Những chuyến xe chở Tết về quê

GNO - Cứ mỗi khi nghe cơn gió chướng xôn xao trên đất Sài Gòn là lòng tôi lại nôn nao cái Tết quê nhà. Bôn ba nơi xứ lạ kiếm tìm miếng cơm manh áo mà lòng vẫn không nguôi ngoai cái khắc khoải bồn chồn khi nghĩ về cánh đồng tuổi dại, con mương sình bùn, mái lá run mình rúm ró sau mỗi cơn vần vũ của đất trời…

Mặc dù Sài Gòn đầy bao dung, hào sảng cưu mang những con người tứ xứ nhưng cũng không khỏa lấp được lòng quê dậy đầy mỗi khi năm hết tết đến.

Đầu chạp mẹ đã điện thoại hỏi: "Chừng nào về Tết vậy con? Giờ xe cộ nhiều, vợ chồng con cái về xe khách cho ba mẹ vững bụng nhe hông!".

Mẹ cúp máy rồi mà cái buồn thấm thía như vo tròn lấy tôi. Dù đã là 35 tuổi, dù đã có hai mặt con, dù đã bươn chải kiếm tiền giữa biết bao là thác ghềnh của cuộc mưu sinh từ hơn chục năm nhưng hình như với mẹ con vẫn mãi là bé bỏng.

hoavantho.jpg


Hễ thấy những luống vạn thọ của ba đâm nụ là thấy Tết

Sài Gòn những ngày cuối năm, Sài Gòn của những rực rỡ sắc màu,  Sài Gòn của những lộng lẫy nhưng Sài Gòn cũng giấu kín trong thẳm sâu tâm hồn những nôn nao khắc khoải Tết quê, những ước ao trở về đến quay quắt của những đứa con xa xứ. Để rồi những chuyến xe khách sẽ chở về quê những phận đời mang theo những kí ức bôn ba Sài Gòn. Tôi cho đó là những chuyến xe chở đầy Tết quê, lòng quê về với những nẻo quê xa ngái mịt mù.

Năm trước đây, cả nhà tôi sau khi đã yên vị trên những băng ghế nằm thoải mái được phục vụ thêm chai nước mát lành và cái khăn chùi mặt vệ sinh là xe rời bến với thời gian đã định sẵn. Vợ tôi thì thầm: Lên được xe là đã thấy Tết quê! Tôi cảm nhận trong mắt em sự nôn nao trở về với những kí ức Tết của tuổi dại, phần kí ức mà vì do sinh kế chúng tôi đã phải tạm gác đi cho những ngày tháng nhọc nhằn nơi xứ lạ quê người.

Tôi nhìn xung quanh, mỗi hành khách có những cách khác nhau mang Sài Gòn về cho Tết quê thêm đủ đầy, cho bàn gia tiên thêm ấm áp. Chưa bao giờ tôi thấy lòng người lại có nhiều sự nối kết đến như vậy như trên những chuyến xe Tết. Phải chăng chính vì đó là chuyến xe của sự trở về của những tâm hồn quê?

Nhìn qua ô cửa, sắc vàng của những khoảng sân trồng đầy hoa vạn thọ của nhà ai đó ven đường luôn làm tôi nhớ ba da diết. Ba tính kĩ tháng ngày làm đất gieo hạt để những luống hoa vạn thọ rực rỡ đúng vào dịp Tết. Hoa của ba trồng sẽ được trang trọng cắm vào bình hoa đặt lên bàn thờ cúng gia tiên. Một số được ba trồng trong chậu sẽ được trang trí nhà cửa. Bông vạn thọ ba trồng không bán, mẹ cắt hoa tặng hàng xóm chưng Tết nhất. Lâu ngày thành nếp, bà con trong xóm hễ thấy những luống vạn thọ của ba đâm nụ là thấy Tết.

Bên cạnh chúng tôi câu chuyện tết quê luôn là đề tài chung để nhiều người góp phần làm cho hành trình dài trở nên ngắn lại. Hai đứa con tôi trố mắt ngạc nhiên thích thú khi nghe được những tập tục hay, những câu chuyện lạ từ những hành khách trên chuyến xe để rồi chúng sẽ đem những điều lí thú ấy vào bài văn mà cô cho đề trước hôm nghỉ Tết.

Chốc chốc vợ tôi lại trầm trồ khen cây mai nhà ai ven đường đơm đầy những nụ xanh biếc. Em thì thầm bên tai tôi kỉ niệm cũ. Em nhớ ngày xưa có anh con trai hàng xóm qua nhà tỉ mẫn lặt lá mai giúp. Đâu có lãng mạn gì lắm đâu vậy mà em thương em quý rồi thành vợ thành chồng, rồi cùng bươn bả lên Sài Gòn lập nghiệp, sinh con.

Mà đâu phải chỉ gia đình tôi, hình như mọi hình ảnh lướt qua nhanh hai bên ven  đường đi luôn gợi nhắc trong lòng mỗi hành khách những kí ức khác nhau về tết quê, những kỉ niệm xưa cũ bỗng được khơi màu tinh khôi để lòng mỗi người càng thêm náo nức. Trên những chuyến xe là những khuôn mặt Tết rất khác nhau nhưng lại là những mảnh ghép hoàn hảo cho bức tranh Tết quê thêm thắm sắc màu. Gia đình tôi cũng là một mảnh ghép ấy, chúng tôi đang trở về với Tết.

Trầm Thanh Tuấn
(GV Trường THPT Long Hiệp, Trà Cú, Trà Vinh)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).
Ví dụ mặt trăng

Ví dụ mặt trăng

NSGN - Tỳ-kheo các thầy phải tu tập giống như mặt trăng, như người mới học, khi đi vào nhà người thì phải nhiếp tâm, kiểm thúc thân, biết hổ biết thẹn, luôn khiêm hạ.
Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày