“Thương cho roi cho vọt” xa lìa và đi ngược lời dạy của Đức Phật

Người dân thắp nến tưởng niệm bé gái qua đời vì bị bạo hành - Ảnh: Đình Văn
Người dân thắp nến tưởng niệm bé gái qua đời vì bị bạo hành - Ảnh: Đình Văn
0:00 / 0:00
0:00
GN - Trong những ngày qua người dân cả nước bức xúc và phẫn nộ trước sự bạo hành của một phụ nữ gây tử vong cho bé gái 8 tuổi. Sự việc trẻ em, người cô thế bị bạo hành đến thương tật hoặc chết là vấn đề thỉnh thoảng xảy ra tại Việt Nam.

Bố mẹ dùng roi vọt dạy con đôi khi còn được xem là phương thức bình thường trong xã hội ta do bởi quan niệm “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”.

Đạo Phật không bao giờ chấp nhận hình thức giáo dục roi vọt hay bạo động. Đức Thích Ca từ lúc sinh ra cho đến khi hành đạo mấy mươi năm và nhập Niết-bàn, Ngài luôn dùng tình thương và tuệ giác để giáo dục mọi người. Từ những người ác độc tìm cách giết Ngài cho đến thành phần trộm cướp, Ngài luôn thành công chuyển hóa những người này trở nên lương thiện bằng lời nói yêu thương và trí tuệ.

Đức Thế Tôn cũng như giáo lý Ngài để lại cho chúng ta ngày nay là kho tàng giáo dục vô giá, vô cùng hiệu quả bằng chất liệu từ bi, trí tuệ, bất bạo động. Người con Phật tại gia cũng như xuất gia trong suốt mấy ngàn năm qua đã minh chứng sự hiệu quả này khi thực hành đúng những lời Ngài dạy.

Là người con Phật, chúng ta hãy luôn hết lòng ứng dụng lời dạy của Đức Thế Tôn trong đời sống xã hội và trong gia đình. Riêng trẻ em, chúng ta ý thức luôn dùng lời lẽ từ ái khuyên bảo, tuyệt đối không dùng bạo lực dù chỉ một tát tai, đánh bằng roi…, vì những hành vi này hoàn toàn đi ngược giáo lý nhà Phật, đó là chưa nói đến những hậu quả gây ra cho chính chúng ta và cho chính con em.

Bậc cha mẹ hãy nỗ lực khích lệ con em như Đức Phật ngày xưa khen ngợi các đệ tử của mình. Bởi khi được khen ngợi, nguồn năng lượng tích cực để làm việc tốt sẽ tăng gấp nhiều lần. Khi con em làm sai hoặc chậm chạp, bậc cha mẹ hãy thương con hơn vì con mình không may chưa hiểu rõ được hoặc do căn địa bẩm sinh. Hãy dùng từ ái chỉ bày, cho con biết vì sao làm như thế là sai và sai thì sẽ dẫn đến kết quả nào, làm đúng thì thành quả sẽ ra sao. Đừng bao giờ buông lời “Sao con ngu thế!”, “con hết thuốc chữa!”, v.v… Những lời nói này sẽ tạo năng lượng tiêu cực trong đầu con trẻ khiến tâm trí chúng bị tổn hại mà kết quả lại càng tệ hại hơn trước đây.

Đối với trẻ, do tính tình ngỗ nghịch, cứng đầu, sau nhiều lần dùng ái ngữ khuyên bảo vẫn không cải thiện, bậc phụ huynh có thể dùng những phương thức tạm chấp nhận như không cho các em chơi game, coi ti-vi, chơi cùng bạn hàng xóm một thời gian, cho các em ngồi chép những câu chuyện bổ ích. Phương thức này cũng gần tương tự như trong Tăng đoàn xuất gia khi có người phạm lỗi. Tùy nặng nhẹ mà ngồi thiền, công phu sám hối bao lâu hoặc ghi chép kinh điển…

Sự ra đi của bé gái 8 tuổi vì bị bạo hành là một mất mát đau thương không thể bù đắp. Chính quyền và người dân đều lên án hành vi vô lương tâm này. Là người con Phật, lòng chúng ta quặn đau, đồng thời cũng nhắc nhở mỗi chúng ta nỗ lực áp dụng giáo lý nhà Phật trong việc giáo dục con trẻ mà đã được minh chứng hiệu quả mấy nghìn năm qua.

Ngày cuối năm 2021 - Hoa Kỳ

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Họa sĩ Kim Đức

Quy y

GNO - Cái tin chị đi tu làm ai cũng ngỡ ngàng. Bọn thanh niên trong khu phố tiếc hùi hụi vì từ nay không còn ai để theo đuổi, trêu ghẹo. Người già, nhất là những người chuộng trang phục áo dài, áo bà ba lấy làm buồn lắm, bởi chị là một cô thợ may may đồ kiểu xưa rất đẹp.
Chuông chùa Nhật Bản, giống như chuông chùa của các nước khác, được đánh từ bên ngoài bằng chày hoặc thanh xà treo chứ không phải bằng một quả lắc bên trong.

Phạm chung trong đời sống văn hóa, tôn giáo của người Nhật

NSGN - Phạm chung ( bonshō, 梵鐘), cũng được gọi là điếu chung ( tsurigane, 釣鐘) hay đại chung ( ōgane, 大鐘), là những chiếc chuông lớn được nhìn thấy trong các ngôi chùa Phật giáo trên khắp Nhật Bản, dùng để thỉnh mời các Tăng sĩ tập họp hành lễ và để phân định các mốc thời gian trong ngày.

Thông tin hàng ngày