Những trường hợp Phật cho phép không y chỉ

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1245 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1245 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Mỗi vị tân Tỳ-kheo đều có hai người thầy để trực tiếp giáo huấn: Một người thầy có trách nhiệm dạy dỗ lâu dài, gọi Bổn sư hoặc là Nghiệp sư; một người thầy thông qua việc dạy dỗ về giới luật và Phật pháp, đây gọi là hai thầy y chỉ.

Khi một vị xuất gia mới thụ giới Tỳ-kheo, năm năm đầu tiên nhất định phải theo ít nhất là một trong hai thầy để chuyên học về giới luật và Phật pháp. Tuy nhiên, có một số tình huống đặc thù Đức Phật chế định cho phép tạm thời không cần y chỉ.

Thích sống độc cư nơi thanh vắng

Đây là trường hợp một vị Tỳ-kheo mới thụ giới pháp, vị ấy thích sống độc cư nơi thanh vắng để dụng tâm tu tập, nhưng theo Luật quy định thì phải y chỉ để thụ học giới pháp, vì vậy đành phải từ bỏ sự mong muốn của mình. Đối với việc này, Đức Phật cho phép, nhưng khoảng cách chỗ vị ấy ở với trú xứ của thầy y chỉ phải phù hợp với thời gian đi lại trong ngày. Tuy nhiên, nếu không tìm thấy chỗ thích hợp mà cần phải đi xa hơn thì Tỳ-kheo ấy được phép tạm thời không cần y chỉ.

Luật Tứ phần chép: Bấy giờ, có một vị thích sống nơi thanh vắng vừa thụ giới Tỳ-kheo, cần phải y chỉ. Vị ấy xem xét phòng xá, thấy một nơi vắng vẻ, có một hang động, vị ấy nghĩ rằng: “Nếu ta y chỉ rồi thì xin được ở chỗ này”. … Các Tỳ-kheo trình bạch Đức Phật, Phật dạy: “Từ nay về sau, người mới thụ Tỳ-kheo thích sống ở chỗ thanh vắng thì cho phép vị ấy y chỉ vào một trú xứ khác, nhưng thời gian nội trong ngày phải kịp trở về; nếu trong ngày không kịp trở về thì cho phép vị tân Tỳ-kheo thích ở nơi thanh vắng ấy mà không cần phải y chỉ”.

Vì bảo hộ trú xứ

Trường hợp vị tân Tỳ-kheo trước lúc chưa thụ giới thì đã có trụ xứ để tu tập, khi mới thụ giới, do quy định phải y chỉ vào thầy, vị ấy đành phải từ bỏ trú xứ vốn có của mình. Do lâu ngày không người chăm sóc bảo quản nên phòng ốc bị hư hỏng nặng. Đối với trường hợp này, Đức Phật cho phép tạm thời không cần phải y chỉ, nhằm tránh việc tổn thất vật dụng của Tăng chúng.

Luật Tứ phần chép: Bấy giờ có Tỳ-kheo vừa thụ giới, vị ấy vốn ở trú xứ cũ nhưng phải tìm thầy y chỉ, vị ấy liền nghĩ rằng: “Đức Thế Tôn chế định không được ở nơi không có thầy y chỉ”. Vị ấy liền bỏ trú xứ vốn có của mình để tìm thầy y chỉ, do trú xứ ấy bị bỏ hoang, lâu ngày bị hư hỏng. Các Tỳ-kheo đem việc này trình bạch Đức Phật, Phật dạy: “Từ nay về sau, nếu tân Tỳ-kheo vốn đã từng ở trú xứ cũ, vì cần phải bảo hộ trụ xứ ấy thì cho phép vị ấy không cần y chỉ”.

Bệnh tật

Sự việc xảy ra là có tân Tỳ-kheo mang bệnh và đang được chữa trị, do quy định phải y chỉ vào thầy, vị ấy liền từ bỏ nơi đang chữa trị nên bệnh tật càng ngày càng nặng thêm.

Luật Tứ phần chép: Bấy giờ có vị Tỳ-kheo bị bệnh tật mới thụ giới, phải y chỉ vào thầy, vị ấy nghĩ rằng: “Đức Thế Tôn chế định, bắt buộc phải y chỉ vào thầy”. Vị ấy liền bỏ trú xứ mà mình đang trị liệu để thân cận thầy. Do không được chăm sóc, bệnh tật càng nguy kịch. Các Tỳ-kheo đem sự việc này bạch Phật, Đức Phật dạy: “Từ nay về sau, cho phép tân Tỳ-kheo đang mang bệnh tật không cần y chỉ”.

Chăm sóc bệnh

Có Tỳ-kheo vừa thụ giới pháp, vị ấy vốn đang chăm sóc bệnh tình của một Tỳ-kheo khác, nhưng vì trở về y chỉ bên thầy theo đúng quy định mà từ bỏ việc chăm sóc. Do không ai thay thế chăm sóc và điều trị, dẫn đến Tỳ-kheo đang bệnh nặng ấy từ bỏ cuộc đời.

Luật Tứ phần chép: Bấy giờ, có Tỳ-kheo mới thụ giới đang chăm sóc bệnh cho một Tỳ-kheo khác, phải y chỉ vào thầy đúng với quy định, vị ấy nghĩ rằng: “Đức Thế Tôn chế định, nếu không y chỉ thì không được ở trong giáo pháp”. Do đó, vị tân Tỳ-kheo ấy từ bỏ công việc chăm sóc bệnh, dẫn đến Tỳ-kheo bị bệnh không qua được. Các Tỳ-kheo đem sự việc bạch Phật, Đức Phật dạy: “Từ nay về sau, tân Tỳ-kheo đang chăm sóc, điều trị bệnh cho Tỳ-kheo khác không cần phải y chỉ vẫn hợp pháp”.

Đủ năm hạ trở lên, thành tựu những hạnh đức

Tỳ-kheo đã có năm giới lạp trở lên, hành vi đã đúng như pháp, phẩm chất đạo đức ngày càng tỏa rạng, có khả năng rời khỏi Tăng đoàn và có thể độc lập trong việc tu tập và hành đạo, vị Tỳ-kheo ấy không nên tiếp tục y chỉ vào thầy mình.

Song, trong Tứ phần luật cũng nêu ra những tiêu chuẩn về việc phải y chỉ và không cần y chỉ chung cho các Tỳ-kheo như sau:

- Năm pháp bắt buộc phải y chỉ: Không có giới, không định, không tuệ, không tuệ về giải thoát, không tuệ về giải thoát tri kiến. Ngược lại với năm pháp trên là năm pháp không cần y chỉ.

- Năm pháp bắt buộc phải y chỉ: Vừa không có giới lại không thể tự mình tinh tấn cầu học giới pháp; không định, không tuệ, không tuệ về giải thoát, không tuệ về giải thoát tri kiến, đồng thời không thể tự mình tinh tấn cầu học giới, định, tuệ, tuệ giải thoát, tuệ giải thoát tri kiến. Ngược lại với năm pháp trên là năm pháp không cần y chỉ.

- Năm pháp bắt buộc phải y chỉ: Không giữ gìn đủ 250 giới, không đa văn, không thể tự học Tỳ-ni, không thể tự học A-tỳ-đàm, lúc tâm ác khởi lên mà không thể nhận biết và tu tập tâm lành. Ngược lại với năm pháp trên là năm pháp không cần y chỉ.

- Năm pháp bắt buộc phải y chỉ: Không giữ gìn đủ 250 giới, không đa văn, không thể tự học Tỳ-ni, không thể tự học A-tỳ-đàm, chưa đủ năm hạ. Ngược lại với năm pháp trên là năm pháp không cần y chỉ.

- Năm pháp bắt buộc phải y chỉ: Không thể tự học Tỳ-ni, không thể tự học A-tỳ-đàm, tâm ác khởi lên mà không thể xả bỏ và an trụ ở tâm lành, hoặc không thích ở trụ xứ này nhưng lại không thể dời đến trụ xứ khác, tâm sinh khởi nghi ngờ hối hận nhưng không thể như pháp để hóa giải. Ngược lại với năm pháp trên là năm pháp không cần y chỉ.

- Năm pháp bắt buộc phải y chỉ: Không thể tự mình siêng năng tu tập, làm cho tăng trưởng về giới, tăng trưởng về tâm, tăng trưởng về tuệ học; có bệnh không thể tự điều dưỡng, cũng không thể để cho người khác chăm sóc bệnh của mình. Ngược lại với năm pháp trên là năm pháp không cần y chỉ.

- Năm pháp bắt buộc phải y chỉ: Không tự mình siêng năng tu tập uy nghi về giới, không thể làm cho tịnh hạnh tăng trưởng, phá giới, có tâm khởi ác không thể xả bỏ để trụ vào tâm lành, chưa đủ năm hạ. Ngược lại với năm pháp trên là năm pháp không cần y chỉ.

- Năm pháp không thể không y chỉ: Không biết việc tranh chấp, không biết sự tranh chấp khởi lên, không biết dập tắt sự tranh chấp, không biết cách để dập tắt sự tranh chấp, chưa đủ năm hạ. Ngược lại với năm pháp trên là năm pháp không cần y chỉ.

- Năm pháp không thể không y chỉ: Không biết phạm, không biết sám hối, không khéo vào định, không khéo xuất định, chưa đủ năm hạ. Ngược lại với năm pháp trên là năm pháp không cần y chỉ.

- Năm pháp không thể không y chỉ: Không biết phạm, không biết không phạm, không biết tội nhẹ, không biết tội nặng, không đọc rộng hai bộ Tỳ-ni. Ngược lại với năm pháp trên là năm pháp không cần y chỉ.

Những tiêu chuẩn ở trên được Tứ phần luật nêu ra không chỉ áp dụng riêng Tỳ-kheo mới thụ giới mà áp dụng chung cho tất cả Tỳ-kheo.

Có trí tuệ và đức hạnh hơn người

Tỳ-kheo mới thụ giới pháp nhưng có đủ trí tuệ và Tăng hạnh, có khả năng độc lập trong đời sống tu hành, đức hạnh luôn vượt hơn trong chúng. Trường hợp này không cần phải y chỉ vào thầy, bởi tân Tỳ-kheo này đủ tiêu chuẩn không cần phải y chỉ.

Gặp phải lúc đói kém

Trường hợp Tỳ-kheo mới thụ giới, cần phải y chỉ, nhưng gặp năm đói kém, nhỡ đi xa không về được, nếu về thì sẽ rơi vào cảnh bị đói mà chết. Đối với trường hợp này, Đức Phật cho phép: Nếu không đủ điều kiện để chung sống với Hòa thượng thì có thể tùy duyên, hoặc hàng ngày nhìn thấy chỗ ở của Hòa thượng, hoặc vài ba hôm về gặp một lần, hoặc nữa tháng Bố-tát, hoặc mỗi năm đến kỳ an cư, lúc tự tứ đến để gặp và xin giáo giới đều được (Luật Thập tụng).

Ở cùng trú xứ tốt

Cùng trong một đạo tràng mà tất cả đại chúng đều dụng công cho việc tu tập và hành đạo, thanh tịnh hòa hợp, là môi trường dễ cho việc tu hành. Đối với trú xứ như thế, Đức Phật dạy: Nếu tất cả các Tỳ-kheo trong đạo tràng đều siêng năng, tấn tu đạo nghiệp thì vị tân Tỳ-kheo ấy có thể chọn một trong các vị niên cao lạp trưởng, đức sáng hạnh cao để làm tấm gương cho mình, sau đó sinh khởi tâm y chỉ và đối đãi như vị thầy của mình (Luật Ngũ phần).

***

Tám trường hợp đặc thù về pháp không cần y chỉ ở trên là dựa trên những điều kiện và hoàn cảnh thực tiễn của từng trường hợp mà Đức Phật khai chế. Tuy nhiên, việc mở ra những điều này, ngoài Tỳ-kheo đã đủ năm hạ và có đầy đủ hạnh đức ra, những trường hợp khác chỉ là để tránh mắc phải những lỗi lầm, hoàn toàn không thể ngang bằng với người thụ nhận pháp y chỉ. Cho nên không được lấy đây làm cái cớ cho việc không chịu y chỉ vào thầy, bởi một khi đủ nhân duyên thì những trường hợp trên vẫn phải như pháp y chỉ, để thúc liễm thân tâm, tấn tu đạo nghiệp.

Thích Quảng Đại biên dịch

(Tham khảo: Luật tạng và Thích Tế Quần, Vấn đề giáo dục Tăng-già,

Nxb Đại Thiên, Đài Bắc, 2023)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Họa sĩ Kim Đức

Quy y

GNO - Cái tin chị đi tu làm ai cũng ngỡ ngàng. Bọn thanh niên trong khu phố tiếc hùi hụi vì từ nay không còn ai để theo đuổi, trêu ghẹo. Người già, nhất là những người chuộng trang phục áo dài, áo bà ba lấy làm buồn lắm, bởi chị là một cô thợ may may đồ kiểu xưa rất đẹp.
Chuông chùa Nhật Bản, giống như chuông chùa của các nước khác, được đánh từ bên ngoài bằng chày hoặc thanh xà treo chứ không phải bằng một quả lắc bên trong.

Phạm chung trong đời sống văn hóa, tôn giáo của người Nhật

NSGN - Phạm chung ( bonshō, 梵鐘), cũng được gọi là điếu chung ( tsurigane, 釣鐘) hay đại chung ( ōgane, 大鐘), là những chiếc chuông lớn được nhìn thấy trong các ngôi chùa Phật giáo trên khắp Nhật Bản, dùng để thỉnh mời các Tăng sĩ tập họp hành lễ và để phân định các mốc thời gian trong ngày.

Thông tin hàng ngày