Niềm hy vọng của mệ

GN - Ở tuổi “xưa nay hiếm”, lẽ ra phải được con cháu chăm sóc phụng dưỡng, thế nhưng mệ Nguyễn Thị Tuyết, 78 tuổi, quê ở Phò Trạch (huyện Phong Ðiền, Thừa Thiên Huế) phải ngày đêm lăn lộn giữa chợ Bến Ngự (TP.Huế) để bán rau góp nhặt từng đồng lẻ nuôi thân. Không chồng con, nhà cửa, không người chăm sóc nuôi nấng, suốt 18 năm qua mệ Tuyết lấy chợ làm nhà và người qua lại làm niềm vui sống hàng ngày.

 Mệ Tuyết tâm sự: “Trước đây tui làm thuê làm mướn, giúp việc cho người ta ở nhiều nơi, mười mấy năm ni tui già rồi nên họ không cần nữa, tui đành bám chợ để kiếm sống qua ngày”. Bất kể nóng, lạnh, nắng, mưa, mệ Tuyết đều đặn có mặt ở chợ từ sáng sớm đến tối để bán rau. Mỗi ngày, mệ kiếm được 10.000 - 15.000 đồng để nuôi sống bản thân.

Thương tình cảnh của mệ, nhiều người đến mua rau và biếu thêm vài ngàn lẻ, khách hàng của mệ đa phần là các em sinh viên đang trọ học ở khu vực lân cận chợ. Tối đến, mệ ngủ ở bất cứ nơi đâu: vỉa hè, trên hành lang đường, dưới gốc cây… Mới đây, do thời tiết ở Huế mưa lạnh thất thường, mệ được một tiểu thương ở chợ cảm thương cho vào ngủ trên chiếc bàn bán cơm của họ phía bên trong chợ.

XHoi (1).JPG

Mệ Tuyết hàng ngày vui  với việc bán mớ rau ở chợ

Ông Ðinh Văn Hùng, người bán chanh ở chợ Bến Ngự cho biết thêm: “Trường hợp của mệ Tuyết là tận cùng của sự khó nhọc, vất vả của tuổi già, tụi tui khâm phục ở mệ ý chí vượt khó vươn lên, quyết không trở thành người thừa của xã hội”.

Nói về nghịch cảnh cuộc sống hàng ngày ở chợ, mệ chia sẻ: “Người thương mình cũng nhiều, người xấu, ác cũng không ít. Có bữa mệ ngủ nghe tiếng động trong mùng, mệ tưởng chuột chun vào, té ra cánh tay người đang mò túi mệ để lấy tiền, mệ la lên thì hắn bỏ chạy. Ngủ ở chợ cũng may là có bảo vệ chợ túc trực, còn không thì tụi cướp nó “lột” hết rồi”.

Mệ kể, năm ngoái có một người đàn ông tuổi trung niên đến bảo tui leo lên xe ông chở qua đường Trần Hưng Ðạo(TP.Huế) để nhận gạo từ thiện, nhưng ông nớ đã lừa lấy mấy triệu bạc. Số tiền mà mệ nhiều năm dành dụm để lo “hậu thân hậu thổ” khi đau ốm chết chóc, lúc nớ mệ chỉ biết khóc vì kêu trời không thấu.

Chị Trần Thị Thúy, một tiểu thương bán trái cây ở chợ, cho hay: “Mấy ngày trước mệ bị cảm cúm, không đi nổi, nằm riết ở đầu nhà xe của chợ, chị em tui có đem cháo đến an ủi, dỗ dành mệ ăn”. Tôi hỏi: “Khi đau ốm thì xoay xở thế nào hả mệ?”.

Mệ cười méo mó: “Nhẹ thì nhờ chị em ở chợ xoa dầu, mua thuốc giúp, nặng thì lên chùa Hải Ðức gần đó để các thầy khám và cho thuốc miễn phí. Nhưng nhờ Trời Phật che chở nên tui cũng ít bệnh tật, vượt qua hết để vui sống đến ngày hôm ni. Hoàn cảnh số phận mệ như rứa thì mệ chịu chứ biết làm răng chừ.”

Ngồi bán rau, mệ vừa kè kè chiếc túi ni-lông đựng mùng (màn) bên cạnh, tôi thắc mắc: Răng mệ không giấu vào một góc mô đó trong chợ cho tiện, mệ phân trần: “Ngày ni Ban Quản lý chợ đi kiểm tra nên mệ lo sợ, phải mang theo để xóa dấu vết”.

Khi chúng tôi đề cập đến đời sống tín ngưỡng, tâm linh, mệ cho biết: Tối ngủ mệ có niệm vài câu “Nam-mô Quán Thế Âm Bồ-tát” để cầu Ngài từ bi cứu khổ, cứu nạn, phù hộ cho mệ được sống yên ổn trong môi trường chợ búa vốn đầy dẫy sự phức tạp này.

Ngồi cả ngày ở chợ mệ quen rồi, trưa mỏi thì ngả lưng ở gốc cây nghỉ chốc lát, nhiều lúc bà con ở chợ cho ăn nên số tiền bán rau được mệ tích lũy để lo hậu sự, khỏi gánh nặng cho xã hội sau này. Tài sản của mệ chỉ là một mớ áo quần nhàu nát, một cái mùng đã rách nhiều lỗ, vài cái vỏ thùng sơn cũ dùng để múc nước tắm.

Ðiều đáng nói, mệ không có giấy tờ tùy thân hợp lệ như: giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu… nên rất thiệt thòi trong việc hưởng thụ các chế độ chính sách của các ban ngành, đoàn thể dành cho người cao tuổi. 

Trời sập tối, khách mua rau bắt đầu thưa dần, chúng tôi lần theo gót chân mệ vào thăm “căn nhà”mệ ngủ, cảm giác đầu tiên là không khí ngột ngạt, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Chúng tôi vừa thương cảm, xót xa cho thân già bạc phận, vừa thán phục về sự chịu đựng phi thường của mệ và thầm mong ước trong một ngày gần đây, có một nhà dưỡng lão nào đó của tỉnh hoặc thành phố quan tâm, chiếu cố đến hoàn cảnh thực tế của mệ Nguyễn Thị Tuyết ở chợ Bến Ngự.

Xin hãy bỏ qua những thủ tục giấy tờ rườm rà phức tạp, sớm đón mệ về an dưỡng tuổi già, cho dù chỉ một tháng, một năm thôi cũng thỏa mãn niềm vui cho mệ lắm rồi…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày