Nghĩ từ cây bút Trần Trà My và câu chuyện đứng lên trên đôi chân khuyết

Trà My trong một buổi talkshow truyền cảm hứng tích cực
Trà My trong một buổi talkshow truyền cảm hứng tích cực
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Nhà văn Trần Trà My quen thuộc với bạn đọc không chỉ vì câu chuyện cá nhân, nỗ lực viết mà còn cả lối sống không bao giờ từ bỏ ước mơ, không để mình gục ngã.

Chia sẻ với Giác Ngộ, nữ nhà văn 8x cho biết, Phật pháp là hạt giống đã được ươm mầm nơi cô từ năm 6 tuổi, với ước mơ trở thành bác sĩ tâm lý, Trà My đã tự đứng lên trên đôi chân khuyết tật của mình….

Không đầu hàng số phận

Năm kia, người viết có dịp tham dự một buổi tọa đàm về viết lách và sống trách nhiệm với bản thân do một thạc sĩ tâm lý tổ chức miễn phí cho người hữu duyên. Tọa đàm diễn ra ở một tiệm cà phê sách tại TP.HCM, một trong những diễn giả tham dự là Trần Trà My.

Trà My không còn xa lạ với người yêu thích văn chương, những nhà hoạt động xã hội cùng cộng đồng người khuyết tật. Cô gái nhỏ thó, đi lại và nói năng khó khăn do lúc nhỏ đã từng bị bạo bệnh - bắt đầu với những chấm nhỏ li ti xuất hiện. Sau đó Trà My phải trải qua nhiều lần phẫu thuật khiến tay chân yếu dần, chức năng ngôn ngữ cũng bị ảnh hưởng.

Nhà văn Trần Trà My

Nhà văn Trần Trà My

Để diễn đạt cho người khác một ý nào đó, cách tốt nhất với Trần Trà My có lẽ là gõ chữ bằng một ngón tay còn linh hoạt của mình. Với ngón tay kỳ diệu ấy, Trần Trà My đã viết hàng trăm trang văn, thời điểm tôi gặp tại tọa đàm, nữ nhà văn quê Quảng Trị này đã sở hữu 4 tác phẩm.

Những trang viết đầy tích cực của My, từ nội dung đến cách tạo ra chúng đã khiến tôi nể phục cô ngay từ lần đầu gặp. “Tôi rất biết ơn My đã tạo ra những tác phẩm. Thật đáng nể”. Trần Trà My mỉm cười, cảm ơn, cô không nói về bản thân mình theo cách kể khó mà cho rằng, mỗi người đều có nhân duyên riêng và mình sinh ra để học bài học cuộc đời mình.

Với Trần Trà My, bài học ấy chính là không đầu hàng số phận: “Chỉ cần mình luôn cố gắng”.

Tự học, tự làm quen với máy vi tính, công nghệ, cùng với chất văn thiên bẩm, nữ nhà văn khuyết tật Trần Trà My đã tạo nên kỳ tích cho chính mình. Theo My, mỗi người phải viết nên số phận cho mình ngay trong đời sống hiện tại này. Thái độ của chúng ta trước cuộc sống của mình và những hiện tượng xung quanh sẽ khiến mình đi xuống hoặc đi lên.

Tự thắp đuốc lên mà đi

Trần Trà My đã chọn thái độ sống tích cực và thắp sáng chính mình. Dù đôi chân di chuyển khó khăn, giao tiếp cũng không là chuyện giản đơn nhưng cô đã “Nam tiến”, tự sống bằng việc viết văn, viết báo, làm truyền thông, truyền cảm hứng sống tử tế cho nhiều người. Không chỉ người đồng cảnh ngộ mà còn cả những người khỏe mạnh khác cũng học được lối sống này từ My.

Tôi thích nghe thầy Minh Niệm giảng, rất tâm đắc với lời nhắc nhở của thầy: “Hãy làm con cưng của vũ trụ, trò ngoan của đất trời, chắc chắn bạn sẽ được nuôi dưỡng”. Theo My, đó là sống thuận đạo (với lý duyên sinh, nhân quả, tùy duyên) mà Đức Phật đã dạy hàng ngàn năm trước. Hòa mình vào tinh thần đó, Trà My đã sống và viết, làm thiện nguyện.

Trà My là người đầu tiên tại Việt Nam (tính đến thời điểm hiện tại) đang thực hiện dự án “Lan tỏa điều tử tế”, thông qua hình thức tổ chức các chương trình giao lưu với những phạm nhân, học viên tại các trại giam, cơ sở cai nghiện và tặng cuốn sách Tin vào điều tử tế của chính cô.

Trần Trà My trong một hoạt động từ thiện

Trần Trà My trong một hoạt động từ thiện

Trong khi đó, với dự án “Người truyền lửa”, Trà My tập trung vào nhiều đối tượng, điển hình như: học sinh, sinh viên với các talk show chia sẻ, định hướng cách học tập, phấn đấu; trang bị các kỹ năng, định hướng nghề nghiệp; tư vấn lộ trình hiện thực hóa ước mơ của bản thân, lan tỏa những lối sống đẹp...

“Tôi còn 4 dự án khác là Khơi nguồn cảm hứng, Lan tỏa tư duy tích cực, Tiếp thêm nghị lực Suất ăn yêu thương. Ở Khơi nguồn cảm hứng - dành cho thanh niên khởi nghiệp, nhất là tập trung hỗ trợ các startup bằng các buổi giao lưu, chia sẻ trải nghiệm sống, vun đắp mơ ước khởi nghiệp, lập nghiệp, làm giàu chính đáng, khuyến khích người trẻ tự tin, mạnh dạn đương đầu với thử thách, rủi ro trong quá trình kinh doanh sản xuất, biết cách ứng phó với những khủng hoảng về tinh thần và phát huy trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội (CSR)…”.

Còn Lan tỏa tư duy tích cực hướng đến các chiến sĩ đang thực hiện nghĩa vụ quân sự trong các lực lượng công an, quân sự, biên phòng, qua đó giao lưu, trao đổi với người trẻ về tinh thần yêu nước, ý chí phấn đấu trong quá trình nhập ngũ, định hướng tương lai (tiếp tục theo học ở các cấp học cao hơn; quay trở về gia đình và lập các mô hình kinh tế; làm việc tại các khu công nghiệp ở địa phương) để góp phần làm giảm nạn thất nghiệp trong thanh niên khu vực nông thôn.

Tiếp thêm nghị lực cho người yếu thế

Bên cạnh đó, với Tiếp thêm nghị lực, nữ nhà văn dành cho các đối tượng yếu thế, nhất là người khuyết tật thông qua các hoạt động thăm, tặng quà, giao lưu, trò chuyện, lắng nghe, động viên, khích lệ tinh thần để giúp các đối tượng yếu thế trở nên chủ động, tích cực hòa nhập với cộng đồng và vững vàng, kiên định hơn trong cuộc sống để giảm bớt sự phụ thuộc và tăng tính độc lập, tự chủ của bản thân.

Chương trình ra đời vào tháng 1-2024 là Suất ăn yêu thương, được tổ chức vào một ngày Chủ nhật trong tháng, nhằm gửi tặng những suất ăn đến người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Nghe Trần Trà My chia sẻ, một người bình phàm nào nghe cũng thấy mình không đủ sức, nhưng với cô, chuyện gì cũng có thể, bởi “nhất thiết duy tâm tạo”. Mọi thứ do tâm, đơn giản vậy, nhưng để làm được là cả một đại nguyện.

Nữ nhà văn “6 chân” và những tác phẩm

Đến nay, Trần Trà My đã có 5 tác phẩm xuất bản gồm: Giấc mơ đôi chân thiên thần (Nxb Lao Động, 2009), Chúng ta chính là mùa xuân (Nxb Dân Trí, 2010), Yêu… trên từng ngón tay (Nxb Văn Học, 2013), Tin vào điều tử tế (Nxb Văn Hóa - Văn Nghệ, 2018), Chuyến phiêu lưu của những điều tử tế (Nxb Tổng Hợp TP.HCM, 2022); sắp xuất bản: Tôi là thiên thần 6 chân (tự truyện).

Sở dĩ My tự gọi mình 6 chân vì ngoài đôi chân yếu, cô di chuyển được còn dựa vào chiếc xe 4 bánh của mình. Ngoài sách, dự án thiện nguyện, Trần Trà My còn sở hữu nhiều giải thưởng, khen thưởng trong viết lách và nỗ lực khẳng định bản thân, đóng góp cho cuộc đời từ trung ương, thành phố, đến địa phương…

Cách đây vài năm, Tổng cục Thống kê và UNICEF công bố kết quả điều tra quốc gia về người khuyết tật tại Việt Nam. Theo đó, hơn 7% dân số 2 tuổi trở lên - khoảng hơn 6,2 triệu người - là người khuyết tật. Bên cạnh đó, có 13% dân số - gần 12 triệu người, sống chung trong gia đình có người khuyết tật. Tỷ lệ này dự kiến tăng lên cùng với xu hướng già hóa dân số.

Đây là cuộc điều tra đầu tiên có quy mô lớn sử dụng tiêu chuẩn quốc tế để xác định và thu thập các thông tin toàn diện về cuộc sống của người khuyết tật tại Việt Nam. Cuộc điều tra còn chỉ ra một thực trạng, những hộ gia đình có thành viên khuyết tật thường nghèo hơn, trẻ em khuyết tật có nguy cơ ít được đi học hơn các bạn cùng trang lứa. Cơ hội việc làm cho người khuyết tật cũng thấp hơn những người không khuyết tật.

Mặc dù, người khuyết tật là đối tượng được hưởng chính sách bảo hiểm y tế nên điều kiện nghèo không phải là rào cản đối với việc tiếp cận các cơ sở y tế, nhưng rất ít người khuyết tật (2,3%) tiếp cận được với dịch vụ phục hồi chức năng khi bị ốm hoặc bị thương. Bên cạnh đó vẫn còn tồn tại những bất bình đẳng về mức sống và tham gia xã hội đối với người khuyết tật.

Tất cả những kết luận trên cho thấy, người khuyết tật và gia đình họ đã khó khăn sẽ còn thêm khó khăn hơn trong công việc, cuộc sống, chữa bệnh. Cứ vậy, họ lẩn quẩn trong vòng nghèo - khó - nghèo thêm. Tất nhiên, họ cần được hỗ trợ nhiều hơn để vươn lên, bước ra khỏi vòng tròn ấy.

Hỗ trợ để 7% có cuộc sống ổn định hơn không ngoài cơ chế chính sách, từ trợ cấp xã hội đến bảo hiểm y tế, đào tạo nghề và việc làm cho họ. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò “dẫn đầu” của những người khuyết tật, để họ thành công và viết công thức ấy, chia sẻ, khích lệ cho những người khác cùng tiến. Đây là giải pháp mang tên truyền cảm hứng.

Từ lâu tôi đã nghe khẩu hiệu “tàn mà không phế” để nói về những nỗ lực vươn lên, khẳng định bản thân, sống tích cực của người khuyết tật. Không chỉ là việc tự đi du lịch trên xe lăn, họ còn tự lao động và sống bằng thu nhập chân chính của mình. Không chỉ sống được, họ còn giúp những hoàn cảnh kém may hơn vượt qua khó khăn theo cách của riêng mình.

Ngó lên mình chẳng bằng ai, ngó xuống cũng có rất nhiều người khó khổ hơn. Do vậy, ai cũng có thể giúp một ai đó trong khả năng.

Thực ra, khi một con người rơi vào vực sâu, có thể ngoi lên tìm sự sống giữa bao khăn khó, chính câu chuyện của họ đã là tràng hoa dâng hy vọng cho đời rồi.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày