Nghiệp khẩu của nữ giới trong tu tập

Nghiệp khẩu của nữ giới trong tu tập

GN - Sau thời giảng giáo lý là giờ pháp đàm. Bằng sự chân tình trao đổi để học hỏi, tu tập, mọi người lần lượt nói lên suy nghĩ, ý kiến của mình. Một Phật tử nói:

- Tôi ở miền Bắc, mới vào đây sống vài năm. Tôi nhận ra điều khác lạ là ở miền Bắc, Phật tử đi chùa thường là người lớn tuổi. Và khi đi chùa người ta thường lễ Phật, cầu nguyện một điều gì đó tốt lành cho bản thân hoặc gia đình. Còn ở miền Nam, tôi thấy người đi chùa ngoài tụng niệm và lễ bái, thường hay nghe thuyết giảng Phật pháp. Điều này tôi thấy rất hay, vì Phật tử có dịp để hiểu biết thêm về giáo lý nhà Phật.

Một nam Phật tử chia sẻ:

- Tôi thấy trong năm giới của cư sĩ có giới thứ năm là không uống rượu, không sử dụng các chất gây nghiện… phe nam giới chúng tôi khó giữ quá. Hút thuốc thì chúng tôi cũng có thể bỏ, nhưng bỏ rượu thì khó quá! Bây giờ đi đến đâu cũng tiệc tùng, hội hè, giao tế, làm sao mà không uống rượu cho được? Ước gì nhà nước ra những chỉ thị cấm uống rượu như đã cấm hút thuốc nơi công cộng thì hay biết mấy!

Một phụ nữ nói:

- Tôi thấy trong 5 giới dành cho cư sĩ, phe phụ nữ mình khó giữ nhất là giới thứ tư: Không vọng ngữ, nhất là “nói lời phù phiếm”. Chắc các bạn cũng thấy, ngay như trong khóa tu này, hầu như buổi nào, ngày nào quý thầy cũng nhắc nhở “giữ im lặng”, vậy mà chúng ta có giữ được đâu! 

Không khí buổi pháp đàm hầu như lắng lại.

- Đúng rồi! Cái việc “giữ im lặng” được nhắc nhở nhiều nhất mà cũng không dứt được.

Nghe các Phật tử chia sẻ, tôi nghiệm thấy trong những đạo tràng thường thì người nữ chiếm đa số. Và hầu như trong bất cứ đạo tràng nào thì “vất vả” nhất vẫn là việc yêu cầu Phật tử giữ im lặng. Vì vừa gặp mặt nhau là chị em phụ nữ tay bắt mặt mừng, rồi thì bắt đầu ào ào tuôn ra không biết bao nhiêu là chuyện. Từ hỏi thăm nhau về sức khỏe, công việc đến “trút bầu tâm sự”: nào là chuyện ông xã tôi, con dâu tôi, cháu nội tôi v.v...

Hình như nhu cầu lớn nhất của giới nữ là được chia sẻ, tâm tình. Thôi thì cứ chuyện trò không ngớt. Đạo tràng cứ ồn ào như cái chợ. Nếu có im lặng được chăng là chỉ im lúc đã bị nhắc nhở nhiều lần, hoặc lúc quý thầy đang giảng pháp. Nhưng buổi giảng vừa dứt, thì tiếng nói chuyện lại rộ lên lập tức, không kịp ra khỏi giảng đường. Dường như im lặng là một sự “nín nhịn” rất vất vả đối với nữ giới, nên khi phía trên các thầy vừa dứt buổi giảng pháp là “những điều muốn nói” của họ phải tuôn trào ra ngay lập tức!

Là một người nữ, tôi suy gẫm về điều này rất nhiều. Tôi nhận thấy, có lẽ đối với giới nữ thì nghiệp khẩu là cái nghiệp nặng nề nhất! Không kể chi đến chuyện nói dối, nói lời thêu dệt, nói hai chiều, có liên quan đến tội phước và liên quan đến người khác, chỉ nội chuyện nói phù phiếm thôi thì cũng đã là “cố tật” khó bỏ của nữ giới.

Tôi nhớ có lần tham dự buổi lễ mừng khánh tuế cho một vị thầy viện chủ ở một chùa nọ. Trong khi buổi lễ đang diễn ra thì ở một góc hội trường phía dưới, một nhóm phụ nữ khá lớn tuổi gần mươi người, cứ ngồi nói chuyện oang oang như chỗ không người. Họ lấy thức ăn mang theo vừa ăn vừa nói chuyện ồn ào, vui vẻ, không màng chi việc mọi người chung quanh ném những cái nhìn bực bội, chê trách. Mãi đến khi họ đã ăn chán, nói chán, cả bọn kéo đi nơi khác thì mọi người mới được yên.

Người đời chê trách đó là thái độ sống thiếu văn hóa, bất lịch sự, nhưng theo một vị thầy, thì đó là sự vô tâm, đi chùa mà không nhớ là mình đang đi chùa. Sự vô tâm đó dẫu chỉ của một số ít người, nhưng cũng đã làm phiền nhiễu cho mọi người chung quanh không ít. Báo hại những người chung quanh ngồi gần họ, đi chùa mà tâm cứ vọng lên sự bực bội, không giữ được sự thanh tịnh, an trú.     

Và tôi cũng hiểu rằng, người Phật tử đến chùa tập tu chủ yếu là phải cố giữ tâm thanh tịnh, suy nghĩ về những chuyện “mắt thấy tai nghe” như ở trên, cũng là đã để tâm vọng động. Nhưng chúng tôi còn là phàm phu, chưa phải là bậc Thánh để có thể an trú tâm ngay ở nơi bất tịnh. Sự quán chiếu như thế có lẽ cũng cần thiết cho những người mới bắt đầu tu tập, vì có nhận thức như vậy thì mới luôn phản tỉnh, cảnh giác để điều chỉnh thân tâm trong cuộc sống hàng ngày. Thế mới biết, người đời càng sống lâu thì càng nhiễm sâu dày chuyện thế tục, muốn xả bỏ cho hết trong một sớm một chiều thật không dễ dàng gì! 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).

Thông tin hàng ngày