Niềm tin chân chánh

Niềm tin chân chánh
Hôm nay về đây tu học, các Phật tử đã trải qua 24 khóa tu, nhưng cũng còn  có người lúc được an lạc lúc phiền não và còn có người tu kém hơn nữa, ngay trong ngày tu mà cũng không an lạc. Vì vậy, hãy tìm xem nguyên nhân gì mà lại rơi vào tâm trạng không tốt như thế để quý vị khắc phục cho được và từng bước đi vào thế giới Phật, thật sự an lạc.

Theo tôi, những người có được cuộc sống an lạc trong một thế giới không an lạc là vì họ đã gieo trồng căn lành sâu dày trong Phật pháp và được Đức Phật hộ niệm. Nhờ vậy, ở trong tình huống nào, họ cũng tương thông được với Phật; cho nên họ thường sống với Phật pháp; nói cách khác, những người này tu hành dễ dàng nhờ tâm thanh tịnh mới tiếp nối được với Phật và Bồ tát.

Hạng người thứ hai tu hành có lúc thanh tịnh, có lúc phiền não. Lúc họ thanh tịnh được là nhờ hoàn cảnh thanh tịnh tác động cho tâm họ thanh tịnh, mà thuật ngữ nhà Phật gọi là độ tịnh, tâm tịnh. Hạng người thứ hai này chưa trồng căn lành sâu dày với Phật pháp và nghiệp lực còn rất nhiều. Vì vậy, mối tương quan giữa họ với thế giới vật chất họ đang sống rất khắng khít, nên họ dễ bị hoàn cảnh bên ngoài chi phối mãnh liệt và phiền não của người khác cũng dễ đánh động tâm họ, nên tâm họ không thanh tịnh, không an lạc. Còn khi tâm họ tương đối yên tịnh thì Đức Phật hộ niệm được, nên họ an lạc. Khóa tu này của chúng ta nhằm giúp mọi người từng bước thanh tịnh để nhận được sự hộ niệm của Phật.

Các Phật tử đến đạo tràng này đều tìm sự an lạc; cho nên chúng ta phải bảo đảm sự thanh tịnh trang nghiêm cho họ. Vì vậy, các hành giả tham gia tu học phải cố gắng giữ tâm thanh tịnh trong lúc nghe pháp, tụng kinh, sám hối, thọ thực… Nếu tâm ta vọng động sẽ tác động đến những bạn đồng tu làm cho họ phiền não; như vậy là ta đã phạm tội phá pháp là tội rất nặng. Tu như thế thì hiện tiền khổ đau và chết bị đọa vô gián địa ngục. Trong lúc tu hành, giữ tâm thanh tịnh cho ta và cho người, công đức mới sinh ra.

Hôm nay đề tài chính của thời tu học là niềm tin chân chánh. Đề tài này quan trọng tất cả Phật tử cần suy nghĩ và thực tập cho được kết quả tốt đẹp.

Niềm tin là gì? Từ khởi thủy, loài người sống giữa trời đất bao la với cuộc sống còn hoang sơ nên thường sợ hãi, nhìn ở đâu họ cũng tưởng tượng ra bộ mặt của các thần linh  toàn quyền sinh sát. Nhìn núi cao, họ tưởng ra vị sơn thần, nhìn sông sâu, họ nghĩ có thủy thần cai trị ở đó, nghe tiếng sấm sét, họ run sợ thần sấm sét đánh chết; gần như một thế giới thần linh bao bọc con người do chính sự sợ hãi của con người mà họ tự tưởng tượng ra. Đó là niềm tin của con người ở thời kỳ sơ khai, tin vào thế giới thần linh, cúi đầu trước thần linh và ký thác vận mạng của mình cho thần linh định đoạt.

Nhưng may mắn thay cho loài người có được Đức Phật hiện thân trên cõi đời này. Ngài cũng tiếp thu những truyền thuyết đương thời, nhưng có sự chọn lọc, suy nghĩ, cân nhắc để khám phá thế giới thần linh đúng như thật. Thật vậy, ở Bồ Đề Đạo Tràng, sau 21 ngày tư duy thiền định, Đức Phật chứng được Tam minh, Ngài thấy rõ nguồn gốc phát xuất, sự diễn tiến cùng sự hoại diệt của loài người và muôn loài ở thế giới hữu hình này lẫn thế giới vô hình của chư Thiên, chư thần…

Đức Phật dạy rằng niềm tin là mẹ sinh ra tất cả công đức lành; người không có niềm tin không tạo được công đức. Tuy nhiên, theo Phật dạy, tin thế nào là niềm tin chân chánh và tin thế nào là cuồng tín, mê tín.

Niềm tin chân chánh khác với niềm tin tà dại. Thấy hòn đất cho là thổ thần, thấy cây tưởng là thần cây, thấy núi cho là thần núi…; niềm tin này không có căn cứ là mê tín. Ngày xưa, người ta sợ thần sấm sét, nhưng ngày nay có cột thu lôi, không bị sét đánh, rõ ràng là chẳng có ông thần sấm sét nào cả.

Đức Phật dạy rằng niềm tin chân chánh là có trí tuệ cân nhắc. Vì thế, Đức Phật khuyên chúng ta đừng nghe những gì người khác nói, dù đó là truyền thuyết có từ nhiều đời. Nghe điều gì, nên suy nghĩ xem có thật hay không; vì niềm tin không có trí tuệ suy xét, không chứng minh được thì rơi vào mê tín. Và Đức Phật cũng dạy chúng ta đừng vội tin những gì được nhiều người tin theo. Ngay cả trường hợp có nhiều người tin theo chăng nữa, chúng ta cũng phải xem họ là ai, họ có trình độ kiến thức khoa học hay không và họ tin theo điều đó thì đời sống của họ có tốt đẹp hơn không. Nếu họ là nhà trí thức có đời sống đạo đức, được nhiều người kính trọng, đồng thời chúng ta suy xét xem điều họ nói có lợi ích cho họ và cho người khác hay không, ít nhất là lợi ích trong hiện tại và xa là lợi ích dài lâu trong tương lai. Niềm tin của chúng ta căn cứ trên những tiêu chuẩn như vậy là niềm tin chân chánh.

Chúng ta kết hợp niềm tin là mẹ sinh ra các công đức lành với niềm tin được kiểm tra có lợi ích thật sự; nếu không, tin mù quáng là mê tín khiến chúng ta phạm phải sai lầm và chúng ta cũng sẽ bị người lợi dụng niềm tin để đưa ta vào con đường ác. Khi niềm tin của chúng ta bị lợi dụng đẩy vào đường ác, chúng ta trở thành người cuồng tín, thí dụ nghĩ rằng giết người sẽ được lên thiên đường, nên tìm người để giết, tạo ra mối nguy hiểm cho xã hội. Ngày xưa, trình độ nhận thức của con người chưa văn minh, nên có nhiều người đã rơi vào tình trạng cuồng tín. Ngày nay, loại cuồng tín này được giảm tối đa, nhưng mê tín thì còn nhiều. Là đệ tử Phật, chắc chắn chúng ta cắt bỏ con đường cuồng tín, mê tín, chỉ đi theo con đường chánh tín của Đức Phật chỉ dạy.

Chúng ta kiểm tra chánh tín bằng trí tuệ của mình, kiểm tra thực cuộc sống hiện tại của chúng ta và xã hội chúng ta đang sống. Và đi xa hơn, chúng ta có những học thuyết nào có thể nương theo để phát huy năng lực mình. Trong các học thuyết đã có ngày nay, thông thường người Á Đông chúng ta chịu ảnh hưởng triết lý Khổng Mạnh. Khổng Tử và Mạnh Tử dạy chúng ta những gì? Nghiên cứu về học thuyết của Khổng Mạnh, chúng ta thấy các ngài dạy con người nên đối xử tốt với nhau để xây dựng một xã hội lành mạnh. Thiết nghĩ đó là những tư tưởng có thể thực tập để chuyển hóa con người sống theo hướng tốt đẹp. Khổng Mạnh dạy chúng ta đạo làm người, làm con đối với cha mẹ như thế nào, vợ chồng xử sự với nhau ra sao, bạn bè kết hợp cách nào, từ đó mà có được xã hội an lành.

Ngoài ra, Khổng Mạnh cũng dạy Tam cương ngũ thường. Tam cương là ba điều giềng mối phải tuân thủ, đó là cách xử sự giữa vua và tôi gọi là đạo quân thần, giữa cha và con là đạo phụ tử, giữa vợ và chồng là đạo phu thê; nói cách khác, đó là cách sống tốt đẹp trong xã hội. Như chúng ta biết thời Khổng Tử sống là thời loạn lạc, gọi là thời chiến quốc chuyển sang thời bình thì giữa ông vua là người lãnh đạo và người dân phải hợp tác với nhau như thế nào cho tốt đẹp. Và theo Khổng Tử, vua bảo sao, dân phải vâng lời tuyệt đối, kể cả vua bắt chết, dân cũng phải chết, dù không có tội; như thế mới được coi là “Trung”; còn trái lệnh vua là bất trung (Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung). Còn đạo làm con thì cha bảo chết, con phải chết; không như vậy là bất hiếu. Rõ ràng đạo Khổng quá khắt khe. Nếu xét về việc phải trung thành với vua, thiết nghĩ phải đặt thêm tiêu chuẩn là chỉ trung thành với minh quân mới đúng; còn hôn quân vô đạo mà trung thành là không có trí tuệ, là mê tín.

Còn theo quan niệm Phật giáo, ông vua là người như thế nào? Đức Phật xác định tư cách của ông vua được dân chúng quý trọng là Chuyển luân Thánh vương, vua này lấy đức trị dân và có sức cảm hóa nhân dân rất lớn; không phải áp đặt dân chúng tuân theo những điều sai lầm do sự mê muội của vua đặt ra. Tiêu biểu cho hình ảnh của Chuyển luân Thánh vương là tiền thân của Đức Phật Di Đà, Ngài là vua Vô Tránh Niệm, không xử oan ức người dân, nhưng đức độ của Ngài đã cảm hóa mọi người kính phục, nghe theo. Những gì bắt người khác làm, vua phải làm trước; vua như thế thì ai cũng chấp nhận, thương quý. Điển hình là Trần Hưng Đạo ở nước ta đánh thắng quân Nguyên Mông là nhờ đạo đức của ông quá lớn. Thật vậy, ông chủ trương tướng sĩ chưa ăn thì tướng phủ không được nổi khói, ông đi quan sát xem quân lính ăn no rồi ông mới ăn; vì tướng ăn no mà quân đói thì không thể thắng giặc được. Có thể nói đó là vị tướng chịu ảnh hưởng tinh thần Phật giáo. Và khi hành quân sang sông, tướng Trần Hưng Đạo luôn xuống ngựa lội qua trước và quân sĩ đi theo sau. Đạo làm tướng như vậy được ghi rõ trong Binh thư yếu lược thể hiện sự ảnh hưởng Phật giáo trong việc xây dựng vua tốt, tướng tốt.

Từ đạo Nho đặt kỷ cương xây dựng xã hội như vậy và sau đó chịu ảnh hưởng của Phật giáo, có sự thay đổi hợp lý qua việc thể hiện đức hạnh của vua, của tướng đối với thần dân, mới có xã hội thật sự tốt đẹp vào thời Lý Trần ở đất nước ta.

Như vậy, niềm tin chân chánh không phải nhắm mắt tin theo, vua bảo chết phải chết, nhưng có suy nghĩ xem cái chết của chúng ta có cần thiết, có mang lại lợi ích cho xã hội hay không. Chết vì lợi ích cho số đông, cho sự tồn tại của dân tộc mới có ý nghĩa; chết để phục vụ ông vua vô đạo hôn quân là việc làm mê muội, không nên.

Niềm tin của người Phật tử có suy nghĩ. Từ đạo Nho mà chúng ta chịu ảnh hưởng, bước sang đạo Phật, chúng ta tin Đức Khổng Tử, tin Đức Phật ở mức độ nào? Đức Khổng Tử  xây dựng xã hội lý tưởng tốt đẹp, nhưng chúng ta thấy cả đời ông khổ cực đi từ nước này sang nước khác để cố gắng vận động mọi người thực hiện hoài bão ấy mà cuối cùng ông cũng không thể thành công, chỉ xây dựng được vị trí cao nhất là Trung Đại Phu ở nước Lỗ là chấm dứt cuộc đời. Ông cố công xây dựng xã hội loạn lạc thành xã hội thạnh trị thái bình và suy nghĩ của ông chỉ ở chừng mức như vậy mà thôi.

Đức Phật của chúng ta hoàn toàn khác với Đức Khổng Phu Tử. Đức Phật xuất thân từ địa vị thái tử quyền cao chức trọng, một vị trí cao tột khác với vị trí của Khổng Tử. Và chúng ta thấy lòng thương người của Đức Phật khi chưa tu đã thể hiện rõ trong cuộc sống của Ngài. Thấy Đề Bà Ðạt Ða bắn chim bị thương, Đức Phật đã cảm nhận niềm đau của nó như là nỗi đau của chính Ngài. Ngài vội vàng cứu chữa cho con chim lành mạnh và trả nó về thế giới tự do bao la. Người có tình thương vô điều kiện như vậy, chúng ta đáng tin cậy dù chưa là Phật. Đức Phật thương tất cả muôn loài, trong đó có chúng ta. Chúng ta nghĩ đến Phật, hoặc gọi hai tiếng “Mô Phật”, Ngài xuất hiện liền. Ngài không đòi hỏi gì ở ta, không buộc ta làm gì cho Ngài, mà chỉ sẵn sàng giúp ta, cho chúng ta sự bình an để sống, để vượt qua nỗi khổ niềm đau và giúp xong, Ngài nhẹ nhàng ra đi, không làm chúng ta phải nặng lòng. Chúng ta có niềm tin cao độ ở Phật như vậy, đó là niềm tin chân chánh.

Tuy nhiên, có người nào nghe như vậy, rồi bắt chước kêu Phật, cầu Phật, nhưng không thấy Phật xuất hiện trong lòng họ, trong cuộc sống họ, mà vẫn cứ tin Phật, thì người đó đã rơi vào mê tín. Vì tin Phật xuất hiện thì phải có Phật xuất hiện; nếu Phật chưa xuất hiện, chúng ta phải có trí tuệ, suy nghĩ xem tại sao Phật chưa xuất hiện trong lòng ta. Có thể nói Phật không xuất hiện, vì tâm chúng ta không thanh tịnh; ví như mặt nước không phẳng lặng thì ánh trăng không hiện được trên mặt nước, mặt nước giao động, bóng trăng phải vỡ. Cũng vậy, người cầu nguyện mà tâm giao động, chắc chắn phiền não nổi dậy, không thể liên hệ được với Phật. Chúng ta phải điều chỉnh tâm, lắng lòng cho thanh tịnh, nghe từng câu kinh rơi vào lòng mình; bấy giờ chúng ta tiếp nhận lời kinh như giọt mật ngọt làm mát lòng mình. Thi sĩ Trần Đới làm hai câu thơ thể hiện độ cảm tâm với Phật rất sâu sắc:
Lời Thầy lặng lẽ trong con
Trời soi đất tỏ vô thường là Như

Riêng tôi, bất cứ lúc nào gặp khó khăn, tự thấy mình không vượt qua được, tôi ngồi yên đọc kinh, từng lời Phật dạy soi sáng tâm tôi và cho tôi sự bình an kỳ diệu để dẫn đến những quyết định đúng đắn. Tôi nghĩ niềm tin về Phật như vậy là niềm tin chân chánh. Như đã nói lòng từ bi của Đức Phật thể hiện trong cuộc sống khi Ngài chưa thành Phật và lòng từ bi này thúc bách thái tử từ bỏ tất cả mọi việc để đi tu, tìm con đường giải thoát cho muôn loài. Ngài dấn thân trên con đường cát bụi, đi từ xứ này sang xứ khác và tiếp xúc với tất cả tầng lớp xã hội, gom tất cả nỗi khổ niềm đau của chúng sinh vào mình, cho nên Ngài cảm nhận và hiểu rõ tất cả nỗi khổ đau của con người. Và bằng tấm lòng đại bi, Ngài đặt mình vào nỗi khổ của chúng sinh để giải khổ cho chúng sinh; thí dụ đối với người nghèo đói, bệnh tật, ngu dốt thì họ phải giải quyết cách nào để thoát khỏi ác nghiệp này. Tất cả nỗi khổ của chúng sinh Ngài ôm hết và trong tư duy, Ngài tháo gỡ được tất cả mọi vướng mắc của con người mà vướng mắc lớn nhất là sinh tử luân hồi muôn đời ngàn kiếp chẳng ai thoát ra được. Ngài tháo gỡ được cuộc sống khổ đau vô tận của tất cả chúng sinh trong 21 ngày tư duy dưới cội Bồ đề, gọi là thành đạo. Chúng ta nhận thấy rõ 37 trợ đạo phẩm là giáo pháp mà Đức Phật đưa ra nhằm tháo gỡ phiền não khổ đau cho mọi người; vì thực chất Đức Phật không có khổ đau, không có phiền não ngăn che như mọi người. Bồ tát tái sinh còn không có khổ đau, huống chi là Phật tái sinh; nếu Ngài có tham vọng, ham muốn như mọi người, chắc chắn Ngài đã không từ bỏ cuộc sống bậc nhất của đế vương để đi tu.

Trước tiên, Đức Phật đem đặt Ngài vào hoàn cảnh của Sa môn; vì Sa môn đương thời là đối tượng chính của Phật trong việc độ sinh. Sa môn là người chán đời, bất mãn xã hội, họ đặt mình ra ngoài cuộc sống thế nhân. Họ tìm đường giải thoát, nhưng không có người nào hưởng được chút hương vị giải thoát cả. Đức Phật muốn cứu độ họ, nên Ngài đã đặt mình vào hoàn cảnh của họ để hóa giải khổ đau cho họ. Đức Phật đưa ra pháp Tứ Thánh đế và trong Đạo đế, thực tập 37 trợ đạo phẩm giúp đại chúng xóa bỏ tất cả những tâm niệm khổ đau của con người khi còn sống ở trần thế và những ràng buộc làm cho họ khổ lúc tu hành theo ngoại đạo. Ngày nay, thực hiện 37 trợ đạo phẩm trong cuộc sống tu hành, chúng ta cũng có được nếp sống an lạc, giải thoát; cho nên chúng ta đặt trọn niềm tin ở Phật, tin bốn chân lý (Tứ Thánh đế), trong đó chân lý thứ ba giúp chúng ta thoát khổ.

Riêng tôi, cố gắng thực tập lời Phật dạy có kết quả tốt đẹp trên bước đường hành đạo, nên tôi tin Phật tuyệt đối. Và tiến tu giải thoát, tôi đọc kinh Pháp Hoa, thường suy nghĩ đến câu “Trong tam giới không có sinh tử”. Tam giới là thế giới sinh diệt, nhưng Đức Phật lại nói không có sinh tử, chỉ vì vô minh vọng kiến ngăn che, nên mọi người tạo tội sai biệt. Nói cách khác, con người tự làm khổ họ từ kiếp này sang kiếp khác, mãi mãi không chấm dứt.

Đức Phật thành đạo ở Bồ Đề Đạo Tràng, Ngài khẳng định rằng Ngài đã chấm dứt cuộc sống trầm luân sinh tử khổ đau và nhận ra sự thật không có sinh tử. Con người chỉ vì vô minh, ảo giác, tham vọng… nên khổ mãi. Các Phật tử thử nghĩ xem, chỉ tại mình muốn mà không được, mới khổ. Lòng chúng ta không muốn, thì việc thành hay không là chuyện bình thường, cuộc đời này cứ như vậy mà sinh diệt; nhưng chúng ta trụ ở không sinh diệt thì sẽ không khổ. Ham muốn nhiều thì khổ nhiều, ham muốn ít thì khổ ít, không ham muốn thì không khổ.

Đoạn dục, không ham muốn, cuộc đời thế nào, ta sống như thế; tham vọng quá lớn gọi là đói con mắt, không phải đói cái bụng. Đầu tiên, cắt bớt cái đói của con mắt, chúng ta nhẹ được một phần, khi nào đói bụng mới ăn. Đói con mắt là muốn ăn đủ thứ, nên khổ. Tập tu một ngày, trưa đói ăn cơm để khỏi đói bụng, không đặt vấn đề thức ăn ngon hay dở. Và nếu thực tập khá hơn một chút, sẽ thấy rằng đói bụng ta phải ăn, đó là do nghiệp ăn của chúng ta, chứ thực cơ thể chưa cần ăn; vì chúng ta có thói quen ăn, nên đến cử ăn phải ăn. Nhiều lúc tôi bận, quên cử ăn, nhưng không thấy đói, vì chất dinh dưỡng dự trữ trong cơ thể còn sử dụng được trong vài ngày. Khi làm việc xong, cơ thể tiêu hao năng lượng, nếu không đưa thực phẩm vào thì chết. Thiền sư nhập định quên ăn đến chấm dứt mạng sống, xác trở thành khô như hai vị Thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường  ở chùa Đậu.

Từ đói con mắt đến đói cái bụng và đói của thân xác, như Đức Phật sau 21 ngày nhập định ở cội Bồ đề, khi xả định, Ngài nhận biết cơ thể đã tiêu hao năng lượng vì đã nhịn đói đến mức độ da bụng dính với xương sống, dự trữ trong cơ thể không còn, Ngài sắp ngã quỵ, đó là cái đói của cơ thể. Vì vậy, Đức Phật đã nhận bát sữa của Su Dà Ta cúng dường và Ngài đã phục hồi sức khỏe. Tất cả quá trình tu hành như vậy Đức Phật đã có kinh nghiệm, nên Ngài dạy chúng ta không nên ăn quá nhiều, cũng không ăn quá ít. Đức Phật đã thể nghiệm có kết quả tốt đẹp, nên tôi tin Phật; đó là niềm tin chân chánh.

Không ăn thì ngã quỵ, nhưng ăn nhiều thành thói quen ăn là nghiệp ăn. Đức Phật loại bỏ hai cực đoan này và chủ trương ăn vừa đủ dinh dưỡng để nuôi mạng sống, ví như châm dầu vừa đủ cho ngọn đèn trí tuệ phát sáng, để thực tập pháp Phật. Trên bước đường tu, cắt bỏ tham dục bằng sự thể nghiệm 37 trợ đạo phẩm, cuối cùng thành tựu Bát chánh đạo là đỉnh cao của loài người.

Bát chánh đạo ứng vào ba nghiệp thân, khẩu, ý của chúng ta, giúp chúng ta trở thành con người hoàn thiện; lý tưởng này Đức Khổng Tử muốn xây dựng nhưng không được. Chỉ có Đức Phật xây dựng con người trở nên hoàn thiện trên nền tảng của Bát chánh đạo, từ lời nói, suy nghĩ, việc làm, cuộc sống đều hoàn toàn tốt đẹp.

Các Phật tử tu tập, thành tựu Bát chánh đạo thì chứng được quả vị A la hán và từ đó, phát huy công đức của mình bằng cách đi vào con đường Bồ tát đạo để cứu nhân độ thế được triển khai rất nhiều trong kinh điển Đại thừa.

Tóm lại, chúng ta đặt trọn niềm tin mãnh liệt ở Đức Phật là bậc toàn trí, toàn giác, toàn thiện và chúng ta tin ở giáo pháp của Phật hoàn toàn đúng đắn, đồng thời thể nghiệm tinh thần Phật dạy trong cuộc sống của chính mình, từng bước đạt được kết quả tốt đẹp. Đó chính là niềm tin chân chánh; không phải tin Phật là thần thánh ban phước giáng họa để chúng ta cúng vái van xin suốt đời làm kẻ nô lệ, tin như vậy là mê tín.

Với niềm tin chân chánh, bước theo dấu chân Phật, tất cả Phật tử phải nỗ lực thực hành giáo pháp Đức Phật đã chỉ dạy để từng bước hoàn thiện mình, cho đến không bị xã hội chi phối, không bị thiên nhiên bức bách, mới làm chủ được thân, làm chủ được tâm và sử dụng thân tâm trong sáng thanh tịnh, giải thoát như vậy mà dấn thân vào lộ trình Bồ tát đạo, hướng dẫn mọi người có được niềm tin chân chánh vào Phật, Pháp, Tăng để họ thăng hoa cuộc sống đạo đức và trí tuệ, xây dựng Tịnh độ ngay tại cõi nhân gian này.

HT Thích Trí Quảng

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

GNO - Thầy và trò hay sư phụ và đệ tử là những người có nhân duyên quyến thuộc đạo pháp nhiều đời. Mỗi người đều có trách nhiệm và bổn phận khác nhau. Chu toàn phận sự của mình thì Phật pháp mới xương minh, tứ chúng thập phương an ổn.

Thông tin hàng ngày