GN - Sở dĩ nói ngày 19-7 là ngày đặc biệt đối với bà con người Việt trở về từ Campuchia đang sinh sống tạm bợ ven lòng hồ Dầu Tiếng (ấp Tà Dơ, xã Tân Thành, huyện Tân Châu, Tây Ninh) bởi lẽ ngày này, tại ấp Đồng Kèn 2, xã Tân Thành, lãnh đạo chính quyền tỉnh Tây Ninh và TT.Thích Nhật Từ, trụ trì chùa Giác Ngộ, Chủ nhiệm Quỹ Đạo Phật Ngày Nay (Q.10, TP.HCM) đã động thổ xây 183 căn nhà tình thương cho bà con.
Điều đó có nghĩa, chỉ 9 tháng nữa thôi, cuộc sống của gần 200 gia đình nơi đây sẽ được bước sang trang mới, khi dự án xây dựng 183 căn nhà hoàn tất.
Giấc mơ an cư lạc nghiệp
Bất cứ ai, dù chỉ một lần đến với đồng bào trở về từ Campuchia, đang sinh sống ven lòng hồ Dầu Tiếng cũng xót xa cho thân phận của những kiếp người tha phương trở về cố hương. 558 hộ sống bấp bênh trên Biển Hồ (Campuchia) gắn liền với “thương hiệu” không quốc tịch, không chứng minh nhân dân, không nhà, không nghề nghiệp, không biết chữ. Cuộc sống từ người già đến trẻ nhỏ đều gian truân như nhau. Họ sống bấp bênh với nghề đánh bắt, lệ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên khi nguồn thủy sản ở đây đã cạn kiệt và tấm lòng nhân ái của các phái đoàn từ thiện từ Việt Nam sang.
Theo số liệu từ chính quyền tỉnh Tây Ninh, trên địa bàn huyện Tân Châu, đến nay có 2.745 người dân di cư tự do từ Campuchia trở về cư trú ven lòng hồ Dầu Tiếng, tập trung nhiều nhất là tại khu vực ấp Tà Dơ, xã Tân Thành. Các hộ cất nhà tạm bợ và sống trên ghe, xuồng, mọi sinh hoạt diễn ra hết sức khó khăn. Chính vì vậy, họ rất hồ hởi khi biết có chính sách đặc biệt, được hỗ trợ xây nhà dân sinh, điều đó cũng có nghĩa sau bao năm tháng thăng trầm, tha phương cầu thực ở quê người, họ có thể có cơ hội đổi đời, sẽ an cư lạc nghiệp…
Phật tử chùa Giác Ngộ thăm hỏi trẻ em nghèo - con em "Việt kiều" ở hồ Dầu Tiếng - Ảnh: Vũ Giang
Ông Thành, một người Việt hồi hương năm 2012, cho biết: “Năm 2014, các chú ở xã đến lấy danh sách có ghi tên tui, nhưng không biết đợt này, trong 183 căn nhà có căn nào có tên tui hay không”. Hỏi ông, nếu trong đợt này chưa được cấp nhà, ông có buồn không? Nhoẻn miệng cười tươi, ông bảo: “Cùng là thân phận giống nhau, cùng bên đó về, cực khổ gì biết hết rồi nên ai được cấp nhà cũng mừng. Giờ mình có nhà đợt đầu tiên thì mình mừng hơn một chút, còn không có thì chờ đợt sau nữa. Dù gì cũng có ghi tên rồi, xây cho những người về đây trước, rồi cũng đến lượt mình thôi, cũng là người dân mình cả mà”.
Không chỉ người Việt hồi hương từ Campuchia về vui mừng, mà người dân nơi đây khi biết cuộc sống của bà con mình sắp đổi thay, họ cũng hạnh phúc cùng. Khi biết ngày 19-7, buổi lễ đặc biệt diễn ra, ông Trần Văn Sứ, thành viên Hội Cựu chiến binh, nhà cách khu vực lòng hồ Dầu Tiếng khoảng 100 mét bỏ hẳn buổi sáng để đến xem.
Hướng về phía dãy đất trống, nơi chuẩn bị xây 183 ngôi nhà, ông bảo: “Tôi là dân địa phương, không thuộc chính sách cấp nhà nhưng mà mừng cho bà con mình nên tôi bỏ việc nhà, chạy ra xem. Mỗi gia đình có cái nhà ngang 4 mét, dài 8 mét mà sạch sẽ, xây bằng tường, dán gạch, có nhà vệ sinh là quý lắm. Họ có mơ cũng không dám mơ đâu. Cái chòi họ cắm tạm ngoài lòng hồ nhiều cái còn chưa được 20 mét vuông mà có tới 16 người ở chen chúc nhau. Khổ lắm, ngày nào họ có đi làm thì mới có tiền, có cơm ăn, còn không thì đào khoai mì trộm ăn qua ngày. Giờ, họ được chính quyền chăm sóc như thế này, nói thiệt, người dân chúng tôi rất mừng, có thế này thì vấn đề an sinh xã hội mới ổn định, phát triển được”.
Tại nơi nhận quà từ thiện, nghe những người đi dự lễ khánh thành xây 183 căn nhà về truyền tai nhau rằng, xây xong 183 căn nhà này, tỉnh sẽ tiếp tục vận động từ thiện xây tiếp cho các hộ dân còn lại. Khi biết được tin, người Việt hồi hương từ Campuchia ai cũng vui, phấn khởi.
Chị Tăng Thị Thắm, đối tượng trong diện này, về sống tạm ven lòng hồ từ năm 2015, cho biết: “Tụi tui từ ở bển về ai cũng khổ nên nghe mấy chú ở tỉnh vận động từ thiện xây nhà cho mình thì mừng lắm. Nghe đâu nhà tới 50 triệu lận, số tiền đó cả đời tui cũng không dám mơ tới. Lúc gia đình tui về là đã qua đợt xem xét cấp nhà đợt đầu, cũng thấy tiếc nhưng mà tin tưởng rằng, rồi cũng sẽ đến lượt tụi tui có nhà. Giờ thấy bắt đầu xây nhà, người dân tụi tui ở đây chưa có nhà, ai cũng nôn sớm xây xong, rồi xây đợt khác, đặng tới đợt mình được xét có nhà”.
Bà Ngọc, 86 tuổi, hồi hương về Việt Nam từ năm 2016 mong mỏi: “Hàng chục năm sống tha hương giờ được trở về thì tôi cũng già rồi, tui chỉ mong ước có một ngôi nhà nhỏ”. Lặng đi phút chốc, bà chia sẻ thêm: “Mình về sau, hết đất rồi nên xây cái nhà tạm gần sát ngoài lòng hồ. Cứ mưa gió là cả nhà cùng nhau lo sợ, có khi phải ôm nhau chạy vào khu bên trong, đứng ở mấy nhà xây cứng cáp mà núp. Tui mong sao cho các ngôi nhà từ thiện xây nhanh nhanh, nghe nói tỉnh đang sắp xếp cho chúng tui, tui nôn lắm”.
Dấu ấn “dự án 183” và điểm sáng về văn hóa
Hiện nay, số hộ dân ở Campuchia di cư trở lại Việt Nam hàng năm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh khá lớn, dao động bình quân từ 6.000 đến 7.000 người, lúc cao điểm gần 10.000 người. Nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh là rất cao; đồng thời cũng gây ảnh hưởng đến môi trường sống, sinh thái của khu vực hồ Dầu Tiếng. Chính vì lý do đó, khi Quỹ Đạo Phật Ngày Nay tài trợ 10 tỷ đồng để xây 183 căn nhà và nhà văn hóa tại ấp Đồng Kèn 2, xã Tân Thành, ông Tạ Châu Lâm, Chủ tịch huyện Tân Châu phấn khởi nhận định: “Đó là việc làm hết sức ý nghĩa mang lại lợi ích thiết thực”.
Lễ khởi công xây 183 căn nhà tại ấp Đồng Kèn 2, xã Tân Thành - Ảnh: Vũ Giang
Bắt tay khởi công xây dựng dự án 183 căn nhà tình thương không chỉ riêng người dân, bà con trở về từ Campuchia và lãnh đạo chính quyền địa phương vui mừng mà lãnh đạo cấp tỉnh cũng hân hoan, vui mừng. Bởi vì, bài toán về an sinh xã hội cho bà con hồi hương vốn khó giải, phải rất tâm huyết, ngày hôm nay mới có thể xây được nhà cho bà con.
Trước khi nghi lễ động thổ khởi công xây dựng 183 căn nhà tình thương diễn ra, ông Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tây Ninh đã xúc động chia sẻ: “Để có được lễ động thổ ngày hôm nay, ngoài sự nỗ lực cố gắng của cấp Tỉnh ủy, chính quyền các cấp còn có sự đồng hành rất nghĩa tình của TT.Thích Nhật Từ.
Đó là, sau khi biết tin tỉnh có dự án xây 183 ngôi nhà để di dời một số hộ dân từ Campuchia về chưa có nơi ở, hiện đang ở tạm ở khu vực ven lòng hồ Dầu Tiếng, Thượng tọa đã cùng các anh chị mạnh thường quân chủ động đến với chính quyền địa phương, đặc biệt gặp lãnh đạo tỉnh để chia sẻ và mong muốn có sự đóng góp. Thật sự đến giờ phút này, chúng tôi vẫn còn rất xúc động”.
Mặc dù mỗi căn nhà được xây lên có diện tích khiêm tốn (chiều ngang 4 mét, chiều dài 8 mét), trị giá 50 triệu đồng nhưng các công trình sinh hoạt tối thiểu gồm: nơi ở, vệ sinh, điện, đường, hệ thống thoát nước đều được đảm bảo. Với số tiền 10 tỷ đồng từ Quỹ Đạo Phật Ngày Nay - chùa Giác Ngộ vận động, cùng với gần 7,5 tỷ từ ngân sách địa phương, xây dựng nhà và các hạng mục khác, mở cơ sở dạy nghề, cho vay vốn, giải quyết việc làm… hứa hẹn tại nơi đây, các hộ hy vọng sẽ sớm ổn định được cuộc sống.
Từ thời điểm này, chính quyền huyện Tân Châu đã bắt đầu xét duyệt để trao 183 căn hộ đầu tiên cho 183 hộ gia đình. Căn cứ theo thời gian hồi hương và những hộ có hoàn cảnh khó khăn nhất, chính quyền huyện sẽ ưu tiên trao chìa khóa nhà trước. Sau này, nếu các hộ không còn nhu cầu ở nữa, phải giao trả lại để huyện xét cấp cho các hộ khác có nhu cầu. Đây cũng chính là nơi chính quyền địa phương chọn làm điểm sáng về văn hóa cho người dân.
“Bốn năm về trước, khi trao tặng quà từ thiện cho hàng ngàn người Việt Nam đang sống tại Biển Hồ (Campuchia), chứng kiến cuộc sống quá khắc khổ của người dân mình, chúng tôi muốn xây các căn nhà tình thương cho bà con. Nhưng, mong muốn đó đã không làm được trên nước bạn, vì gặp rất nhiều khó khăn về thủ tục, mọi thông tin liên lạc đều không có hy vọng. Tuy nhiên, ngày hôm nay, trên chính mảnh đất của quê hương mình, chúng tôi đã có thể thực hiện được tâm nguyện, xây dựng 183 căn nhà tình thương cho bà con mình từ Campuchia hồi hương. Đó là điều khiến chúng tôi vô cùng hạnh phúc”, TT.Thích Nhật Từ cho biết. |