Nếp sống đạo của bà con Ba-na nơi Tây Sơn thượng đạo

GNO - Tổ đình Minh Quang (thôn An Điền Bắc I, xã Cửu An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai), hôm qua, 20-8 đã tổ chức lễ tưởng niệm húy nhật lần thứ 20 Hòa thượng Thích Giác Đạo.

gialai 1.jpg


Thượng tọa Thích Trí Thức đang chia sẻ kinh nghiệm tu học

Thượng tọa Thích Trí Thức, Trưởng ban Trị sự GHPGVN huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) và chư Tăng trong Tông môn; đại diện chính quyền các cấp và hơn 100 Phật tử quanh vùng tham dự.

Trong buổi lễ, Thượng tọa Thích Trí Thức đã trao đổi kinh pháp với bà con Phật tử, trong đó có đông đảo Phật tử người dân tộc Ba-na.

Được biết, kể từ năm 1954, tổ đình Minh Quang được cố Hòa thượng Thích Giác Đạo khai sơn, đến nay đã được Thượng tọa Thích Trí An kế thừa, phụng sự Tam bảo, duy trì mạch pháp nơi góc núi Tây Nguyên.

gialai 2.jpg


Đồng bào Ba-na hướng Phật, mạng mạch Phật pháp được kế thế

Tổ đình Minh Quang nằm trên vùng đất Cửu An, một vùng đất lịch sử của dân tộc Việt Nam được gọi là Tây Sơn thượng đạo.

Sử sách viết vùng đất này còn được xem là thủ đô buổi sơ khởi của vương triều Tây Sơn vào thập niên 1770. Nơi đây còn lưu lại dấu ấn của đình thờ Tây Sơn Tam Kiệt (ba anh em nhà Tây Sơn); An Khê Trường, nơi nhà Tây Sơn tập hợp lực lượng, vận động đồng bào Ba-na gia nhập nghĩa quân.

Ngoài ra còn có đình Cửu An được dựng lập khoảng năm 1800, tương truyền nhà Tây Sơn sắc phong cho một vị tướng tài có cống hiến lớn đối với vương triều.

Đình Cửu An bên cạnh núi có tên gọi Hòn Ông Bình, trong thời kháng chiến chống Pháp được sử dụng làm xưởng đúc súng của nghĩa quân Hoàng Hoa Thám. Bị lãng quên nhiều năm, vào năm 1970, đình được xây dựng lại và đã 50 năm nay, bà con xã Cửu An chăm sóc giữ gìn, và các cuộc lễ cúng kiến, tưởng nhớ công ơn các vị anh hùng dân tộc, các bậc tiền nhân có công với đất nước, bảo vệ non sông đều được tổ chức trang trọng ở đây.

gialai 6.jpg


Tổ đình Minh Quang là ngôi chùa quê nhỏ nhắn nơi mảnh đất Tây Nguyên

Tổ đình Minh Quang tuy nhiều năm nay chỉ là ngôi chùa quê nhỏ nhắn, bình dị, phương tiện cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn rất nhiều, nhưng vẫn luôn là nơi nương tựa tâm linh ấm áp của Phật tử trong các xã lân cận Cửu An và thị xã An Khê.

Bà con Phật tử mỗi ngày thường về công quả, tụng kinh học pháp. Những ngày lễ lớn, số lượng bà con về đông, chánh điện không đủ chỗ làm lễ, thì ngoài chái hiên, trước sân, gốc cây đều là chánh điện của bà con.

Thượng tọa trụ trì chia sẻ, những người con Phật nơi đây vẫn mong lắm có một ngày, được tụng kinh, nghe pháp trong một giảng đường vừa đủ rộng và trang nghiêm; hay được chiêm ngưỡng đảnh lễ một tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm lộ thiên.

gialai 5.jpg
gialai 4.jpg


Tín tâm của đồng bào vẫn được dưỡng nuôi hằng ngày

Sau buổi lễ, Thượng tọa trụ trì cũng có chuẩn bị gần 100 phần quà tặng cho mọi người.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày