Nepal: 3 truyền thống Phật giáo cùng dự Đại lễ Phật đản

GN - Đại lễ Phật đản năm nay tại Nepal đã có một sự đổi thay vô cùng lớn, đó là lần đầu tiên trong lịch sử Nepal, chư Tăng và Phật tử thuộc cả ba truyền thống lớn trong Phật giáo (Nguyên thủy, Đại thừa và Kim Cương thừa) đã cùng nhau dự Đại lễ Phật đản và cầu nguyện cho hòa bình thế giới tại Tudikhel, thuộc trung tâm Kathmandu, vào ngày 10-5. 

Phat-dan-Nelpan-1.jpg


Lần đầu tiên, 3 truyền thống PG ở Nepal cùng dự Đại lễ Phật đản PL.2558

Chương trình buổi lễ có sự tham dự của các bộ trưởng trong nội các chính phủ Nepal, các bậc trưởng lão thuộc các trường phái khác nhau của Phật giáo và các nhà lãnh đạo của các tổ chức ở địa phương, cùng hàng ngàn tín đồ Phật giáo ở Kathmandu và các vùng khác của Nepal đến dự. Hơn một trăm tu viện và các tổ chức Phật giáo khác nhau đã tham gia chương trình. Rõ ràng, chư Tăng là một phần quan trọng của sự kiện mà ở đấy các trường phái khác nhau của Phật giáo kết hợp với nhau theo cách độc đáo như vậy. 

Những người tham gia chương trình hy vọng rằng, những lời cầu nguyện của họ sẽ góp phần tạo ra một môi trường tích cực cho sự lớn mạnh và hòa bình. Suresh Bajracharya, một thành viên thuộc truyền thống Kim Cương thừa nói: “Chúng tôi mong rằng, không chỉ nước ta mà cả thế giới đều được sống trong hòa bình. Tôi cảm thấy may mắn khi được là một phần của chương trình này nhân dịp Đại lễ Phật đản”. 

Giáo sư Tiến sĩ Naresh Man Bajracharya, một học giả Phật học uy tín, đã thay mặt Ban Tổ chức đọc diễn văn chào mừng các vị chức sắc và người tham gia. 

Bộ trưởng Bộ Du lịch và Hàng không dân dụng Bhim Prasad Acharya chính thức khai mạc chương trình bằng cách thắp đèn cúng dường Đức Phật. Ông nói, quan điểm của Đức Phật về công bằng xã hội và khoan dung là quan trọng hơn bao giờ hết. Với tư cách Chủ tịch Quỹ Phát triển Lumbini, ông nói thêm, năm nay chính phủ đã đặc biệt quan tâm đến việc cử hành Đại lễ Phật đản ở Lumbini. 

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Narahari Acharya nhấn mạnh đến sự cần thiết của triết học Phật giáo đối với xã hội Nepal hiện tại, một đất nước đang đặt mục tiêu phát triển kinh tế nhưng vẫn đấu tranh với sự nghèo đói. Ông nói: “Triết lý Phật giáo cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc vào các nguyên nhân và biện pháp khắc phục những khổ đau của nhân loại. Hiểu biết của chúng ta về những điều này có liên quan đến chiều sâu trong nhận thức về lời dạy của Đức Phật”. 

Chư Tăng thuộc cả ba truyền thống Phật giáo đồng cất lên những lời kinh cầu nguyện thiêng liêng tại buổi lễ.

Phat-dan-Nelpan-2.jpg


Tu sĩ PG theo truyền thống Kim Cương thừa tại Đại lễ Phật đản PL.2558 - DL.2014

Đại lễ Phật đản đã được các phương tiện truyền thông Nepal khai thác sâu rộng. Đài phát thanh và các kênh truyền hình quốc gia đã có chương trình phát sóng kéo dài một tuần lễ về triết lý của đạo Phật, cuộc đời của Đức Phật và những bài thuyết giảng của Ngài. Đồng thời, Đại lễ Phật đản được tổ chức trên khắp cả nước với các truyền thống Phật giáo khác nhau. Nhiều điểm hiến máu nhân đạo được cộng đồng Phật giáo tổ chức nhân Tuần lễ Phật đản.

Hoàng Lam
(theo Buddhistdoor International)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày