Mẹ tôi mùa tháng Chạp

0:00 / 0:00
0:00
GN - Bây giờ đã là tháng Chạp, nỗi nhớ về quê nhà cứ thế hiện hữu, bóng mẹ tôi gầy guộc cứ thế hiện trong tâm trí khiến tôi buốt lòng, rưng rưng.

Mẹ tôi mùa tháng Chạp… Ắt hẳn đó là một mùa mà mẹ vất vả nhất trong năm. Một mùa mà tôi từng ước giá như đừng có trong quỹ thời gian của mười hai tháng trời dài đằng đẵng.

Mẹ và chợ tết quê - Ảnh minh họa/ Thanh Niên

Mẹ và chợ tết quê - Ảnh minh họa/ Thanh Niên

Ở quê tôi thời điểm này lạnh lắm! Trong cái lạnh buốt giá của mùa đông, mẹ vẫn giữ thói quen dậy thật sớm, khi gà trong chuồng chưa kịp gáy và ông mặt trời còn lười biếng đi ngủ. Mẹ thắp đèn, nhóm bếp lửa cho hơi ấm lan tỏa rồi lục tục với những món hàng của mình. Những đống rau, củ đang cần bàn tay mẹ sắp xếp cho vào thúng mủng, gọn gàng mang ra chợ bán. Không chỉ riêng mẹ mà những người phụ nữ trong làng cứ hễ đến tháng Chạp lại cố gắng kiếm thêm một “nghề” gì đó ngoài nghề làm ruộng thường ngày để kiếm đồng ra đồng vào. Sẵn tiện vườn rau nhà mươn mướt, đầy ắp mẹ thu hoạch rồi tự bày biện, gói, bó gánh ra góc chợ quê ngồi bán.

Chợ quê kể tiếng ít người nhưng nề nếp và quy củ đâu vào đấy, mọi người họp chợ từ rất sớm. Cứ tầm bốn giờ sáng đã thấy mọi người đã đông đủ, lao xao kẻ mua người bán. Mẹ tôi ngồi lặng lẽ ở một góc chợ dành cho những người bán rau, củ, co ro trong manh áo bông cũ mèm, qua bao năm độ ấm đã mờ phai, gió luồn vào người lạnh buốt. Có hôm trời lạnh quá, mẹ phải mặc thêm áo mưa vào để cho bớt lạnh.

Đi chợ vào dịp tháng Chạp, nhìn mẹ, nhìn các cô, các dì mới thấy thương làm sao cuộc sống nông dân ở quê vất vả, họ đều một nắng hai sương, thức khuya dậy sớm kiếm từng đồng bạc lẻ, vun vén cho cuộc sống của gia đình. Với mẹ, trong dăm ba ngày Tết, dẫu ít dẫu nhiều con cái trong nhà cũng phải có manh áo mới, có đôi dép để đi, cho nên dù vất vả một chút cũng cố gắng để cho cái Tết cho con cái được vẹn tròn, ấm no.

Những hôm không ra chợ, mẹ lại đội nón ra đồng. Cánh đồng tháng Chạp của mẹ xanh mơn mởn không biết bao nhiêu thứ rau. Rau cải bắp, xà-lách, su hào, thì là, bí đao, cà-rốt… Lối ra đồng của mẹ ướt thẫm bàn chân lạnh buốt, giá sương.

Tháng Chạp, mắt mẹ thâm quầng sâu vì lúc nào cũng thiếu ngủ. Tay mẹ không ngơi nghỉ vì sợ thời gian không đủ để quán xuyến việc nhà, việc chợ, việc Tết sắp đến gần. Mẹ quần quật suốt cả ngày, lo gần lo xa. Mẹ lo Tết nhất đàn con không có mứt ngon, mứt sạch để ăn nên cứ cặm cụi mỗi tối ở trong gian bếp hết nạo dừa, gọt cà-rốt, gọt gừng để sên từng mẻ cho vào túi bóng cất sẵn sàng ở đó. Mẹ chuẩn bị củi gộc khô cho cha nấu bánh chưng, chăm chút từng gốc hoa hồng, hoa cúc trước nhà để Tết có những bông hoa tươi thắm thật đẹp.

Tháng Chạp năm nay mẹ tôi tròn sáu mươi lăm tuổi. Mẹ vẫn còng lưng mỗi sớm mai chăm vườn rau, nuôi dăm ba con gà, con lợn chờ đàn con đi xa trở về nấu cho chúng những bữa ăn ngọt lành.

Tôi như cánh chim non bé nhỏ, mặc dù đã trưởng thành rời xa vòng tay của mẹ nhưng vẫn đang còn chông chênh với chặng đường đời, ngập tràn nỗi lo toan cuộc sống. Mỗi bận tháng Chạp tôi chỉ biết gọi điện về cho mẹ, tỉ tê dăm ba câu chuyện để mẹ bớt tủi hờn, nhớ nhung đàn con đi xa. Trong giấc mơ những đêm tháng Chạp, tôi thấy bóng dáng mẹ dịu hiền bên mái nhà xưa và chị em tôi quây quần bên mẹ, bên mâm mứt Tết nhà nghèo, bên gian bếp, và bên những mùa tháng Chạp bận rộn yêu thương…

Tạp bút Nguyễn Văn Chiến

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Lệ Trang chủ trì, phát biểu tại buổi họp mở rộng - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM sẽ không nhận hoa, phẩm vật chúc mừng tại các hội nghị sắp tới

GNO - Đó là thông báo của Hòa thượng Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM trong buổi họp mở rộng của Ban Thường trực Ban Trị sự TP với các ban chuyên môn trực thuộc, Ban Trị sự TP.Thủ Đức, 21 quận huyện nhằm triển khai các hoạt động Phật sự cuối năm Giáp Thìn, vào sáng nay, 14-12, tại Việt Nam Quốc Tự.

Thông tin hàng ngày