Người xuất gia báo hiếu như thế nào?

Người xuất gia  báo hiếu như thế nào?
 Trong thời đại kinh tế phát triển mạnh mẽ, con người càng có nhiều cơ hội làm giàu, thọ hưởng mọi tiện nghi từ vật chất đem lại, dẫn đến những quan điểm, kiến giải báo hiếu khác nhau. Nếu căn cứ trên học thuyết Nho gia chỉ dạy, thì người xuất gia tu hành theo đạo Phật, phải cạo bỏ râu tóc, sống một đời sống “Tam không”: không gia đình, không vợ con, không nắm giữ tài sản, thật khó mà làm tròn “Đại hiếu” đối với cha mẹ, ông bà tổ tiên của mình được. Cho nên, vấn đề đặt ra, người xuất gia báo hiếu như thế nào vẫn là một câu hỏi còn nghi vấn dành cho một số người!

 Thật ra, vấn đề này đã được Mâu Tử giải quyết từ lâu lắm rồi. Ngay trong tác phẩm Lý hoặc luận(1)  (Những luận lý để xử lý các mối nghi hoặc, sai lầm về Phật giáo), viết vào thế kỷ II, stl, Mâu Tử đã cho ta một cái nhìn khá đầy đủ về quan điểm hiếu hạnh của nhân dân ta từ thời Phật giáo mới truyền vào nước Việt mình. Từ đó, chúng ta có thể nhìn thấy tổng thể giá trị văn hóa tình người bắt đầu từ tâm hiếu hạnh, trong việc đối nhân xử thế, góp phần làm nên giá trị tâm linh trong việc hướng cầu giải thoát, nhất là việc giải đáp cho giới trí thức Nho gia về việc một người cạo bỏ râu tóc, xuất gia tu hành, sống đời sống không gia đình..., vẫn là một phương thức báo hiếu trọn vẹn nhất, ý nghĩa cao quý nhất, gọi là “đại hiếu”.

Ta thấy ngay trong phần giới thiệu Hiếu kinh của Nghệ văn chí ở Tiền Hán thơ 30 10b5-6, Ban Cố viết: “Hiếu là kinh của trời, nghĩa của đất, hạnh của dân”. Hiếu kinh còn nói: “Tính của trời đất, con người là quý. Hạnh của con người, không gì hơn hiếu”. Rõ ràng Nho gia lấy hiếu làm đầu trong các hạnh làm người. Thế nên, Tư Mã Đàm, trước khi từ trần đã dặn con mình là: “Hiếu bắt đầu ở việc thờ cha mẹ, tiếp đến thờ vua, và cuối cùng ở việc lập thân nêu danh cho đời sau để làm rõ cha mẹ, đó là đại hiếu” - như Tư Mã Thiên đã ghi trong Sử ký 130, tờ 6b6-7. Lời trăn trối này rõ ràng đã lấy từ câu mở đầu của Hiếu kinh mà ta được biết: “Thân thể tóc da nhận từ cha mẹ, không dám tổn thương, là bắt đầu của hiếu. Lập thân hành đạo, nêu danh với đời sau để làm rõ cha mẹ là chung cuộc của hiếu”. Có thể xem đây là nội dung căn bản không chỉ của Nho gia mà cả dân tộc Trung Hoa thời bấy giờ.

Đạo Phật du nhập vào nước ta thời đó, tư tưởng Phật giáo, trong đó quan điểm hiếu hạnh tự thân nó không chỉ đơn thuần mang tính lý thuyết mà nó còn thể nhập thành một thái độ sống, trên hết là nếp sống chuẩn hóa đạo đức Phật giáo, cơ sở hướng đến sự giải thoát khổ đau. Bởi vì Phật dạy: “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu hạnh Phật”. Suy cho cùng, toàn bộ giáo lý của nhà Phật, kể cả nội dung hiếu hạnh mà Phật giáo đề xuất cũng không ngoài mục đích kết nối, trao truyền sự yêu thương, hướng con người đi đến sự bình an nội tại, thấy rõ cuộc sống hạnh phúc chân thật. Cho nên vấn đề cốt lõi là vận dụng nội dung quan điểm hiếu hạnh như thế nào để có thái độ sống với cha mẹ, anh chị em, bà con quyến thuộc và những người xung quanh được an lạc, thoát khỏi sự hệ lụy khổ đau mà thôi. Do đó, việc xuất gia tu hành, cạo bỏ râu tóc, sống một đời sống không gia đình không chỉ tự hoàn thiện bản thân mà còn có khả năng báo hiếu cho cha mẹ, hướng dẫn cha mẹ sống đúng Chánh pháp, đưa đến sự an lạc. Thực tế, xuất gia không phải từ bỏ cha mẹ và người thân; xuất gia chỉ có nghĩa là có thái độ sống xa rời danh lợi thế gian, từ bỏ tham sân si. Xuất gia là một việc tự ý thức nhìn nhận chúng sinh là bà con thân thuộc của mình. Tất cả mọi người trong xã hội, không phân biệt thân, sơ..., đều là cha, là mẹ, anh chị em, con cái, cháu chắt ruột thịt của mình. Một quan điểm hiếu hạnh như thế sẽ tạo ra các giá trị cao cả về quyền bình đẳng sống của con người, bình đẳng giải thoát khổ đau. Nếu ai chiêm nghiệm lời Phật dạy trong kinh Tương Ưng IV thì quả thật sẽ thấy sự hiện hữu của chúng ta đều bắt nguồn từ “Vô thỉ luân hồi, tất cả chúng sinh từng làm cha, làm mẹ, làm anh, làm chị của chúng ta, là bà con quyến thuộc nhiều đời trong dòng sống tương tục” cơ mà.

Đức Phật sở dĩ được tôn vinh là Đấng Từ phụ, nghĩa là người Cha lành, vì Ngài thương yêu tất cả chúng sinh như mẹ thương yêu người con ruột của mình. Người xuất gia noi gương Phật, xem toàn xã hội như gia đình của mình, mọi người trong xã hội như bà con thân thiết, cha mẹ anh em, con cái ruột thịt của mình. Và như thế, người xuất gia báo hiếu cho cha mẹ bằng cách xây dựng đức tin cho cha mẹ thiếu đức tin, khuyến khích cha mẹ bỏ ác làm lành, bố thí, tu học đúng Chánh pháp, có trí tuệ chân chánh. Như vậy, theo lời Phật dạy, đây chính là sự báo hiếu cho cha mẹ một cách đầy đủ và trọn vẹn nhất, vì có khả năng hướng cha mẹ đi đến sự giải thoát sinh tử.
Với quan điểm hiếu hạnh mà Phật giáo đề xuất, ta chẳng ngạc nhiên gì khi Mâu Tử đã hóa giải những thắc mắc về quan điểm hiếu hạnh của Phật giáo thời du nhập mà tầng lớp Nho giáo đưa ra khi căn cứ vào Hiếu kinh của truyền thống của Trung Hoa, được ghi trong Lý hoặc luận. Nội dung tác phẩm này bao gồm 37 điều, vì quan điểm của tác giả cho rằng “xem Phật kinh chi yếu có 37 phẩm”. Trong đó 3 điều khởi đầu trình bày về các quan niệm Phật giáo và 9 điều dành cho việc phê phán Đạo giáo, cộng với điều kết thúc cuối cùng, còn lại 25 điều hoàn toàn dành cho việc xử lý những thắc mắc về quan hệ giữa Phật giáo và Nho giáo. Điểm đáng nói, ngay điều 10 và điều 11, sách Lý hoặc luận đã chỉ ra xác lập quan điểm Phật giáo về hiếu hạnh khá rõ khi có người chất vấn: “Hiếu kinh nói, “Thân thể, tóc da nhận từ cha mẹ, không dám hủy thương. Tăng Tử lúc sắp mất bảo “Kéo tay ra, duỗi chân ra!”. Nay Sa môn cắt tóc, sao trái với lời dạy của Thánh nhân, không hợp với đạo người con có hiếu…”.

Mâu Tử đã nêu rõ quan điểm hiếu hạnh của Phật giáo khá rõ về đối tượng người xuất gia theo đạo Phật: “Chê Thánh hiền là bất nhân, bàn với không trúng là bất trí… Xưa, có người nước Tề đi thuyền sang sông, người cha ngã xuống nước, người con xách tay, chúc đầu chổng ngược để cho nước ở miệng tuôn ra mà mạng cha được sống. Kìa chúc đầu lộn ngược cha, còn gì bất hiếu bằng. Nhưng để bảo toàn thân thể cha, nếu khoanh tay giữ đạo con hiếu thông thường thì mạng cha chết mất dưới nước. Khổng Tử nói: “Có thể cùng đạo, nhưng chưa thể cùng quyền biến”. Đó gọi là tùy thời mà làm vậy. Vả lại Hiếu kinh nói: “Tiên vương có chí đức, có yếu đạo”. Mà Thái Bá cắt tóc, vẽ mình, tự theo tục của Ngô Việt trái với nghĩa thân thể, tóc da. Vậy mà Khổng Tử ca tụng, cho có thể gọi là chí đức. Trọng Ni không cho cắt tóc mà chê bai. Do thế mà thấy nếu có đức lớn thì không câu nệ vào tiểu tiết. Sa môn vứt gia sản, không vợ con, không nghe đàn, không nhìn sắc, có thể bảo là đã nhường hết thì sao lại trái với lời Thánh, không hợp đạo hiếu?”…(Điều 9).
Rõ ràng Mâu Tử đã vận dụng tinh thần tùy duyên của giáo lý Duyên khởi để lý giải. Hiếu hạnh là sự thể nhập cuộc sống thực tiễn để trở thành nếp sống văn hóa ứng xử tình người mà trao cho nhau bằng tình thương thật sự, chứ không phải là học thuyết, giáo điều gì cả mà chấp chặt. Cho nên, Mâu Tử cũng dùng ngôn ngữ, điển tích Thái Bá theo tục Ngô Việt, xác nhận tục này khác với tục Trung Hoa, nhưng người Trung Hoa vẫn có một số thành phần trong xã hội theo tục Ngô Việt được Thánh nhân Khổng Tử khen. Và ta thấy thời đó, đạo Phật đã thể nhập vào Giao Châu và hẳn nhiên có một quần chúng Phật tử xuất gia tu học, cạo đầu xuất gia cũng phù hợp thuần phong mỹ tục của người Việt với tục “cắt tóc xăm mình” được ghi trong Tiền Hán thơ 28 hạ, tờ 31a5-12 như sau: “Đất Việt … nay là Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nam Hải, đều là phần đất của Việt…, xăm mình cắt tóc để tránh giao long”. Lý do là người Việt “thường ở trong nước, nên cắt tóc xăm mình, cho giống loài rồng, nên không bị phương hại”.

Điểm quan trọng của hạnh hiếu mà Nho gia hết sức đề cao, ngoài việc “thân thể tóc da không dám làm tổn thương” thì phải lo lấy vợ để nối dõi tông đường. Cho nên, việc xuất gia của giới Phật giáo sống không gia đình đã khiến Nho gia thời đó thắc mắc: “Phúc không gì hơn là nối dõi, bất hiếu không gì hơn là không có con trai. Sa môn không có vợ con, vất của cải, có người suốt đời không lấy vợ sao mà trái với hạnh phúc đức và hiếu từ như thế? Tự khổ mình mà không có chi là kỳ, tự cực mình mà không có chi là lạ cả!”. Lý giải điều này, Mâu Tử ghi trong điều 10 của Lý hoặc luận như sau: “Bên trái dài, thì bên phải ngắn, đằng trước lớn thì đằng sau hẹp. Mạnh Công Xước làm ông già nước Triệu, nước Ngụy thì tốt chứ không thể lấy làm đại phu cho nước Đằng, nước Tiết. Vợ con, tài sản là vật thừa ở đời, thân sạch vô vi là huyền diệu của Đạo vậy. Lão Tử nói: “Danh tiếng với thân mệnh, cái nào quý hơn? Lại nói: “Thân mệnh với của cải, cái nào quý hơn? Hứa Do làm nhà ở trên cây, Di Tề chết đói ở Thủ Dương, Thuấn Khổng ca ngợi là bậc hiền, nói “Cầu đạo nhân được đạo nhân vậy”. Chưa từng nghe thấy chê là không có nối giòng, không có của cải. Sa môn tu đạo đức để đổi niềm vui của đời phù du, về thục hiền để thay cho nỗi sướng vợ con. Như thế mà không lạ, còn chi lạ?

Như thế mà không khác, còn chi khác”.
Rõ ràng, ta thấy một quan điểm hiếu hạnh của Nho giáo về vấn đề nối dõi tông đường đã được Mạnh Tử xiển dương mạnh mẽ với câu nói: “Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại”, đã tác động khá mạnh vào tâm thức người Trung Hoa xưa nay. Cho nên, ta chẳng ngạc nhiên gì giới Nho gia thắc mắc về vấn đề người Phật tử xuất gia, sống đời sống không gia đình làm sao có đủ nhân duyên báo hiếu. Thực ra, xuất gia theo Mâu Tử là người có khả năng báo hiếu một cách trọn vẹn nhất, nó cũng lý giải vì sao thông điệp Phật giáo về con đường sống đạo thời du nhập đưa ra: “Ở trong nhà là báo hiếu cha mẹ, ra ngoài xã hội là giúp nước, ngồi một mình thì hoàn chỉnh bản thân” như điều 4 Lý hoặc luận ghi.
Cuộc sống vốn luôn biến động vô thường, khi mà con người còn phải đối diện biết bao nhiêu vấn đề từ cơm áo gạo tiền, tài sản, danh lợi, địa vị cho đến các vấn đề phức tạp khác, vấn đề phụng sự mẹ cha lại càng được quan tâm hơn bao giờ hết. Thực tế minh chứng như thế, con người mỗi khi giáp mặt khổ đau thì mới có cơ hội biết kết nối yêu thương để mong cầu sống trong sự bình an nội tại. Vì suy cho cùng, báo hiếu cho cha mẹ chính là báo hiếu cho mọi người, cho quốc gia, cho đồng bào, cho quê hương xứ sở. Lý Duyên khởi xưa kia Phật chứng ngộ đã minh thuyết cho sự thật này như là một chân lý, bởi vì không ai có thể sống một mình mà tồn tại và phát triển, con người cần nương tựa vào nhau, trong ý niệm ai cũng từng làm cha, làm mẹ, làm anh, làm chị trong dòng sống tương tục cơ mà.

Cho nên, bạn đừng bao giờ có ý nghĩ chỉ khi nào mình trở thành người giàu có mới có điều kiện phụng sự cha mẹ của mình. Bước vào cửa Thiền là đi vào cửa Không, ngay cả khi bạn không có gì vẫn có thể báo đáp ân đức cha mẹ, vấn đề là bạn có chuyển hóa tâm thức hay không trong giai trình đi về miền đất an lạc. Xưa kia, Phật từng lễ lạy đống xương khô bên đường mà cũng chuyển hóa đại bi tâm biết bao nhiêu con người trở về suối nguồn thực thi hiếu hạnh. Các vị thiền sư, sống một đời sống không gia đình, không tài sản, thế mà các ngài vẫn báo hiếu cho cha mẹ một cách thiết thực và hữu hiệu, mang các giá trị rất nhân văn nhưng trên hết là đem lại giá trị giải thoát tự thân cho chính mình, cho cha mẹ của các ngài.

Vậy là Phật giáo thời du nhập và cho đến nay đã thể nhập đạo hiếu vào lối sống người dân nước ta phù hợp với truyền thống hiếu hạnh của dân tộc. Nếu Phật giáo xác định việc xuất gia là thể hiện là đời sống biết yêu thương chúng sinh như con đẻ của mình thì lo gì không có sự yêu thương giữa những người ngoài tính huyết thống gia tộc. Còn truyền thống hiếu hạnh dân tộc ta cũng đề xuất “thương người như thể thương thân”, tất cả là đều là con mẹ Âu Cơ và cha già Lạc Long Quân trong ý niệm “đồng bào”, hẳn nhiên mọi người sẽ được hạnh phúc an lạc. Đây cũng là cơ sở lý giải tại sao thời hiện đại quan điểm hiếu của nhân dân ta được vận dụng vào thực tiễn để bảo vệ và xây dựng phát triển đất nước. Tại đây, chúng ta có thể nói, lễ hội Vu lan là một lễ hội nhằm tôn vinh các giá trị nói trên như đã trình bày

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày