Los Angeles: Dấu ấn Phật giáo tại Viện Bảo tàng Nhật Mỹ

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1166 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1166 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Cuộc triển lãm mang tên “Sutra and Bible: Faith and the Japanese American World War II Incarceration” (Kinh điển và Kinh thánh: Niềm tin và sự giam cầm trong Thế chiến thứ II của người Mỹ gốc Nhật) tại Bảo tàng Nhật Mỹ, Los Angeles đã khai mạc vào ngày 26-2 vừa qua.

Trong đó, dấu ấn tâm linh của những cộng đồng tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo, đã trở thành điểm tựa tinh thần, khơi niềm hy vọng và truyền trao năng lượng từ bi cho những người Mỹ gốc Nhật khi họ đang phải chịu cảnh tù đày trong cuộc Thế chiến thứ II.

Một chiếc bàn gỗ trang nghiêm thờ thần chiến tranh Hachiman Daimyojin của Thần đạo, bên cạnh là miếng gỗ được khắc thủ công, một trong số đó được dùng để khắc những cụm từ tán thán Tam bảo. Bàn thờ ban đầu nằm trong võ đường Judo tại Tule Lake Segregation Centre, một trại tập sự ở Newell, California, ngay phía Nam biên giới Oregon. Nổi bật hơn cả là dòng chữ “ju yoku go o seisu”, tạm dịch là “lấy nhu thắng cương”.

Bàn thờ này chỉ là một trong số rất nhiều hiện vật được trưng bày tại cuộc triển lãm “Sutra and Bible”, một sự kiện do Duncan Ryuken Williams và Emily Anderson phụ trách. Du khách có thể đến tham quan và tìm hiểu đến hết ngày 27-11 năm nay. Tại đây, mọi người sẽ được giới thiệu sơ qua về hoàn cảnh và trải nghiệm lịch sử của những người Mỹ gốc Nhật, giai đoạn trong và sau vụ áp bức và tống giam hàng loạt xảy ra khi ban hành Sắc lệnh 9066 của Tổng thống Roosevelt năm 1942.

Không chỉ trưng bày bàn thờ, các tôn tượng, kinh sách mà hơn thế nữa, cuộc triển lãm còn nhắc nhở chúng ta về sức mạnh do tôn giáo, tín ngưỡng, nghi lễ và cộng đồng mang lại trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt là trong những thời điểm khó khăn nhất. Phật giáo đã mang đến sự kiên cường và hy vọng cho tất cả những ai đang chịu cảnh khốn cùng.

Sau trận Trân Châu cảng, những người Mỹ gốc Nhật bị bắt buộc phải chôn giấu hoặc tiêu hủy tất cả những vật dụng được sản xuất tại Nhật Bản, hoặc có ký tự của ngôn ngữ Nhật vì sợ bị nghi ngờ về lòng trung thành, bao gồm cả những bản kinh văn và vật dụng Phật giáo. Hơn 120.000 người bị giam giữ trong các nhà tù, họ không được phép mang bất kỳ hiện vật tôn giáo nào theo bên mình.

Trong khi đó, hai phần ba những người bị bắt là Phật tử hoặc là những người đang thực hành theo Phật giáo, chính họ đã tìm cách để tiếp tục được thờ phượng và tu tập ngay trong chốn lao tù. Thấy được những nguyện vọng tha thiết như vậy, những vị tu sĩ Phật giáo phải dựa vào trí nhớ của mình để viết lại các bản kinh văn để thực hiện các nghi lễ và thành lập các nhóm Phật tử ngay trong nhà giam. Một số vị sư đã tự tay làm các vật dụng tôn giáo và nhặt nhạnh các thanh gỗ từ trong thùng rác để tạo ra các vật thờ cúng, hoặc thậm chí là lấy đá từ lòng đất để lưu lại những điều cần thiết, mà bằng chứng là kinh văn được chép lên những hòn đá cuội ở núi Heart.

Năm 1956, một người tên là Bill Higgins, một nhân viên của Cục Khai hoang, đã phát hiện ra một chiếc trống kim loại được chôn bên dưới nghĩa trang ở trại tập trung trên núi Heart tại Wyoming. Nó chứa 2.000 viên đá được viết chữ bằng mực. Ý nghĩa của những viên đá này vẫn chưa được khám phá cho đến năm 2001, khi các học giả tiết lộ rằng một số nhân vật đã cùng nhau tạo ra 6 tập đầu tiên của kinh Pháp hoa.

Vì Nhật Liên tông gắn liền với kinh Pháp hoa, cũng từ đây, các học giả cho rằng tác giả của những hòn đá này không ai khác ngoài thầy Nichikan Murakita, một vị tu sĩ nổi tiếng thuộc tông phái này, đã bị giam giữ tại núi Heart. Thầy là một bậc thầy trong lĩnh vực thư pháp, đồng thời cũng chính là tác giả của những viên đá có viết chữ này. Chúng đã bị chôn vùi trong nhiều năm cho đến khi được phát hiện. Bảo tàng quốc gia Nhật Mỹ đang lưu giữ bộ sưu tập lớn nhất và hiện đang được trưng bày trong cuộc triển lãm lần này.

Các viên đá mang ký tự được cho là trong bản kinh Pháp hoa

Các viên đá mang ký tự được cho là trong bản kinh Pháp hoa

Chép kinh cũng là một hình thức thiền định và là một phương pháp tu tập của Phật giáo có từ thế kỷ thứ VII ở Nhật Bản. Bản thân kinh Pháp hoa đã giải thích tầm quan trọng và công đức của việc biên chép kinh điển như một hình thức để tu hành. Việc viết kinh lên những hòn đá là minh chứng cho sức mạnh bền bỉ của phương pháp tu tập này, đồng thời, đem đến cho hàng nghìn người khả năng hồi phục về tinh thần khi họ cần nhất.

Ở những nơi khác trong cuộc triển lãm là những chiếc bài vị làm bằng các thanh gỗ, hoặc những tấm bia tưởng niệm theo hình thức của Phật giáo; trên đó là tên của những người lính Nisei đã hy sinh trong chiến tranh. Thầy Mitsumyo Tottori thuộc truyền thống Hale'iwa Shingon ở Hawaii, một vị sư Phật giáo Issei duy nhất không bị bắt và giam giữ, đã chép khoảng 420 bài vị và đặt chúng trong ngôi chùa của mình để đảm bảo rằng mỗi người lính hy sinh trong trận chiến đều được tôn vinh một cách xứng đáng.

Triển lãm còn tái hiện những khung cảnh của buổi thực hành nghi lễ nhằm xoa dịu và mang đến bình an cho các tù nhân trong thời kỳ hỗn loạn. Ngoài ra, một bức ảnh lớn, đầy màu sắc chụp một nhóm phụ nữ và trẻ em trong những bộ kimono nghiêm chỉnh đang nhảy múa. Bên cạnh đó là một cái trống được bao quanh bởi một lồng kính.

Bài vị tôn vinh những người lính tử trận ở Hawaii

Bài vị tôn vinh những người lính tử trận ở Hawaii

Hai hiện vật này đã từng được sử dụng cho buổi lễ Obon được tổ chức tại trại giam giữ Honouliuli ở Hawaii vào ngày 15-8-1942. Trong phần phát biểu tại buổi lễ khai mạc triển lãm, người phụ trách Duncan Ryuken Williams đã chia sẻ: “Sự kiên cường chính là nhanh chóng thích nghi và khéo léo tu tập trong một môi trường đã bị đổi thay. Đôi khi thế giới khổ đau khiến bản thân chúng ta thức tỉnh về những sự thật của cuộc đời”.

Vào thời điểm mà thế giới vẫn còn xung đột và chiến tranh, cuộc triển lãm “Sutra and Bible” đã nhắc nhở chúng ta về những phương thức mà các tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo, đã kết nối mọi người và trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc cho những người đang ngụp lặn trong sự đau khổ tột cùng, cả về thể xác lẫn tinh thần.

Đồng thời, tất cả những hiện vật còn sót lại cho chúng ta thấy tình yêu thương và lòng trắc ẩn vẫn tồn tại trong cộng đồng. Tuy ở trong cảnh tù đày, nhưng sự giải thoát luôn hiện hữu khi chúng ta có mặt trong khoảnh khắc hiện tại và tỉnh thức với thế giới xung quanh. Đối với Phật giáo, con đường không còn tách biệt với bước chân của mỗi người, chúng ta có thể chạm đến trí tuệ bằng chính sự hiện diện của mình, ngay trong những giờ phút tăm tối nhất của cuộc đời.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

[Video] Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

[Video] Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

GNO - Ngày 10-12 (10-11-Giáp Thìn), sau Đại nghị lần thứ II Hội đồng Chứng minh, Đức Pháp chủ GHPGVN - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, chư Trưởng lão Thành viên đã quang lâm chánh điện Việt Nam Quốc Tự, dự Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Thành viên Hội đồng Chứng minh đã viên tịch.

Thông tin hàng ngày