Những nỗ lực vì đời sống an lạc của nữ giới Phật giáo

Với chủ đề “Nữ giới Phật giáo lỗi lạc” (Eminent Buddhist Women), Hội nghị Nữ giới Phật giáo (Sakyadhita) là diễn đàn đề cập đến nhiều nội dung qua 91 bài tham luận Việt ngữ và 71 tham luận Anh ngữ của đại biểu đến từ 37 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hội nghị Nữ giới Phật giáo thế giới lần thứ 11 tại Việt Nam từ ngày 28-12-2009 - 3-1-2010 là nỗ lực tìm tiếng nói chung và những giải pháp vì sự bình đẳng, tiến bộ và phát triển của nữ giới Phật giáo trên toàn hành tinh.

Niềm tin vào Chánh pháp

Hội nghị đã đi đúng mục đích ban đầu đề ra nhằm tôn vinh những danh ni trong quá khứ cũng như hiện tại của các truyền thống Phật giáo ở các quốc gia và vùng lãnh thổ, tôn vinh công hạnh tu tập và những đóng góp xã hội của chư Ni Việt Nam lỗi lạc trong lịch sử.

chiembaiphat_04.JPG

Đoàn có buổi tọa thiền tại TV Chơn Không (BRVT)

Ở diễn đàn này còn nhắc đến nhiều chân dung có đời sống tâm linh và sự dấn thân vào những con đường mong cầu sự giải thoát cho đại chúng, cho bản thân và những người đồng tu tại các quốc gia có truyền thống Phật giáo khác nhau. Phật giáo các nước ghi nhận những tấm gương Ni giới lỗi lạc trong lịch sử cũng như trong hiện tại: Zukui Jifu (Trung Quốc), Dhammawati ( Nepal ), Chứng Nghiêm, Zhengyan (Đài Loan), Daehaeng (Hàn Quốc), Jetsunma Tenzin Palmo (Anh)… Cứu cánh của những con người giác ngộ thời hiện đại này là lòng tin tuyệt đối vào Chánh pháp, khả năng nuôi dưỡng lòng từ bi và sự vượt thoát khỏi khổ đau bằng cách chú trọng đến tu tập lòng tự tín.

Trong bối cảnh xã hội hiện đại đang đặt nhiều thách thức cho người phụ nữ trước gia đình và xã hội, sự phân chia giàu nghèo, nhất là các quốc gia và vùng lãnh thổ kém phát triển. Người nữ chịu nhiều thiệt thòi và sống tách biệt với thế giới, mất tất cả các cơ hội và bị biến mình thành nô lệ của gia đình và xã hội... Các thành viên Sakyadhita là những giáo sư, những nhà nghiên cứu, lãnh đạo tinh thần với nỗ lực của mình, tập trung lại và cùng giúp đỡ những người nữ xích lại gần nhau trong tình thương và tu học trong điều kiện có thể, tránh tệ nạn buôn bán phụ nữ, xâm hại trẻ em và bạo lực gia đình trên thế giới. Phẩm giá của phụ nữ do đó được giữ gìn, rút ngắn sự bình đẳng xã hội giữa nam và nữ…

Nữ giới Phật giáo là một nhân tố tích cực kết nối những nhân tố khác cùng phát triển dựa trên sự bền vững, bằng cách đề cao việc đối thoại, tin tưởng lẫn nhau, tôn trọng truyền thống văn hóa của các nước khác trong việc bảo hộ phẩm giá của người nữ tại mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ. Khi các mối quan hệ dựa trên tình yêu thương và cảm thông từ những thông điệp của ánh sáng từ bi và tuệ giác của Đức Phật thì ở đó xã hội có sự bao dung và tiến bộ.

Trong rất nhiều mảng chủ đề khác nhau, sự kế thừa các nền văn hóa truyền thống, kế thừa mạng mạch Phật pháp, Ni đoàn của các quốc gia, vùng lãnh thổ được đề cao và tôn trọng. Sự tôn trọng đó làm nên sức mạnh tập thể khơi dậy mọi khả năng ở con người, bằng cách này Hội Sakyadhita đặc biệt khai thác khả năng của chính mình, tăng cường sự cống hiến, xây dựng, hợp tác với nhau phát triển giáo dục Phật giáo và thế học trong giới mình để nâng cao đạo đức cá nhân. Họ giúp đỡ phụ nữ phát triển kinh tế và có gia đình hạnh phúc. Sự cống hiến và dấn thân của mỗi Tỳ kheo ni làm nên sự bền chặt mối quan hệ tốt đẹp giữa Phật pháp và xã hội, phát triển đời sống tâm linh trên hành tinh nhằm giúp mọi người tiến đến sự công bằng trong xã hội tốt đẹp và thịnh vượng.

Áp dụng các nguyên lý Phật giáo trong gia đình

Thế mạnh của các quốc gia có truyền thống Phật giáo là cơ hội nâng cao Phật học cho mỗi cá nhân, đây cũng là nhu cầu thường xuyên hiện nay buộc các trường Phật học phải hiện đại hóa chương trình giáo dục Phật giáo và thế học nhằm giúp cho nữ giới xuất gia và tại gia trong việc tu học. Hỗ trợ giáo dục căn bản và cải thiện giáo dục đối với nữ giới và các thành phần khó khăn, bất hạnh khác để họ có đầy đủ điều kiện tham gia năng động vào cuộc sống xã hội, giúp họ giải quyết những khó khăn trong bối cảnh xã hội mà họ đang sống và trong tình hình của thế giới hiện tại.

chiembaiphat_06.JPG

Khi xã hội tiên tiến và các nhu cầu vật chất được chú trọng thái quá đã tác động làm giảm đi các giá trị đạo đức. Xã hội đó sẽ dung túng những thói xấu và sự bất thiện. Vì vậy, sự gắn kết trong nữ giới Phật giáo là quan trọng. Thiền tập và những ứng dụng Phật pháp tại gia giúp cải tạo những tế bào xã hội, thắt chặt các quan hệ gia đình bằng cách áp dụng các nguyên lý Phật giáo về sự hòa thuận, hiểu biết và lòng từ bi để xây dựng một gia đình bền vững trong tình yêu thương.

Cuộc sống hiện đại ngày nay cũng đặt con người trong cái chết được báo trước bởi sự thay đổi khí hậu và các hình thức phá hoại môi trường sinh thái. Con người tự giết mình bằng việc lạm dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nước, gây mất cân bằng sinh thái, làm gia tăng các mối đe dọa và gây thiệt hại đến phúc lợi của chính mình. Do đó, cần thực hiện những biện pháp cụ thể và cấp bách để giảm thiểu sự biến đổi khí hậu, đồng thời cam kết đời sống lành mạnh, thịnh vượng và thân thiện trong sự hài hòa với môi trường, thiên nhiên.

Nữ giới Phật giáo cũng khẳng định tầm quan trọng của sự phát triển công nghệ thông tin. Nhờ nó, mọi người được mở rộng tầm nhìn ra thế giới rộng lớn, giúp rút ngắn khoảng cách về mặt thông tin phục vụ lợi ích cá nhân và xã hội. Nhờ sự kết nối rộng mở, cập nhật nhanh, cung cấp các nguồn tài liệu hữu ích liên quan đến việc tu tập và hành trì Phật pháp qua internet mà nữ giới Phật giáo dễ dàng tiếp cận việc khai thác các thông tin có giá trị nhằm thu hẹp sự cách biệt giữa nữ giới Phật giáo tại các nước phát triển và các nước kém phát triển.

Sự thành công của Hội nghị Nữ giới Phật giáo Thế giới lần thứ 11 tại TP.Hồ Chí Minh, Việt Nam là tiếp theo những nỗ lực của nữ giới Phật giáo để hoàn thiện các mục tiêu phát triển lâu dài mà Liên Hiệp Quốc đã công nhận vào năm 2000 như: nỗ lực xóa sạch sự nghèo đói, hoàn tất đường hướng giáo dục phổ quát, tăng cường sự bình đẳng giới tính và quyền lợi phụ nữ, làm giảm bớt tỷ lệ tử vong của trẻ em, cải thiện sức khỏe của các bà mẹ, chống lại bệnh truyền nhiễm HIV/AIDS, bệnh sốt rét và các bệnh lây nhiễm khác. Nó cũng mở ra hướng mới, bảo đảm thành viên Sakyadhita sẽ khuyến khích mọi người sống thân thiện với thiên nhiên, mở rộng sự cộng tác toàn cầu để phát triển bảo vệ môi trường sống. Hội Sakyadhita cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ và có các biện pháp khẩn cấp giúp đỡ các nạn nhân bị nhiễm chất độc dioxin (da cam) Việt Nam cải thiện cuộc sống và giúp đỡ họ quyết tâm đòi lại các quyền lợi thỏa đáng.

Hội nghị Nữ giới Phật giáo Thế giới lần thứ 11 tại Việt Nam thật sự có cùng tiếng nói chung, sự đồng thuận của thành viên Sakyadhita các quốc gia, vùng lãnh thổ để xây dựng một thế giới hòa bình, tình thương và bền vững. Diễn đàn thật sự sôi động, thẳng thắn và quyết tâm. Nhiều vấn đề đặt ra được giải quyết thỏa đáng, tất cả vì sự bình đẳng, tiến bộ của phụ nữ Phật giáo trên khắp hành tinh. Do đó, mục tiêu triển khai, phát triển bền vững các chi hội Sakyadhita tại các nước và vùng lãnh thổ trong tương lai là điều cần thiết. Mỗi thành viên Sakyadhita của các quốc gia luôn ủng hộ các hoạt động của Diễn đàn Nữ giới Phật giáo Thế giới (lần thứ 12 tại Singapore) trên tinh thần tôn trọng truyền thống văn hóa của nước đăng cai.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày