Những yêu thương đong đầy

Ảnh: Bảo Toàn/BGN
Ảnh: Bảo Toàn/BGN
GNO - Tại chương trình "Đêm hội Trăng rằm" vào tối 23-9 vừa qua, không chỉ các em thiếu nhi nô nức đến Việt Nam Quốc Tự để tham dự mà đặc biệt, với nhiều phụ huynh, đây là lần đầu tiên họ cho con cảm nhận được một đêm trung thu đúng nghĩa, bởi những gánh nặng mưu sinh, cơm áo gạo tiền kéo theo mỗi ngày.

Đó cũng là lý do họ xúc động, hạnh phúc nói lời cảm ơn chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội đã cho họ cơ hội đưa con đến đây lưu kỷ niệm đẹp.

Tết Trung thu đầu tiên

Có con học lớp 5, nhưng đây là lần đầu tiên trong cuộc đời chị N.T.M.Cẩm, 40 tuổi (ở nhờ nhà người thân, Q.8, TP.HCM) đưa con đi đón Tết Trung thu. Trong hội trường Việt Nam Quốc Tự, tranh thủ lúc lễ hội chưa bắt đầu, hai mẹ con rôm rả trò chuyện với nhau, mẹ kể cho con lý do mình cần cố gắng, con nỗ lực học, mẹ cố gắng làm… Ánh mắt cả hai tràn ngập hạnh phúc. “Hai tiếng đồng hồ ngắn ngủi nhưng đây lại là khoảng thời gian mình hạnh phúc nhất, được dành trọn vẹn thời gian cho con, sau đêm hội, mình lại quay về với gánh nặng mưu sinh…”, chị N.T.M.Cẩm chia sẻ.

Hỏi thêm mới biết, đây cũng là lần đầu tiên trong đời em Uyên Nghi - con của chị N.T.M.Cẩm được tham dự Tết Trung thu, biết đến Tết Trung thu. Cầm phiếu nhận quà, Uyên Nghi chia sẻ: “Con vui lắm luôn vì được vui Tết Trung thu, một lát nữa khi nhận quà xong con muốn chạy về liền, để chia quà cho em gái con đang đợi ở nhà”. Em gái của Uyên Nghi học lớp 3, nhưng vì hai chị em chỉ có một phiếu nhận quà, nên em đã nhường suất đó cho chị.

Dù lứa tuổi khách nhau, hoàn cảnh khác nhau nhưng tất cả đều cùng chung một niềm vui đong đầy
Dù lứa tuổi khách nhau, hoàn cảnh khác nhau nhưng tất cả đều cùng chung một niềm vui đong đầy

Để đưa con đến với “Đêm hội Trăng rằm”, lần đầu tiên trong đời chị N.T.M.Cẩm đã dám gác lại việc sửa quần áo, công việc duy nhất chị kiếm ra tiền nuôi con ăn học, để đưa con đi “phá cỗ”. “Chiều thứ 6 con đi học về nói mẹ ơi con có phiếu đi lãnh quà trung thu này, vào ngày mai. Tối hôm qua mình suy nghĩ rất nhiều và chọn gác lại công việc, chở con đi một lần, tuổi này rồi mà con chưa biết Tết Trung thu là gì, chính bản thân mình cướp đi niềm vui nhỏ nhoi của chúng nó”, chị nói. Rồi chị chia sẻ thêm rằng chiếc xe gắn máy chị chở con đến với “Đêm hội Trăng rằm” cũng là xe mượn.

Học lớp 5 nhưng Uyên Nghi rất hiểu chuyện. Nghe được lời em nói với mẹ, người viết không khỏi xúc động: “Mẹ chở con đi vầy, mẹ không sửa đồ mẹ có buồn không? Con đi với mẹ, có mình em ở nhà tội nghiệp em quá mẹ ha. Con nhận quà con về cho em hết, nếu có tiền con sẽ cho mẹ hết, nhà mình không còn tiền đúng không mẹ”.

Để nuôi hai con ăn học, mỗi ngày chị N.T.M.Cẩm đều thức từ lúc 4 giờ khuya, và kết thúc một ngày vào 12 giờ đêm. Chị dậy nấu cơm cho con, cho con ăn, đưa đi học, sau đó miệt mài với việc sửa quần áo cũ. Cố gắng chăm chỉ, một ngày chị kiếm được từ 150 ngàn đến 200 ngàn đồng. Và đêm nay, đưa con đi chơi như vầy, khi về chị phải thức làm bù, để sáng giao đồ cho khách, để có tiền lo tiền chợ hôm sau. Tuy vậy, hôm nay, chị vẫn thấy vui hơn ngày thường.

Nhìn con phấn khích, cứ đứng chồm dậy khi xem văn nghệ, vỗ tay và nhảy lên khi được thấy chú Cuội, chị Hằng, muông thú hóa trang, chị Cẩm vui, không cầm được nước mắt. “Mình bệnh nhiều, sợ mất giữa đường thì con khổ nên hai đứa con, mình đều dạy chúng biết nấu cơm, thức ăn, biết lau nhà, rửa chén… Khi mình bệnh, hai chị em tự nấu cháo, mua thuốc cho. Ngày hôm nay đi “Đêm hội Trăng rằm” mình rất hạnh phúc, nếu như có con gái út được đi nữa thì gia đình mình đã có niềm vui trọn vẹn”, ước nguyện của chị Cẩm chỉ nhỏ nhoi như thế.

Những yêu thương đong đầy

Trung thu là Tết Thiếu nhi, Tết đoàn viên. Với ý nghĩa đó, “Đêm hội Trăng rằm” tại Việt Nam Quốc Tự đã lan tỏa sự yêu thương đó đến mọi người, mọi nhà qua những hành động, xuất phát từ tinh thần hiểu và thương của chư tôn đức lãnh đạo GHPGVN TP.HCM. “Đêm hội Trăng rằm” lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam Quốc Tự không chỉ nhằm tạo ra sân chơi an lành, thật sự hạnh phúc cho các em thiếu nhi trong dịp Tết Trung thu năm nay, mà còn xoa dịu nỗi đau, an ủi, tiếp sức cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, những học sinh mồ côi do dịch Covid-19 để lại.

Hòa thượng Thích Lệ Trang, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM trao quà đến 100 em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cha, mẹ trong đại dịch Covid-19
Hòa thượng Thích Lệ Trang, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM trao quà đến 100 em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cha, mẹ trong đại dịch Covid-19

Trong niềm xúc động, cô T.N.Loan, cô ruột của cháu L.N.A.Tuấn, 5 tuổi chia sẻ: “Từ ngày mẹ của cháu mất vì Covid-19, cha của cháu sau giờ làm bảo vệ là đi nhậu. Nhận được suất quà này, tôi cảm ơn rất nhiều, giúp rất nhiều cho cháu, nhưng vui nhất là quý thầy tổ chức chương trình, để các cháu có ngày hội đến đây cùng chơi với nhau. Giờ đây thì chỉ có niềm vui của cháu là quan trọng nhất với gia đình tôi”.

Một phần quà cho thiếu nhi đến với “Đêm hội Trăng rằm” ngoài bánh trung thu, lồng đèn, bánh ngọt, kẹo, thì 100 em học sinh mồ côi còn được tặng bì thư 1 triệu đồng. Các em nhận quà, ánh mắt đều tràn đầy hạnh phúc. Điều đó càng cho thấy, mọi đứa trẻ đều cần tình yêu thương, sự quan tâm không chỉ đến từ gia đình, mà còn đến từ vòng tay của xã hội. Như lời tâm sự của em T.T.T, học sinh lớp 6, một trường THCS ở quận 10, TP.HCM: “Con mất ba, trong đợt dịch Covid-19 đầu tiên, gia đình con còn có mẹ. Con đến nhận quà trung thu, con nhận được tiền, con vui vì con biết phần quà này sẽ làm mẹ con đỡ cực hơn. Con sẽ cố gắng nhiều hơn, con sẽ không bỏ cuộc…”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày