Nghệ thuật trồng lan

Minh họa: Nhuận Thường
Minh họa: Nhuận Thường

Có một ngôi chùa nọ tuy ở tít trên một ngọn đồi cách xa thành phố khoảng chục cây số, nhưng cảnh chùa không ngày nào thiếu vắng Phật tử và khách hành hương.

Chùa trồng rất nhiều hoa lan, có đến hàng trăm chậu lan treo lơ lửng trên một cái giàn quá đầu, mỗi chậu lan đều được dán bảng tên, chứng tỏ nhà sư chủ nhân vườn lan này là người rất sành điệu về lan. Đến kỳ lan nở, hương thơm dìu dịu ngan ngát, màu sắc và hương hoa như níu chân người đến viếng.

Một hôm, sư có việc phải rời chùa, người đệ tử vô ý làm vỡ một chậu lan rất quý. Người đệ tử lo sợ khi sư phụ về sẽ quở mắng vì biết ông rất quý những chậu lan. Chỉ nhìn sư phụ hàng ngày tưới tẩm chăm sóc hoa rất chu đáo kỹ lưỡng thì biết ngay ông yêu quý những chậu lan như thế nào.

Không ngờ, khi trở về nhìn chậu lan vỡ, nhà sư chỉ mỉm cười. Người đệ tử bèn hỏi: "Vì sao thầy không giận?". Nhà sư đáp: "Ta vì muốn làm cho cảnh trí chùa trở nên đẹp đẽ, để cho mọi người đến đây được an vui, ta mới trồng nhiều hoa lan, chớ không hề vì muốn nóng giận mà trồng, cho nên chậu hoa lan vỡ cũng không nóng giận". (Theo Liên hoa hóa sanh)

BÀI HỌC ĐẠO LÝ:

Trong sinh hoạt hàng ngày, con cái bạn vô ý làm vỡ chén, làm hư hại đồ dùng, bạn có thể vui vẻ được không? Khi về nhà, phát hiện bị trộm, bạn có thể vui vẻ mà xem như là bố thí có được không? Quả thực rất là khó vui vẻ khi ta mất mát tổn hao tài sản.

Thế nhưng câu chuyện trên đây đã cho ta một ấn tượng khác lạ, thâm sâu. Nhà sư rất cưng quý những chậu lan. Chăm chút, tưới tẩm và nâng niu từng cây, từng chậu cho lan tươi tốt trổ hoa chỉ với mục đích đem lại cho mọi người đến chùa được thanh thản, an vui. Ông trồng lan cũng như đang gieo trồng niềm vui cho mình và người. Cho nên khi một đệ tử làm vỡ chậu lan, nhà sư vẫn giữ được trạng thái an nhiên không bị dính mắc vào cái được mất của chính mình.

Không ít người, chẳng phải chỉ riêng trồng lan, mà có thể nói làm bất cứ việc gì cũng đều không tự chủ, bị dính mắc vào sự được mất, thành bại nên cảm thấy buồn khổ khi bị mất mát, cống cao ngã mạn khi có chút thành công… tựu trung là họ đều bị đắm chìm trong phiền não. Cũng như phần đông trong chúng ta đều nghĩ rằng tham dự cuộc sống với vô vàn biểu hiện cũng không ngoài mục tiêu mưu cầu hạnh phúc. Thế nhưng trong thực tế thì chúng ta gặt hái được kết quả gần như ngược lại, hạnh phúc thật ít mà đau khổ lại rất nhiều.

Nhà sư đã nói rất đúng: "Ta không hề vì muốn nóng giận mà trồng hoa lan" nên dù cho có xảy ra bất cứ điều gì cũng không nóng giận, phiền não. Ngài hiểu rõ động cơ và mục tiêu của mình. Có thể nói tâm nguyện của sư là an vui cùng với mọi người, nên lúc nào cũng một mực hoan hỷ. Ta tự phản tỉnh, cảm thấy rất hổ thẹn không tự tại được như ngài.

Cho nên, phải tâm nguyện trước sau như một, vẫn giữ gìn sự an vui thanh tịnh dù gặp phải hoàn cảnh thuận hay nghịch cũng không thoái chuyển, không để cho cái tâm bình an rơi vào địa ngục thâm sâu của sự nóng giận, khổ đau.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).
Ví dụ mặt trăng

Ví dụ mặt trăng

NSGN - Tỳ-kheo các thầy phải tu tập giống như mặt trăng, như người mới học, khi đi vào nhà người thì phải nhiếp tâm, kiểm thúc thân, biết hổ biết thẹn, luôn khiêm hạ.
Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày