Những trường hợp Tỳ-kheo bắt buộc y chỉ vào thầy

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Theo giới luật quy định, Tỳ-kheo mới thụ giới, năm hạ đầu bắt buộc không được rời thầy, nhằm tinh chuyên về việc học giới luật; năm hạ sau mới có thể rời thầy để tham học giáo pháp và tu tập thiền định.

Sau khi đầy đủ mười hạ, giới đức đã đúng như pháp, hạnh đức và phẩm chất ngày càng tỏa rạng, vị Tỳ-kheo ấy mới được phép nhận nuôi dạy đệ tử. Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp vị Tỳ-kheo cần phải y chỉ mà không được rời thầy dù đã đủ hoặc nhiều hơn năm hạ, thậm chí cũng có những trường hợp quy định suốt đời phải y chỉ vào thầy.

Luật sư Đạo Tuyên1 căn cứ vào các bộ Luật nêu ra mười trường hợp bắt buộc phải y chỉ vào thầy, nếu vì một lý do nào đấy mà mất y chỉ thì phải tìm và y chỉ vào thầy khác. Dưới đây tuần tự tìm hiểu từng trường hợp được luật quy định bắt buộc y chỉ.

- Thầy viên tịch: Hòa thượng viên tịch, không còn là chỗ nương tựa, Tỳ-kheo mới thụ giới phải tìm thầy khác để y chỉ.

- Thầy hoàn tục: Hòa thượng không tiếp tục tu đạo mà xả giới hoàn tục, Tỳ-kheo ấy phải tìm thầy khác để y chỉ.

- Thầy bỏ đi: Vì một lý do nào đó Hòa thượng quyết định rời khỏi giới trường, tức là rời khỏi trú xứ đang ở nhưng không thể mang theo đệ tử hoặc đệ tử không thể đi theo thầy, Tỳ-kheo ấy phải tìm thầy khác để y chỉ.

- Thầy bỏ việc nuôi dạy đệ tử: Hoặc do việc nuôi dạy đệ tử chiếm quá nhiều thời gian nên muốn từ bỏ, để dành thời gian cho việc dụng công tịnh tu; hoặc do việc nuôi dạy không phù hợp với đệ tử; hoặc do nhiều nguyên nhân khác mà không thể tiếp tục việc nuôi dạy, do đó Hòa thượng từ bỏ. Tỳ-kheo ấy phải tìm người khác để y chỉ.

Ảnh: Bảo Toàn

Ảnh: Bảo Toàn

Bốn trường hợp trên có nguyên nhân xuất phát từ thầy y chỉ. Rơi vào những trường hợp này thì Phật dạy vị đệ tử phải tìm thầy khác để y chỉ.

- Đệ tử đi nơi khác: Do một nhân duyên nào đó mà người đệ tử phải rời Hòa thượng để đến nơi khác tu tập, vị đệ tử ấy phải tìm thầy khác ở trú xứ mới để y chỉ.

- Không còn thích hợp: Đối với trú xứ hoặc vị thầy đang y chỉ không còn thích hợp nữa, cần tìm một trú xứ tốt hơn và vị thầy y chỉ xứng đáng hơn để tiến tu đạo nghiệp, vị Tỳ-kheo ấy có thể đến nơi khác để y chỉ.

Hai trường hợp này là do người đệ tử có những nhân duyên khác, hoặc nhận thấy trú xứ không thích hợp, thầy y chỉ không xứng đáng để bản thân y chỉ, do vậy Tỳ-kheo ấy rời đi nhưng đến trú xứ khác cũng phải tìm thầy để y chỉ.

- Chưa tròn năm hạ: Tỳ-kheo chưa theo thầy trải qua năm mùa an cư kiết hạ thì không được rời thầy. Tỳ-kheo này do chưa đủ năm hạ nên buộc phải y chỉ, một khi đã đủ năm hạ, hạnh đức đã đầy đủ thì có thể rời thầy để tự tu tập và hành đạo.

- Không am hiểu giới luật: Tỳ-kheo si ám, thiếu hiểu biết, không am hiểu về tính giới, dẫn đến không thể phân định được các phương diện khai - giá - trì - phạm của giới luật. Vị này trọn đời không thể rời thầy y chỉ, không thể tách rời Tăng đoàn để sống độc cư.

Tám trường hợp quy định ở trên được trích xuất từ Tứ phần luật2. Với trường hợp thứ tám, Thập tụng luật cũng nêu rõ: Tuy là người thụ giới đã nhiều năm nhưng không biết năm pháp: không biết phạm, không biết không phạm, không biết phạm giới khinh, không biết phạm giới trọng và không tụng đọc Nhị bộ giới bản thì trọn đời không được rời thầy3.

Cũng trường hợp này, trong Tỳ-ni mẫu kinh chép: Dù Tỳ-kheo mười tuổi hạ hoặc đến trăm tuổi hạ nhưng không am hiểu về giới luật thì cũng phải y chỉ vào Tỳ-kheo mười tuổi hạ mà thông hiểu giới luật4.

Ma-ha tăng-kỳ luật nêu: Nếu Tỳ-kheo không thông đạt giáo pháp, không thông đạt về giới luật chế định, không thể sống độc lập, cũng không thể giúp đỡ Tỳ-kheo khác trong Tăng đoàn thì trọn đời không được rời thầy.

- Lúc mê lúc tỉnh: Tỳ-kheo có tâm thái bất định, lúc thì ngu si, không tỉnh táo nên phạm phải nhiều tội, nhưng khi tỉnh thì rõ biết mình phạm tội nên y pháp để sám hối. Bởi tâm hồn bất định, lúc tỉnh lúc mê nên phải y chỉ vào Tỳ-kheo khác.

- Không tụng giới bản: Tỳ-kheo không tụng giới, cố ý không tụng giới, hoặc do ngu si tụng trước quên sau, hoặc không đọc tụng được giới bản, những hạng như thế không thể rời thầy. Trong Tỳ-ni mẫu kinh chép: Người xuất gia, từ khi thụ giới Tỳ-kheo cho đến năm hạ lạp phải tụng giới cho thuộc, nếu do căn tính ám độn thì dù trăm hạ lạp cũng phải tụng. Nếu cố ý không tụng hoặc tụng trước quên sau, hoặc do ngu độn mà không tụng được, ba hạng Tỳ-kheo này không được rời thầy5.

Ba hạng Tỳ-kheo trên tuy đã tròn hoặc hơn năm hạ, nhưng do Tăng cách và Tăng hạnh không đủ, hoặc không thông đạt giới luật, không thể tụng đọc giới bản, tính cách lúc nóng lúc nguội, khi tỉnh khi mê nên bắt buộc phải y chỉ, lúc nào hạnh đức và Tăng cách đã như pháp thì mới cho phép rời thầy.

Đạo Tuyên cho rằng: “Nói năm hạ có thể rời thầy là nói theo quy định của giới luật, nhưng nếu nói theo phương diện tu hành của tự thân mỗi đệ tử thì trọn đời cũng không thể rời những bậc thầy dẫn đạo”6.

Việc nương thầy để tiến tu đạo nghiệp dù Luật quy định năm hạ mới được rời thầy, nhưng trên phương diện tu hành thì Tỳ-kheo còn là phàm phu, chưa dứt hết các lậu hoặc thì cũng phải cần y chỉ vào thầy. Trong các kinh luận thường hay nhấn mạnh: Ngay như Đức Phật cũng lấy pháp làm thầy, nhờ nương vào pháp mà thành tựu giải thoát, thành tựu quả vị Bồ-đề, huống là hàng Thanh văn và Duyên giác. Như vậy, chúng ta thấy được sự y chỉ vào đức thầy có vai trò quan trọng như thế nào đối với đạo nghiệp giải thoát của người xuất gia.

Quả thật, một Tỳ-kheo phạm hạnh đã thanh tịnh thì mới dứt bỏ được điều ác, mới làm được tất cả điều lành, từ hành vi, lời nói cho đến tâm tư đều thanh bạch, đầy đủ Tăng cách, Tăng hạnh, vị ấy có thể thẳng đến Niết-bàn mà không bị ngăn ngại. Trong sự nỗ lực của vị Tỳ-kheo ấy chắc chắn không thể thiếu hình bóng tôn sư của mình. Vì thế, trong Tứ phần luật nêu: Tỳ-kheo khi đã thành tựu được năm phần pháp thân - thành tựu về giới, về định, về tuệ, về tuệ giải thoát, về tuệ tri kiến giải thoát rồi lúc đó mới chính thức được lìa y chỉ7.

Năm phần pháp thân được Luật quy định, đó chính là hoàn thiện về giới “phòng phi chỉ ác”; về định “tịnh lự dứt vọng tâm”; về tuệ “quán chiếu không hữu”; về tuệ giải thoát “đoạn sạch hữu lậu phiền não ái kết”; về tuệ tri kiến giải thoát “suốt biết tất cả đối với những gì mình giải thoát”.8

Tóm lại, việc nương thầy để tiến tu đạo nghiệp dù Luật quy định năm hạ mới được rời thầy, nhưng trên phương diện tu hành thì Tỳ-kheo còn là phàm phu, chưa dứt hết các lậu hoặc thì cũng phải cần y chỉ vào thầy. Trong các kinh luận thường hay nhấn mạnh: Ngay như Đức Phật cũng lấy pháp làm thầy, nhờ nương vào pháp mà thành tựu giải thoát, thành tựu quả vị Bồ-đề, huống là hàng Thanh văn và Duyên giác. Như vậy, chúng ta thấy được sự y chỉ vào đức thầy có vai trò quan trọng như thế nào đối với đạo nghiệp giải thoát của người xuất gia.

------------------------------------------

1 Đạo Tuyên, Tứ phần luật san phồn bổ khuyết hành sự sao, q.1 [Đại chính tạng T40, no.1804, p.31b].

2 Tứ phần luật, q.34 [Đại chính tạngT22, no.1428].

3 Thập tụng luật, q.21 [Đại chính tạngT23, no.1435, p.151a].

4 Tỳ-ni mẫu kinh, q.4 [Đạichính tạngT24, no.1463, p.821b].

5 Tỳ-ni mẫu kinh, q.2 [Đại chính tạngT24, no.1463, p.809b] .

6 Đạo Tuyên, Tứ phần luật san phồn bổ khuyết hành sự sao, q.1 [Đại chính tạng T40, no.1804, p.31b].

7Luật tứ phần, q.59 [Đại chính tạngT22, no.1428, p.1003b].

8 Đại Giác, Tứ phần luật hành sự sao phê, q.5 [Đại chính tạng X42, no.736, p.740c].

9 Tham khảo: Thích Tế Quần, Vấn đề giáo dục Tăng-già, Nxb Đại Thiên, Đài Bắc, 2023.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày