Những sinh linh

GN - Cất giấu tuổi xuân phơi phới với biết bao niềm vui và mơ ước, dì lặng lẽ mướn một căn nhà xa thiệt xa trung tâm thành phố. Lặng lẽ đi đi về về căn nhà ấy mỗi ngày, mặc cho con đường có sình lầy, nước có ngập lút bô xe hay thế nào đi nữa, dì cũng phải về nhà trong ngày.

Người không biết sẽ nghĩ dì là một người sống trong hơi thở bao dung của gia đình quen rồi, thiếu hơi chịu không được. Nhưng ít ai biết rằng, thực ra không phải vậy. Vì ba mươi bốn năm qua, dì đã có hơn ba mươi bốn lần dời nhà. Mọi thứ với đời dì đều thay đổi, từ dung nhan, tiền bạc, tính nết và cả những người thương yêu. Chỉ duy nhất những đứa con là nguyên vẹn đó.

sinhlinh.jpg

Dì đem tụi nhỏ về, từ góc nhà thờ khi còn nhỏ xíu. Hay lượm ở công viên khi vừa ngơ ngác vừa đói khát. Có đứa bị xe cán xẹp lép một chân, dì đưa đi chữa trị chăm lo lành lặn, bón cho từng miếng sữa, miếng cơm. Có người nói, hay là hóa kiếp, an tử cho mấy đứa tật nguyền đầu thai kiếp khác đi. Để tụi nó lê lết vậy thảm lắm. Nhưng dì không chịu: “Tụi nhỏ có duyên với mình thì mình mới gặp được nó, đem về nuôi. Đã thương yêu coi là con ruột của mình rồi thì làm sao có thể nỡ lòng bóp mũi cho tụi nhỏ chết được”.

Vậy là dì nuôi hết mấy đứa con trong một căn nhà. Mỗi khi đi bán vé số thì đóng kín cửa. “Đành vậy, chịu khó bấm bụng để tụi nhỏ ở nhà, anh em tụi nó tự lo cho nhau, rồi chiều dì sẽ về. Chắc chắn!”.

Khi bước chân có phần xiêu quẹo trở về căn nhà nhỏ nằm heo hút ở cuối con hẻm hoang vu, mấy đứa nhỏ nghe mẹ về, chạy ra kề bên cửa, tranh nhau chỗ hở để nhìn ra đón chờ. Mở cửa, nhìn tụi nhỏ nheo nhóc chạy lại kề bên mừng mẹ. Đứa nào cũng thao thao như hỏi thăm, “Mẹ hôm nay bán được nhiều hông? Mẹ có mệt lắm hông? Mẹ ăn gì chưa mẹ?...”. Dì nói, cảnh nhiêu đó thôi đã thấy bao mệt mỏi suốt đoạn đường vừa qua bốc hơi hết rồi.

Khi bắt đầu nuôi đứa con đầu tiên, dì đã liệu định cho số kiếp của mình. Dì bán mảnh vườn cha mẹ để lại. Bán luôn mớ vàng bạc tích góp bao năm. Mướn một căn nhà rộng rãi để nuôi tụi nhỏ: “Mình sao cũng được nhưng để tụi nhỏ đói khổ thì không yên lòng”.

Nhưng căn nhà và tấm lòng của dì cũng không đủ thần thông để bảo vệ hết mọi an nguy cho tụi nhỏ. Bữa rồi có đứa đi chơi trong xóm, bị người ta bắt cóc. Dì rượt theo giành lại, trong lúc giằng co, tụi bắt cóc đánh dì ngất xỉu. Khi vào viện với những vết thương trên người, dì vẫn ú ớ hỏi, “rồi con Mí có sao không, nó đâu rồi?”. Người ta lắc đầu, “bà này chắc nặng lắm nên mới nói sảng vậy”.

Nhưng có ai biết được, dì nằm viện một ngày, là tụi nhỏ phải nhịn đói một ngày. Nên khi tỉnh lại, là dì lén trốn viện về ngay. Tụi nhỏ sà vào lòng mẹ tíu tít như bầy chim sẻ tranh nhau nói chuyện. Dì dỗ từng đứa, nấu cơm bày ra cho tụi nhỏ ăn. Xong xuôi mới ngồi thay mớ băng gạc vết thương ở chân mà hồi sáng này bác sĩ nói là đã khâu sáu mũi.

Dì kể rằng, dì sợ nhất là cảnh dời nhà. Dì sợ chủ nhà biết là nuôi tụi nhỏ đông như vầy, thế nào cũng sẽ đuổi đi. Nên mướn nhà ở thật sâu, hoang vắng để không phiền đến ai cả. Nhưng cứ như rằng, lâu một thời gian, chủ nhà biết được lại đuổi đi nơi khác. Dì lại cụ bị đồ đạc, mướn mấy lượt xe mới chở hết cả nhà sang nơi mới.

Nơi nào tới ở dì cũng phải sống trong nơm nớp lo âu. Kiếm một người hiểu mình và thương tụi nhỏ, chỉ cần bao dung cho mình ở cùng các con, đâu có dễ. Dì nói nghẹn ngào, dường như số kiếp con người là vậy. Trời xui chi cho dì có tình yêu thương tụi nhỏ, để rồi đặt dì vào một thế giới cách xa với tình yêu thương đó. Nhưng tình yêu nào cũng cần có thử thách của thời gian, để trả lời rằng mình yêu thương đến mức nào?

Dì lặng lẽ bán từng tờ vé số, lặng lẽ chăm nuôi tụi nhỏ ba mươi năm trời để rồi hơn trăm lần tụi nhỏ chết trên tay dì, hơn trăm lần dì đào huyệt chôn con, hơn trăm lần dì khóc. Có người khuyên, hay đừng nuôi thêm nữa, để chăm lo cho mấy đứa được vuông tròn và không phải buồn nhiều khi tụi nhỏ mất đi. Dì cũng dặn lòng mình như vậy. Nhưng mỗi khi thấy ai cho tụi nhỏ, hay bỏ lăn lóc ở góc xó nào đó, dì lại mang về nuôi. Như chính tấm lòng bao dung thì không thể nào dửng dưng trước những mảnh đời lang thang, côi cút…

Không thể không lo nghĩ, khi dì ngày một yếu đi mà tụi nhỏ thì nheo nhóc. Có người kêu, hay là dì đem tụi nhỏ cho mấy nhà giàu nuôi bớt đi. Tìm ai thương yêu thì chia cho họ nuôi. Nhưng lâu lắm, dì mới tìm ra được người như vậy. Đem tụi nhỏ đi cho dì đã khóc rồi, lâu lâu đến thăm, thấy tụi nhỏ ốm đi dì lại khóc…

Hồi trước mình tự hỏi, phải chăng sự yếu đuối của con người là ngục tù hành hạ họ? Nhưng lúc nghĩ rằng, bứt dì ra khỏi tụi nhỏ, thì mình thấy đó mới là ngục tù. Vì ai cũng có một khoảng trời của riêng mình. Và với dì, chăm lo cho tụi nhỏ, ở kề bên tụi nhỏ, nghe tiếng “meo meo” mỗi ngày, đó mới là điều an yên…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Niệm Phật nhiệm mầu

Niệm Phật nhiệm mầu

GNO - Ba tôi đã mất gần giáp năm nhưng hình ảnh về ba vẫn in nguyên trong tôi như vừa khi nãy, mới đây thôi. Có thể ba tan hoại thân xác này, không còn của hiện tại đi, đứng, nằm, ngồi nhưng ba hiện hữu trong kỷ niệm và những lời chỉ dạy mang tính lâu xa, chắc thật.
Mô hình bằng tre mừng Phật đản của Phật giáo H.Triệu Phong, Quảng Trị được thiết trí tại chùa An Trú

Ấn tượng mô hình bằng tre mừng Phật đản của Phật giáo H.Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị)

GNO - Mô hình kỳ đài bằng tre tại chùa An Trú (H.Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) nổi lên giữa màu vàng ươm của cánh đồng lúa chín như gói ghém tất cả tấm lòng của Phật tử nơi đây hướng về Phật đản, cũng như lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường, cảm hứng gìn giữ các giá trị truyền thống của làng quê.

Thông tin hàng ngày