Mùa Phật đản đặc biệt

GN - Đại dịch Covid-19 lây lan hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 2,1 triệu ca nhiễm, hơn 14 vạn người tử vong, tại Việt Nam có 268 người nhiễm, trong đó đã khỏi bệnh 177 người (số liệu ngày 17-4). Các nước phải thực hiện các chính sách chưa từng có như tự cô lập, phong tỏa, giãn cách xã hội… nhằm hạn chế sự lây lan của SARS-CoV-2.

Với người con Phật, kỷ niệm Khánh đản Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni năm nay vì thế không rộn ràng với nhiều hoạt động cộng đồng như những kỳ trước. Đây là dịp để người con Phật có những trải nghiệm về lối sống hướng nội bằng sự an tịnh từ quán chiếu nội tâm, hành trì các pháp môn, nhằm lan tỏa năng lượng tích cực, để vượt qua đại dịch bệnh của thế kỷ.

* TT.Thích Huệ Minh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN H.Bình Chánh, trụ trì chùa Thiên Trì (H.Bình Chánh, TP.HCM): “Tạo một không gian Phật đản trong tư gia mình”

unnamed.jpg

Mùa Phật đản năm nay rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, cả nước đang đồng lòng phòng chống đại dịch Covid-19. Người con Phật chúng ta cùng hàng triệu người trên quê hương chung lòng chống dịch, cùng nắm tay nhau bước qua giai đoạn khó khăn nhất của đất nước.

Chúng ta đang thực hiện những nghĩa cử đẹp như: nhường cơm sẻ áo, may tặng khẩu trang, giúp những gia đình khó khăn, thân phận yếu thế, cơ nhỡ… vượt qua những bế tắc trong những ngày cách ly toàn xã hội. Những việc làm thiết thực ấy của người con Phật chính là thể hiện lòng từ bi trong lúc này.

Đức Phật của chúng ta xuất hiện ở trần gian này cũng vì hai chữ TỪ BI. Ngài yêu thương chúng sanh hơn tất cả, vì thế mà thị hiện Đản sinh. Chúng ta đón mừng bước chân xuất thế của Ngài cũng là đón mừng ánh từ quang của tuệ giác và tình thương.

Kỷ niệm Khánh đản Đức Thế Tôn trong thời điểm đặc biệt này bằng sự chia sẻ, cảm thông và cố gắng chung lòng để bảo đảm an toàn, tránh sự lây lan, thì đó cũng là thể hiện lòng tôn kính Ngài trong trái tim của chúng ta.

Phật đản PL.2564, chúng ta không tập trung về lễ đài chính của Phật giáo TP.HCM để được chiêm ngưỡng tôn dung Sơ sinh bảo tướng, không được tắm mình trong không khí uy nghiêm, đầm ấm của hàng vạn trái tim cùng hướng về lễ đài để được cùng cất lên bài sám Khánh đản trầm hùng, thanh thoát… Nhưng, chúng ta vẫn có thể thể hiện lòng tôn kính ấy ở mỗi tự viện, tư gia bằng cách thật đơn giản, chỉ cần tấm lòng thành kính dâng lên Đức Phật.

Đó là cách thể hiện cũng không có gì khác biệt, khi chúng ta biết đặt sự an toàn lên trên hết. Nghĩ lại, nếu không có mùa Phật đản này, chúng ta vẫn còn có thể đón mùa Phật đản khác long trọng hơn. Còn nếu chúng ta bỏ lỡ cơ hội chiến thắng đại dịch Covid-19 trong “thời gian vàng” thì sẽ có những tổn thất rất lớn…

Với Phật tử, tại sao chúng ta không tạo một không gian Phật đản cho chính gia đình mình? Chúng ta có thể làm được điều đó mà do xưa nay vì bận rộn cho việc đi dự lễ ở chùa, chúng ta quên mất.

Phật tử bắt đầu bằng việc dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, trang trí bàn Phật ở giữa nhà, sắp đặt sẵn đèn, nến, hoa quả và nước sạch để tắm Phật, chuẩn bị sẵn quyển kinh tụng về Phật đản. Phía trước nhà có thể treo tấm bandrol nhỏ ghi “Kính mừng Phật đản PL.2564”, nếu không thì ít nhất chúng ta cũng phải có từ 1 đến 3 chiếc lồng đèn treo trước hiên nhà, để góp phần tạo nên không khí của mùa Phật đản hoan hỷ.

Bắt đầu từ mùng 1-4 âm lịch, vào lúc 19 giờ, cả nhà đồng tụng sám Khánh đản, đến ngày rằm tháng Tư, tất cả người nhà cùng lên làm lễ Tắm Phật (theo nghi thức trong kinh - giờ giấc tùy theo điều kiện gia đình).

Sau đó là bữa cơm chay gắn kết tình thân gia đình và cùng nhắc nhau về tấm gương cao đẹp của Đấng Từ phụ. Đây sẽ là cơ hội để con cháu chúng ta tiếp cận những bài đạo đức Phật giáo một cách dễ dàng và hiệu quả hơn.

Với những gợi mở đó, mọi nhà sẽ có được một mùa Phật đản an lành, tràn đầy sự ấm áp, hỷ lạc. Chúng ta cùng chắp tay cầu nguyện cho đại dịch bệnh chóng qua, cuộc sống trở lại bình yên cho đất nước và thế giới.

* NT.Thích nữ Như Hiền, Ủy viên Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, Ủy viên Thường trực Phân ban Ni giới Phật giáo TP.HCM, trụ trì chùa Bồ Đề Lan Nhã (Q.6): “Kết nối năng lượng an lành Kính mừng Đức Phật đản sinh

NTTN Nhu Hien.jpg

Kỷ niệm Khánh đản Đức Bổn Sư năm nay trong bối cảnh toàn cầu đối phó với dịch bệnh Covid-19, khiến cả thế giới lao đao, sinh mệnh con người chưa bao giờ lại rơi vào sự “mong manh” như vậy.

Giữa lúc này, Tăng Ni, Phật tử cùng thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế di chuyển, cấm túc tại chùa, không tập trung đông người… theo chỉ thị của Chính phủ, Giáo hội. Ở một cơ sở tự viện nhỏ, nơi chư Ni chúng tôi tu tập, Phật đản năm nay chúng ta gia tăng tu tập, kết nối nội tâm để cầu nguyện và mang đến sự bình an.

Đại lễ Phật đản năm nay đặc biệt hơn mọi năm, chúng tôi đã thực hiện nghiêm mật các khóa lễ thường nhật nơi bổn tự, chư Ni hạn chế tiếp xúc với Phật tử, tránh tập trung đông người.

Chính vì vậy, chúng tôi gia tăng kết nối với nhau bằng sự an tịnh qua từng thời khóa. Mỗi người tự nhắc nhớ với nhau, xem thời gian này cũng như thời khóa an cư, tăng thời khóa tu tập, tu bồi Giới, Định, Tuệ, khuyến tấn nhau tinh thần tích cực trong đời sống thiền môn.

Kính mừng Đức Phật đản sinh năm nay, chư Ni trải qua thời gian đặc biệt, cùng trải nghiệm giãn cách xã hội nhưng người con Phật thì luôn được kết nối qua năng lượng bình an có được trong tu tập.

Đó là sự quán chiếu, kết nối nội tâm của mỗi người, cũng chính là kết nối với Đức Phật. Kỷ niệm Khánh đản Đức Từ phụ, chúng ta cùng nhau góp nguồn năng lượng bình an nhất, trong những thời khóa lễ tụng kinh cầu an, hành trì Dược Sư, lạy Ngũ bách danh... hồi hướng đến cho tất cả mọi người. 

* SC.Thích nữ Thánh Tâm, Ủy viên Thường trực Ban Thông tin - Truyền thông GHPGVN TP.HCM, Thư ký Ban Quản trị tổ đình Từ Nghiêm (Q.10, TP.HCM): “Dịch bệnh vô tình, người con Phật hữu tình…”

SC.TN Thanh Tam.JPG

Nhân loại đang đứng trước đại dịch bệnh của thế kỷ, trên toàn thế giới ghi nhận hơn 2,1 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2 lây lan đến 210 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Cả thế giới rơi vào khủng hoảng chưa từng có, nhiều người đã mất phương hướng vào cuộc sống, họ phải thốt lên “chuyện gì đang xảy ra với thế giới này?”.

Đại dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp cũng là thời điểm người con Phật trên thế giới Kính mừng Đức Phật đản sinh. Trước lệnh phong tỏa thành phố, hoặc hạn chế sự đi lại, hay là giãn cách xã hội... đó là việc hết sức bình thường để tránh sự lây lan của dịch bệnh.

Với người con Phật, việc ngồi yên để tĩnh lặng cũng là một cách kết nối với Đức Phật, với những người con của Ngài, cầu nguyện cho đại dịch được đẩy lùi.

Chủ trương giãn cách xã hội, ngồi yên để ngăn chặn dịch bệnh lây lan được chư Tăng Ni, Phật tử tiếp nhận hết sức nhẹ nhàng. Bởi lẽ, hàng ngày chư Tăng Ni, Phật tử đã quen với nếp sống thiền quán, sống chậm để quán sát và tiếp xúc với thân tâm.

Kỷ niệm Đức Phật đản sinh PL.2564 - DL.2020, người con Phật có thời gian thực tập và trải nghiệm sâu sắc hơn về phương thức “đi vào bên trong”, khám phá vẻ đẹp nội tâm hơn là hướng ngoại.

Chính vì thế, hàng năm chư Tăng Ni đều phải có ba tháng cấm túc an cư theo lời Đức Phật dạy. “Giãn cách xã hội” qua cái nhìn của Phật giáo cũng có thể gọi là “cấm túc”, thông điệp ngồi yên hay dừng lại đã được Đức Phật truyền dạy trong kinh Angulimala, hay kinh “Người biết sống một mình”… là giúp chúng ta nên dừng lại, dừng gieo rắc những nhân xấu ác với chúng sanh, nên rải tâm từ đến mọi loài hữu tình.

Hoặc kinh “Người biết sống một mình” truyền dạy mọi người không nên tụ tập hý luận, biết sống an trú trong thực tại mầu nhiệm, phù hợp với hoàn cảnh cách ly xã hội hiện nay.

Các kinh dạy về thiền quán như: Tứ niệm xứ, Quán niệm hơi thở… là những phương pháp thiền quán về hô hấp mà Đức Phật đã dạy từ hàng ngàn năm trước, đến thời điểm này vẫn còn nguyên giá trị. Phật tử thân tâm an trú trong chánh niệm, nương tựa vào hơi thở vào ra, làm chủ được chính mình nên vững chãi, tự tin và thanh tịnh.

Mùa Phật đản PL.2564, Phật tử vừa được thực hành “cấm túc” tu tập, vừa hành thiện để báo ân Phật. Chư Tăng Ni, Phật tử các chùa, người dân đồng loạt phát tâm may khẩu trang, nấu thức ăn chay, tặng phát mì gạo sữa bánh đến người bán vé số, bán hàng rong, người già bệnh tật...

Hình ảnh máy ATM phát gạo tự động, cụ bà 97 tuổi vẫn may khẩu trang tặng cho dân quân, các em bé đập ống heo ủng hộ người nghèo, các y bác sĩ ngày đêm túc trực bên giường bệnh, các anh dân quân trong khu cách ly…

Tất cả đều khơi gợi Phật tâm, Phật tính trong mỗi con người chúng ta, thể hiện tâm từ của người con Phật, đã khiến cho tình người ấm áp hơn qua cơn đại dịch vô tình. Vì thế, kỷ niệm Khánh đản Đức Từ phụ năm nay chính là trải nghiệm đặc biệt với người con Phật trên hành tinh này.

* Phật tử Từ Tịnh - Nguyễn Ý Nhi, Gia đình Phật tử (GĐPT) Xá Lợi, Q.3, TP.HCM: “Trau dồi thêm về Phật pháp để bản thân được an lành

Nguyen Y Nhi.jpg

Với tôi, mỗi mùa Đức Phật đản sinh là một dịp vô cùng đặc biệt và thiêng liêng. Năm nay, cả nước đang đồng lòng chung sức hạn chế sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 bằng cách không tập trung đông người, giãn cách xã hội và vì thế, tôi cũng có những trải nghiệm khác biệt trong đời.

Hàng năm, vào những ngày chuẩn bị Khánh đản Đức Bổn Sư, chúng tôi sẽ tới chùa để tập văn nghệ, cùng anh chị em trong GĐPT thiết trí lễ đài Phật đản nhưng năm nay chúng tôi ở nhà dâng lòng thành kính lên Đức Phật từ bi, kính mừng ngày Ngài đản sanh.

Với người trẻ, tôi cũng cảm thấy có chút buồn vì không được gặp trực tiếp các anh chị em GĐPT và không được hòa mình vào không khí hân hoan, thiêng liêng của Đại lễ Phật đản tại lễ đài chính của Phật giáo TP.HCM - Việt Nam Quốc Tự như những năm trước. 

Bù lại, năm nay, tôi sẽ viết thư bày tỏ “Kính mừng Đức Phật đản sinh”, kể về những lần tôi cùng với GĐPT cùng kết đoàn, hòa ái trong những mùa Phật đản trước. Tôi sẽ mở một số bài pháp thoại do chư tôn giáo phẩm thuyết giảng về ý nghĩa Đức Phật đản sanh để có thể hiểu hơn về Đức Bổn Sư của mình. Và trau dồi thêm sự hiểu biết về Phật pháp để bản thân được an lành trong những ngày cả thế giới hướng về kỷ niệm ngày Đức Phật Đản sinh.

* Huynh trưởng Nguyên Châu - Trần Duy Ý, Liên đoàn trưởng GĐPT Long Hưng, Q.Tân Bình, TP.HCM: “Phát động phong trào ‘Phật đản năm nay bạn sẽ làm gì nếu không được đến chùa’’’

Nguyen chau -Tran Duy Y.jpg

Kỷ niệm Đản sanh của Đấng Từ phụ năm nay dù không có phần “hội” nhưng phần “lễ” thì Trung ương GHPGVN đã có thông tư hướng dẫn, Đại lễ Phật đản năm nay sẽ tổ chức đơn giản, gọn nhẹ, tránh tập trung đông người nhưng không kém phần trang nghiêm.

Không như những năm trước, thời điểm này không khí Phật đản đã len lỏi vào các chùa chiền, hoạt động GĐPT đã sôi nổi với các buổi sơ duyệt, tổng duyệt văn nghệ, thiết kế lễ đài Phật đản...

Vì dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, mọi hoạt động Phật sự đều trầm lắng. Để duy trì hoạt động và thắt chặt tình Lam trong những ngày kỷ niệm Đức Phật đản sinh, Ban Huynh trưởng GĐPT Long Hưng thường xuyên tổ chức những buổi họp online, thảo luận các phương hướng sinh hoạt trong tình hình mới.

Trước mắt, Ban Huynh trưởng trong mỗi chiều Chủ nhật bắt đầu từ 14 giờ 30 sẽ làm lễ sám hối trước bàn Phật, sau đó các huynh trưởng chụp ảnh hoặc quay video hoạt động của mình với hastag #conseonha# để đăng lên trang cá nhân và fanpage GĐPT Long Hưng ở chế độ công khai. Như vậy, Ban Huynh trưởng vừa tạo được sự hưởng ứng của các em tham gia chương trình trực tuyến vừa có thời gian ở nhà thực tập, hành trì.

Đặc biệt, GĐPT Long Hưng cũng phát động phong trào “Phật đản năm nay bạn sẽ làm gì nếu không được đến chùa” với các hoạt động tại nhà như: làm lồng đèn, trang trí cờ đèn, thiết trí lễ đài Phật đản tại tư gia; tổ chức thi vẽ “Phật đản với thiếu nhi” dành cho oanh vũ, các bài viết về Phật đản…

Ngoài các hoạt động trên, tại gia đình, mọi người cùng nhau tụng sám Khánh đản vào mỗi tối trong Tuần lễ Phật đản, cầu nguyện thế giới an lành. Chúng ta hãy cùng nhau đón một mùa Phật đản an lành và cùng trao truyền năng lượng cho nhau, dù có dịch bệnh thế nào thì cũng không làm giảm đi nhiệt huyết, lý tưởng của các huynh trưởng GĐPT Việt Nam.

S.Nghệ - N.Danh thực hiện

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ý nghĩa đời người

Ý nghĩa đời người

GNO - Mục đích của đời người là gì? Đây là câu hỏi rất phổ biến mà người ta thường hay hỏi. Có một số người đã trả lời câu hỏi này theo cách của họ, nhưng vẫn chưa làm thỏa mãn các bậc thức giả.
[Video] Tăng Ni, Phật tử TP.HCM về Việt Nam Quốc Tự ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão lũ

[Video] Tăng Ni, Phật tử TP.HCM về Việt Nam Quốc Tự ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão lũ

GNO - Sáng ngày 16-9, tại Trụ sở Ban Trị sự - Việt Nam Quốc Tự, Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM phát động đóng góp ủng hộ đồng bào miền Bắc bị thiệt hại nặng nề do bão số 3 gây ra tại các tỉnh thành phố. Đức Pháp chủ GHPGVN - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng quang lâm phát biểu kêu gọi và đóng góp ủng hộ.

Thông tin hàng ngày