế truyền thông hướng đến Đại lễ Vesak LHQ 2025

GNO -  Khóa bồi dưỡng diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 21 đến 23-11-2024; với nội dung: Thiết lập truyền thông vào tổ chức sự kiện (Tổng Giám đốc Tập đoàn Truyền thông Square Võ Thành Trung và ông Nguyễn Huy, Giám đốc sáng tạo thuộc Tập đoàn Square đảm trách chia sẻ); Thiết kế đồ họa, nguyên lý và ứng dụng cơ bản...
Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

NSGN - Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni được thành lập vào thời Đức Phật và tồn tại cho đến ngày nay. Trong nhiều thế kỷ, những phụ nữ xuất gia đã thực hành, chứng ngộ và giữ gìn lời dạy của Đức Phật, không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân mà còn cho xã hội nơi họ sinh sống.

Thông tin hàng ngày