Năm mươi lăm năm, lại mồ côi tình mẹ...

NS Nhân dân Phùng Há và NS Bạch Tuyết
NS Nhân dân Phùng Há và NS Bạch Tuyết
Cũng là đêm, giụi mắt đi vào giấc ngủ thì có tiếng kêu -ngày xưa, lời nhắn - hôm nay, “Má mày bị xe đụng, má tao biểu về kêu hai chị em mày vô nhà thương liền kìa…”; “Má Bảy mất rồi cô Ba ơi…”.

 Khoảng cách chừng 55 năm, quá nửa đời người, ấy vậy mà gần vô đỗi, sự hụt hẫng tợ như mới hôm qua. Ngẩng đầu, mấy sợi tóc điểm bạc mồ côi. Cúi nhìn, những giọt nước thấm vào lòng đất côi cút. Không biết nỗi đau này là của hôm qua hay ngày nay, chỉ có sự rời xa những con người mình yêu thương cứ nối dài, không ngưng nghỉ…

1. Tám tuổi, tôi mất mẹ, đôi mắt mở tròn nhìn ngắm một giấc ngủ dài. Thân thể má không trầy xước gì nhưng theo lời bác sĩ thì nội tạng bị chấn thương nghiêm trọng. Má chỉ kịp dặn tôi và chị Hai: “Hai chị em ráng đùm bọc nhau mà sống, đừng để người ta mắng là con mất mẹ…”. Một sự nằm xuống có vẻ như nhẹ nhàng nhưng đã thức dậy suốt trong tôi những năm tháng trưởng thành cái nỗi niềm đơn độc đến thấu buốt. Càng gần sự thành công, danh tiếng, bạn sẽ càng nhận ra sự trống trải thăm thẳm của chính mình. Càng về với tuổi già, những ga cuối của cuộc đời, chút tình cật ruột càng đau đáu. Hình như, bạn rất dễ tủi thân…

Ngày đưa con trai duy nhất mới 12 tuổi sang Thụy Sĩ du học, tôi dặn con: “Con bây giờ may mắn hơn mẹ ngày xưa. Ít nhất thì mẹ cũng sống dài hơn bà ngoại. Nhưng không có nghĩa là con sẽ có mẹ bên cạnh mãi mãi. Mẹ chỉ có thể cho con những gì để khi không có mẹ bên cạnh, con vẫn sống tốt, mạnh mẽ và bản lĩnh…”.

Hơn hai mươi năm qua, hình như Val Bảo Giang (tên thân mật của con trai tôi Bảo Giang Valery Baudauin) hiểu và luôn làm theo lời dặn của tôi. Nhưng đằng sau sự an tâm phần nào về con lại thường trực nỗi nhớ quay quắt, cả sự tủi thân làm mẹ mà tôi không có thói quen để giãi bày. Có lẽ, bao nhiêu ngôn từ đẹp nhất, dịu dàng nhất dành cho con, tôi đã trao hết cho những nhân vật của mình, để mấy dịp gần con ngắn ngủi, hiếm hoi, chỉ biết quấn quýt, âu lo và… tự mình mà cứng cỏi, mà mạnh mẽ, mà vỗ về…

Dường như, trong yêu thương, bạn như thể tan ra để sự Cho và Nhận không còn khoảng cách. Trong tình mẹ con, bạn chỉ bận tâm duy nhất mỗi điều, hãy sống hữu ích, hãy tích lũy năng lượng cho cuộc tiếp sức đường trường vì hạnh phúc của con trẻ. Và trên hành trình marathon ấy, bạn cũng chẳng hề quan tâm đích đến hay điểm dừng; càng chạy bạn càng dẻo dai, bền bỉ, can trường, tận tụy. Và chiếc medaille cuối đời chính là tình yêu thương và hạnh phúc của con, không gì khác.

2. Tám tuổi, Trương Phụng Hảo đã cất tiếng hát trong lò gạch để đổi giọng ca thay bằng viên gạch, kiếm tiền phụ nuôi mẹ. Hình như, những trầm luân và canh cánh lòng báo hiếu từ thuở ấu thời là “điềm lành” cho những thành công lẫy lừng của những đứa con sau này. Khi đã trở thành một trong những phụng hoàng của sân khấu cải lương, NSND Phùng Há khẳng định: “Tôi mang ơn cải lương nhiều lắm bởi trước hết cải lương giúp tôi có tiền để nuôi mẹ, trả ơn mẹ…”.

Gặp nghịch cảnh, bị người chồng sa vào nghiện ngập, hút xách đánh đập, bà cố giấu mẹ. Mẹ bà biết, không đành lòng nên bắt cả con gái và cháu ngoại về quê chồng ở Trung Quốc. Nhớ nghề, bà lại giấu mẹ để về Việt Nam được hát. Sau này, khi đứa con gái duy nhất là Lý Bửu Vân, tức Bửu Chánh, thương mẹ, sợ danh tiếng của mẹ bị ảnh hưởng cũng đã giấu luôn mẹ cuộc tình của cô với một người đàn ông ngoại quốc. Ngày căn bệnh ung thư máu di căn, phát họa, Bửu Chánh mới gục đầu tỏ hết nỗi niềm cho mẹ. Khắc nghiệt đến thế là cùng. Chưa kịp nhận hai đứa cháu ngoại thì bà đã một tay lo tang lễ cho con gái duy nhất của mình.

Trong nghề hát, NSND Phùng Há là người thầy, truyền trao những bài học về ca - diễn; nhưng không chỉ thế, bà truyền dạy cả những bài học về đạo lý làm người cho tôi và biết bao thế hệ nghệ sĩ. Nghiêm khắc cũng là bà, ân cần, chu đáo cũng là bà. Có những hôm vãn tuồng, tôi vội vàng lau son chùi phấn để kịp hẹn với bạn bè, bà đến sau lưng nhẹ nhàng bảo: “Làm nghề hát, có mỗi cái mặt nên phải nâng niu nó con ạ. Con thương nó, giữ gìn nó kỹ kỹ chút để còn xài về lâu về dài…”. Rồi bà bày cách chùi mặt sao để vừa sạch vừa dưỡng cơ, không bị chảy, bị xệ sau này.

Tuổi xế chiều, bao nỗi niềm sâu lắng, hễ có dịp thầy trò hàn huyên, bà hồn nhiên hồi ức xen giữa mấy tiếng chắc lưỡi. Thấy tôi bận rộn những chuyến lưu diễn rồi từ thiện, bà cười qua điện thoại: “Lâu quá không ghé thăm tui heng, nhưng tui hông có trách đâu nghen, biết con đi nhiều, còn hát, còn trả ơn được khán giả là má mừng”. Ghé nhà, trong căn phòng riêng tư, bà thỏ thẻ: “Làm nghệ sĩ như má với con, phải may lắm mới có người cảm thông, chia sẻ để đi chung với mình, còn không thì… sống một mình thôi con hả?!”. Rồi bà cười, không quên hỏi câu sau cùng: “Con của con sao rồi?”. Nghe tin tôi đã có cháu nội, bà sung sướng cười, như thể an lòng cho tôi.

Chùa xa vẳng tiếng chuông ngân, Vu lan khói tỏa hương trần gian bay. Mắt im lắng giọt cay cay, Tưởng như đang giữa vòng tay ấm nồng. Tưởng còn được mẹ ẵm bồng, Lần đưa tiễn ở bến sông ngày nào. Mùa xưa nước lũ dâng trào, Mùa nay nước mắt nghẹn ngào rơi rơi. Mẹ đâu còn nữa... Mẹ ơi!” (NT.Khánh An. Đưa con).

12 giờ 35 phút đêm 4-7, rạng sáng ngày 5-7, tôi đón bà trở về chùa. Ngồi ôm lấy gương mặt thanh tú của người nữ nghệ sĩ trọn chín mươi tuổi nghề, tôi điểm tô từng làn môi, nét ngài. Bà ngoan ngoãn, hiền từ, cổ vẫn quấn chiếc khăn tôi tặng mà bà vốn rất thích, mặc chiếc áo dài mà ngày thường bà thường chọn nó trong những dịp trang trọng nhất.

Tụng mấy hồi kinh, tôi thầm lặng tiễn đưa bà về cùng chốn yêu thương.

Năm mươi lăm năm sau, tôi lại là một đứa trẻ mồ côi…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày