Năm Rồng 2012

NSGN - Là người Việt Nam, không ai không nhớ về cội nguồn con Rồng cháu Tiên của mình, nhất là khi thoang thoảng hương trầm của cái Tết năm Con Rồng đang đến. Năm Nhâm Thìn thuộc vị trí thứ 29 trong chu kỳ Giáp Tý. Nếu phép tính Âm lịch bắt đầu từ năm Chu Bình Vương nguyên niên (năm 770 trước Tây lịch) thì trong lịch sử gần 3.000 năm mới có 46 năm Nhâm Thìn. Tết Nhâm Thìn năm 2012 là Tết Nhâm Thìn thứ 46.

Huyền thoại Lạc Long Quân, Âu Cơ có lẽ là hình tượng đầu tiên về rồng của dân tộc. Lạc Long Quân mình rồng, Âu Cơ mình rắn, sau năm Thìn là năm Tỵ, rồng rắn thường đi liền với nhau. Trung Quốc cũng có huyền thoại về Phục Hy và Nữ Oa. Phục Hy mình rồng, Nữ Oa mình rắn, cho nên người Trung Quốc xem đó là hình tượng đầu tiên của họ. Văn hóa của hai dân tộc đều lấy rồng làm cội nguồn của mình. Không phải chỉ có Việt Nam và Trung Quốc, cả Nhật Bản và Triều Tiên đều xem rồng là đặc trưng văn hóa của dân tộc. Đúng là văn hóa rồng không có biên giới.

chines10.jpg

Tuy nhiên, hình tượng về con rồng đầu tiên chẳng biết xuất hiện ở nơi nào của các nước châu Á này?

Khảo cổ học Trung Quốc phát hiện hình tượng con rồng xuất hiện trong vật dụng hàng ngày của họ cách ngày nay 8.000 năm, vào thời kỳ giữa đồ đá mới. Khảo cổ học Việt Nam tuy chưa phát hiện dấu vết về rồng sớm như ở Trung Quốc, nhưng như thế cũng chưa thể cho rằng hình tượng rồng đầu tiên xuất hiện ở Trung Quốc. Biết đâu hình tượng con rồng lại xuất hiện đầu tiên ở Việt Nam cũng nên? Thử nêu một vài lý do sau đây:

1. Người Việt Nam đọc là “rồng”, Trung Quốc đọc là “lủng”. Trung Quốc không có âm “r”, chỉ có âm “l”, Việt Nam vừa có cả hai âm. Như vậy nếu “rồng” bắt đầu từ Trung Quốc thì Việt Nam sẽ gọi “rồng” là “lủng” hay là “long” chứ không thể gọi là “rồng” được. Núi Hàm Rồng ở Sa Pa, cầu Hàm Rồng ở Thanh Hóa… là từ Việt hoàn toàn.

2. Rồng là vật linh thiêng được tập hợp từ đặc trưng của nhiều động vật khác. Như vậy, “rồng” là cái chung, trâu, bò, dê, ngựa là cái riêng. Tư duy của người tiền sử chưa phát triển cho nên thường từ cái riêng đến cái chung chứ không phải ngược lại. Vậy con rồng đầu tiên phải từ con vật nào đó cũng ít nhiều có hình dạng của con rồng sau này. Phải chăng con rồng đầu tiên đó là con “thuồng luồng” (giao long) ở Việt Nam? Người Giao Chỉ vốn gắn bó với sông nước, cho nên thường xăm mình để tránh nguy hiểm khi ở dưới nước.

3. Năm Nhâm Thìn, thiên can là “Nhâm” thuộc “thủy”, địa chi là “Thìn” thuộc “thổ”. Như vậy “Thìn” là rồng thuộc “Thổ”, “Thổ” theo Ngũ hành, vị trí ở trung tâm, có tầm quan trọng nhất. Nhưng “Thổ” (Địa) theo Bát quái là vị trí ở phương Nam. Như vậy hình tượng về con rồng có thể là sản phẩm của phương Nam.

Hình tượng con rồng xuất hiện trước, sau ở đâu chẳng qua cũng chỉ là chuyện trà dư tửu hậu trong ba ngày Tết, có gì quan trọng đâu. Vấn đề quan trọng hàng đầu hiện nay là năm con rồng 2012. Không phải là rồng bình thường đang “hô phong hoán vũ” mà là con rồng đang gặp… đại nạn.

Cái mà thiên hạ gọi là “đại nạn” chỉ là chuyện từ cách tính lịch pháp gọi là “Trường lịch pháp” (Long Count Calendar) của người Maya mà ra cả thôi. Maya là dân tộc ở vùng Trung mỹ, Đông nam Mexico, Bắc Guatamala và Honduras - một dân tộc có nền văn minh vào loại sớm nhất thế giới, đặc biệt là thiên văn học và số học rất phát triển. Người Maya đã sử dụng con số “O” cách ngày nay những hơn ba nghìn năm. Họ tính chính xác thời gian chu kỳ vòng quay của quả đất chung quanh mặt trời là 365 ngày, 6 giờ, 24 phút, 20 giây. Maurice Cotterell, chuyên gia về văn minh Maya tìm thấy nhiều phiến đá hoặc ở cổ miếu có ghi “mật mã”: 1366560. Ông cho rằng đó là con số chỉ ngày, quy ra năm thành 3740. Đó là số năm của một chu kỳ quả đất do người Maya để lại. Như vậy là quả đất đã trải qua 4 chu kỳ, hiện nay là chu kỳ thứ 5. Chu kỳ thứ năm sẽ kết thúc vào ngày 22 tháng 12 năm 2012. Theo người Maya thì từ 0 giờ ngày 21 trở đi mặt trời sẽ không mọc như thường kỳ. Mặt trời và các hành tinh cùng nằm trên một mặt phẳng, từ trường của mặt trời thay đổi, ảnh hưởng mạnh đến từ trường của quả đất. Thời tiết thay đổi đột ngột. Động đất và gió bão gào thét dữ dội và giờ phút cáo chung của toàn bộ văn minh trái đất (End of the World) đã bắt đầu điểm!

Để tăng thêm tính xác thực của phép tính về ngày tận thế của quả đất, người ta còn dùng khoa Kỳ Môn, Độn Giáp của Kinh Dịch để tìm ra quẻ của năm Nhâm Thìn 2012. Kết quả tìm được là:

Trên “Ly” là “hỏa”, dưới “Khảm” là “thủy”. Trên “lửa” dưới “nước” là quẻ “Vị tế”, quẻ cuối cùng trong Kinh Dịch, sau quẻ “Ký tế”. Tất cả các hào trong quẻ đều không trung, chính. Như vậy kết quả tính theo Đôn Giáp của Kinh Dịch cũng phù hợp với cách tính của người Maya. Tính theo Âm lịch là năm Rồng (Nhâm Thìn), ngày Rồng (ngày Bính Thìn).

Người ta còn cho rằng các chùa chiền, tu viện Phật giáo ở Tây Tạng từ lâu đã biết đến điều này. Nhưng họ cho rằng bao giờ cũng có Thần Tăng âm thầm theo dõi và luôn can thiệp giải nguy cho quả đất.

Không phải ai cũng đồng tình với phép tính của người Maya, có người cho rằng nói là phép tính của người Maya nhưng thực ra đó là tà giáo của phương Tây. Hơn nữa, cái gọi là thời gian chẳng qua là cảm giác sai lầm của con người, thời gian tuyệt đối từ Newton đến thời gian tương đối của Einstein là sự sửa sai đầy thuyết phục. Thời gian là sản phẩm chủ quan của con người, trước khi xuất hiện con người làm gì có thời gian. Khái niệm thời gian còn lơ mơ thì làm gì có phép tính gọi là ngày tận thế (End Day)? Cho nên điều đầu tiên trong công trình dịch thuật đầu tiên của Đường Huyền Trang sau khi đi Tây Trúc về, Du Già Sư Địa Luận (Yogacarabhumisastra), là vấn đề “thời gian”.

Thực ra trong cái tất yếu bao giờ cũng có cái ngẫu nhiên. Ngay Maurice Cotterell cũng còn hồ nghi: “Liệu tất cả chúng ta đều sắp chết sao? (Are we all going to die?). Ai không tin thì cứ việc không tin, ai tin thì cũng chẳng sao. Bởi vì phàm cái gì đã sinh ra thì đương nhiên là sẽ mất đi. Quả đất cũng không ngoại lệ, vấn đề là vào thời điểm nào mà thôi.

Phật giáo cho rằng bất cứ sự vật nào tồn tại trên đời đều phải trải qua chu kỳ (kiếp) gọi là “thành, trụ, hoại, không”. Trái đất và sự sống trên trái đất cũng vậy. “Thành kiếp” là sự hình thành ban đầu của sự vật. Ở  “Thành kiếp”, đầu tiên là gió bão dữ dội (Phong luân), tiếp sau là mưa lớn (Vũ luân), tứ đại hình thành. “Trụ kiếp” gồm 20 trung kiếp (mỗi kiếp có 15.998.000 năm). Con người chỉ xuất hiện và tồn tại ở “Trụ kiếp”. Con người có thể là từ ngoài trái đất di cư đến để ăn trái cây chín rộ nơi đây. “Hoại kiếp” cũng có 20 trung kiếp. Cái mà thiên hạ gọi là tận thế, theo Phật giáo là thời kỳ đầu của hoại kiếp. “Hoại kiếp” bất đầu bằng lửa, lửa thiêu cháy hết mọi thứ trên đời. Hết lửa đến mưa, nước ngập khắp nơi. Hết mưa rồi đến gió, gió thổi bay hết mọi thứ chẳng biết về phương nào. “Không kiếp” là từ không sinh ra có. Phật giáo cho rằng sự hình thành và hủy diệt của sự sống trên trái đất hoàn toàn không có sự can thiệp nào của Thượng đế cả. Nguyên nhân của sự hủy diệt chủ yếu cũng do tác động của con người. Ba tai nạn do con người tạo ra, đó là chiến tranh, đói kém và ôn dịch. Sự suy thoái về đạo đức chính là nguyên nhân dẫn đến những tai nạn. Sự hưng thịnh và suy vong của đạo đức là nguyên nhân trực tiếp của sự hưng vong của xã hội (Xem A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận - Abhidharmakosasastra, quyển 12). 

Ngày tận thế của năm 2012 có hay không chưa ai biết được, tuy nhiên, có một điều có thể khẳng định, đó là năm con Rồng 2012 sẽ tạo ra hoặc chuẩn bị tạo ra biến chuyển cực kỳ to lớn. Người ta cho rằng nhân loại sẽ có cuộc sống văn minh, hạnh phúc hơn nhiều. Vài thế kỷ gần đây, những đột biến lịch sử thường xảy ra vào thời điểm cận kề với năm Nhâm Thìn. Hiệp ước Patenotre 1884 đặt ách thống trị của thực dân Pháp lên lãnh thổ Việt Nam và đúng 60 năm sau, 1954 lại phải ký Hiệp định Geneve trao trả độc lập cho dân tộc Việt Nam. Hai sự kiện lớn đều xảy ra hai năm sau năm Nhâm Thìn thế kỷ XIX (1882) và năm Nhâm Thìn thế kỷ XX (1952). Sau đổi mới cực kỳ to lớn của năm Nhâm Thìn 2012 thế kỷ XXI, có lẽ vai trò chủ đạo của cuộc sống lúc bấy giờ không phải là điều kiện vật chất, kỹ thuật mà là lúc năng lượng tinh thần phát huy ưu thế của mình.

Năm Rồng, hướng về Lạc Long Quân, Âu Cơ. Hãy nâng tách trà sen mừng cái Tết đổi mới của đổi mới năm Nhâm Thìn thế kỷ 21 của một dân tộc con Rồng cháu Tiên đang hướng về thời đại “phi Long tại thiên” (Rồng bay lên cao, Kinh Dịch, quẻ Càn, hào Cữu ngũ).

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày