Nghị lực của Hoa hậu “Vầng trăng khuyết”

GN - Nguyễn Thị Thanh Hoa quê Nghệ An (bị khuyết tật ở chân) đã vượt qua 112 ứng cử viên ở 40 tỉnh thành trên cả nước và đăng quang Hoa hậu Vầng trăng khuyết lần 2 - năm 2015 (lần đầu tổ chức năm 2013).

Đây là cuộc thi hoa hậu dành cho người khuyết tật Việt Nam với tiêu chí vẻ đẹp của con người không chỉ nằm ở vẻ đẹp hình thể mà còn nằm ở vẻ đẹp tâm hồn, nghị lực, trí tuệ… do Hội Thanh niên khuyết tật TP.Hà Nội, Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng, Trung tâm Phát triển sức khỏe bền vững, Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số, Tạp chí Doanh nghiệp VN phối hợp tổ chức.

anh Thanh Hoa 2.jpg


Đêm đăng quang hoa hậu "Vầng trăng khuyết" của Thanh Hoa - Ảnh: V.V.T

Ai gặp Hoa, nghe Hoa chia sẻ cũng đều sẽ thấy mình thật may mắn, còn may mắn, không mắc chi phải buồn đau, cần phải học Hoa để sống vui khỏe, làm điều có ích...

Nhật ký của Thanh Hoa

“Nhà có bốn chị em nhưng tôi lại là gánh nặng lớn nhất của bố mẹ vì đôi chân tật nguyền - di chứng của cơn sốt viêm não Nhật Bản khi mới lên 2”, Hoa kể. Nhà cô lúc ấy thuộc vào dạng nghèo nhất làng. Mẹ phải oằn lưng gánh thúng lúa, mớ khoai ra chợ bán kiếm từng đồng lẻ lo bữa ăn cho gia đình. Bố Hoa, ông Nguyễn Công Sáu thì ai cần việc gì là nhận làm lấy: phụ hồ, sửa xe đạp, sửa điện, bán nước chè...

“Cả bố và mẹ làm quần quật, vất vả suốt ngày đêm nhưng gia đình mình vẫn không thể khấm khá lên được, bởi tất cả những gì nhà mình có và vay mượn được đều phải dồn lại để đưa con ra Hà Nội điều trị. Giờ nghĩ lại con vẫn không thể tưởng tượng nổi khi đó bố mẹ đã làm cách nào để xoay xở được khoản tiền “to bằng trời” đưa con đi chữa bệnh ngoài thủ đô đến bảy lần như thế!” - Nguyễn Thị Thanh Hoa viết trong nhật ký.

Mẹ Hoa từng ngậm ngùi khi nhìn đôi chân con: “Thôi đành để nó ở nhà vậy, anh ạ!”. Nhưng ông Sáu dứt khoát: “Không được! Con mình đã tàn tật như thế này, không thể để nó cũng bị liệt luôn về trí tuệ”. Thế là Hoa được đi học trên đôi chân của bố.

Khi Hoa lên lớp 7, một chương trình nhân đạo do Mỹ hợp tác được tổ chức nhằm phẫu thuật cho trẻ em tật nguyền ở Việt Nam. Hoa là một trong số người được phẫu thuật.

Và những dòng nhật ký xúc động được Hoa viết tiếp: “Con bắt đầu những bài tập vật lý trị liệu. Đau đớn khiến con bật khóc. Mỗi động tác như ngàn mũi kim đâm lên chân con vậy. Mỗi khi như thế con lại nhìn sang bố, lúc ấy đang đứng cạnh bác sĩ. Thể nào bố cũng mỉm cười đầy tin tưởng và động viên: “Cố lên con!”. Rồi mỗi buổi chiều bố lắp chân giả vào cho con, giúp con chống đôi nạng gỗ và tập đi trong khuôn viên bệnh viện. Lê từng bước chân khó nhọc, mồ hôi con vã ra như tắm vì đau và nhức. Chỉ nhấc được có vài mét ngắn ngủi mà con tưởng mình như vừa đi hơn một vòng Trái đất. Bố đi bên không ngừng cổ vũ, khích lệ con. Sau hơn bốn tháng con quyết tâm bỏ cây nạng gỗ, tự đi trên chính đôi chân của mình. Và con đã làm được”.

Vươn lên bằng nghị lực

Sau cuộc thi, đăng quang ngôi Hoa hậu “Vầng trăng khuyết”, Thanh Hoa cho biết “cuộc sống của tôi không có gì thay đổi”. Khi được hỏi, thế nào là một phụ nữ đẹp, cô chia sẻ: “Tôi nghĩ đó là người biết yêu thương chính bản thân mình và sống với đam mê của mình”.

Theo Hoa, khi người phụ nữ biết yêu thương bản thân, họ mới biết đâu là giá trị của mình, họ mới chăm chút cho nét đẹp trong tâm hồn và vẻ đẹp ngoại hình của họ. Khi người phụ nữ biết sống với đam mê, ở họ sẽ toát ra nguồn năng lượng tích cực, sự nhiệt thành.

Đối với Thanh Hoa, yêu thương bản thân rất đơn giản - là hiểu con người của mình, sống thật nhẹ nhàng theo cách mà mình muốn. Chăm sóc bản thân mình, giữ gìn sức khỏe của mình và làm những việc mình cảm thấy vui vẻ, thoải mái là điều quan trọng.

“Yêu thương bản thân cũng là cách để người khác yêu thương bạn. Tôi nghĩ vậy. Bởi khi bạn chưa yêu thương nổi bản thân mình thì làm thế nào người ta có thể tin rằng bạn có thể yêu thương họ”, Hoa giãi bày.

Hiện, mỗi ngày cô đều dành ra 3 buổi tối/tuần để đi tập thiền, yoga với các chị khuyết tật khác. Ngoài ra, để có niềm vui sống, Hoa chia sẻ: “Tôi mua những cuốn sách mình thích, nấu những món bản thân thèm, nói lời yêu thương với những người mình trân trọng và buông những mối quan hệ khiến mình mệt mỏi...”.

Làm người hữu ích mỗi ngày

Hồi nhỏ, Thanh Hoa mơ ước làm cô giáo dạy Văn, để được như thầy Ký (thầy Nguyễn Ngọc Ký - PV). Và bắt đầu từ năm lớp 7, Hoa ước mơ làm nhà báo để đi viết bài giúp đỡ các nhân vật gặp khó khăn. “Vì đam mê đó, tôi cố gắng viết bài gửi báo, để được công nhận là cộng tác viên, để tên mình được đặt ngay ngắn dưới những bài nho nhỏ, để nhận niềm vui khi những nhân vật mình viết được hỗ trợ...”, Hoa hào hứng kể.

anh Thanh Hoa 1.jpg


Nguyễn Thị Thanh Hoa và nụ cười hiền hòa thường trực

Đến khi học đại học, Thanh Hoa đã chọn ngành Cử nhân văn học, ngành này có thể làm giáo viên dạy văn (khi học thêm nghiệp vụ sư phạm), có thể làm nghiên cứu văn học, có thể làm biên tập, có thể làm phóng viên... Bốn năm học đại học, Hoa không chỉ học mà còn trải nghiệm nhiều thứ: đi làm gia sư dạy văn, viết thơ, viết truyện, viết sách, viết báo.

Năm cuối ở giảng đường, Thanh Hoa có cơ hội làm biên tập sách văn học. Sau khi ra trường, Hoa cho biết, cảm thấy mình có trách nhiệm và niềm đam mê với việc hỗ trợ các bạn sinh viên khuyết tật - “Bởi trong thời gian là sinh viên, tôi hiểu rõ những khó khăn mà các bạn gặp phải, đồng thời cũng đã được hỗ trợ rất nhiều, nên tôi quyết định thực hiện những dự án hỗ trợ sinh viên khuyết tật - với công việc là nhân viên công tác xã hội tại Trung tâm Khuyết tật và Phát triển DRD”.

Hoa thừa nhận “người khuyết tật gặp khó khăn hơn rất nhiều so với người không khuyết tật trên hành trình tìm kiếm việc làm và làm việc do các rào cản”. Tuy nhiên, theo Hoa, nếu người khuyết tật có khả năng, năng lực thì những rào cản đó sẽ được hạn chế bớt. Song song với điều đó, nếu xã hội (đặc biệt ở đây là các doanh nghiệp, cơ quan tuyển dụng) không kỳ thị, phân biệt đối xử mà chấp nhận và có những hỗ trợ cần thiết thì người khuyết tật cũng sẽ có được nhiều cơ hội việc làm và chinh phục ước mơ, đam mê của họ.

Nguyễn Thị Thanh Hoa (SN 1992, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) đoạt khá nhiều giải thưởng về viết lách: giải nhì cuộc thi Nét bút tri ân lần 1; giải khuyến khích Trung thu gợi nhớ tình thân, giải ba Người thầy trong tôi, giải khuyến khích Viết về mẹ...

Thanh Hoa cũng vừa tốt nghiệp ĐH Sư phạm TP.HCM, đã xuất bản tập thơ Nếu mệt cứ ngủ, đời sẽ ru em do NXB Văn Học phát hành.

 Chúc Thiệu

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày