Nguồn mạch tâm linh

GN - Chủ đề nói về thế giới tâm linh đòi hỏi chúng ta phải có tâm thanh tịnh cao độ mới nhận ra và ứng dụng được. Khởi đầu Đức Phật bảo tất cả mọi người, nói rộng ra là mọi loài đều có hạt giống làm Phật, tức có khả năng thành Phật.

Ba đời chư Phật đã thành Phật và chúng sanh sẽ thành Phật. Chúng ta không làm Phật được, mà làm chúng sanh trôi lăn trong sanh tử luân hồi, vì chúng ta chưa tìm được cội nguồn tâm linh, chưa sử dụng được cội nguồn tâm linh.

Có hai việc để gọi là chúng sanh, một là nghiệp và hai là phiền não. Nếu không có nghiệp và phiền não thì không là chúng sanh. Đức Phật dạy rằng cuộc sống của chúng ta luôn bị hai thứ này bao vây, trói chặt. Bao giờ nghiệp của chúng ta dứt và phiền não hết thì cội nguồn tâm linh có thể xuất hiện; đó là điều quan trọng mà chúng ta phải nhận biết.

a phat hoc.jpg

Phật dạy rằng trở thành chúng sanh là do ngũ uẩn ngăn che làm chúng ta không nhận được cội nguồn tâm linh, ví như  dòng nước bị người ta đắp đập cản lại, nên ở phía dưới nguồn, đất bị khô chỉ cho cuộc sống của chúng ta tràn ngập khổ đau, trong khi ở trên nguồn vẫn có nước mà không chảy được. Chúng ta bị năm bờ đê là ngũ uẩn ngăn cản con đường trở về cội nguồn tâm linh. Ý này được Phật dạy trong kinh Pháp hoa rằng chúng ta phải vượt qua năm trăm do tuần đường hiểm, nghĩa là phải vượt năm rào cản, hay ngược dòng sanh tử để đến Niết-bàn là đến nguồn cội. Và thực ra ở nguồn cội không có khổ, nhưng vì nghiệp chướng trần lao ngăn che làm chúng ta khổ. Vì vậy, trên bước đường tu, phá được một phần nghiệp chướng là bớt được một phần khổ bằng cách thực tập lời Phật dạy, sống theo Phật, lần lần sẽ trở về cội nguồn tâm linh.

Ngũ uẩn ngăn che là năm nhóm, mỗi nhóm có một trăm thứ, tạo thành con số năm trăm được diễn tả bằng hình ảnh năm trăm do tuần đường hiểm. Năm uẩn, hay năm trăm do tuần đường hiểm tiêu biểu cho tất cả khổ đau của con người không thoát được là đọa địa ngục.

Có người thưa với thầy là họ khổ không còn cách nào sống. Thầy hỏi khổ cái gì. Họ trả lời con nợ ngập đầu không còn lối thoát. Vì vô minh không lường trước việc mình làm, mà làm theo tham vọng, nên bị ma dẫn, nghĩa là lòng ham muốn làm giàu quá mức mới bị người khai thác, chỉ vẽ theo con đường bất chính. Kết quả không giàu, nhưng bị sạt nghiệp, phải vay nợ, cuối cùng bán tài sản cũng không đủ trả nợ. Kinh Hoa nghiêm gọi là trùng trùng duyên khởi, cái này sanh thì cái kia sanh, cứ thêm, không bớt. Khi còn nhà ở, nhưng cầm nhà để vay tiền làm thêm mong trả được nợ, chẳng những không tháo gỡ được, mà bị mất nhà và mất tiền. Đó là nghiệp sanh nghiệp, nợ cũ chồng thêm nợ mới. Nếu tỉnh thức một chút theo Phật dạy, không để nghiệp ràng buộc mình.

Khi thầy học ở Nhật, hỏi người bạn lớn tuổi tại sao không lập gia đình. Anh này cho biết vì điều kiện lập gia đình không có. Điều kiện một là phải có công việc ổn định, thứ hai phải có chỗ ở ổn định, gọi là an cư lạc nghiệp. Và thứ ba là gặp người ý hợp tâm đầu, vì chưa gặp bạn tốt với ta và hiểu ta mà sống chung với nhau sẽ gây gổ, cãi nhau khiến cho cuộc sống gia đình trở nên bất hạnh. Người có suy nghĩ như vậy, họ sẽ thoát khổ. Còn không đủ điều kiện để tạo dựng gia đình hạnh phúc mà cứ dắt nhau xuống gầm cầu ở, chắc chắn là tạo cảnh sống địa ngục.

Chúng ta tu theo đạo Phật, lấy trí tuệ chỉ đạo cuộc sống của mình. Đức Phật nói rằng Ngài khác với chúng sanh ở ba điểm, đó là Phật có suy nghĩ, lời nói và việc làm đều do trí tuệ chỉ đạo. Chúng sanh thì suy nghĩ theo vô minh, lời nói do bực tức chỉ đạo và việc làm do tham vọng. Suy nghĩ, lời nói và hành động phát xuất từ tham lam, mê muội và sân hận dễ dàng dẫn đến cái chết. Thực tế cho thấy vì tham làm giàu mà bị phá sản, vì bực tức nói nặng nhau, cuối cùng đánh giết nhau, vì ngu si lao vào việc làm bất chánh dẫn đến tù tội. Phật có trí tuệ chỉ đạo, còn chúng sanh có vô minh và phiền não chỉ đạo.

Vì vậy, muốn tìm về cội nguồn tâm linh, phải phá vô minh, chấm dứt phiền não. Riêng thầy, khi nào giận thì không nói, vì nói lúc bực tức chắc chắn có hậu quả không tốt. Lúc bực tức, thầy tránh gặp mọi người và thường tụng kinh, lạy Phật, hay thiền quán, suy nghĩ ý Phật dạy giúp mình tu chứng, đó là trở về cội nguồn tâm linh, pháp hành rất quan trọng đối với người tu.

Trên bước đường tu, chúng ta phải phá phiền não, đầu tiên là phá sự lệ thuộc quá nhiều vào đời sống vật chất. Phá vòng quay một là vòng quay vật chất. Đời sống bớt lệ thuộc vật chất chừng nào sẽ bớt khổ chừng đó. Thật vậy, nếu chi phí cho đời sống vật chất nhiều, tất nhiên chúng ta phải lao động nhiều thì phải khổ nhiều. Tập sống không lệ thuộc vật chất, nói chung, không lệ thuộc xã hội và không lệ thuộc thiên nhiên là điều quan trọng mà Phật tử phải vượt qua.

Không lệ thuộc vật chất, có gì thì sống với cái đó, vì sống vượt mức cho phép, chắc chắn khổ. Và tập sống dưới mức có được, sẽ an lạc liền. Khi Phật tại thế, trên bước đường du hóa độ sanh, Ngài gặp người chủ mất bò, khiến ông này khổ sở, mất ăn mất ngủ. Nhân đó, Phật dạy rằng Tỳ-kheo được hạnh phúc hơn người chủ đồn điền giàu có, bị mất bò. Các thầy chỉ có một bát và ba chiếc áo rách, ở chỗ nào cũng ngủ được, sống được. Từ ý này, Phật cho chúng ta thấy con người không cần vật chất nhiều như chúng ta tưởng và nhu cầu vật chất mà con người chạy theo không bao giờ thỏa mãn. Chính Đức Phật đã sống giản dị tối đa thể hiện cuộc sống tự tại, giải thoát, không bị lệ thuộc vật chất. Khi còn là thái tử, Ngài có ba tòa lâu đài thích hợp với mùa hè, mùa đông và mùa mưa. Nhưng khi Ngài xuất gia rồi, cũng có một y một bát và ngủ dưới gốc cây để làm gương cho chúng ta thấy đời sống tinh thần của người tu quan trọng như thế nào. Người không sở hữu vật chất cũng trở thành người đáng tôn vinh nhất. Cuộc sống của Đức Phật kết hợp tất cả tinh ba tốt đẹp nhất, thể hiện bài học vô cùng quý báu mà chúng ta phải ý thức được khi tự nhận mình là Phật tử.

Đức Phật trở về cội nguồn tâm linh, trước nhất là Ngài không lệ thuộc vật chất. Ở hoàng cung đầy đủ tiện nghi sung sướng, nhưng Ngài không màng tới. Chúng ta chưa có thì ham, có rồi lại cố giữ và mất thì khổ đau. Đối với Phật, Ngài biết rõ tất cả vật chất dù tốt đến đâu, sớm muộn gì cũng mất, kể cả mạng sống quan trọng nhất đến lúc nào đó cũng phải buông. Phật có thể kéo dài mạng sống, nhưng Ngài thuận thế, buông bỏ để cho mọi người nhận biết rằng Phật cũng phải rời bỏ thân tứ đại.

Trước nhất, chúng ta phá tầng phiền não là chấp vật chất làm mình khổ. Phá sự lệ thuộc vật chất bằng cách có đến đâu thì sống đến đó, đừng sống vượt mức mình có.

Không phải chúng ta bỏ tất cả để xuất gia, Phật không dạy như vậy. Điển hình là Phật đến Lộc Uyển thuyết pháp, Ngài nhận thấy năm mươi thanh niên có căn lành sâu dày, có đầy đủ tư cách xuất gia, nên Ngài cho phép họ xuất gia. Nhưng cả dòng họ của những thanh niên này xin xuất gia, Phật từ chối; đơn giản vì không phải tất cả mọi người có thể trở thành thầy tu. Xuất gia quan trọng, nhưng đôi khi tại gia quan trọng hơn, vì người xuất gia không có người tại gia hỗ trợ, làm sao Phật giáo tồn tại được. Thật vậy, lịch sử cho thấy khi Phật giáo thịnh hành là nhờ có Bồ-tát hộ quốc nhân vương sanh lại cuôc đời này. Họ làm vua chúa, trưởng giả lương thiện, biết thương người và họ hết lòng vì Phật pháp, hộ pháp đắc lực, Phật giáo mới tồn tại và phát triển. Trái lại, ở thời kỳ mà vua chúa chống đạo, Phật giáo không thể nào tồn tại. Thực tế cho chúng ta thấy có giai đoạn, Phật giáo mất, vì thầy tu đông, nhưng người hộ pháp không có. Ở Ấn Độ, nơi phát xuất đạo Phật, vậy mà bị chính quyền Hồi giáo tấn công tiêu diệt đến mức Phật giáo biến mất hàng trăm năm. Ở Trung Quốc, hay ở Việt Nam năm 1963 cũng bị pháp nạn. 

Chúng tại gia đóng vai trò quan trọng. Thời Phật tại thế, đứng đầu là tám quốc vương ở Ấn Độ đều tôn kính Phật. Kế đến, giai cấp trưởng giả là người giàu có hằng tâm hằng sản đã phát tâm xây chùa, tổ chức khóa tu. Ngay ở thời kỳ này, nhờ chính quyền thành phố ủng hộ, cấp cho khu đất này để chúng ta xây dựng giảng đường. Ngoài ra, cũng nhờ Phật tử giàu có, hằng tâm hằng sản cúng dường, mới có giảng đường cho chúng ta tu học.

Mới xây dựng giảng đường này xong, các thầy hỏi giảng đường rộng quá, ai vô đây tu học. Thầy Nhật Từ nói con sẽ vận động, rước người mù và bệnh nhân ung bướu đến nghe pháp. Thượng tọa này có hạnh đặc biệt, tốt nghiệp học vị cao, nhưng thích chăm sóc người mù, người bệnh, người khuyết tật. Chọn đối tượng như vậy để độ là đúng. Bệnh nhân ung bướu giống như người bị tuyên án tử hình, nên họ dễ nghe pháp và dễ thâm nhập.

Xưa kia, Tổ Ưu Ba Cấp Đa không nhận lời thỉnh cầu đến nhà dự lễ trai tăng cúng dường của một nữ thí chủ. Ngài nói chưa phải lúc. Đến khi bà này bị sạt nghiệp, bị bỏ ra ngoài bãi tha ma vì bệnh hủi, ngài ôm bát tới. Bà nói rằng bây giờ bà không còn gì để cúng dường, sao ngài lại tới. Ngài trả lời bây giờ mới phải lúc ta đến. Độ những người mà cuộc đời họ trắng tay, không còn gì, họ dễ thâm nhập Phật pháp.

Vào ngày khai giảng, giảng đường này có mấy trăm người mù và bệnh nhân ung bướu tham dự. Chính quyền ủng hộ và cư sĩ giàu có hỗ trợ để có giảng đường này cho chúng ta tu học. Họ không vô đây tu, nhưng chúng ta tri ân sự giúp đỡ của họ.

Phật không bảo tất cả mọi người phải xuất gia, vì tùy theo hoàn cảnh khác nhau mà tu các pháp khác nhau. Việc chính của người xuất gia là truyền đạo và người cư sĩ hộ đạo. Cả hai giới này đều có phước và kết hợp với nhau để phát triển Phật giáo. Nếu xuất gia mà lười biếng, trốn nghĩa vụ, ăn hại làm xã hội đi xuống. Nếu cư sĩ cúng dường không bao nhiêu, nhưng kể lể, khoác lác làm cho người thoái tâm là phá đạo. Ông Cấp Cô Độc luôn luôn bố thí cúng dường, nhưng tài sản dùng không hết, vì ông bố thí, cúng dường đúng pháp, nên ông càng cúng dường, càng bố thí, thì ông càng giàu và vị trí trong xã hội càng lên. Một số người đóng góp xây dựng giảng đường này và hỗ trợ nhiều Phật sự khác, nhưng họ yêu cầu giấu tên và thực tế cuộc sống của họ cũng nhờ phước này mà phát triển nhanh.

Theo tinh thần Đại thừa, mỗi người có hoàn cảnh riêng, tùy theo đó mà đóng góp cho xã hội thăng hoa, ủng hộ Phật giáo đi lên. Người giàu có nhưng không vướng mắc với cuộc sống giàu có. Họ thưa rằng họ có thể nghỉ ngơi, ở không mà hưởng hết đời, nhưng họ vẫn cật lực làm việc, vì nghĩ đến cuộc sống của cả ngàn công nhân sẽ ra sao, nếu đóng cửa xí nghiệp. Thầy nói anh là nhân gian Bồ-tát có tấm lòng thương người, lo cho người. Phật giáo có những cư sĩ như thế chắc chắn đi lên.

 Anh này có vị trí cao trong xã hội, được kính trọng, nhưng không lệ thuộc vật chất, nghĩa là anh đã phá được tầng phiền não thứ nhất là không lệ thuộc vật chất, không lệ thuộc quyền thế và anh có điều kiện giúp đỡ người khác thì tại sao không làm. Thầy có người bạn, năm mươi năm trước, anh học giỏi, đậu dược sĩ và mở nhà thuốc tây. Khi nghe thuyết pháp, nói Phật bỏ ngôi vua đi tu, anh bắt chước làm theo, cũng bỏ nhà đi tu. Cả nhà, vợ con cũng cạo đầu tu theo. Mấy tháng sau, đời sống tu hành không còn thích hợp, anh và gia đình trở về và nói không tu nữa. Thầy khuyên anh rằng đừng nghĩ nhà thuốc tây quan trọng, nhưng nghĩ bệnh nhân quan trọng hơn, nên bố thí giúp đời. Tu là giúp đời, cứu đời, không  phải là người ăn hại. Anh nghe lời thầy, tiếp tục công việc của nhà thuốc tây, nhưng biết giúp đỡ người nghèo, làm cho người an vui. Làm được như vậy là tu theo Phật, vì Phật làm an lạc cho chư Thiên và loài người; nhưng trước kia, vì không biết, nên anh đã bỏ trách nhiệm mà Phật giao phó.

Phật bảo bỏ là bỏ lệ thuộc vật chất, bỏ tham vọng khiến chúng ta không bao giờ yên, vì muốn cái này rồi muốn cái khác, muốn một lại muốn mười. Nhưng bỏ tham vọng cá nhân, tài sản vẫn là của mình. Phật dạy rằng thiện nghiệp là điều lành mà chúng ta đã làm, nó sẽ đeo bám mình. Ác nghiệp cũng vậy, những việc xấu đã tạo cũng đeo theo mình không rời. Bỏ tham vọng, sự nghiệp vẫn tồn tại. Hồi nãy tính từng đồng, nhưng tiền không thêm. Theo Phật, không tính toán chi li, nhưng ý niệm tốt có sẽ làm tốt cho đời thì nhà thuốc của anh phát triển, đó chính là kinh doanh theo Phật. Thật vậy, khi anh này trở thành người tốt, hay giúp đỡ người khác, tiếng lành đồn xa, ai cũng thương quý và ủng hộ việc làm của anh, tất nhiên cuộc sống được khá lên. Ông Cấp Cô Độc cũng từng làm ăn theo hướng tốt như vậy.

Vì vậy, Phật dạy bỏ tâm chấp trước, chấp địa vị; vì tự mãn với địa vị của mình, nên ai đụng đến liền nổi giận khiến nói lời thô ác và làm việc ác. Ngoài ra, phải bỏ tâm chấp vào tài sản, vì của cải vật chất không bền chắc, nó lệ thuộc vào năm nhà, không thể giữ mãi cho riêng mình được, nên chấp vào nó thì mất sẽ khổ đau. Theo Phật, nếu còn phước, từ không trở thành có, ngược lại, hết phước, từ có sẽ hoàn không.

Nhận thức sâu sắc ý Phật dạy như vậy, ta vẫn hiện hữu, nhưng không khổ đau với được mất của thế gian. Không lệ thuộc vật chất, địa vị, quyền thế và phá được một tầng lệ thuộc vật chất và thiên nhiên, đời sống chúng ta sẽ nhẹ nhàng. Còn đời sống tâm linh hay tinh thần mà chúng ta nhận ra được là dòng suối giải thoát từ chơn tánh chảy ra gọi là nhập Dự lưu. Các Phật tử tu mà còn ở ngoài cổng chùa. Vào chùa được thì phải phá được tầng vật chất. Ngồi đây nghe pháp, nhưng quý vị có nghĩ đến pháp lạc, hay là nóng ruột chờ kết thúc buổi giảng.

Bước một chân vào đạo, ta được giải thoát một phần, không lệ thuộc vật chất, đời sống tâm linh mới mở ra. Chúng ta đọc kinh thì phải tập trung vào kinh và hiểu kinh, nhìn tượng Phật phải hình dung ra Phật thực. Thầy có người  bạn đồng tu nghiệp nặng, đọc kinh nhưng nghĩ đến việc khác đến mức làm rớt quyển kinh mà không hay. Và ông nhìn tượng Phật hóa ra hình ảnh người mà ông thương, vì ông này thất tình đi tu. Ngồi trước tượng Phật đọc kinh mà thấy không có gì giống Phật là biết sẽ đọa và đời sống tâm linh theo hướng tốt đẹp không có.

Qua đến tầng thứ hai, bắt đầu phá nữa. Tâm linh có hai phần là chơn tâm và vọng tâm. Vọng tâm gồm thọ, tưởng, hành và thức, chúng ta phải phá bốn thứ này. Trong A-lại-da thức của chúng ta chứa đựng không biết bao nhiêu việc, gần nhất là những việc trong đời này, từ lúc sanh cho đến khi chết, nó đều hiện hữu và khi chúng ta ngồi yên, tất cả mọi việc này sẽ hiện ra đầy đủ. Nếu chứa điều lành thì điều lành hiện, chứa điều ác thì điều ác hiện. Vì vậy, Phật nói nhìn việc hiện tại mà biết được quá khứ như thế nào. Người chất chứa nhiều việc ác và buồn phiền, mặt họ xám xịt. Người chứa toàn việc lành như Phật, mặt Ngài sáng rực, kinh gọi là Phật hiện thần biến tướng khi thuyết pháp. Đó là tướng phước. Khi Phật ngồi yên, nhập định, mặt Phật sáng ngời, kinh Pháp hoa diễn tả là hào quang của Phật chiếu sáng mười tám ngàn thế giới. Phật cho biết khi đó, Ngài đang nghĩ đến chư Phật ở thế giới mười phương; nói cách khác, tâm Ngài đang nghĩ đến những điều cực kỳ tốt lành, nên tự nhiên mặt sáng lên, đó là thế giới tâm linh, là thế giới Phật vậy.

Chúng ta ngồi yên, tất cả mọi khổ đau hiện ra là do thức biến, hay tất cả những gì mà chúng ta đã tiếp xúc qua thọ, tưởng, hành và thức đều lưu lại trong thức. Hành là khởi ý niệm, hay tham vọng từ tiềm thức khởi lên. Ngài Thế Thân gọi đó là A-lại-da duyên khởi. Trên bước đường tu, những hạt giống xấu trong tiềm thức luôn ngăn cản khiến cho con đường trở về cội nguồn tâm linh bị mờ tối, chúng ta phải phá trừ bờ cản này. Phá được bờ cản này, quý vị trải qua thời gian tu, Phật gọi là Đạo đế, nghĩa là tu quán Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất Bồ-đề phần và Bát Chánh đạo, mới tới được nguồn tâm của chúng ta, hay nguồn trí tuệ. Bấy giờ, ở nguồn cội tâm linh là Thánh mới thể hiện được trong cuộc sống của chúng ta tám tướng mà người thường không có.

Thành tựu Bát Chánh đạo, trước tiên, hành giả có chánh mạng và chánh nghiệp, nghĩa là họ hiền lành, đạo đức và việc làm của họ vì lợi ích cho số đông, không vì lợi ích riêng của họ. Thầy còn nhớ câu nói của Bác Hồ rằng tôi chỉ có ham muốn duy nhất, làm sao cho mọi người có cơm ăn, áo mặc. Chúng ta thấy người như thế thì nghĩ ngay họ là người tốt, cuộc sống của họ tốt, việc làm của họ cũng tốt và lời nói luôn chính xác là chánh ngữ.

Tóm lại, trên bước đường tu, từ phàm phu khổ đau trong sanh tử, nếu đi đúng lộ trình Phật dạy là Đạo đế sẽ đưa chúng ta đến nguồn cội tâm linh thánh thiện, sáng suốt hoàn toàn. Và từ cội nguồn đó mà hiện thân trở lại cuộc sống nhân gian này, làm việc ban vui, cứu khổ, dẫn dắt mọi người cùng trở về cội nguồn tâm linh như mình đã được. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày