“Ngã mặn” trước cổng chùa Dơi

Trong những ngày qua, câu chuyện phòng karaoke, nhà hàng tổ chức tiệc cưới không chỉ gây ồn ào cho chùa Dơi mà còn gây ồn ào cho cả dư luận.

>> Nhà hàng, karaoke... "mọc" cạnh chùa Dơi ll Tiếp tục thông tin vụ xâm hại chùa Dơi ll

Sự việc bắt đầu từ năm 2011, nhưng đến khi Bộ VH-TT-DL lập đoàn kiểm tra để báo cáo tình hình, đề xuất hướng xử lý thì dư luận lại nóng lên. Dư luận “ồn ào” không chỉ là chuyện các phòng karaoke hay nhà hàng này có tác động đến môi trường sống của dơi hay không, mà còn ở chỗ có nên đặt một dự án du lịch - nhà hàng - khách sạn (với quy mô khách sạn 100 phòng, nhà hàng có khả năng phục vụ 1.200 khách)… kế một ngôi chùa mà nhiều người chọn để làm điểm du lịch tâm linh!

truoc chua Doi.jpg

Cảnh ồn ào, bát nháo xung quanh chùa Dơi - Ảnh: VnExpress

Từ lâu, chùa Dơi là một nét văn hóa, một thương hiệu du lịch tâm linh gắn với địa danh Sóc Trăng. Tên của ngôi chùa là Mahatup hay còn là chùa Mã Tộc. Ngôi chùa này được xây dựng cách đây gần 450 năm (1569). Nét độc đáo của nó chính là ngôi chùa duy nhất trong số gần 100 ngôi chùa tại Sóc Trăng có sự lưu trú của hàng ngàn con dơi bám các cây sao, dầu… trồng xung quanh chùa.

Theo các nhà khoa học, dơi lưu trú tại ngôi chùa là loài dơi ngựa lớn và nhiều loài dơi lớn khác. Do loài dơi này hay ăn hoa quả nên người dân địa phương gọi là dơi quạ. Theo đó, người dân quen gọi tên chùa là “chùa Dơi”. Thời cao điểm ngôi chùa thu hút hơn 1 triệu con dơi và các loại chim, cò… sinh sống. Thế nhưng, sau sự ra đi của các loài chim, cò nay đàn dơi đang thưa thớt.

Cách đây vài tháng người viết đã có dịp tìm hiểu nguyên nhân vì sao chùa Dơi lại thưa vắng dần dơi! Một vị sư ở chùa cho biết: “Trước năm 2000 số lượng dơi rất nhiều, lúc đó 10 phần hiện nay chỉ còn 1-2 phần. Nguyên nhân chủ yếu do nhiều người săn bắt bán cho các quán xá chế biến làm món ăn. Chúng tôi mong chính quyền có giải pháp ngăn chặn các nhà hàng bán món ăn chế biến từ dơi quạ”. Chuyện đàn dơi giảm nhanh số lượng ai cũng biết nguyên nhân chính do đặc tính di chuyển xa để tìm thức ăn (di chuyển từ 60 - 100km), người dân địa phương ở các tỉnh lân cận như Trà Vinh, Bạc Liêu… cũng săn dơi quạ bán cho các quán nhậu, nhà hàng…

Chùa Dơi là một trong những công trình nghệ thuật kiến trúc tiêu biểu của Phật giáo Nam tông Khmer Nam bộ và thuộc vào hàng các ngôi chùa cổ nhất của tỉnh Sóc Trăng. Mới đây, chùa Dơi được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL chọn là một trong 7 điểm dừng chân tiêu biểu của vùng ĐBSCL. Đường vào chùa Dơi được xây dựng mở rộng, khang trang, thoáng mát là một nỗ lực đáng ghi nhận của tỉnh Sóc Trăng gần đây.

Song, dư luận cho rằng, môi trường ồn ào đã tác động đến đàn dơi! Cách đây khoảng 5 tháng, chúng tôi đã đặt vấn đề này và ông Lê Thành Trí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng nghiên cứu đánh giá tác động môi trường xem có ảnh hưởng đến đàn dơi sinh sống tại chùa Dơi hay không!

Hơn 10 năm trước, dơi quạ treo đầy trên các cây từ cổng vào ngôi chùa. Nhưng giờ đây, một chi tiết cần lưu ý, nếu quan sát kỹ các cây gần cổng chùa thưa vắng dơi, bởi đàn dơi đã thu gọn lại đeo bám ở vài cây gần nơi các sư trong chùa nghỉ. Điều này “trùng khớp” với lý giải của một nhà khoa học ở Trường ĐH Cần Thơ là “Dơi là động vật hoang dã, cần sự yên tĩnh, nếu bị con người tác động quá nhiều thì chúng sẽ không còn gần gũi với con người”!

Dư luận báo chí vừa qua “ồn ào”, phải chăng có gì đó thiếu thuyết phục của một dự án nhà hàng - khách sạn gần chùa. Vì khi trả lời báo chí, ông Mai Khương, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng, cho biết bản thân ông là ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng chưa được UBND tỉnh đưa vấn đề này ra bàn ở Ban Thường vụ. Không quá muộn để Sóc Trăng đánh giá, kiểm tra lại các công đoạn cần thiết của dự án này đúng hay không, có tác động đến đàn dơi hay không?

Trong khi chờ kết luận của Bộ VH-TT-DL, chúng ta nghĩ liệu có phù hợp không khi một công trình khá hoành tráng, mở karaoke không phép, tiệc cưới… trước một ngôi chùa mà du khách dành nhiều tình cảm để gởi gắm tâm linh?

Cao Phong (SGGP)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày