Cần quan tâm hơn đến việc giáo dục giá trị sống cho thanh thiếu niên

Sư cô Minh Hoa trao tặng sách tại Trung tâm Cai nghiện ma túy Phước Bình, H.Long Thành, Đồng Nai
Sư cô Minh Hoa trao tặng sách tại Trung tâm Cai nghiện ma túy Phước Bình, H.Long Thành, Đồng Nai
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Đó là thông điệp được Sư cô Thích nữ Minh Hoa, Tiến sĩ tâm lý, giảng viên Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM nhắn gửi.

Sư cô đã có nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, thường xuyên chia sẻ pháp thoại với các bạn trẻ tại trung tâm cai nghiện ma túy và trại giam, tác giả quyển sách “Giáo dục Phật giáo xây dựng con người hoàn thiện”, đã chia sẻ, tháo gỡ “nút thắt” cho nhiều phụ huynh có con cá biệt, về chủ đề “chữa lành” và việc ứng dụng Phật pháp vào cuộc sống cho người trẻ hiện nay.

Sư cô Minh Hoa ký tặng sách

Sư cô Minh Hoa ký tặng sách

Trò chuyện cùng báo Giác Ngộ, Sư cô Thích nữ Minh Hoa đã có những chia sẻ chân tình, yêu thương của một tu sĩ. Nói về những tâm huyết và ưu tiên cho các chương trình giao lưu, chia sẻ pháp thoại ở trại giam và lý do vì sao bản thân chọn và hướng tới hoằng pháp nơi trại giam, Sư cô cho biết:

Tôi có duyên tham gia các chương trình hoằng pháp nơi trại giam cũng được vài năm nay. Nơi tôi thường đến vừa là trại giam vừa là trung tâm cai nghiện ma túy. Đối tượng mà tôi tiếp cận không những là những con nghiện ma túy mà còn là những những người phạm pháp nhưng ở mức độ vừa và nhẹ. Thật tình, không mấy người ủng hộ tôi làm chương trình này mà đa số họ quay lưng và cho rằng tôi làm việc bao đồng.

Đối với tôi, ban đầu, tôi cũng có chút e dè về đối tượng này. Nhưng sau khi tiếp xúc, tôi rất thương và cảm thông sâu sắc cho những người ở đây. Mỗi lần tôi đến, họ rất phấn khởi. Họ nghe tôi chia sẻ, kể chuyện, họ rất vui như sống lại với thời tuổi trẻ và cũng có những câu chuyện họ đã rơi nước mắt. Rồi tôi lắng nghe họ bộc bạch tâm sự, kể về những câu chuyện từ chính cuộc đời của họ. Đa số họ đều có hoàn cảnh đáng thương, đều đã từng bị chấn thương về tâm lý, họ từng bị người thân, cuộc đời bỏ rơi, hất hủi, v.v… trăm ngàn hoàn cảnh trước khi họ đến trại giam. Thú thật, có những hôm tôi xúc động và rơi nước mắt trước những mảnh đời trái ngang, trước những câu chuyện bi thảm, nghịch cảnh cuộc đời của họ.

Trong trại giam, các bạn cũng có nhu cầu được lắng nghe để chữa lành những tổn thương tâm lý; nhu cầu được giải đáp những thắc mắc; nhu cầu được đọc sách, thiền định, niệm Phật để chuyển hóa những tâm lý bất an, phiền muộn, điều tiết cảm xúc, làm chủ bản thân… Chính vì vậy, thực sự việc hoằng pháp nơi trại giam là rất cần thiết.

- Điều gì khiến Sư cô trăn trở nhất khi thực hiện chương trình cho các bạn ở trại giam?

Tôi tổ chức chương trình tại Trung tâm Cai nghiện ma túy Phước Bình, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai cũng được 7, 8 lần rồi. Mà mỗi lần đến đây tổ chức đều có nhiều những cảm xúc nhất định, nhất là khi chia sẻ về các mối quan hệ của gia đình cha mẹ và con cái. Đó là vấn đề mà gây nhiều cảm xúc cho các bạn, có những bạn lên phát biểu xúc động chảy nước mắt. Điều đó làm cho những người làm chương trình cảm thấy cần phải làm nhiều chương trình như vậy hơn nữa để các bạn có cơ hội nhìn lại chính mình, thay đổi điều chỉnh bản thân, sống tốt hơn và tích cực hơn sau khi hòa nhập cộng đồng.

Điều mà trăn trở nhất đó chính là muốn tặng cho bên trung tâm một tủ sách về hạt giống tâm hồn, về kỹ năng sống và giá trị sống… Bản thân chúng tôi những lần đến đó cũng đã từng tặng sách nhưng chúng tôi không có nhiều sách để tặng, và sách mà chúng tôi viết tặng thì cũng tặng khá nhiều, hiện nay nguồn sách cũng đã hết.

Tôi rất xúc động khi có nhiều bạn tâm sự là sau khi đọc sách đã làm các bạn có sự thay đổi lớn và các bạn mong sẽ có được nhiều sách hơn để đọc và học tập. Vì vậy, rất mong sự chung tay của nhiều người để các bạn có được một tủ sách để các bạn đọc trong khoảng thời gian ở đây, vừa để giải trí, cũng vừa để các bạn học tập thay đổi và làm mới bản thân theo chiều hướng tích cực.

Sư cô Minh Hoa tặng sách trong buổi giao lưu, chia sẻ với các bạn trẻ trong trung tâm cai nghiện

Sư cô Minh Hoa tặng sách trong buổi giao lưu, chia sẻ với các bạn trẻ trong trung tâm cai nghiện

- Gần đây, trào lưu “chữa lành” được các phương tiện truyền thông đại chúng nhắc đến nhiều trên các diễn đàn mạng xã hội. Sư cô đánh giá thế nào về việc này?

Một bộ phận người trẻ ngày nay thích tham gia các hoạt động chữa lành vì nhiều lý do. Có thể nói, sự phát triển nhanh chóng công nghệ và truyền thông xã hội, thế hệ gen Z phải “vật lộn” trong một thế giới tràn ngập những áp lực và sự phức tạp. Bạn trẻ bị căng thẳng từ việc học tập đến những lôi cuốn trên mạng xã hội. Một mặt, các em phải đối mặt với nhiều áp lực và căng thẳng từ cuộc sống hiện tại, như áp lực về tài chính, công việc và thành tích từ gia đình, xã hội hoặc cả bản thân mình. Bên cạnh đó, hiện tượng mất dần sự kết nối với những người xung quanh, thay vào đó chú trọng mối quan hệ ảo và đẩy lùi những mối quan hệ truyền thống. Chính vì điều đó, các bạn trẻ dễ bị tổn thương về tâm lý, hiện tượng cô đơn và lạc lõng trở nên phổ biến, khiến cho người trẻ cảm thấy cần được giúp đỡ.

Gần đây, một số nghiên cứu trên thế giới đã nhấn mạnh, gen Z là nhóm đối tượng có nhiều mối lo ngại về sức khỏe tâm thần hơn bất kỳ nhóm nào khác. Tương tự như thế, Viện Sức khỏe Tâm thần quốc gia Việt Nam năm 2022 cho biết 50% các vấn đề về sức khỏe tâm thần bắt đầu xuất hiện khi bệnh nhân ở độ tuổi thiếu niên, cho thấy giới trẻ Việt Nam đang phải chịu đựng nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần. Bản thân chúng tôi sau mỗi khóa tu hay chương trình giao lưu, chia sẻ cũng đã giúp nhiều em vượt qua những khó khăn về tâm lý và có lối sống tích cực hơn… Chính vì vậy, nhu cầu lắng nghe và được quan tâm đúng mức dành cho các bạn trẻ hiện nay là rất cần thiết.

Sư cô Minh Hoa giáo dục kỹ năng sống cho các bạn thanh thiếu niên

Sư cô Minh Hoa giáo dục kỹ năng sống cho các bạn thanh thiếu niên

- Theo Sư cô, yếu tố quan trọng của một nhà sư có thể truyền năng lượng tích cực đối với các bạn trẻ hiện nay?

Để có thể truyền năng lượng tích cực đối với các bạn trẻ hiện nay đòi hỏi người hoằng pháp cần rất nhiều yếu tố khác nhau. Trước tiên phải nói đến là người đó phải thực sự yêu các bạn trẻ và biết nắm bắt tâm lý giới trẻ. Có yêu thương thì mới có thể cảm thông, chia sẻ, cùng học cùng chơi với các bạn và sau đó mới có thể cùng trải nghiệm, cùng thực tập chuyển hóa khổ đau với các bạn. Để dẫn dắt và thu hút giới trẻ đòi hỏi những người hoằng pháp phải năng động, sáng tạo và linh hoạt trong mọi tình huống; các chương trình sinh hoạt phải phù hợp với độ tuổi; tạo bầu không khí vui tươi, thoải mái, v.v… Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất nơi một nhà sư để có thể truyền năng lượng tích cực cho các bạn trẻ là nhà sư ấy phải có được nguồn năng lượng bình an, tỉnh thức thực sự.

Chân thành cảm ơn Sư cô về những chia sẻ hiểu và thương!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày