Ngày hội của người yêu sách

GN - Hội sách TP.HCM lần VIII năm 2014 với chủ đề “Sách - Văn hóa và Phát triển” diễn ra từ ngày 24-3 đến 30-3 tại Công viên Lê Văn Tám, Q.1. Hội sách lần này có hơn 500 gian hàng - tăng 10% so với Hội sách lần VII - với 156 đơn vị tham gia (13 NXB trong nước, 25 NXB nước ngoài, 73 công ty phát hành sách và truyền thông văn hóa, 36 công ty kinh doanh văn phòng phẩm - văn hóa phẩm và 4 trung tâm ngoại ngữ), quy tụ khoảng 200.000 nhan đề sách tổng cộng trên 20 triệu bản được trưng bày và bán.
sach5.jpg
Chư tôn đức Tăng tham quan và chọn sách - Ảnh: Vũ Giang

Đa dạng chủ đề cùng nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc

Hội sách được phân chia làm bốn khu vực: khu vực triển lãm, dành để tổ chức các hoạt động triển lãm sách, tài liệu, bản đồ về chủ quyền biển đảo…; khu vực hội sách, giới thiệu sản phẩm của các NXB trong và ngoài nước, công ty phát hành sách, công ty văn hóa truyền thông; khu vực tổ chức hội thảo, giao lưu, trò chuyện, giới thiệu, bình sách…; khu vực sân khấu, tổ chức các hoạt động văn hóa và biểu diễn nghệ thuật.

Ở khu vực các nhà xuất bản trong nước, các công ty phát hành sách tại TP.HCM cũng như các tỉnh thành, gồm các loại sách xuất bản trong nước, có các chủ đề đa dạng như: Bản sắc văn hóa dân tộc, Đất nước con người Việt Nam, Chủ quyền biển đảo Việt Nam, Danh nhân… Khu vực các nhà xuất bản nước ngoài trưng bày các tựa sách nhập khẩu từ các nước Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Nhật, Singapore, Thái Lan… với sự tham gia lần đầu của các nhà xuất bản nước ngoài như: Hachette Us, Quercus, Simon & Schuster, Scholastic, Singapore Asia Publisher…

Hội sách có hơn 56 chương trình hoạt động giao lưu, tọa đàm, giới thiệu tác phẩm, tác giả,… Các tác phẩm bày bán với mức giảm giá từ 10 đến 20% vào những ngày đầu, và giảm đến 50% vào 3 ngày cuối, kèm theo nhiều món quà khuyến mãi hấp dẫn.

Ngoài ra, hội sách có khu vực dành riêng cho thiếu nhi vui chơi, lần đầu tiên cung cấp sóng internet WiFi cho toàn khu vực, và cũng là lần đầu tiên xuất hiện máy bán sách tự động do Nhà xuất bản Trẻ giới thiệu.

Với nhiều hoạt động ưu ái nhắm đến độc giả, các đơn vị tham gia kỳ vọng sẽ thu hút được lượng lớn bạn đọc.

Phong phú sách Phật giáo

Dạo một vòng quanh các gian hàng trưng bày ấn phẩm Phật giáo, như: Công ty sách Thiện Tri Thức, Tổ In ấn  - Phát hành kinh sách thuộc GHPGVN TP.HCM, Đạo Phật Ngày Nay, Nhà sách Thời Đại, Nhà sách Đông Tây, Nhà sách Quang Bình,… chúng ta dễ dàng bắt gặp rất nhiều đầu sách Phật giáo, chủ đề phong phú với các tác giả nổi tiếng như: Thiền sư Nhất Hạnh, Pháp sư Tịnh Không, Đại sư Tinh Vân, Pháp sư Thánh Nghiêm, Minh Đức Triều Tâm Ảnh, Cao Huy Thuần, Nguyễn Tường Bách, Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc,… cùng các tác phẩm tiêu biểu: Giận, Kim cương, Giữ một niệm, Phước đức từ đâu đến, Một là bao nhiêu, Tôn giáo và nhân sinh, Nhìn xa trông rộng, Trí tuệ thiền, Người trồng hoa và chàng tu sĩ, Đêm qua sân trước một nhành mai…

sa giang.jpg
Bạn trẻ tới hội sách và tìm mua sách Phật giáo - Ảnh: V.Giang

H (4).jpg
Nhộn nhịp Hội sách TP.HCM lần VIII

Nhiều đầu sách được xuất bản vào cuối năm 2013 và đầu năm 2014 cũng có mặt tại Hội sách như: Ngàn cánh sen xanh biếc của Đỗ Hồng Ngọc, nói về cảm nhận của tác giả, một người thầy thuốc, về kinh Diệu pháp liên hoa; tác phẩm Nhật ký sen trắng của tác giả Cao Huy Thuần, viết về những câu chuyện liên quan đến đạo đức Phật giáo, chuyện kể cho lứa tuổi 15 để phát triển khả năng “nghị luận luân lý” cho trẻ…

Trong khi đó, Công ty cổ phần văn hóa Thiện Tri Thức giới thiệu nhiều đầu sách mới, đặc biệt là bộ Tạng thư sống chết - một giáo khoa thư về sự sống và chết được bổ sung, hiệu đính, lần đầu tiên có sự chuyển giao bản quyền từ tác giả và nhà xuất bản gốc cũng như đại diện hợp pháp của cố dịch giả Thích nữ Trí Hải.

Nhìn chung, các chủ đề sách Phật giáo khá phong phú với nhiều nội dung phổ quát, phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau. Bạn Tống Thị Minh, sinh viên năm 3 Trường Đại học Mở, chia sẻ: “Sách Phật giáo năm nay rất phong phú về nội dung và thể loại phù hợp với trình độ mới tìm hiểu Phật pháp như bọn mình”.

Dù vậy, Hội chợ sách lần này cũng phần nào thể hiện được diện mạo chung của vấn đề ấn hành, xuất bản sách Phật giáo tại nước ta hiện nay. Nói như ĐĐ.Thích Quảng Tuấn, nghiên cứu sinh Trường ĐHKHXH&NV TP.HCM, người nhiều lần tham gia Hội chợ sách thì: “Các sách chuyên đề về nghiên cứu hơi ít, đa số là sách phổ thông, phù hợp với đại đa số Phật tử; các sách này phần lớn được tái bản, ít có sách mới. Các đầu sách tại các quầy đa số có tựa giống nhau. Chưa có sự chuyên biệt về các tựa sách tại các quầy”. 

ĐĐ.Thích Thiện Mãn, lần thứ 2 đến với Hội sách, cũng nhận xét: “Mặc dù sách Phật giáo khá phong phú, nhưng đa số sách đã ra trước đó. Dù vậy, đến đây mình có thể tìm được một số sách chuyên về tông phái mà các nhà sách bình thường không có”. Cô Ngô Thị Thanh Hương, lần đầu tiên đến Hội sách, cho rằng: “Sách Phật giáo khá nhiều, nhưng khó để tìm cuốn sách mình ưng ý vì phải đi rất nhiều gian hàng mới tìm được”.

Tuy thế, trong hơn 56 chương trình giao lưu, giới thiệu tác giả, tác phẩm mới của Hội sách lần này lại không có bất kỳ chương trình nào liên quan đến Phật giáo. Thiết nghĩ, đây là điều mà các nhà làm văn hóa Phật giáo cần quan tâm, bởi nhu cầu tìm hiểu Phật giáo ở nước ta nói riêng đang ngày càng tăng lên, đặc biệt là đối với giới trẻ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ví dụ mặt trăng

Ví dụ mặt trăng

NSGN - Tỳ-kheo các thầy phải tu tập giống như mặt trăng, như người mới học, khi đi vào nhà người thì phải nhiếp tâm, kiểm thúc thân, biết hổ biết thẹn, luôn khiêm hạ.
Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày