GN - "Khi tôn tượng không còn “để thờ” - là loạt bài về sử dụng hình ảnh và tôn tượng Phật giáo với mục đích cá nhân, thiếu tôn nghiêm được đăng kỳ đầu tiên trên Giác Ngộ online, ngay lập tức nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc.
“GHPGVN nên chăng đăng ký bản quyền tôn tượng Phật, Bồ-tát và đưa ra điều kiện sử dụng, không thể chấp nhận việc đưa tôn tượng ra làm “vật trang trí” được”, bạn Nguyen Khac Hiep bày tỏ.
Cảnh tượng quen thuộc ở một cơ sở giới thiệu sản phẩm mỹ nghệ điêu khắc đá - Ảnh: G.Hảo
Bạn đọc Thuận Thư Pháp góp ý: “Mong rằng T.Ư GHPGVN có văn bản quy định về việc tôn trí các tượng Phật, Bồ-tát tại các chùa, tịnh xá, tự viện... Vì có những tự viện, Tăng Ni trụ trì cũng đặt để những tượng Phật trang trí cảnh quan khuôn viên chùa”.
Theo bạn đọc Minh Đức, hình Phật và Bồ-tát của Phật giáo bị in ấn vô tội vạ: trên hộp trà, hộp mứt, nấm hương; sử dụng xong là vất bừa bãi khắp nơi, ven đường, bãi rác, nghĩa địa… “Hình ảnh tôn nghiêm của Phật giáo đang bị lạm dụng một cách thái quá”, bạn Minh Đức bức xúc.
Liên quan tới một thông tin không chính xác - “Không có chuyện cụ bà ăn chay trường thèm ‘bữa cơm ngon’” - do CTV Giác Ngộ ở Quảng Nam cung cấp, bạn đọc khen Giác Ngộ phản ánh rất kịp thời và nhanh chóng. Theo đó, bạn đọc Hang Nina bày tỏ: “Bài báo trên Giác Ngộ online giúp làm sáng tỏ sự việc và để mọi người không hiểu nhầm”. Bạn đọc Cương Phan nhấn mạnh thêm góc nhìn: “Từ bi cần phải có trí tuệ, nếu không sẽ đưa ta vào con đường tội lỗi”.
Bên cạnh đó, Phật tử không bia rượu có thể thành công nơi công sở? - bài đăng trang Tư vấn được nhiều quan tâm từ bạn đọc.
Qua những trăn trở của người hỏi, bạn đọc Bang Huu nói, hoàn toàn hiểu và chia sẻ với bạn Phú Quốc vì “hồi còn trẻ tôi cũng vào hoàn cảnh như bạn và cũng xác định nếu không hợp ăn nhậu, rượu bia, thì khi làm việc có thể mình khác những người xung quanh”. Nhưng theo bạn đọc Bang Huu, là Phật tử và có chánh tín về việc mình làm (quy y, thọ giới), nên đã tập trung vô làm việc, sống chân thật với mọi người; đồng thời trải nghiệm môi trường để xem có hợp với mình hay không và cuối cùng: “Tôi cũng tìm được môi trường hợp với mình”. Đó cũng là lời khuyên của nhiều độc giả khác khi xem nội dung tư vấn của Tổ Tư vấn báo Giác Ngộ.
- Phóng sự: Khi tôn tượng không còn "để thờ" - kỳ 1
- Kỳ 2: Kinh doanh, mỹ thuật & văn hóa tôn giáo
- Kỳ 3: Không có lý do cho sự tùy tiện với ảnh tượng tôn giáo
Tổ CTBĐ