Lần này, những di sản mỹ thuật cổ của mảnh đất Kinh kỳ sẽ được hiện diện trên Đất phương Nam qua một triển lãm mang tên “Nét cổ Thăng Long”, do Viện Mỹ thuật - Trường Đại học Mỹ thuật VN tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh.
Chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, kỷ niệm 85 năm thành lập trường Đại học Mỹ thuật VN, “Nét cổ Thăng Long” sẽ chính thức mở cửa vào ngày 18.7 và kết thúc ngày 30.7.
Vịnh Tháp Bút Giữa chốn Đông Đô, đất Long Thành Bên hồ có tháp Tả Thiên Thanh Cổ nhân sao chữ nhiều như thế Viết chuyện trần gian lên trời xanh. ĐỖ ĐỨC KÍNH |
Hơn 100 bức ảnh tư liệu kiến trúc và điêu khắc cổ là những tư liệu đặc biệt giá trị được chọn lọc từ hơn 20 di tích điển hình của Hà Nội sẽ mang đến cơ hội chiêm ngưỡng để công chúng yêu nghệ thuật tại thành phố phương Nam thấy được một hình ảnh Thăng Long cổ kính với nhiều vết tích của lịch sử còn đọng lại trong mỗi tác phẩm nghệ thuật truyền thống.
Từ ngôi chùa Một Cột được dựng năm 1049 thời Lý, mang hình bông sen nở trên mặt nước, tới kiến trúc chùa Kim Liên độc đáo thể hiện sự khéo léo và tài hoa của người thợ Bắc Hà. Hình ảnh Văn Miếu - Quốc Tử Giám với những góc nhìn tinh tế để khẳng định nơi đây không chỉ là trường Đại học đầu tiên của nước Đại Việt mà còn là công trình kiến trúc ẩn chứa chất triết lý sâu xa của Nho giáo và Khổng giáo.
Triển lãm cũng mang đến một khối lượng lớn tư liệu hình ảnh các di sản điêu khắc độc đáo như tượng sư tử thời Lý ở chùa Bà Tấm, thềm bậc chạm rồng điện Kính Thiên thời Lê sơ trong thành cổ Hà Nội, tượng Quan Âm Thiên thủ Thiên nhãn thời Mạc ở chùa Đào Xuyên, hệ thống tượng Phật ở chùa Nành, tượng hậu Phật thế kỷ XVII ở chùa Lý Quốc Sư, tượng Lý Ông Trọng và phu nhân đầy bí ẩn trong hậu cung của Đình Chèm, Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ, niềm tự hào của nghề đúc đồng làng Ngũ Xã ở đền Quán Thánh...
Đó là một hình dung khái quát về sự phát triển của nghệ thuật tạo hình truyền thống trên mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến trải qua những thăng trầm của lịch sử. Một cái nhìn dung dị với nét nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc chứa đựng sự đầm ấm, rộng mở chan hoà với thiên nhiên và con người ở những vùng ngoại vi không xa với phố xá đô thị; hay một chút “tăng tốc” của nhịp điệu khi chiêm ngưỡng hình ảnh về hệ thống kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng nằm trong phố phường với sự tác động rõ nét của kinh tế thương mại. Đáng chú ý là những ngôi đền, ngôi chùa với hệ thống tượng thờ rất đồ sộ, được tạo tác công phu, vàng son lộng lẫy. Đó chính là những tác phẩm nghệ thuật kết tinh từ bàn tay tài hoa, tinh tế của những phường thợ chốn Thăng Long - Kẻ Chợ.
Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình (Viện Mỹ thuật), Hà Nội xưa được thống kê với một hệ thống di tích dày đặc gồm hơn 1.400 ngôi đình, chùa, đền, miếu, trong đó có hơn 25 ngàn hiện vật mà phần lớn là tác phẩm nghệ thuật tạo hình. Triển lãm này chỉ là một phần rất nhỏ trong khối di sản đồ sộ ấy. Tuy nhiên, đó là những lát cắt thực sự giá trị mà thông qua đó, người xem sẽ thấy được một chặng đường lịch sử của mảnh đất Thăng Long đồng hành cùng lịch sử dân tộc.