GN - Với tôi, quê hương còn là những món ăn giản dị, đậm tình người, nếu ở chốn văn minh, thị thành hẳn chưa chắc đã tìm được. Một sáng ở Sài Gòn sao mà tự dưng nhớ quê đến lạ. Món canh kiểm nằm im trong tiềm thức lâu nay lại quay trở về, làm bùng lên nỗi nhớ nôn nao về quê hương, gia đình.
Món canh kiểm
Canh kiểm là món ăn phổ biến của quê tôi, một mảnh đất xa xôi nơi giáp biển của Bến Tre. Hồi nhỏ, mỗi khi có đám giỗ, bà nội dẫn đám con nít chúng tôi về nhà bà Bảy - chị ruột của bà - để ăn đám giỗ và lúc nào cũng được một bữa no nê. Đám giỗ, tuy đạm bạc bằng mấy món chay, nhưng tụi con nít chúng tôi ăn một cách ngon lành, vơ vét sạch sẽ tất cả thức ăn trên bàn.
Tôi nhớ rất rõ, giữa bàn ăn thường có hai tô canh kiểm, đứa nào nhanh tay thì còn, chậm thì hết. Canh kiểm có vị béo, ngọt và dễ ăn nhất trong các món nên ai mà chẳng thèm, nhất là bọn nhỏ vốn tính háu ăn. Chắc vì vậy mà nó đã đi theo ký ức tôi từ miền quê cho đến giờ, dù hiện sống giữa một thành phố ồn ào, náo nhiệt với những quán ăn, nhà hàng bày la liệt đồ ăn, thức uống.
Một lần đó, chẳng hiểu thế nào mà tôi gọi điện thoại hỏi mẹ rằng món canh kiểm ở quê mình giờ còn không. Mẹ tôi bảo còn nhưng ít đi vì người ta giờ nấu đám theo mấy món ăn Sài Gòn để cho sang, chứ canh kiểm thì quê lắm! Bà còn cho biết thêm, chỉ có mấy chùa, miễu, vào ngày rằm, ngày lễ mới còn nấu món này.
Vậy là trong trí nhớ của tôi, món canh kiểm ở quê ngày nào hiện rõ mồn một. Đó là thứ canh được làm từ những nguyên liệu như bí, mướp, đậu, khoai, mít, nấm mèo, đậu phộng, đậu hủ, tàu hủ ki… và không thể thiếu được nước cốt dừa tươi.
Người nội trợ gọt những thứ ấy đâu vào đấy rồi bỏ vào nồi nước cốt dừa, đợi sôi lên rồi nêm nếm và không quên cho tô nước cốt nhất vào để cho nồi canh có vị béo và mùi thơm, ăn đúng theo kiểu ăn của dân xứ dừa. Đặc biệt, canh kiểm rất bắt mắt vì có nhiều sắc vàng, đỏ, xanh, trắng, đen chen lẫn vào nhau. Cho nên, ăn canh kiểm không chỉ cảm nhận vị ngon, béo, đậm đà mà còn thưởng thức vẻ đẹp của màu sắc vốn mộc mạc, tự nhiên của nó.
Canh kiểm dùng để cúng ông, bà vào dịp giỗ chạp và Tết nhất. Còn ở chùa, miễu thì cúng Phật, cúng thần trước rồi sau mới đem đãi khách. Một chị quen với tôi nói: Sở dĩ ở chùa, miễu thường hay nấu canh này là vì người nông dân có trồng thứ gì thì họ mang thứ ấy đến để đóng góp nấu chung, không phân biệt gì cả. Canh kiểm giản dị, chất phác nhưng đậm đà như tấm lòng của những người dân quê bao đời nay.
Một lần nọ, trong bữa giỗ gia đình, ông cậu ruột tôi vừa ngồi húp canh kiểm vừa nói lớn: “Mai mốt tao chết, hễ làm đám giỗ tao thì tụi bây nhớ cúng tao tô canh kiểm”. Tôi chợt hiểu ra rằng canh kiểm đã đi cùng ông với những bữa cơm, bữa giỗ từ tấm bé cho đến tuổi trung niên nên mai kia nếu có đi xa thì cũng không thể quên được món canh này. Nhìn kỹ lại hàm răng của cậu chỉ còn vài cái lưa thưa nên ông mến mộ canh kiểm thì cũng đâu có gì mà lạ.
Bỗng nhiên tôi nghĩ vu vơ không biết mấy đứa nhỏ ở quê giờ có biết món canh kiểm không?