GNO - Ni sư không phải là người đếm thời gian trong việc tái tạo các bức tranh Phật giáo Cao Ly, bởi vì với cô, đó là một cách hành thiền.
Ni sư Hyedam, 63 tuổi, người trong hơn bốn thập kỷ thường dành 16-18 giờ mỗi ngày trên những bức tranh như vậy, nghĩ rằng đã có khoảng 200.000 giờ.
"Có những lúc tôi cảm thấy cánh tay rã rời, đôi mắt như muốn nổ tung và trái tim như ngừng đập", Ni sư Hyedam nói.
Từ bé, Ni sư Hyedam đã bị mê mẩn bởi các bức tranh Phật giáo của Vương quốc Cao Ly (918-1392). Ni sư sẽ cho công chúng thưởng lãm công trình của mình dựa trên những bức tranh tại một triển lãm đặc biệt tại Bảo tàng Louvre ở Paris, Pháp, diễn ra từ ngày 9-12 đến 15-12 tới.
"Mỗi quốc gia có di sản văn hóa của riêng mình, nó là một câu chuyện về lịch sử, tinh thần và tính toàn vẹn của nhân dân", Ni sư Hyedam nói. "Cao Ly là quốc gia đầu tiên chọn Phật giáo làm quốc giáo. Xã hội tại thời điểm đó bị xáo trộn bởi xung đột nội bộ và xâm lược, và giai cấp thống trị Cao Ly muốn xin được tha thứ cho việc cố ý làm tổn hại đến người khác, thông qua những bức tranh Phật giáo", Ni sư nói.
Những nỗ lực của cô là "nhỏ", Ni sư nói, nhưng có một ý nghĩa nhằm mục đích tái tạo những bức tranh thời Cao Ly trong tinh thần ban đầu của chúng, đó là tinh thần khi mà Phật giáo được kết tinh thành nghệ thuật.
"Mỗi quốc gia đều có quyền bảo tồn di sản của mình và đừng bao giờ quên bất kỳ một phần di sản nào của mình đã bị đánh cắp", vị Ni sư chia sẻ. Thật không may, tuy nhiên, khoảng 90% những bức tranh Phật giáo Cao Ly hiện nay đang nằm trong các bảo tàng ở nước ngoài hoặc thuộc sở hữu của các nhà sưu tập tư nhân. Phần lớn là tại Nhật Bản. Trong số 10% còn lại trong nước là những tác phẩm trong hang động và trên núi.
Sự hiếm hoi và giá trị của những bức tranh Phật giáo Cao Ly làm cho người ta tin chắc rằng những bức tranh tại nước ngoài sẽ được trả lại cho đất nước. Vì lý do này, Ni sư Hyedam đã và đang tái tạo ra chúng dựa trên ghi chép lịch sử.
Ni sư Hyedam cho biết các tác phẩm mà cô sẽ triển lãm tại bảo tàng Louvre bao gồm bức Bồ-tát Thủy Nguyệt Quán Thế Âm.
"Bức Quán Thế Âm Thủy Nguyệt Bồ-tát đại diện cho lòng thương xót, ý tưởng rằng tất cả mọi thứ, mọi tội lỗi đều được tha thứ", cô nói.
Thông thường, bức Quán Thế Âm Thủy Nguyệt Bồ-tát cao 2 mét. Bức tranh lớn nhất của cô thuộc loại này cao 5 mét và mất 3 năm để hoàn thành. Bức tranh được trưng bày tại chùa KyeTae ở Sokcho, tỉnh Gangwon.
"Tôi hy vọng mọi người sẽ hiểu rằng những bức tranh Phật giáo này nội hàm nền văn hóa và tinh thần Hàn Quốc", cô nói. "Ý tưởng này sẽ tỏa sáng như một tấm gương trong sáng hoàn hảo", Ni sư nói thêm.
Khi bắt đầu vẽ, có cảm hứng từ trước khi học tiểu học, cô đã không hoàn toàn hiểu hết được ý nghĩa của những bức tranh Phật giáo Cao Ly. Cô chỉ làm như vậy bắt đầu từ 28 năm trước đây.
Trong cuộc đời mình, cô cho rằng những bức tranh Phật giáo Cao Ly sẽ là một lời nhắc nhở cho người dân Hàn Quốc, những người trong nhịp độ nhanh và bận rộn của thế kỷ 21, đang sống trong sự lãng quên.
Bức Quán Thế Âm Thủy Nguyệt Bồ-tát (ảnh) của Ni sư Hyedam trông khác lạ, được hoàn thành bằng cách sử dụng một kỹ thuật có nguồn gốc từ Ấn Độ và sau đó đi vào Trung Quốc trước khi đến Hàn Quốc.
Cô làm việc với các sắc tố đá trên lụa, đầu tiên sơn từ phía sau để màu sắc có thể thấm vào phía trước và sau đó thao tác ở phía trước trong một phương pháp "sơn lại". Trước khi vẽ màu, cô liên tục phủ keo lên lụa để các sắc tố đá dính vào lụa. Sau đó, cô sử dụng sắc tố vàng bằng một chiếc cọ tốt làm cho các bức tranh Phật giáo Cao Ly trở nên tinh xảo và khéo léo.
"Điều khác biệt của bức Quán Thế Âm Thủy Nguyệt Bồ-tát là nó rất đơn giản và thanh lịch", cô nói, không giống như những bức tranh của Trung Quốc, trông năng động hơn. Trong bức tranh, Bồ-tát Quán Thế Âm" tọa gần một hồ nước nhỏ và Thiện Tài Đồng tử dưới chân.
Mặc dù sử dụng màu sắc tối, cô cũng sử dụng sắc vàng cho các nếp nhăn bên ngoài, làm cho những bức tranh thêm sang trọng, Ni sư Hyedam nói.
Trong khi bây giờ chỉ dành 10 giờ một ngày cho những bức tranh, Ni sư Hyedam vẫn rất khó trong công việc. Ni sư cho biết cô đã tạo tác khoảng 300 tác phẩm. Hiện tại Ni sư còn 70 tác phẩm.
Khi cô cầm cọ, đặc biệt là các tác phẩm quy mô lớn, Ni sư Hyedam cảm nhận rằng cô không vẽ một mình; có một sức mạnh lớn hơn đã hướng dẫn bàn tay cô tạo ra một số cấu trúc, kiểu dáng và màu sắc.
"Bạn có thể nói tôi bị mê mẩn khi vẽ", cô nói. Trong lời nói đầu, cô viết cho chương trình triển lãm thứ sáu của mình được tổ chức tại Trung tâm Sejong cho Biểu diễn Nghệ thuật tại Seoul vào tháng 8-2007, cô cho biết cô cống hiến mình cho những bức tranh Phật Cao Ly sau khi nhìn thấy Bồ-tát Quán Thế Âm trong ánh bình minh trong một lần thiền định. Khi cô thực hiện bức tranh "500 La-hán", cô gần như bỏ cuộc, nhưng hai lần, cô mơ thấy giấc mơ giục cô tiếp tục vẽ hoàn thiện hơn, cô nói.
Văn Công Hưng (Theo The Korea Times)