Những điều Mẹ chưa kể

Bài đăng trên giai phẩm Giác Ngộ Vu lan PL.2568 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN
Bài đăng trên giai phẩm Giác Ngộ Vu lan PL.2568 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN
GNO - Tình thương của mẹ dành cho con rất nhiều, không ít lần mẹ nói “mẹ thương con” nhưng có những điều mẹ chưa từng kể cho con nghe. Đó là những nỗi đau thắt mà mẹ cố gắng nuốt nước mắt vào trong, để đổi lấy sự kiên cường, cùng con vững bước trong hành trình chiến đấu với bệnh tật.

Tại khoa Ung bướu Huyết học, bệnh viện Nhi Đồng 2, câu chuyện ba mẹ con chị Rlang Boel gây nhiều thương mến bởi những điều thiêng liêng của tình mẫu tử.

Nhà nghèo, cả hai con đều bị K

Chị Rlang Boel, 39 tuổi, dân tộc Jrai, làng Yon Tok, xã Ia Glai, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai. Chị có hai người con, đứa con gái lớn Rlang Điệp 12 tuổi và con trai nhỏ Rlang Nauy, 10 tuổi. Cả hai đứa con của chị Rlang Boel đều mắc bệnh K khi tuổi đời còn rất nhỏ.

Rlang Nauy bị phát hiện bệnh K khi tuổi vừa lên 5. Nhà làm nông, công việc chính của vợ chồng chị Rlang Boel là làm thuê nên khi bác sĩ thông báo về căn bệnh của đứa con trai “tốn rất nhiều tiền, phải đưa vào TP.HCM để chữa trị”, chị Rlang Boel chỉ biết khóc. Tình mẫu tử thiêng liêng đã khiến chị làm tất cả vì con. Vợ chồng chị Rlang Boel vay nợ khắp nơi, thế chấp từ sổ đỏ ở ngân hàng, đến vay tiền chính sách từ sổ hộ nghèo; mẹ của chị Rlang Boel bán con bò duy nhất trong gia đình với giá 8 triệu đồng, cộng với tiền cả gia đình vay được hơn 100 triệu, đưa Rlang Nauy đi điều trị.

Rlang Nauy 10 tuổi chiến đấu với bệnh K tại khoa Ung bướu Huyết học, Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM
Rlang Nauy 10 tuổi chiến đấu với bệnh K tại khoa Ung bướu Huyết học, Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM

Chị Rlang Boel kể, ngay khi vay được tiền là tức tốc dọn đồ, đón xe lên TP.HCM ngay. “Không biết đường đi, lần đầu đi thành phố, vì con mà đi đại. Đi theo quán tính, để tìm cơ hội sống cho con. Khoảnh khắc đó chỉ có một suy nghĩ là làm sao cứu được con”, chị Rlang Boel nhớ lại.

Tuy nhiên, đau thương không dừng ở đó mà dồn dập, tiếp tục ập đến với người mẹ trẻ. Trong lúc đang nuôi Rlang Nauy tại bệnh viện Nhi đồng 2, chị Rlang Boel nhận được tin của con gái “mẹ ơi con đau quá, mẹ ơi cứu con”. Linh tính của người mẹ cảm nhận điều chẳng lành, chị Rlang Boel thu xếp về Gia Lai đưa con gái đi khám. Kết quả cho thấy Rlang Điệp cũng bị K.

“2019 con trai phát hiện bệnh, đến 2022 thì đến lượt con gái. Rlang Điệp cứ kêu ‘mẹ ơi con đau quá’, con cứ sốt không hết. Bác sĩ giục hỏi chạy được tiền để đưa con lên thành phố chưa, nặng lắm rồi. Trong túi mình lúc đó không có tiền. Mình đi năn nỉ vay được mười triệu hơn. Đứa em gái đem cầm sổ đỏ 20 triệu. Lúc vay mình cũng không quan tâm phải trả lãi bao nhiêu. Con phải đi xe cấp cứu lên thành phố, bác sĩ nói qua trễ chút nữa là không chữa được”, chị kể nước mắt lại rưng rưng. Đây cũng là chuỗi ngày chị khóc nhiều nhất, cũng là lúc chị mạnh mẽ nhất.

Con là chiến binh của mẹ

Dồn dập đón nhận ngần ấy nỗi đau, với người phụ nữ tuổi đời còn trẻ như chị Rlang Boel là điều không dễ dàng đối mặt, đón nhận và từng ngày bước qua. Hỏi chị, có khi nào chị gục ngã không? Chị Rlang Boel bảo: “Có lúc có. Đau đớn không chỉ ở thể xác mà còn đau gấp bội ở tinh thần. Mình cứ đặt hoài câu hỏi cho chính mình: Vì sao cả làng không ai bị bệnh này nhưng nhà mình cả hai đứa con đều bệnh?”.

Chuỗi ngày cùng con chiến đấu với bệnh tật, với chị Rlang Boel đúng là hành trình của kiếp người. Theo phong tục dân gian, chị cúng kiếng rất nhiều; ai chỉ gì chị cũng làm theo, mong muốn duy nhất là cầu mong con hết bệnh. Có nhiều lúc bế tắc không làm được gì, chị chỉ biết khóc. Nhưng rồi nhìn con đau đớn, nhìn cách con chiến đấu, chịu đau với từng liều thuốc hóa trị, để sớm được hết bệnh mà đến trường với các bạn, chị Rlang Boel lại có thêm động lực lo cho các con.

Trong suy nghĩ của chị Rlang Boel, kể cả chết thì cũng phải lo cho các con đến hơi thở cuối cùng. Hoàn cảnh khó ngặt, không phải lúc nào hai đứa trẻ cũng nhập viện Bệnh viện Nhi Đồng 2 cùng một lúc, có lúc em trai nhập viện ở thành phố Hồ Chí Minh thì chị gái vừa “chạy thuốc” xong, về nhà để ba và bà ngoại chăm sóc. Thời gian vừa “chạy thuốc” xong là lúc rất đau, nghe con gái nhắn tin “con đau quá, ước gì mẹ về với con”, chị Rlang Boel như đứt từng đoạn ruột nhưng không thể “phân thân” cùng lúc hai nơi.

Đó cũng là lý do chị Rlang Boel chia sẻ: “Mình rất biết ơn trong lúc mình túng quẫn đó, bên cạnh gia đình thì luôn có những anh chị cùng hoàn cảnh trong bệnh viện động viên, quan tâm an ủi và giúp đỡ nhau như người trong nhà. Ba mẹ con mình đã sống nhờ những bữa cơm từ thiện, những chuyến xe cấp cứu 0 đồng của chị Mai - địa chỉ đỏ trong khoa Ung bứu Huyết học Bệnh viện Nhi Đồng 2, và hơn hết là tình thương của y bác sĩ”.

Chị Lê Thị Mai, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nét Chữ Xinh tại Bệnh viện Nhi đồng 2 là "bạn đồng hành" xuyên suốt trong 5 năm qua của 3 mẹ con chị Rlang Boel
Chị Lê Thị Mai, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nét Chữ Xinh tại Bệnh viện Nhi đồng 2 là "bạn đồng hành" xuyên suốt trong 5 năm qua của 3 mẹ con chị Rlang Boel

5 năm cùng hai con thực hiện hành trình xuyên suốt cứ Gia Lai lên thành phố Hồ Chí Minh điều trị ở khoa Ung bướu Huyết học, rồi quay về, đến liệu trình lại tiếp tục lên nhập viện, chị Rlang Boel quen từng con đường ở thành phố này. Niềm an ủi duy nhất của chị chính là Rlang Nauy và Rlang Điệp đang được điều trị, dù sau những liệu trình, mái tóc có nhiều thay đổi nhưng điều tích cực hiện nay là các con vẫn còn cơ hội duy trì sự sống.

5 năm chạy bệnh cho con, chị Rlang Boel đã vay 140 triệu, mỗi tháng cứ mượn chỗ này đắp qua chỗ kia để trả tiền lãi. Tiền thuốc cho hai đứa con trung bình một tháng ít nhất 8 triệu, đó là những tháng “vô thuốc” theo lộ trình, không phát sinh thêm tiền xét nghiệm hoặc con có chuyển biến xấu, cần tiêm thuốc nhiều hơn. Nghe chị kể mà thương càng thương: “Nhà có gì bán đó, có bao nhiêu là bán bấy nhiêu, 2 bao lúa cũng bán để mua thuốc giảm đau cho con. Chồng mình ở nhà đi làm thuê, có 300 ngàn thì anh gửi cho 300 ngàn, có 500 ngàn thì gửi 500 ngàn cho mình lo cho con. Mặc dù không nói nhưng mình biết anh cũng đang cố gắng rất nhiều. Cả hai vợ chồng đều cực nhưng lo được cho con là cực mấy cũng vui”.

Hỏi chị điều gì khiến chị sợ nhất lúc này, chị bảo: “Sợ không tiền lo cho con nhưng sợ nhất là không còn con để lo. Mình thì không dám mơ trả hết nợ, chỉ mơ ước và mong ước con bớt đau, mau hết bệnh. Mình còn sức, còn có con thì cuộc sống này còn nhiều ý nghĩa, còn động lực đi làm trả nợ được”. Chị Rlang Boel để lại xúc động với nhiều người vì tình thương đầy nghị lực của người mẹ dành cho con, trong hoàn cảnh càng khó khăn thì tình thương đó càng bao la, không vì vất vả mà hao mòn, dù chỉ trong suy nghĩ. Tình thương đó là chất xúc tác mạnh mẽ nhất, hàng ngày giúp con trai, con gái và vợ chồng chị Rlang Boel chiến đấu với bệnh tật, cùng nhau sống trọn vẹn cùng nhau trong từng khoảnh khắc quý giá của cuộc đời.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tác giả, Phật tử Nguyễn Tường Bách trong khuôn viên vườn nhà - Ảnh: TGCC

Tác giả Nguyễn Tường Bách sẽ nói chuyện và giao lưu về chủ đề Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á

GNO - Nguyễn Tường Bách - tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách được nhiều người đọc yêu thích như Mùi hương trầm, Lưới trời ai dệt, Đêm qua sân trước một cành mai, Đạo của vật lý, Con đường mây trắng ... - sẽ có buổi trò chuyện và giao lưu xoay quanh chủ đề “Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á”.

Thông tin hàng ngày