Những ngày này của 40 năm trước tại Hà Nội

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1126 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1126 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GN - 5 giờ sáng ngày 30-10-1981, chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Tăng Ni và Phật tử đại biểu từ TP.Hồ Chí Minh đã vân tập tại chùa Xá Lợi, quý vị điểm tâm sớm với chung trà đạm bạc, trò chuyện giây lát rồi lên xe vào phi cảng Tân Sơn Nhất.

Tại đây, các ông Phạm Văn Ba và Ung Ngọc Ky đã có mặt trong một lễ tiễn đưa ngắn, đầy niềm tin ở sự thành công của Hội nghị thật là chứa chan ân tình. Ân tình của Thành ủy, của Mặt trận đối với Phật giáo mà sự gắn bó đã từ lâu và qua 6 năm rồi lại càng keo sơn.

Chiếc Boeing 707 lướt gió chỉ trong 1 giờ 45 phút đã đến Sân bay quốc tế Nội Bài. Trên đường từ Nội Bài về Hà Nội, những vị mới lần đầu tiên về chốn Tổ đã tấm tắc ngợi khen những cánh đồng hợp tác lúa đang độ con gái lên xanh, những hàng cây thẳng tắp trồng vào các dịp sinh nhật Bác ở bên đường và những người nông dân đang chăm chỉ cày cuốc.

Xe qua cầu Long Biên, một vị Đại đức nhìn xuống dòng sông đỏ nặng phù sa, tâm sự với chúng tôi: “Dòng sông thật hiền lành này đã ghi bao chiến công, đâu bến Chương Dương, đâu Đông Bộ Đầu, đâu quân Tôn Sĩ Nghị chạy qua đây, nước sông cũng giết được giặc và đâu mồ chôn xâm lược Pháp? Nơi nơi của chốn Tổ đều ghi dấu vết ông cha và bao kỷ niệm anh hùng. Ô! Sao lần đi này làm tôi cảm kích không nguôi”.

Chùa Quán Sứ đã trang hoàng thật đẹp để đón tiếp các đại biểu. Chúng tôi chia nhau, quý Hòa thượng và phái đoàn Ban Vận động ở tại đây, số còn lại ở Nhà khách Chính phủ và quý vị miền Bắc thì về chùa Bà Đá, một di tích lịch sử của thủ đô.

Chúng tôi gặp quý Tăng Ni, Phật tử miền Bắc, lần đầu tay bắt mặt mừng mà tình đồng đạo và lòng yêu đất nước với những đóng góp vừa qua trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ đã làm cho nhau như quen biết ruột thịt tự ngàn đời.

Hòa thượng Thế Long, vị sư đã tổ chức cuộc lên đường cho một số Tăng sĩ trẻ thời chống Pháp tại chùa Cổ Lễ, hiện là Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Trưởng ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam, ra nghênh đón Hòa thượng Thích Trí Thủ và phái đoàn, những chiếc áo cà-sa từ khắp các nẻo đường đất nước quyện vào nhau, thật là cảnh “ngàn năm mới có hội này”.

Từ hòa trong giọng nói, nhanh nhẹn trong dáng điệu, Thượng tọa Thanh Tứ đã thu xếp sẵn chỗ ăn ở của quý vị trong phái đoàn một cách cảm động, chu đáo từ việc lo liệu một ấn bản về nội quy sinh hoạt cho đến bộ cờ tướng giải trí trong lúc nghỉ ngơi.

Sau một ngày nghỉ cho đỡ cơn mệt, các vị trong Ban Vận động dù có người tuổi cao sức yếu đã bắt tay vào việc liên tục: thăm viếng các đoàn đại biểu, kiểm tra danh sách và chuẩn bị cho Hội nghị.

Chiều 2-11 các vị miền Trung đã ra tới nơi: Quý Hòa thượng Mật Hiển, Giác Tánh, Trí Nghiêm và quý Thượng tọa Thanh Trí, Đức Tâm, Chánh Trực, Ni sư Diệu Không, nữ cư sĩ Nguyễn Đình Chi…

Lâu quá mới gặp nhau, chúng tôi, một số Phật tử vào ở Sài Gòn lâu, lại được dịp chong đèn kể lể tâm tình. Quý Hòa thượng Nguyên Sinh, Hòa thượng Tâm Ân nói chuyện 30 năm vận động bà con bổn đạo đánh Pháp đuổi Mỹ và sáu năm xây dựng hòa bình sau khi thống nhất đất nước.

Đại biểu tham quan Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh: Tư liệu GN

Đại biểu tham quan Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh: Tư liệu GN

Ngày 3-11, Hội nghị họp phiên trù bị công bố danh sách đại biểu sau khi đã thẩm tra, nghe phổ biến nội quy sinh hoạt và chia ba phân ban, chuẩn bị làm lễ khai mạc hội nghị.

Sáng 4-11-1981, Hội nghị chính thức khai mạc trong không khí trang nghiêm. Hội nghị được vinh hạnh đón tiếp cụ Hoàng Quốc Việt, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tới tham dự với tư cách Chủ tọa danh dự. Sau khi nghe Hòa thượng Thích Trí Thủ, Trưởng ban Vận động, đọc diễn văn khai mạc, cụ Hoàng Quốc Việt đã nói chuyện với đại biểu.

Cụ kể lại chuyện thời hoạt động bí mật trước 1945 chống Pháp, các đồng chí cách mạng đã được nhiều chùa chiền và bổn đạo che chở, và đạo Phật đã từ lâu gắn bó với dân tộc, nhất là từ khi Đảng ra đời. Cụ nhiệt liệt hoan nghênh công quả của các vị trong Ban Vận động và quý đại biểu với niềm tin rằng thống nhất Phật giáo sẽ mở ra một trang sử mới của Tăng tín đồ cả nước trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa phồn vinh và an lạc.

Với lời chúc Hội nghị thành công viên mãn, kết thúc bài phát biểu, cụ đã được tiếng vỗ tay tán thưởng vang dội hội trường và tiếp theo là bốn bánh pháo nổ giòn liên tục, gây không khí một ngày hội lớn vừa mở ra.

Tiếp theo, Thượng tọa Minh Châu, Chánh Thư ký Ban Vận động Thống nhất Phật giáo đọc báo cáo về quá trình hoạt động của các cuộc vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam từ trước cho đến ngày nay.

Sau phần khai mạc, hội nghị nghe giới thiệu toàn văn dự thảo Hiến chương và dự thảo Chương trình hành động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam do quý Hòa thượng Trí Tịnh, quý Thượng tọa Minh Châu, Từ Hạnh thuyết trình.

Chiều ngày 4 và sáng ngày 5-11-1981, các đoàn đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam, Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước, Giáo hội Cổ truyền, Phật giáo Nguyên thủy, Khất sĩ, Thiên Thai Giáo Quán tông, các sư sãi Tây Nam Bộ, Hội Phật học Nam Việt đọc tham luận giữa những tràng pháo tay hoan nghênh ròn rã, ngắt khúc từng chặng một. Tất cả đều biểu dương công đức của Ban Vận động trong nỗ lực làm việc suốt gần hai năm qua để triệu tập hội nghị lịch sử này, tất cả đều nhất trí với phương hướng của dự thảo Hiến chương và Chương trình hoạt động, tất cả đều khẳng định tính gắn bó giữa Phật giáo và dân tộc trong giai đoạn cách mạng mới, đặc biệt, tất cả đều bày tỏ lòng biết ơn đối với Đảng, Nhà nước và Mặt trận đã tận tình giúp đỡ và tạo điều kiện cho điều mà bao thế hệ Tăng tín đồ hằng mơ ước trở thành hiện thực: Thống nhất Phật giáo Việt Nam.

(Báo Giác Ngộ số đặc biệt 132-133, ngày 1 - 15-11-1981)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Võ Dũng

Tỳ-kheo-ni Tô-ma

NSGN - Tôi nghe như vầy: Một thời, Đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tỳ-kheo-ni Tô-ma2  ngụ tại tinh xá của chúng Tỳ-kheo-ni, ở trong ngự viên, thuộc nước Xá-vệ.

Thông tin hàng ngày