GN - Đối với tôn giáo, việc thực hành nghi lễ, cầu nguyện là điều không thể thiếu. Nhưng, thực hành nghi lễ, cầu nguyện, dâng cúng phẩm vật như thế nào để mang lại lợi lạc là một điều cần tìm hiểu để làm cho đúng, nhất là hiện nay, ở một số nơi còn hiện tượng không phù hợp mà báo chí đã phản ánh trong tháng Giêng vừa qua.
Thắp nén tâm hương
Đến chùa, điều tâm niệm đầu tiên của người con Phật, thiện tín nam nữ chính là để thắp nhang lễ Phật. Cây nhang được thắp như một hình ảnh giao cảm tâm linh giữa Phật tử với Đức Phật, chư vị Bồ-tát mà mình kính ngưỡng. Hành động thắp nhang và mùi hương bay lên trong làn khói nhẹ - giúp cho người viếng chùa lắng lòng lại, tạm dừng suy nghĩ để tập trung cho sự thành kính hướng về Bậc Giải thoát - Giác ngộ. Nhờ sự lắng lòng đó mà có thể cảm nhận được năng lượng an lành lan tỏa trong chốn thiền môn cũng như ở Tam bảo đang hiện diện trong mười phương.
Thắp hương vì thế như một nghi lễ - phương tiện để người con Phật cảm nhận về sự kết nối tâm linh. Tuy nhiên, việc dâng hương cúng Phật ở nhiều nơi, nhiều người đôi khi hiểu sai, chưa tìm hiểu kỹ nên đã thực hành một cách thái quá như đốt nhang quá nhiều, ai cũng mua nhang đem tới và đốt cho hết nhang mình mua (dù là cả bó). Chính vì vậy, trong không gian chùa chiền, đặc biệt ở thành phố vốn hạn hẹp diện tích, trở thành nơi có quá nhiều khói, mà khói của nhang hiện nay đa số được tạo mùi bởi hóa chất nên được đánh giá là độc hại cho sức khỏe.
Trong chia sẻ mới nhất trên một tờ báo về vấn đề này, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo VN nhắc lại một nội dung quan trọng của dâng hương trong Phật giáo. Theo ông Sơn, trong Phật giáo, khi đứng trước Đức Phật, thứ dâng cúng cao hơn cả là ngũ phần hương (giới hương, định hương, tuệ hương, giải thoát hương, giải thoát tri kiến hương).
“Kinh Pháp cú có nói đến hương của các loài hoa là không thể bay được ngược chiều gió, trong khi hương của người đức hạnh có thể ngược gió bay muôn phương. Điều này do hun đúc từ công phu tu tập làm cho tỏa hương, và lấy hương đó để cúng dường Tam bảo...”, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn bày tỏ.
Trưởng lão HT.Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ kiêm Giám luật HĐCM trong nghi thức tụng niệm của Đạo tràng Pháp Hoa do ngài biên soạn có đoạn thi kệ: “Đốt nén tâm hương trước Phật đài/ Ngũ phần dâng trọn Đức Như Lai/ Cầu xin nhân loại lên bờ giác/ Hạnh phúc bình an khắp muôn loài...”. Đọc kỹ và suy ngẫm thi kệ sẽ thấy gửi gắm trong đó là lời khuyến tấn người đến chùa phải thực hành lời Phật dạy, để có “hương trong tâm” - là “ngũ phần hương” dâng lên cúng dường. Và tới chùa, đảnh lễ Phật để cầu nguyện điều lành cho bản thân và nhân loại, trong đó quan trọng nhất là “lên bờ giác” - hiểu được đạo, sống đạo, từ đó có hạnh phúc, bình an.
Có một câu nói trong nhà Phật mà hẳn ai cũng biết đó là “Tin Ta mà không hiểu Ta là phỉ báng Ta”, qua đó, Đức Phật nhắn nhủ mỗi Phật tử, thiện tín phải học và tu, bởi không học thì không hiểu đúng thì tu sai, tạo nên hình ảnh xấu trong đoàn thể những người theo Phật là điều nguy hiểm. Dân gian cũng có nhận định về chất quan trọng hơn lượng rằng “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Theo đó, số lượng rất cần thiết cho một đoàn thể, nhưng nếu số lượng nhiều đến mức chen chúc mà không hiểu đạo, lấy tà kiến của mình để thực hành trong cửa chùa thì vô tình lại làm cho nhà chùa “mang tiếng”, làm cho người ngoài nhìn vào hiểu sai về Phật giáo - vốn là triết lý sống đem tới an vui - chứ không phải là nơi cầu đảo, ban phúc giáng họa các kiểu.
Trở lại với chuyện nhang khói dâng Phật, có một ý kiến khá hay trong việc mang nhang tới chùa cúng Phật, đó là nếu đã mua rồi thì khi tới chùa, thấy có người đã đốt trước đó thì có thể để bó nhang vào chỗ quy định, không đốt nữa hoặc nếu muốn chỉ đốt một tới ba cây thôi. Nhang đó, sẽ để nhà chùa, người khác đốt trong các khóa lễ và dịp tiếp theo chứ đừng nghĩ mình mua tới phải đốt mới được chứng, mới thể hiện đủ nghi thức, cũng như lòng thành kính. Luôn nhớ “đốt nén tâm hương trước Phật đài” mới là công đức vô lượng, tâm hương đó chính là sự thực tập đúng và gìn giữ giới luật phù hợp. Và, một trong những sự thực tập đúng là đừng đốt nhang quá nhiều, gây ô nhiễm môi trường, tạo nguy cơ cháy, nổ.
Lễ phẩm cúng dường ra sao?
Nhiều người đọc kinh Vu lan - Báo hiếu hay kinh Dược Sư đều thắc mắc rằng, lễ phẩm được hướng dẫn trong các bản kinh này nhiều vậy, làm sao người nghèo có thể đáp ứng nổi? Tuy nhiên, khi đọc cần hiểu thanh thoát một chút, đó là những lễ phẩm được nêu lên không phải là bắt buộc phải có mà mang nghĩa là dành những điều tốt đẹp nhất dâng cúng Tam bảo. Ngoài phẩm vật cụ thể thì phẩm vật tốt đẹp nhất vẫn là thành tựu giới-định-tuệ của một người nương tựa Tam bảo.
Quan sát dòng người đi lễ và thấy, có nhiều người theo văn hóa tín ngưỡng dân gian đang mang lễ lên chùa giống như đến đình, miễu, tạo nên sự khác biệt văn hóa vùng miền nhưng cũng gây hiểu lầm cho nét văn hóa đi chùa nói chung, vốn thanh thoát, nhẹ nhàng. Nhất là ở phía Bắc, nhiều người đến chùa còn nhét tiền lẻ vào tay Phật, các vị Bồ-tát, A-la-hán và xem đó như một cách “cúng dường” (hay mua chuộc?) cho yên tâm. Cái thấy về hình tướng, ở đâu có tượng thờ thì đều bỏ tiền vì nghĩ… giống người thế tục, sợ các ngài quở; rồi đến việc, nghĩ rằng chư Phật cũng như người mình, cần lễ phẩm để khi nhận được thì mới ban cho bình an, đáp ứng các lời cầu xin của mình. Tâm đó đã được gọi tên là “lấy bụng ta suy ra bụng thánh thần” và được phản ánh nhiều nhưng dường như đã trở thành nếp nghĩ chưa được thay đổi.
Thực ra, không phải lễ phẩm nhiều thì sẽ cảm ứng được mà như đã nói ở trên, sự thành tâm hay phát tâm lớn của mình mới là dấu chỉ của lòng thành. Theo đó, có người cúng nhiều mà mang tâm mong cầu kết quả từ việc làm đó thì cũng chỉ là thể hiện tâm tham cầu, đổi chác.
Có một câu chuyện khá hay về việc tâm thành và định lượng cúng dường không nhất thiết ở chỗ phẩm vật thế này: trong Phật sự đúc chuông đồng, tại buổi lễ gia trì đúc chuông, người đến chùa dâng cúng nhiều tiền, vàng để yểm trợ nhà chùa. Trong dòng người đó có một tín nữ nhà nghèo, vị ấy cũng muốn cúng dường nhưng không có tiền, vàng, tìm quanh thì mới thấy thứ quý nhất mình có chính là chiếc cúc áo bằng đồng. Liền đó, vị tín nữ phát tâm cúng dường cúc áo để góp vào việc đúc chuông. Tuy nhiên, trong quá trình lọc lựa nguyên liệu để đưa vào lò đúc, vì thấy chiếc cúc áo bé nhỏ quá nên thợ đúc đã loại ra, chuông đúc hoàn thành nhưng không kêu.
Vị trụ trì chùa bất ngờ vì chuông đẹp, đúng quy cách do thợ lành nghề đúc mà không kêu nên khấn tìm nguyên nhân. Cuối cùng, trong đêm ngủ, thầy đã thấy Hộ pháp báo tin là vì đã bỏ cúc áo của một vị đại thí chủ (người dốc tài sản quý nhất mình có để cúng dường). Sau đó, nhà chùa phải làm lễ đúc chuông lại, trong đó phải có thêm cúc áo bằng đồng kia thì chuông mới ngân vang.
Câu chuyện dạng “tâm linh mầu nhiệm” này rất đáng để mỗi người học Phật, tin Phật suy ngẫm để thực hành trong đời sống của mình. Có phải cúng nhiều sẽ phước nhiều, sẽ thành tựu được đạo quả? Có thể thấy rằng, để đạo Phật được phát triển, giáo pháp được xiển dương, chư Tăng Ni có điều kiện tu tập, chùa chiền được xây dựng… thì không thể thiếu bàn tay ngoại hộ của Phật tử, tín thí. Nhưng đồng tiền và phẩm vật dâng cúng đó có nguồn gốc từ đâu, là sạch hay không sạch, và hơn hết là tâm dâng cúng: đơn thuần vì muốn Phật giáo được hưng thịnh hay vì mình muốn nhiều hơn số bỏ ra, xem việc cúng như một khoản đầu tư để mai mốt hưởng lại nhiều hơn; hoặc đó là khoản nhỏ bỏ ra trong số tiền mình mon men kiếm được từ sự phi pháp để “cầu an” và “sám hối” mà thôi?