Lê-ki-ma - Ảnh: Internet
Thuở còn học cấp 1, cấp 2 trường làng, tôi và nhóm bạn thường hay rủ nhau đi hái lê-ki-ma, những cây thường mọc ven bờ giậu của những căn nhà hàng xóm. Tất nhiên là xin rồi mới hái chứ không phải… ăn trộm. Hàng xóm tốt bụng nên có khi đến mùa lê-ki-ma đã sắm cả một cây sào để cho tụi con nít chúng tôi hái, khỏi phải trèo lên nguy hiểm.
Nhớ hồi đó, trái lê-ki-ma hái thường là lúc trái vừa chín tới, vàng vỏ nhưng còn cứng, đem về để mẹ nhét một ít muối sống (muối hột) vào ngay cuốn của trái rồi đem giấu trong thùng lúa. Khoảng vài ba ngày trái chín, toả mùi thơm lừng, lột vỏ và cả nhà cùng ăn.
Ăn lê-ki-ma gần giống như ăn lòng đỏ trứng gà, có lẽ vì thế mà người Bắc gọi đây là quả trứng gà. Sau này, khi nghe bài hát về chị Võ Thị Sáu , tôi mới biết rằng cây này còn gắn với tên một người nữ anh hùng: “Mùa hoa lê-ki-ma nở/ Ở quê ta miền đất đỏ/ Thôn xóm vẫn nhắc tên người anh hùng/ Đã chết cho mùa hoa lê-ki-ma nở…” (*). Vì thế tôi càng thấy thích hơn loài cây và quả ô-ma.
Giữa thành phố nhộn nhịp này, hình ảnh những chiếc xe chở đầy lê-ki-ma gợi nhắc về những ngày tuổi thơ, nhắc tôi nhớ về bác hàng xóm tốt bụng và cả cây “ô-ma” mà tôi đã từng ăn trái.
Ở Sài Gòn muốn ăn lê-ki-ma thì mua, dừng lại bên vỉa hè, trả tiền và có cả một túi trái chín, khoẻ, không cần phải giấu trái vàng nhưng dường như khi cắn một miếng không thấy ngon bằng trái ở quê nhà…