Nên hành xử từ bi với học trò

GN - Trao đổi với PV Giác Ngộ quanh vụ việc thầy Trần Anh Tuấn, dạy môn Hóa học, Trường THPT Nguyễn Huệ (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) đánh học trò, sau đó học trò có phản ứng lại (đánh thầy), chư tôn đức và chuyên gia đều khẳng định như thế. Dưới đây là những chia sẻ thêm về vấn đề “nhạy cảm” này...

a1e2tat.jpg
Thầy đánh trò bôm bốp, sau đó, trò phản ứng - đánh lại thầy
- Ảnh chụp từ clip được tung lên mạng ngày 17-2 vừa qua

TT.THÍCH CHƠN KHÔNG
(Phó Trưởng ban Thường trực Ban HDPT GHPGVN TPHCM):

1.TT.ThichChonKhong. Vũ Giang.jpg

Ảnh: Vũ Giang

- Với tinh thần tôn sư trọng đạo theo truyền thống dân tộc thì học trò không được phép đánh lại thầy, vì dù sao cũng là thầy. Thầy cũng là người cha tinh thần của mình nên phải có lòng quý trọng. Nếu thầy sai thì còn có Ban Giám hiệu, có luật pháp để mà xem xét hành vi của thầy. Còn học trò mà đánh thầy thì không chấp nhận được.

Trong kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt, Đức Phật dạy học trò có năm bổn phận đối với thầy: Một, phải kính nể thầy. Hai, phải nhớ ơn thầy. Ba, phải vâng lời thầy. Bốn, phải hăng hái nhớ nghĩ lời dạy của thầy. Năm, sau lưng thầy phải thường khen ngợi, không được nói xấu.

Trong Phật giáo có những cái dạy bảo rất là xác đáng, phù hợp với xã hội và không trái với truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc. Kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt là bộ kinh dạy đạo làm người, nói lên các mối quan hệ đạo đức xã hội, đồng thời nói lên cách cư xử với nhau nên rất quan trọng.

Tất nhiên, thầy cũng không nên có thái độ bạo hành đối với học sinh, phải có cái nhẫn nhục, có lòng từ bi. Khi học sinh vô lễ với mình, thì phải thương như là con em của mình, quan tâm chăm sóc kỹ hơn về mặt tình cảm và tinh thần, từ từ giáo huấn, tuyệt đối không sử dụng bạo lực trong giáo dục. Những em có hành vi ngang bướng có thể là do trong cuộc sống gặp một số vấn đề khó khăn về mặt tình cảm gia đình hoặc về  kinh tế. Nên vị thầy phải có lòng từ bi, nhẫn nại đối với trò của mình.

Mà trong kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt, Đức Phật cũng có dạy bổn phận của thầy đối với trò đó là, phải dạy học trò cho mau biết, mong muốn học trò hiểu biết, không quên khi học trò có nghi vấn nên giải đáp rõ ràng và mong muốn trí huệ của học trò giỏi hơn thầy.

NS.THÍCH NỮ VIÊN NHÃ
(Giảng viên Học viện PGVN tại TP.HCM):

2.NS.TN.VienNha.jpg

Ảnh: Như Danh

- Người thầy đánh học sinh thô bạo ngay giữa lớp là hành động phản cảm, không tốt, tạo không khí nặng nề trong lớp học. Nhưng ngược lại, học trò đánh thầy giáo lại càng không được, vì đạo đức người Việt Nam khẳng định rằng “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, nghĩa là “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”.

Trong trường hợp học trò chưa ngoan hoặc chưa giỏi, tôi nghĩ người thầy có thể nhẹ nhàng, xử lý công việc một cách êm đẹp hơn - không đưa ra giữa lớp, mà có thể mời em ra ngoài và nói chuyện riêng để hiểu tại sao em đó như vậy, có những vấn đề gì khúc mắc?

Tôi đi dạy cũng được 10 năm, gặp sự chống đối không phải không có. Trong những lúc mình cảm thấy căng thẳng thì phải nhớ phương pháp sư phạm, đồng thời nắm tâm lý của những người đang học, hiểu tâm tư tình cảm của học trò trong lúc đó. Nhiều khi học trò gặp chuyện gì đó không suôn sẻ mà mình xử lý không khéo thì sẽ có chuyện. Lúc đó mình nên xoa dịu cơn nóng trong mình.

Tôi nghĩ, nếu thầy giáo đó là một Phật tử thì chuyện đánh trò sẽ không xảy ra, bởi khi ấy thầy sẽ dùng tình thương để cảm hóa.

 Dù là học sinh trong đạo hay bên ngoài cũng đều có sự chống đối, nhưng ở mức độ nào và mình xử lý như thế nào thì tùy thuộc vào sự khéo léo của thầy cô giáo. Đồng thời, trong những sự cố, tôi nghĩ không thể đổ lỗi hết cho thầy cô giáo cũng như học sinh được. Tôi nghĩ nên có sự dung hòa, hiểu nhau, thông cảm giữa thầy và trò thì những việc không hay xảy ra trong lớp sẽ dễ dàng xử lý, hạn chế những trường hợp như vụ việc phản cảm vừa rồi.

TS Tâm lý NGUYỄN THỊ TỨ
(Giảng viên Khoa Tâm lý Giáo dục - Đại học Sư phạm TP.HCM):

3.TS.NguyenThiTu.JPG

Ảnh: NVCC

- Xem đoạn video clip thầy đánh trò bôm bốp mà báo chí vừa đăng, cộng đồng mạng xôn xao, cảm xúc không tốt trào dâng và cũng thật xót xa khi thấy học sinh đánh lại thầy giáo. Buồn và rất buồn khi phải chứng kiến những vụ việc như vậy. Câu chuyện đã xảy ra, thầy giáo và học sinh đều đã nhận lỗi, tỏ thái độ ăn năn. Họ đều đã sai trong ứng xử. Thầy không ra thầy, trò không ra trò. Tuy nhiên dư luận cũng nên rộng mở để họ có cơ hội sửa sai.

Con đường để giáo dục đạo đức cho học sinh là tác động vào nhận thức, tình cảm và hành vi đạo đức thông qua các hình thức giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội bằng cách cung cấp cho học sinh những tri thức đạo đức đúng đắn, thực tiễn và mang tính thuyết phục hơn. Đồng thời, tăng cường vun đắp tình cảm, đạo đức cho các em thông qua những hành động cụ thể và những tấm gương sáng về đạo đức. Tích cực rèn hành vi đạo đức thông qua các hoạt động trên lớp học và ngoài giờ học.

Muốn thực hiện tốt điều này thì phải có sự kết hợp đồng bộ giữa giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội. Riêng trong trường học mỗi thầy cô giáo phải ý thức rõ nhiệm vụ trọng tâm của giáo viên phổ thông là dạy học và giáo dục đạo đức cho học sinh nên ngoài việc cung cấp kiến thức khoa học thì giáo viên cũng cần lồng ghép các nội dung giáo dục đạo đức vào bài học thông qua chính cách hành xử của bản thân.

Mỗi thầy cô giáo phải là những tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Nhà trường nên rà soát lại nội dung và phương pháp giáo dục đạo đức cho học sinh qua các bài học đạo đức và môn giáo dục công dân.

Như Danh thực hiện

Bài học cho người thầy

Vụ việc thầy giáo Trường THPT Nguyễn Huệ đánh học trò một cách thô bạo và sau đó, học trò phản ứng bằng cách đánh lại thầy giáo được cô Quách Nguyễn Huyền Trân, hiệu trưởng nhà trường xác nhận là đã xảy ra tại trường trong những ngày gần nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua.

Còn ông Đào Đức Tuấn, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định cho biết: “Đây là sự việc rất đáng tiếc, nhưng chúng tôi sẽ xử lý nghiêm. Chúng tôi đã có thông tin ban đầu là giáo viên đã thừa nhận mình sai, thiếu kiềm chế, phụ huynh các em học sinh liên quan cũng đã thừa nhận các em hành xử như vậy là hỗn và ngỗ ngược”.

Trong khi đó, cộng đồng mạng Facebook xôn xao bình luận, phần lớn ngả về phía chưa đúng của người thầy, cho rằng, thầy đánh trò dã man vậy là không đúng với nghiệp vụ sư phạm.

Một bạn trẻ - sinh viên du học tại Úc viết: "Ngày xưa, thầy cô rầy la, trách mắng học trò vì tình thương, sự quan tâm muốn giúp học trò nên người. Vì xuất phát từ tấm lòng như vậy, nên cách quở phạt, roi đòn cũng thể hiện lên sự nghiêm minh, lòng độ lượng và vị thế của người thầy. Đó là bắt học trò nằm sấp trên bàn mà đánh, hoặc khẽ vào tay. Và đương nhiên với ba tính chất ấy mà có thể giáo dục và định hình tính cách của học trò.

Xem vào video clip, các người đàn ông đứng lớp ấy đánh học trò, tát mặt như giang hồ trả đòn thù... thật sự không có vị thế của một người thầy. Trước khi đòi hỏi người khác tôn trọng mình thì bản thân phải tôn trọng người khác, và vị thế của chính mình.

Lỗi này, thật sự nằm ở người đàn ông đứng lớp ấy chứ không phải xã hội băng hoại hay bị ảnh hưởng gì cả... Mà thật sự, mình dạy học trò có áp bức thì có đấu tranh, dạy về lòng thù hận bộc phát... thì hôm nay nhân đã gieo thì quả phải gặt...".

Được biết, tối 17-2, người dùng Facebook liên tục chia sẻ, bình luận về clip thầy tát trò bôm bốp, trò phi thân đánh lại thầy ngay giữa lớp học. Đến 12g trưa 18-2, gần 11.000 lượt người bình luận và 5.500 lượt chia sẻ clip này.

Trên Tuổi Trẻ ngày 19-2, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục TP.HCM nói: "Cá nhân tôi cảm thấy phẫn nộ với cách hành xử của giáo viên trong clip vì thầy giáo đã xúc phạm nặng nề đến nhân phẩm học sinh. Học sinh bậc THPT đang ở độ tuổi vị thành niên, không chỉ nhà trường mà ngay cả trong gia đình, phụ huynh cũng không được hành xử như vậy với con em mình, bất kể vì lý do gì. Và sự phản ứng của một học sinh sau đó bắt nguồn từ cái sai của thầy giáo.

Đây là một bài học đau đớn đối với người làm công tác sư phạm. Giáo dục chỉ phát huy tác dụng khi người thầy tôn trọng và yêu thương học sinh. Đây là yếu tố quan trọng nhất đối với người thầy giáo trước khi xét đến những kỹ năng nghề nghiệp khác nhằm để truyền thụ kiến thức một cách tốt nhất cho học sinh".

Thầy Minh Nghĩa ở TP.Nam Định, tỉnh Nam Định thì nói rằng: "Đối với thầy giáo trong clip ấy, tôi nghĩ đây là bài học đắt giá, suốt đời của mình. Đối với các đồng nghiệp khác của mình, và với bản thân tôi, qua vụ này cũng cần phải học, từ việc lắng nghe dư luận, điều chỉnh bản thân, thể hiện bản lĩnh trong mỗi giờ đứng trên bục giảng để không quên bài học về chữ nhẫn, tình thương với học trò mình...".

Đỗ Thị Hiền tổng hợp

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

[Video] Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

[Video] Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

GNO - Ngày 10-12 (10-11-Giáp Thìn), sau Đại nghị lần thứ II Hội đồng Chứng minh, Đức Pháp chủ GHPGVN - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, chư Trưởng lão Thành viên đã quang lâm chánh điện Việt Nam Quốc Tự, dự Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Thành viên Hội đồng Chứng minh đã viên tịch.

Thông tin hàng ngày