Ngôi chùa ở vùng cực Bắc của thế giới

Datsan Dashi Norbulin, ngôi chùa ở cực Bắc của thế giới
Datsan Dashi Norbulin, ngôi chùa ở cực Bắc của thế giới
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Ngôi chùa Phật giáo ở cực Bắc của thế giới Datsan Dashi Norbulin đã được xây dựng nhằm đáp ứng các nhu cầu tâm linh của cộng đồng Phật tử đông đảo ở Yakutia.

Ở một nơi có khí hậu vô cùng khắc nghiệt như cực Đông của Nga, thì sự hiện diện của ngôi chùa như một ngọn lửa hồng sưởi ấm tinh thần của người mộ đạo nơi đây.

Viễn Đông Nga thuộc Đông Bắc Á là vùng cực đông của Nga và lục địa Á châu. Vùng này được quản lý như một phần của quận Viễn Đông Liên bang (FEFD), vốn là vùng lớn nhất và ít dân cư nhất trong 8 quận của Nga. Vùng Viễn Đông Nga là nơi sinh sống của nhiều cư dân bản địa. Mặc dù đa số người dân sống trong khu vực là dân tộc Nga, nhưng 3,3% dân số của FEFD là Phật tử. Tại đây, có thể tìm thấy các trung tâm lớn của Phật giáo Tây Tạng, được xây dựng và phát triển bởi những người Buryat trong vùng như Buryatia, Zabaykalsky Krai, và Yakutia (Sakha).

Các Phật tử tham dự buổi lễ

Các Phật tử tham dự buổi lễ

Yakutia (Yakut: Саха Сирэ), còn được gọi chính thức là Cộng hòa Sakha (Yakut: Саха Өрөспүүбүлүкэтэ), là cộng hòa liên bang lớn nhất của Nga, nằm ở Đông bắc Siberia thuộc FEFD. Nơi đây được biết đến với khí hậu vô cùng khắc nghiệt và có thể khẳng định là khu vực lạnh nhất ở Bắc bán cầu.

Người Yakuts, hay Sakha, là một nhóm dân tộc người Turkic, đồng thời là nhóm dân bản địa lớn thứ hai ở Siberia sau người Buryat. Một số dữ liệu về khảo cổ và dân tộc học cho thấy người Yakuts có chung nguồn gốc tổ tiên với người Buryat sống gần hồ Baikal. Gần 50% dân số ở Sakha là người Yakut, trong khi người Nga chiếm 37,8% và người Buryat là 0,8%-tức khoảng 7.000 người Yakut Buryat, hầu hết trong số đó là Phật tử.

Năm 1998, cộng đồng Phật tử Buryat ở Yakutia đã liên hệ với tu viện Ivolginsky Datsan ở Buryatia để thỉnh một vị Lạt-ma về đây để hướng dẫn họ tu tập. Ngay sau đó, Lạt-ma Yeshe Dandar (Dmitry Zhalsaraev), một vị tu sĩ đức độ đã tốt nghiệp Trường Đại học Phật giáo Dashi Choinkhorlin, được bổ xứ đến Yakutsk, thành phố lớn nhất của đất nước Yakutia.

Khi Lạt-ma Dandar đến đây, ngài nhận thấy rằng cộng đồng Phật giáo địa phương không có nơi nào để tu học và tu tập. Vì vậy, ngài đã bắt tay vào hàng loạt các hoạt động nhằm xây dựng cơ sở tu học và hoằng pháp. Đầu tiên, Lạt-ma Dandar đã thành lập một tổ chức tôn giáo ở Yakutsk có tên là “Lotus Buddhist Community” (Cộng đồng Phật giáo Hoa Sen).

Sau đó, vào năm 2009, quyết định cuối cùng về việc xây dựng tu viện đã chính thức được thông qua. Trong cùng năm, theo kế hoạch của Cộng đồng Phật giáo Hoa Sen, việc xây dựng được khởi công trong một rừng thông cách trung tâm Yakutsk khoảng 12km. Công trình kiến trúc độc đáo này được biết đến với tên gọi “Ngôi chùa Phật giáo ở cực Bắc của thế giới Datsan Dashi Norbulin” (dịch từ tiếng Tây Tạng: Vườn đá quý tốt lành). Việc xây dựng được hỗ trợ bởi sự phát tâm cúng dường của các Phật tử ở khu vực cũng như trên toàn thế giới.

Một buổi lễ được chủ trì bởi Lạt-ma Dandar tại ngôi chùa Dashi Norbulin

Một buổi lễ được chủ trì bởi Lạt-ma Dandar tại ngôi chùa Dashi Norbulin

Việc xây dựng ngôi chùa trước đó đã nhận được rất nhiều điềm báo tốt lành. Vào năm 2002, Đức Dalai Lama đã tặng bức chân dung của ngài và một chiếc khăn khatak cho những người hành hương đến từ Yakutia như một lời chúc phúc đối với việc xây dựng một ngôi chùa Phật giáo cho cộng đồng nơi đây. Năm 2006, các Phật tử Yakutia lại nhận được những món quà thiêng liêng và đặc biệt ý nghĩa để đặt nền móng cho ngôi chùa. Cuối cùng, vào năm 2008, kế hoạch xây dựng ngôi chùa đã được dâng lên Đức Dalai Lama trong một buổi diện kiến ngài ở Dharamsala và được ngài ban phước.

Ngôi chùa mong ước của Cộng đồng Phật giáo Hoa Sen đã được xây dựng trong thời gian 5 năm và Lạt-ma Dandar cũng được bổ nhiệm trụ trì ngay sau đó. Buổi lễ khánh thành chùa được tổ chức bởi Lạt-ma Pandito Khambo Damba Ayusheev vào ngày 2-10-2014. Đây không những là một ngôi chùa Phật giáo, mà còn là trung tâm văn hóa, nơi người dân có thể học tiếng Buryat và ngôn ngữ Tây Tạng, tổ chức triển lãm, các sự kiện văn hóa và giáo dục.

Ngoài ra, một cộng đồng Phật giáo khác có tên là Namsal, được thành lập ở Mirny, thuộc trung tâm hành chính của quận Mirinsky vào năm 2013. Cộng đồng này hoạt động với mục tiêu liên kết với tất cả những người Phật tử Buryat sinh sống trong thành phố. Một ngôi chùa nhỏ (dugan) cũng được dựng lên ở Mirny và Lạt-ma Erdeni là vị tu sĩ thường trú, cũng như thực hiện các nghi lễ Phật giáo và hướng dẫn tinh thần cho cộng đồng Phật tử xung quanh.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tác giả, Phật tử Nguyễn Tường Bách trong khuôn viên vườn nhà - Ảnh: TGCC

Tác giả Nguyễn Tường Bách sẽ nói chuyện và giao lưu về chủ đề Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á

GNO - Nguyễn Tường Bách - tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách được nhiều người đọc yêu thích như Mùi hương trầm, Lưới trời ai dệt, Đêm qua sân trước một cành mai, Đạo của vật lý, Con đường mây trắng ... - sẽ có buổi trò chuyện và giao lưu xoay quanh chủ đề “Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á”.

Thông tin hàng ngày