Thông tin trên thể hiện động thái tích cực của cơ quan chức năng liên quan đến việc YouTuber quay nội dung “Thầy chùa ăn thịt chó” ở Củ Chi, TP.HCM. Được biết, chỉ trong thời gian ngắn, đã có hơn 500 video đăng tải xoay quanh câu chuyện nói trên. Có thể thấy, trong vụ này, các YouTuber, những người làm Vlog đã bất chấp sự thật, dàn dựng các kiểu để thu hút người xem nhằm mục đích tăng lượt view, theo dõi kênh từ sự “độc, lạ” của nhân vật đến cách đặt tít gây sốc…
Nghề làm Vlog không xấu
Vlog đến thời điểm này chưa được “cập nhật” là một nghề, nhưng thực tế, đã có những người sống được, thậm chí sống khỏe bằng việc làm Vlog.
Đơn cử như Mễ Thuận, bạn thời đại học của tôi. Sau mấy năm làm báo, từ một tạp chí nhỏ, rồi qua một tờ nhật báo có văn phòng tại miền Tây, Thuận nghỉ việc mở studio, chuyên chụp hình cưới. Trong khoảng thời gian này, Thuận lập kênh YouTube “Saigon Daily”, chuyên chia sẻ những góc quán, ẩm thực đường phố ở Sài Gòn.
Mở rộng đề tài, bạn chuyển tải hoạt động của nhóm hát lô tô ở Sài Gòn cùng đời sống sau bức màn sân khấu của các ca sĩ chuyển giới. Họ có những tâm sự và công việc khác để nuôi bản thân, gia đình và nuôi nghề hát lô tô.
Kênh của Thuận chưa phải là “hot” nhất nhưng cũng đã “bật kiếm tiền” được với 171.000 đăng ký, trở thành công việc chủ đạo thay vì làm cho vui như trước. Từ công việc này, Thuận còn thực hiện được nhiều loạt bài phóng sự đăng các báo, về những YouTuber tử tế, những câu chuyện đời của người chuyển giới, theo nghề lô tô.
Gần đây, một người bạn khác của tôi là Hùng, đang là biên tập viên của một đài tiếng nói cũng mở kênh YouTube. Do có điều kiện “vi vu” nhiều nơi nên Hùng đã tạo Vlog với những con người, nơi chốn, món ăn đặc trưng, như một kênh du lịch qua sự tiếp cận của một nhà báo.
Nhìn chung, kênh của Hùng và Thuận đều nghiêm túc với những câu chuyện đời sống, người xem có thể có thêm kiến thức, hiểu biết qua mỗi video đăng tải.
Từ công việc của hai bạn, tôi đã tìm hiểu về nghề làm Vlog và đã dễ dàng tiếp cận với những kiến thức cơ bản của công việc này. Thực tế, Vlog ban đầu chỉ là nơi để mọi người dạo chơi, thể hiện bản thân, với sở trường, sở thích riêng, thì nay đã có thể là kênh kiếm tiền.
Để được vậy, tất nhiên, Vlogger phải mất một khoảng thời gian đầu tư công sức, tiền bạc để tạo ra những video hấp dẫn và thu hút người xem, trừ trường hợp đó là người nổi tiếng sẵn và có lượng fan nhất định.
“Sau khi bật chức năng kiếm tiền trên YouTube, bạn sẽ được nhận thù lao tương ứng với lượng view của video. Bên cạnh đó, những Vlogger nổi tiếng còn được mời quảng cáo, tham dự sự kiện. Hoặc được trả tiền để cho ra những Vlog quảng cáo nhưng vẫn mang thương hiệu cá nhân”. Đây như một lời “hứa hẹn” thú vị cho những ai muốn trở thành Vlogger.
Khi người làm nghề thiếu tâm
Điều đáng nói, không phải ai cũng làm Vlog một cách tử tế. Có những YouTuber chọn hướng phát triển kênh với nội dung nhảm nhí, dung tục, bằng hình thức chửi, khiêu khích hoặc nấu những món ăn kỳ dị. Ít tháng trước, Hưng Vlog, một kênh khá nổi bị Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang xử phạt 7,5 triệu đồng vì anh này có đăng clip nấu cháo gà nguyên lông phản cảm. Đã vậy Hưng Vlog lại đăng nội dung “troll lấy cắp tiền, đập bể heo đất của em gái, em trai đi ăn chơi”. Cộng đồng mạng phát hiện, đây không phải lần đầu Vlogger này đăng tải nội dung dạy trẻ ăn trộm.
Trước đó, Khá Bảnh, Huấn Hoa Hồng… cũng là những Vlogger đình đám vì những việc đăng tải, phát ngôn gây hại, nhưng lại được xem nhiều.
Chính người xem, vì sự hiếu kỳ hoặc thị hiếu xem video trên YouTube thiếu chọn lọc của cộng đồng mạng đã góp phần “nuôi sống” và làm sinh sôi các Vlog nhảm. Sự bùng nổ của phe lập kênh YouTube phản cảm này đến mức Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn 8305/VPCP-NC truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xử lý những video có nội dung nhảm nhí, giật gân tràn lan trên mạng xã hội.
Thực tế, khoản 1, Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bưu chính viễn thông đã có quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ xã hội, xử phạt hành chính đối với hành vi đăng tải, cung cấp các clip cổ xúy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; các clip có tác động xấu đến người xem như kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc.
Cụ thể, mức xử phạt cao nhất là 20 triệu đồng. Tuy nhiên, có người nói, dù vậy thì cũng không nhằm nhò gì, bởi thu nhập của các Vlogger từ các video đó cao hơn thế nhiều.
Do vậy, việc điều chỉnh, ban hành các chế định pháp luật liên quan tới đăng tải các nội dung (từ hình ảnh đến video) gây ảnh hưởng xấu của Vlogger để xử lý triệt để nạn này trên mạng là rất cấp thiết. Bởi nếu để lâu, những kênh nhảm nhí, dung tục tồn tại càng lâu, xuất hiện càng nhiều sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cộng đồng, nhất là người trẻ.
Ở khía cạnh tham gia mạng xã hội nói chung, theo dõi các kênh YouTube nói riêng, người dùng cần thận trọng để bấm like hoặc theo dõi. Một khi lỡ đăng ký (subscribe) kênh nào đó mà sau đó phát hiện những video xuất hiện có nội dung nhảm thì cần trở lại hủy theo dõi, tránh “nuôi” kênh. Đồng thời, ý thức việc tẩy chay các kênh không tốt cũng là một hình thức góp phần lành mạnh hóa các nội dung trên mạng.
“Hình phạt” từ cộng đồng mới thực sự đáng sợ đối với những YouTuber, Vlogger, vì đó chính là nguồn để cho kênh của họ sống còn. Nói cách khác, như biên tập viên, người dẫn chương trình Nhã Quỳnh (Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM), cũng là một Phật tử thuần thành, chia sẻ: “Xem các video trên các kênh YouTube cũng cần có chánh kiến, chánh niệm, vận dụng trí tuệ để loại ra những nội dung không có tính nuôi dưỡng, sai trái, nhất là những nội dung liên quan Phật giáo”. Theo chị Quỳnh, để được vậy, mỗi người cần học Phật một cách chính thống, tiếp cận giáo lý căn bản và có thực hành mỗi ngày, không vội tin.
Nếu làm Vlog là một nghề thì thái độ làm nghề rất quan trọng. Trong lời dạy của Đức Phật, chánh mạng là sống một cách chân chánh bằng nghề nghiệp lương thiện. Một người làm Vlog tử tế sẽ vừa cung cấp các thông tin bổ ích cho người xem, vừa là công việc kiếm tiền xứng đáng.
Suy cho cùng, không có nghề nào hoàn toàn tốt, chỉ có người làm nghề đó nỗ lực để nó trở nên tốt nhất có thể. Giáo viên, thầy thuốc… là nghề dạy người, cứu người nhưng vẫn có những thầy cô giáo, bác sĩ không làm đúng chức phận. Điều đó tùy thuộc vào thái độ sống, làm việc của từng người. Trong thời buổi người người, nhà nhà làm Vlog, trước khi chuẩn mực công việc này được định danh, thì những tác động điều chỉnh ngược lại từ công chúng sẽ đánh thức mỗi cá nhân có thay đổi trong khi đăng tải một video với ý định kiếm tiền. Trước hết, theo tôi nên bắt đầu từ câu hỏi: video đó có lợi gì cho người xem không, hay nó có gây hại gì cho ai không?
Khi xem các video nói về ông Nguyễn Minh Phúc trong vụ “thầy chùa ăn thịt chó”, tôi thấy sợ những người tạo ra các kênh YouTube kiếm tiền kiểu giật gân câu khách này. Tôi sợ họ gây tạo nghiệp quá lớn, hậu quả gánh chịu khó nghĩ bàn. Và trước mắt, những nội dung đại loại như vậy có thể dẫn đến mất niềm tin đối với Phật tử sơ cơ hoặc gây hiểu lầm về Phật giáo, về người tu đối với người thế gian, chưa hiểu đạo.
Đa số công chúng khi xem một thông tin liên quan tới tôn giáo thường đánh đồng cá nhân với tập thể, tò mò với những thông tin sốc siếc… Do vậy, ngoài đòi hỏi sự trung thực, tính chọn lọc nội dung của các kênh YouTube thì chính mỗi người tiếp cận thông tin cũng cần có cái nhìn sâu sắc. Chẳng hạn, khi xem các biểu hiện, cách nói chuyện của ông Minh Phúc, phải nhận ra ngay đây là người có vấn đề; đồng thời thấy được cách thể hiện, phô bày nội dung của các YouTuber là giật gân, câu khách, không đáng quan tâm… Sự tẩy chay của công chúng giúp cho môi trường trở nên lành mạnh hơn, tôi tin thế.
Lưu Đình Long/ Báo Giác Ngộ