GN - Phật đản - ngày thiêng liêng của những người con Phật, ngày nhân loại chào đón Thái tử Siddharta thị hiện.
Sự ra đời và sự sống của Người đã khơi nguồn cảm hứng, khai sáng cho biết bao thế hệ qua hơn hai ngàn năm nay.
Mùa sen nở - Ảnh minh họa
Tháng Tư âm lịch cũng là tháng thứ hai, tháng mưa, tháng Vesakha theo lịch cổ của Ấn Độ. Vào ngày trăng tròn của tháng này, cách đây 2.639 năm, tại vườn Lâm-tỳ-ni nước Ca-tỳ-la-vệ thuộc Ấn Độ cổ, nay thuộc lãnh địa của Nepal, Đấng Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni đã đản sanh. Theo sử sách ghi chép lại, đại sự nhân duyên hy hữu này được miêu tả rằng mặt đất rung động theo nhiều cách, thiên hoa tung rải, thiên nhạc vang lừng, thiên nhân hoan hỷ…
Từ những bước chân đầu tiên nở lên những đóa hoa sen đến những bước chân tự tại như địa hành thần thông trên khắp lưu vực sông Hằng ngày xưa, không nơi đâu Người qua mà không lưu dấu lòng từ bi, trí tuệ, của Khai, Thị, Ngộ, Nhập Tri kiến Phật.
Đã từ lâu, tại một số quốc gia có tín ngưỡng Phật giáo, ngày trăng tròn của tháng 5 dương lịch được chọn làm ngày Đại lễ kỷ niệm Khánh đản của Đấng Thế Tôn (Đại lễ Vesak), nhưng mãi đến năm 1950, trong Hội nghị lần đầu tiên của Hội Liên hữu Phật tử Thế giới (WFB) mới chính thức đề nghị toàn thể Phật tử trên thế giới chính thức chấp nhận ngày này.
“Có những nước Á châu như nước Sri Lanka, vào ngày Phật đản không có ai bị đói bụng hết tại vì nhà nào cũng để mâm cơm ở trước cửa và bất cứ ai đói bụng cũng đều được mời ăn cơm đó. Trong ngày Phật đản không có ai bị đói vì nhà nào cũng cúng dường cơm, chùa nào cũng cúng dường cơm. Đây là một truyền thống có từ mấy ngàn năm trước, từ thời Đức Thế Tôn.
Tại TP.Huế ở Việt Nam, vào ngày Phật đản gần như không ai giết một con gà, một con vịt. Ngày đó hầu hết mọi người đều ăn chay, khi ra chợ những người bán hàng cũng chỉ bán đồ chay thôi. Đó là một ngày không sát sinh. Trong ngày Phật đản và từ trước đó, nhiều người đã thả chim, thả cá tạo niềm vui và hiến dâng sự sống cho nhiều loài hữu tình. Đó là cách thực tập từ bi để báo ơn Phật. Ngày này, chúng ta thực tập từ bi bằng nhiều cách: không sát sinh mà lại phóng sinh, không trừng phạt mà lại tha thứ. Ngày Phật đản là một cơ hội để cho các nhà cầm quyền có cơ hội phóng thích tù nhân.
Có một người sinh cách đây 2.600 năm mà cách sống của người ấy vẫn còn ảnh hưởng sâu đậm trong xã hội loài người, người đó phải có một nhân cách rất vĩ đại. Chính vì vậy cho nên chúng ta xưng tụng người đó là Đức Từ Bi” (trích pháp thoại Thiền sư Thích Nhất Hạnh, 22-5-2005).
Hạnh phúc thay được làm con của Đấng Từ Phụ, được noi theo bước chân tỉnh thức, từ bi của người. Niềm hạnh phúc tràn dâng trong ánh mắt, trong nụ cười mỗi khi cùng với quý sư cô, sư bác kết hoa, nấu nước thơm, cắm hoa, trang trí lễ đài, phụ giúp hành đường, dọn dẹp chùa chiền trong những ngày này. Niềm hạnh phúc trong ngày Đản sinh như một điều gì đó rất tự nhiên trong tâm thức.
Và hôm nay niềm hạnh phúc kia vẫn còn mới nguyên, trọn vẹn. Rất đỗi bình dị, lắng sâu khi thấy và cùng với các sư anh, sư chị, sư em chuẩn bị, trang trí cho ngày Vesak sắp đến. Để cùng cảm nhận, lắng nghe.
“Phổ môn vọng tiếng triều dâng
Bé thơ xuất hiện giữa lòng đóa sen
Cam lồ một giọt rưới lên
Xuân về trên khắp mọi miền núi sông”.
Mỗi ngày như mọi ngày, mỗi ngày đều là ngày Phật đản, nếu trong tâm mỗi người đều có tâm Phật, nếu trong sự sống của mỗi người đều có tỉnh thức, yêu thương.
Mùa Phật đản đã về cùng mùa an cư kiết hạ của những trưởng tử Như Lai...
Đông Nguyên (Đức)