Những ngày xưa thật đẹp

GN - Mạ kêu tôi lấy cái chổi tàu cau quét lại mấy liếp nhà. Mạng nhện giăng đầy và mấy cái lá khô lạc từ mùa hè năm trước còn nằm chỏng chơ trên những thanh gỗ như đưa võng.

Tôi cười, gần hết một năm, nay lại lấy chổi quét mái nhà. Đứa con trai như tôi cũng bê bối không kém. Quanh đi quẩn lại gần hết một năm, tiết trời đang ấm dần. Tôi dựng chổi nhìn ra vườn trong cái nắng yếu ớt của những ngày lập xuân, hàng cau im phăng phắc và thẳng tắp đến không ngờ. Hàng cau đã được hơn mười năm, tôi trồng cho cha ăn quả. Cha ăn có hai mùa rồi đi xa hun hút. Để ánh mắt mạ dài ra, mỏi mòn. Để thằng con trai như tôi đến mùa trông Tết. Tết về chưa cha?

nha ngheo.jpg

Hồi xưa thật đẹp - Ảnh minh họa

Buổi sáng hôm đó ánh nhìn mạ mắc lại nơi tấm ảnh cha. Tôi biết, trên đời này nếu có người đàn bà yêu chồng mình nhất đó là mạ. Mãi sau này tôi đi tìm người con gái như vậy về chung chăn sẻ gối. Thằng bạn tôi cười, tầm phào, lật cuốn cổ tích ra. Người ngày xưa khác người nay khác, con gái bây giờ có trình độ rồi không sống như ngày xưa nữa đâu. Và tôi nheo mắt bước qua cầu trong những ngày giáp Tết. Ngày Tết tôi trồng một cây non lên mảnh đời của mình. Tôi chăm chút, yêu thương và tiến đi chậm rãi. Trên con đường hạnh phúc có cả những niềm đau.

Mạ hay nhắc tôi thay lư hương nhớ để lại một phần ba cát. Đó là cái cốt cách xưa của ông bà để lại cho con cháu từ ngàn năm. Con đổ trụi coi như toi đời đó. Tôi cười, bao giờ nghe mạ nhắc tôi, tôi đều cười. Mạ nói mi in cha mi mần chi cũng cho qua chuyện. Rồi mạ kể chuyện hai người yêu nhau ra sao, chỗ cha nhờ mạ kỳ lưng bên con sông mùa nước thu trong vắt. Kỳ lưng cho cha lần đó rồi mạ về làm dâu nhà này.

Năm đó mạ mười tám tuổi, má hồng xinh tươi. Mạ lấy cha người ta đàm chuyện con Thu đẹp mà ham giàu lấy chồng trẹo mắt, cha lấy mạ người ta nhởn nhơ cười lấy người ở về mần vợ rứa bây. Cũng năm đó mạ sinh con đầu lòng, rồi cha dang rộng cánh tay. Mấy anh em tôi nằm thừa ra hai bên chiếu, cha thỏa nguyện yên lòng với một đàn con. Phải chi bây giờ sinh con kiểu đó vướng víu đủ điều và nuôi ăn không nổi. Hồi đó, ăn chi cũng được, mặc chi cũng được, đắp chi cũng được. Đói khổ thương nhau, chăn đắp chung nghe hơi ấm của người!

Mùa Tết, ôi cái mùa Tết xa xôi mà tôi nhớ đến quặn lòng. Mạ tôi bảo giá mà thèm ăn như ngày xưa đó. Giá mà nhìn năm lạng thịt heo nghe cuộc đời trường sinh bất lão. Nhìn mấy gói mứt gừng như thuốc của Thánh cô! Cái cây non trên mảnh đời tôi thì bảo rằng em nhớ pháo. Đốt pháo nổ đì đoàng nghe sướng rơn. Đứa con trai đầu lòng hỏi mẹ nó pháo là chi mẹ? Mẹ nói hỏi ba, ba nói hỏi mệ nội, mệ nội bảo để mệ hỏi ông cho. Và mạ nhìn lên tấm ảnh, thằng con tôi đưa mắt nhìn ngơ ngác nhưng mẹ nó thì lại giấu nước mắt trong lòng. Em từng nói, giá một lần em được gặp cha.

Tôi biết, qua câu chuyện của mạ, cha trở về như một người đàn ông trong huyền thoại. Người đàn ông của bao người đàn ông. Trong trí tưởng tượng của em cha chồng về đẹp như nắng sớm. Cha nho nhã, hiền hòa, tài hoa, lãng tử. Tôi cười đến lệch miệng và đưa mình về những ngày xưa, ngày đó tôi cũng là một người con trai huyền thoại.

- Mấy đứa coi đặt bánh bên con bé Hà, bánh bên đó gói ngon mà lại tinh túy. Thịt heo đặt ít thôi, tết chừ ai ăn nữa. À đi chợ phiên nhớ mua hương trầm, hương đó thơm nghe dịu. Cha bây thích hương đó. Chà, không có phong pháo mà đốt chơi hè.

Nghe đến câu cuối cùng này tôi cười hỉ hả. Có lúc mạ cũng nổi loạn như teen boy lên sàn. Chà  chà, ông chính phủ nghe điệu này thì ư ư là là… hà, mạ nói. Vì tao nhớ ngày trước thôi, pháo nổ hay chi lạ. Hồi đó năm mô pháo nhà miềng cũng nổ giòn và năm đó mần ăn khấm khá. Kiểu niềm tin cho một năm mới đó bây. Chừ không biết lấy chi làm tin hết, trời lúc nắng lúc mưa. Tết mà nắng nóng như gà lúc cắt cổ. À nói mới nhớ, con Sen chọn con gà giò đẹp cúng mùng một đi coi phát tài. Hồi trước cha bây còn coi giò hay lắm, mạ khỏi mất công đi coi, khỏi mất tiền mà có người để bắt vạ khi coi giò không chuẩn xác. Chừ cha bây đi rồi… ừ ông gói bánh tét ngon, ông đan thúng đan mủng rất giỏi. Lại hay nói khôi hài trong lúc làm việc nên thấy vui. Thằng cu Anh cũng biết chơ rờ.

Tôi biết chớ, biết rõ ràng sau những năm tháng cha về với đất. Ngày đó, mấy anh em tôi đều trông chờ có ngày Tết với những đòn bánh tét được gói từ tay cha. Nếp hai thúng thước sáu, đậu xanh có một nồi, lá chuối hơ lửa một nẽn, lạt buộc ba nắm tay. Củi thì chất đầy chạn mà toàn là củi to, củi chắc. Đêm ba mươi, ánh lửa cháy lên sáng trưng một khu bếp. Mấy anh em tôi ngồi nghe tiếng xì xèo của nước đùa mình với lửa. Rồi mấy anh tôi đi xuống xóm đón giao thừa, mấy chị gái tôi trong áo quần xúng xính đi theo mấy câu hò hẹn. Chỉ còn lại tôi mười ba tuổi với đứa em gái.

Hai anh em tôi ngồi, hai anh em tôi đợi một món quà thơm được ninh nhừ trên bếp. Hai cái bánh được làm thừa từ vại nếp như ước mơ thơm và đẹp, cha buộc lại và cho nằm ở trên cùng. Nhỡ khi chín dễ lấy cho hai đứa tôi ăn đi ngủ. Có mấy năm liền như thế, cũng có thể hơn. Tôi ngồi chờ cho con bé ăn xong, lúc dư ra một khúc tôi mới đưa tay đón lấy. Có những lúc nó ăn cũng không còn nhưng lòng tôi vẫn thấy vui.

Cha cười, ờ trong đói khổ eng tam (anh em - GN) phải biết thương nhau. Đó là lẽ sống của cuộc đời. Sau này mấy đứa lấy chồng, lấy vợ, rồi sinh con đẻ cái. Cũng không cần giáo huấn chi nhiều, mấy đứa sống tốt hẳn các cháu sống tốt. Câu nói của cha anh em tôi lận lưng đến bây giờ. Con của chúng tôi đang còn nhỏ, chúng tôi mong vẽ cuộc đời con qua cuộc đời tôi. Bằng những tấm lòng của con người rất thật.

- Thằng cu Anh nhớ chưa rừa, mạ lại nói. Sau mười hai giờ làng miềng nghe rôm rả. Pháo nổ nghe sướng cái tai. Chầu nớ mần chi có điện, có nhạc như chừ. À mạ có ý, năm ni giao thừa bây thu tiếng pháo rồi mở to ra cho cả làng nghe đặng sướng tai một lúc. À ha, cái loa nhà miềng mà vặn hết vu-luynh chắc kêu lắm. À, mấy đứa lo giặt bức cơi đi, chùi hai cái lục bình nữa, mua bông cúc vàng về cắm cho đẹp. Tết chi không nói nhưng phải ấm cúng trên bàn thờ. Cái bông cúc như năm ngoái thằng cu Anh mua giữ màu bền lắm. Mua thêm trăm rưởi bánh in, hay bây xay nếp mượn khuôn về in cho đẹp. Mần bánh xoài không bây? Có cối sinh tố mà nhác mần bánh xoài rứa. Bỏ trứng vô cối bấm cho lên kem chơ mấy. Ngày xưa đánh bằng tay bất đọa đi cu Anh hè…

Mạ hay kể chuyện ngày xưa.

Tôi là con người hoài cổ.

Em sửa soạn lại sống chén bát đã một năm không dùng, mấy đứa nhóc chạy quanh nhà hí hửng.

- Năm ni có bắt điện chớp không ba?

- Năm ni có gói bánh tày không ba?

- Năm ni có đi mấy o chơi không ba?

- Tết được nghỉ học ba hi?

Tôi nhìn con có chút thoáng thương bởi chúng có quá nhiều thua thiệt. Giá mà cho áo quần bớt xúng xính, cho những ngày thèm ăn để chúng có cái Tết nằm lòng. Ừ, thì có thể có ai đó nghĩ rằng tôi có giấc mơ ngược. Nếu ai không thích thì tôi sẽ cất giữ cho riêng mình. Tôi mong gặp cha nheo mắt cười, gặp lại anh em tôi ngày xưa bên bếp lửa. Gia đình đoàn viên, cả nhà ngồi túm tụm bên nhau ăn bánh đúc với nước lèo. Nhắc đến đây chợt nhớ mùi xà-lách, cái thứ cải soong này được trồng ở vùng nước trong thật là trong. Tết đến đem chắm nước lèo cặp bánh đúc thì ư như trứ tuyệt. Cha đã từng vừa thưởng thức chúng vừa đọc thơ, mấy câu thơ mà bây giờ tôi còn nhớ.

“Tết năm nay vui vẻ lắm trò chơi

Bánh trái con em khúc khích cười

Xiêm áo cung trăng thêm vẻ đẹp

Gấm hoa đất Việt đượm màu tươi...”.

Mấy câu thơ đó tôi không biết là của ai. Nhiều lần muốn hỏi nhưng còn ai cho tôi hỏi.

- Hùi, em rửa xong sống chén bát. Hoàn thành nhiệm vụ. Mạ ơi! Sáng mùng một cúng chè chi?

- Thì chè nếp chứ chè chi nữa con. Chè nếp trắng thể hiện sự tinh túy. Mà thằng cu Anh năm ni coi phụ mạ và vợ mi chớ. Năm ngoái nằm ngủ chỏng quèo.

Mạ nhắc đúng, nhưng lại không nhắc xa hơn. Tết trôi tuồn tuột từ ngày cha đi. Từ ngày pháo không còn nổ trong đêm giao thừa, từ ngày người ta lãng quên đi tục xông đất cầu may, sáng mùng chín cúng làng dồn luôn vào mùng bảy. Rất nhiều thứ chỉ còn trong tiềm thức, mà khi nằm xuống nhắm mắt lại tiềm thức mới trở về xanh xao. Dường như đếm được nếp nghĩ đó lằn lên mắt, mạ quay về phía tôi.

- Hay là nói Tết chừ không vui nữa thì ngủ, Tết chừ không có vị nữa thì say. Phải biết mần cho mấy đứa con sau này có kỷ niệm chớ. Mạ cha mần bất đọa mà mi hay nói không có tuổi thơ đó là chi. Níu chi được thì níu con à.

Và đêm ba mươi, tôi cúi người thổi nồi bánh tét đến nhòe mắt. Em đặt tay lên vai tôi. Hai đứa con hỏi vì răng ba khóc. Tôi lau mắt nhìn hai đứa con thơ. Bậy, khói bếp cay chớ ba có khóc mô. Tết đến trẻ con cười người lớn khóc chi được. Và hai đứa nhảy túm lưng tôi. Bên bếp lửa lại nghe lòng ấm. Tôi nghe lòng trở về với hình ảnh mấy cây trầu quấn lấy hàng cau.

Mùng một Tết, tôi cùng hai con đi cúng ở đình làng. Trong khắc này tôi thấy cánh đồng xanh bắp và hai thằng nhỏ như hai hạt mầm xanh tiếp cuộc đời tôi. Kìa con, phía trước là đình làng. Hai thằng nhóc nhảy cẫng lên khi thấy màu ngói đỏ và tôi nhìn tuổi thơ mình qua ánh mắt của con.

 Ngày xưa! Những ngày xưa thật đẹp!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày