Này trong bể nước Nam ta…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GN - Có thể nói, trong truyền thống Phật giáo các nước Á Đông từ xưa, tín ngưỡng Quán Thế Âm có sự phổ biến cực kỳ sâu rộng trong quần chúng.

Chính từ đó đã làm phát sinh những hình thái văn hóa đa dạng, thú vị gắn liền với sự sùng bái hình tượng Bồ-tát Quán Thế Âm, đặc biệt là việc ra đời và lưu hành các truyện tích trong dân gian. Trong số các truyện tích này, chiếm một số lượng đáng kể là các bản truyện về Công chúa Ba - Quán Âm Diệu Thiện.

Truyện tích này cũng đóng một vai trò trung tâm trong tín ngưỡng Quán Thế Âm tại Việt Nam, nổi bật tại khu vực văn hóa thuộc đồng bằng sông Hồng. Sức ảnh hưởng nổi bật của tín ngưỡng này thể hiện rõ nét ở ngay chính những thánh tích được xem là gắn liền với việc ứng hiện tu hành của Đức Quán Âm Diệu Thiện: khu vực động Hương Tích (nay thuộc huyện Mỹ Đức, TP.Hà Nội).

Đầu năm 2021, chuyên khảo Phật Bà bể Nam - Truyện Quán Âm Diệu Thiện tại Việt Nam của hai tác giả Nguyễn Tô Lan và Rostislav Berezkin được xuất bản. Đây là công trình nghiên cứu gần như công phu nhất cho đến nay nhằm lý giải về lịch sử xuất hiện của tín ngưỡng sùng bái Quán Âm Diệu Thiện ở Việt Nam cũng như hệ thống các văn bản Hán Nôm có liên quan.

Chuyên khảo gồm bốn phần chính. Ngoài phần Dẫn luận khái quát về quá trình lưu hành, phổ biến của truyện Quán Âm Diệu Thiện tại Trung Quốc và Việt Nam, các chương I, II, III tập trung khảo cứu các phiên bản khác nhau của truyện Quán Âm Diệu Thiện thể hiện dưới các thể loại như bảo quyển, tiểu thuyết, truyện thơ Nôm... ở Việt Nam trong khoảng thời gian từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX.

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1123 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1123 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Trong Phật Bà bể Nam - Truyện Quán Âm Diệu Thiện tại Việt Nam, dựa trên những khảo sát cụ thể, các tác giả đã chỉ ra rằng tại Trung Quốc, những văn bản đề cập đến tín ngưỡng Diệu Thiện hầu như không xuất hiện trong kinh điển Phật giáo chính thống. Theo nghiên cứu của học giả người Anh Glen Dudbridge, văn bản sớm nhất liên quan đến tín ngưỡng này là Nhữ Châu Hương Sơn Đại Bi Bồ-tát truyện có mối liên hệ sâu xa đến Đạo Tuyên - vị Luật sư nổi tiếng của nhà Đường.

Đồng thời, với nội dung có sự xuất hiện hóa thân Thiên thủ thiên nhãn của Bồ-tát Quán Thế Âm, sự phổ biến của truyện tích này cũng lý giải phần nào sự phổ biến của hình tượng nghìn mắt nghìn tay trong văn hóa Phật giáo dưới thời Đường - Tống. Sức ảnh hưởng và phát triển của truyện Quán Âm Diệu Thiện còn kéo dài tại Trung Quốc cho đến thế kỷ XIV, với những phiên bản được biên soạn mang nội dung giản lược hoặc bổ sung của các tác giả đời sau.

Tại Việt Nam, theo nhận định trong Phật Bà bể Nam - Truyện Quán Âm Diệu Thiện tại Việt Nam, cùng với việc giao lưu Phật giáo sôi nổi giữa triều Tống (Trung Hoa) với các triều đại Lý -Trần (Việt Nam), “khả năng truyện Quán Âm Diệu Thiện đã được lưu truyền vào Đại Việt bằng một phương thức nào đó, thậm chí là không muộn lắm so với thời điểm nó được phổ hành ở Trung Quốc từ sau thế kỷ XII”.

Thông qua việc khảo sát các tư liệu, tiếp thu và phản biện những công trình nghiên cứu ra đời từ trước, cũng như những dấu tích trong thực tế liên quan đến việc hiện diện các tiếu tượng Thiên thủ thiên nhãn trong hệ thống tượng pháp của những tự viện có niên đại từ thế kỷ XII - XIV, các tác giả đã đưa ra những giả thiết về sự phổ biến của việc tôn thờ Bồ-tát Quán Thế Âm dưới dạng thức nữ tính, cụ thể ở đây là hình tượng Quán Âm Diệu Thiện.

Chuyên khảo này đồng thời cũng tìm cách xác lập một cách rõ ràng thời điểm hiện tướng nữ của Quán Âm xuất hiện ở Việt Nam và sự lưu hành của hiện tướng này trong bối cảnh thờ cúng Quán Thế Âm. Bằng việc phân tích, đối chiếu tư liệu, các tác giả đã khẳng định rằng, thông qua một diễn giải ngắn gọn về việc xây dựng chùa Đại Bi của Thiền sư Huyền Quang năm 1313 ghi lại trong Tam tổ thực lục, đề cập đến tích Quán Âm Diệu Thiện khuyến hóa phụ mẫu theo Phật, có thể bước đầu xác nhận rằng hiện tướng Quán Âm Diệu Thiện đã được lưu hành tại Việt Nam vào thời điểm ấy.

Bên cạnh đó, việc khảo xét thư tịch Hán Nôm hiện tồn đã chứng thực cho việc hiện hành và phát triển của truyện tích Quán Âm Diệu Thiệnvới tư cách một văn bản hoàn chỉnh đã được lưu truyền và tiếp nhận tại Việt Nam từ khoảng thế kỷ XVII và kéo dài liên tục đến đầu thế kỷ XX, khi các văn bản Hán Nôm này dần được thay thế bằng các truyện tíchQuán Âm Diệu Thiệndưới hình thức Quốc ngữ. Quá trình tiếp nhận, lưu hành, phát triển của các văn bản Quán Âm Diệu Thiện đã tạo nên một bối cảnh phong phú trong việc tiếp nhận, tái hiện tri thức, cũng như quá trình bản địa hóa sinh động của Phật giáo tại Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày