Ngày những ngôi mộ được “thay áo” mới

GNO - Đó là ngày 25 tháng Chạp - ngày mà ở quê tôi, ai ai dù bận thế nào cũng tranh thủ đi tảo mộ và mời người thân đã khuất về ăn Tết cùng con cháu. Nếu như một tuần trước, cỏ mọc đầy trên những ngôi mộ, cây cối che um tùm thì ngày 25 tháng Chạp, hầu như tất cả đều được dọn dẹp kỹ càng, sạch đẹp tinh tươm...

Tao mo.jpg

Việc tảo mộ thường kết thức trước giờ 12 giờ trưa nên ai cũng tranh thủ làm cho xong việc

Năm nào cũng vậy, đếm ngược về Tết, cứ độ ngày 20, đỉnh điểm là ngày 25 tháng Chạp là người già, trẻ nhỏ trong làng tôi (tỉnh Long An) lại nôn nao. Vì đây là dịp để mọi người bày tỏ lòng hiếu thảo, hướng về nguồn cội nên nhà nào cũng có con cháu tề tựu về. Mọi người tranh thủ thời gian, đi tảo mộ từ rất sớm.

5 giờ sáng, sương mù còn chưa tan, cái se se lạnh của những ngày cận Tết luồn vào da thịt nhưng mọi người rôn rã rủ nhau đi viếng mộ.

Vì là miền quê, các ngôi mộ thường nằm cận kề nhau nên trong lúc phát cỏ dại, tiếng cười nói của những người đi tảo mộ lúc nào cũng vang lên giòn dã. Thường thì tảo đến mộ của ai là các cụ kể cho con cháu đi cùng nghe những câu chuyện liên quan về gia phả của dòng tộc, những gì mà người quá cố đã làm được cho dòng họ. Dù tuổi đã cao, nhưng nhắc đến người thân, ông bà, cha mẹ là các cụ nhớ rất kỹ và kể mạch lạc, rõ ràng từng chi tiết cho con cháu nghe. Và dường như, cụ nào cũng vui vẻ, nụ cười tươi trên môi mỗi khi con cháu thắc mắc, muốn nghe kể những chuyện vui về ông bà đã khuất của mình.

Các cụ kể rất tỉ mỉ, người đang yên nghỉ đã làm gì cho gia đình, cho xóm làng, đã có công như thế nào nên bây giờ con cháu đời sau phải thương, phải kính. Và khi biết rồi thì khi tảo mộ ông bà phải làm cho thật lòng, thật dạ. Phải cẩn thận làm sạch từng cọng cỏ, sơn sửa làm mới từng ngôi mộ - bất kể là mộ đất hay mộ bằng bê-tông, gạch men...

Phải làm chỉnh chu để ông bà, tổ tiên, người thân đã khuất cũng có “nhà mới” đón Xuân. Những lời nói, dạy dỗ đơn giản của người lớn, xen kẽ tiếng vâng, dạ của trẻ nhỏ làm cho không khí ấm áp đến lạ. Chỉ trong chốc lát thôi là cỏ dại đã được nhổ sạch, rong rêu cũng không còn mà thay vào đó là mùi nước sơn, mùi bột vôi đặc trưng - mộ được khoác “áo mới” tinh tươm, sáng đẹp.

Trong lúc những người con trai, các cụ vệ sinh, làm mới mồ mã ông bà thì những phụ nữ, con nít chuẩn bị sắp mâm lễ để cúng kính. Phong tục ở quê tôi, mâm lễ đi tảo mộ bao gồm xôi, chè hoặc trái cây, nhang đèn, nước sạch… Nhà nào khá giả một tí thì làm cả một mâm thức ăn với sáu, bảy món như ngày giỗ kỵ. Có nơi đốt vàng mã, đồ thế nhưng nhà theo đạo Phật thì không sử dụng, chỉ cúng những món đơn giản, chay tịnh. Phụ nữ chỉ sắp mâm lễ, còn thắp nhang, khấn vái do đàn ông thực hiện.

“Đàn ông, con trai sạch sẽ hơn phụ nữ nên việc cúng kính ông bà phải để cho đàn ông làm. Đối đế lắm, nhà không có đàn ông thì phụ nữ mới làm”, các cụ thường giải thích như thế mỗi khi con cháu thắc mắc, hỏi lý do vì sao có sự… phân biệt.

Mỗi lần đi tảo mộ, ngoại tôi thường nhắc nhở chúng tôi: “Tục ngữ Việt Nam có câu cao nấm, ấm mồ. Có nghĩa là, khi những ngôi mộ của ông bà được chăm sóc tươm tất thì người khuất sẽ được ấm lòng hơn. Có thế thì niềm vui ngày Tết mới trọn vẹn. Tết không chỉ là dịp gia đình hiện tiền đoàn tụ mà còn là dịp để ông bà đã khuất về chung vui đón Tết cùng con cháu”, như một lời gợi ý, nhắc khéo lũ cháu, nhắc chúng tôi không được quên những điều thiêng liêng, truyền thống gia đình đã thực hiện suốt bao đời qua.

Làng tôi, hầu như gia đình nào cũng giữ gìn nếp sống tâm linh, truyền thống ấy - luôn mong muốn người thân đã khuất của mình đón Xuân cùng con cháu nên chỉ trong buổi sáng, hầu như các ngôi mộ làng quê đều được làm mới.

Nhìn những ngôi mộ kế nhau sáng đẹp tinh tươm, hương trầm nương theo làn gió thơm lừng, bước chân ra về khi những ngôi mộ được làm mới, người dân trong làng ai cũng cảm nhận được những ngày đầu Xuân đang đến gần. Cái không khí ấm áp, đặc biệt đó không lẫn vào đâu được...

Khánh Vy

Bài vở, hình ảnh cộng tác với Giác Ngộ online Mừng Xuân Giáp Ngọ 2014 xin gửi về địa chỉ Email giacngoxuan@gmail.com.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày