Niềm vui của tuổi già

Giác Ngộ - Nói đến niềm vui của tuổi già tức là có niềm vui của tuổi trẻ. Người đời  có câu “Trẻ vui nhà, già vui chùa”, vì người lớn tuổi về chùa sinh hoạt cảm thấy thích hợp hơn, nhưng ý nghĩa muốn nói ở đây là chúng ta, những người lớn tuổi nên buông bỏ tất cả mọi chướng duyên ràng buộc mình, chứ không phải đến chùa mới vui, không phải tuổi trẻ làm nhiều việc tội lỗi và xã hội không dung rồi  đến chùa tìm chỗ dung thân. Cũng không phải ở nhà thường xung đột với người thân và vô chùa thì lại tranh cãi với bạn đạo.

Vui ở chùa mà tôi muốn nói là chùa tâm linh của chúng ta, nghĩa là lúc còn trẻ, còn sức khỏe và làm được nhiều việc lớn; nhưng đến khi già yếu, không còn gánh vác được việc thế gian, nên hướng về đời sống tâm linh. Theo kinh nghiệm riêng tôi, nếu có đời sống tâm linh thì chắc chắn được an lạc, giải thoát. Tôi có duyên lành được xuất gia rất sớm, mới 12 tuổi đã thấm mùi đạo, nên xây dựng được đời sống tâm linh hay ngôi chùa tâm linh của chính tôi mới là điều quan trọng. Vì vậy, mặc dù xuất gia ở chùa với đại chúng, nhưng thực chất tu hành của tôi là xây dựng đời sống tâm linh cho mình trong suốt hơn 60 năm qua.

hinh (17).jpg

Ảnh minh họa

Riêng quý vị trong suốt cuộc đời từ thuở nhỏ đến lớn, thậm chí đến tuổi già phải bôn ba vật lộn với cuộc sống, nên đã tạo ra không biết bao nhiêu vui buồn vinh nhục cho mình. Từ đó, trong tiềm thức của quý vị đã hàm chứa tất cả những điều mình tạo trong hiện tại. Một số người bạn thân của tôi thuở nhỏ thấy tôi hiểu đạo và đi tu, họ nói rằng ở thế kỷ 20 mà còn đi tu làm chi, nghĩa là họ chế nhạo mình ở thời đại văn minh tiến bộ mà sống lạc hậu mê tín, vì họ quan niệm sai lầm rằng đi tu là mê tín. Nhưng lúc đó, tôi đã kết duyên lành sâu dày với đạo, mới nhận thấy được chân trời tươi sáng mở ra cho mình. Còn những người bạn đã chê bai như vậy, họ lao đầu vào cuộc sống, cố học và nỗ lực tranh đấu để tìm một vị trí cao trong xã hội, nên đã nếm đủ mùi vinh nhục vui buồn. Gặp lại họ, tôi nhìn thẳng vào mặt họ, vào tâm họ, thấy rõ họ chứa đựng biết bao nỗi niềm oan ức, bực bội trong lòng. Và khi những người này gặp nhau, họ đem những bực bội đó trút cho nhau, tạo thành thế giới của những cụ già bất hạnh, khổ đau. Tôi nghe họ than rằng đã từng hy sinh thế này, tạo công lao thế kia, mà bây giờ phải sống khổ như vầy. Tôi bảo họ rằng các anh lớn tuổi rồi, không làm được gì nữa, nhưng chỉ chất chứa tâm trạng buồn khổ như vậy thì chẳng những sống khổ ngay trong hiện tại mà còn mang theo tâm khổ này đi vào thế giới bên kia sau khi chết thì còn khổ hơn nữa. Cần phải hóa giải nỗi oan khiên nghiệp chướng, nhưng hóa giải bằng cách nào? Theo tôi, lấy pháp của Phật giải oan nghiệp của mình là tốt nhất.

Người may mắn thấm nhuần đạo pháp từ sớm thì cả đời đã thâm nhập pháp Phật rồi, nên dễ dàng xây dựng ngôi nhà tâm linh của mình đang sống chỉ có Phật và Bồ tát; cho nên, đối với họ, cuộc đời có như thế nào cũng được, vì đời sống nội tâm luôn có Phật sáng suốt vĩ đại nhất chỉ đạo, hướng dẫn họ đi trên con đường thánh thiện hoàn toàn an lành. Tôi không có gì trên cuộc đời này, nhưng lòng tôi có Phật ngự trị và chỉ đạo cho suy tư và hành động của tôi hơn 60 năm qua; nhờ vậy, tôi không phạm sai lầm, hay ít sai lầm, dù có sai lầm nhưng đã có giáo pháp soi sáng, nên tôi sửa đổi được lỗi lầm trong tư thế sám hối. Nghiệp đời trước của mình và nghiệp của tổ tông, chúng ta sám hối cho tiêu, nghĩa là lòng chúng ta không còn ấm ức, không hận thù, không ham muốn, nói theo nhà Phật là không tham, không giận, lòng chúng ta thanh thản thì nhìn đời của ta chính xác, đó là Phật huệ đã soi rọi lòng ta giúp ta thấy được ác nghiệp và thiện nghiệp của mình, đó là cái thấy theo Phật, không còn thắc mắc tại sao mình đối xử tốt với người mà họ không tốt với mình.

Phật dạy chúng ta quán sát lại nghiệp đời trước của mình mới quan trọng. Trong hiện tại, chúng ta không có ác nghiệp, nhưng trước khi tu, chúng ta đã tạo ác nghiệp, thì ác nghiệp này sẽ tới với chúng ta. Sợ nhất là cận tử nghiệp, sắp chết nghiệp này mới tới làm chúng ta nổi giận, buồn phiền, thì chắc chắn chúng ta đi vào ba đường ác. Tất cả các ác nghiệp xảy ra trong đời cho đa số người thường xảy đến lúc tuổi già. Thật vậy, khi tuổi đã lớn rồi, thì con cháu và xã hội không cần, chúng ta mới cảm thấy buồn khổ. Trước còn khỏe mạnh còn làm việc được, nhưng nay không làm được, bị người xem thường, khinh dễ, nên sống trong sự buồn tủi. Người trong nước hay người nước ngoài đều cũng vậy, đa số rơi vô tình trạng này, nên người ta mới tới chùa để được vui, nhưng tới chùa lại sanh ra nhiều chuyện, vì mỗi người có một bầu tâm sự cứ đem trút lên cho nhau.

Muốn vui ở chùa thực sự theo đạo Phật, tôi khuyên quý vị nên vào cửa giải thoát của Phật, gọi là Không môn, hay Thiền môn, nghĩa là tất cả vui buồn vinh nhục của cuộc đời, chúng ta bỏ ngoài cửa chùa tâm linh, tức loại ra khỏi tâm mình, lòng chúng ta hoàn toàn trong sáng ví như tờ giấy trắng. Vì vậy, đến chùa, chúng ta không muốn nghe chuyện vui buồn thế gian, còn thích nghe chuyện buồn phiền của đời, làm sao chúng ta hóa giải.

Tới cửa Thiền, hay cửa Không, chúng ta buông bỏ tất cả thì được giải thoát thứ nhất trong đạo Phật. Tuy nhiên, những gì đã lưu giữ trong tiềm thức của chúng ta trong suốt cuộc đời này hay đời trước cũng vẫn còn tồn tại, nên nó luôn luôn khởi lên. Tôi có kinh nghiệm về vấn đề này, những gì trong A lại da thức của chúng ta đều có sức bộc phát mãnh liệt. Thật vậy, xưa kia, trong khoảng thời gian tôi đã xuất gia 10 năm rồi, nhưng trong giấc mơ thường thấy những việc ác. Tôi biết ngay đó là từ tiềm thức hiện ra, vì những việc đó không có trong cuộc sống hiện tại. Vì đã có sẵn trong A lại da thức, nên nó bộc phát một cách tự nhiên, thì khi những cảnh đó hiện ra, tôi loại bỏ liền. Và bấy giờ, đem Phật, đem pháp để vào lòng bằng cách đối với tôi, ngày đêm siêng năng tụng kinh, niệm Phật, lạy Phật. Vì vậy, trên bước đường tu, lúc nào tôi cũng tụng kinh, niệm Phật trước khi ngủ, tôi thường tụng kinh đến ngủ quên và trong giấc ngủ cũng tiếp tục tụng kinh. Cho nên, tiềm thức của tôi chứa toàn kinh và Phật, nhờ công phu miên mật như vậy trải qua suốt 10 năm, trần lao được quét sạch. Vì đã đem được Phật pháp vào tâm, nên Phật pháp hiện ra ngay cả trong giấc mơ, tôi thường thấy Phật, thấy pháp hội của chư Phật. Như vậy là ngôi chùa tâm linh của tôi đã được xây dựng kiên cố.

Thiết nghĩ mỗi một người phải có một ngôi chùa tâm linh, một Tịnh độ riêng để sống là Tịnh độ của Bồ tát, ta không thể ở nhờ Tịnh độ của người khác. Ta phải ở ngay trong Tịnh độ của chính ta xây dựng. Và khi ta có được ngôi chùa tâm linh, có được Tịnh độ của Bồ tát để sống, thì Tịnh độ này cứ phát triển lần, gọi là pháp của Bồ tát, hạnh của Bồ tát. Bấy giờ, ta vẫn sống với người, nhưng Tịnh độ tâm chúng ta phát triển, nên trí tuệ và đạo đức của chúng ta sanh ra và trí tuệ đạo đức ấy lại được thể hiện trong cuộc sống chúng ta, trong lời nói chúng ta, khiến cho chúng ma ngoại đạo bên ngoài không tác động được chúng ta. Thật vậy, khi lòng chúng ta có việc ác xấu thì người ác xấu mới tới được và tác động được. Họ không tới được vì mất môi trường ác xấu, tức nhân duyên không có, nên không sanh khởi. Ví dụ người ác đến nói chuyện, nhưng ta không tiếp thu làm họ chán, bỏ đi, là ác ma không phá chúng ta được. Còn chúng ta đồng cảm với việc ác thì họ mới có hứng thú nói. Lòng chúng ta còn ấm ức việc nào thì người đồng nghiệp với chúng ta sẽ kéo đến tác động làm chúng ta phiền não.

Phải xây dựng cho được ngôi chùa tâm linh để chúng ta sống và từ ngôi chùa tâm linh này của chính ta, ta mới mời gọi Phật, Bồ tát vào cùng tu với chúng ta. Mời gọi bằng cách nào? Ta thường niệm Phật đương nhiên là kêu tên Phật, nhưng phải tiến sang bước thứ hai là nghĩ đến Phật, tức nghĩ đến người thánh thiện nhất, mời Ngài vào lòng ta được là ta đã mời được người thân thương nhất thì lòng ta chắc chắn an vui. Ví dụ niệm hồng danh Phật A Di Đà là ta kêu tên Ngài, nhưng quan trọng hơn, ta nghĩ đến nhân hạnh quả đức của Ngài là gì. Trước nhất, nghĩ đến Phật Di Đà và tu nhân của Ngài, ta thấy tiền kiếp có lần Ngài làm vua Vô Tránh Niệm là một vị Chuyển luân Thánh vương. Đức Phật dạy rằng phải từ địa vị tiểu vương lên minh vương rồi mới đến Thánh vương. Tiểu vương chỉ cai trị một vùng như vua Trần Nhân Tông làm vua nước Việt Nam thôi. Lên đại vương, hay minh vương làm vua nước lớn có nhiều chư hầu và lên Thánh vương cai trị bốn phương đều thái bình, không ai nghĩ đến việc chống đối.

Tiền thân Phật Di Đà là vua Vô Tránh Niệm đã trải qua quá trình tu hành từ tiểu vương đến Thánh vương, Ngài tự nghĩ không biết có đủ trí tuệ và phước đức để làm mãi như vậy hay không. Vì vậy, Ngài đã phát tâm tu hành khi gặp Phật ra đời, hay gặp được giáo pháp của Đức Bảo Tạng Như Lai. Bảo Tạng Như Lai là kho báu trí tuệ của Như Lai.

Vua Vô Tránh Niệm lấy tâm Phật làm tâm Ngài mà tu hành, không tham cầu, không ham muốn, không dùng thủ đoạn trấn át người khác để bảo vệ vị trí của Ngài; nhưng vị trí của Ngài lúc nào cũng bình yên trên điện ngọc, đó là do phước đức của Ngài đã cảm hóa được người khác, khiến họ quý mến Ngài mà hợp tác một cách tự nhiên. Riêng tôi, có người hỏi làm sao tôi được nhiều người hợp tác và thương như vậy. Tất cả mọi việc xảy ra trong đời tôi, tôi nghĩ nhờ may mắn, mình không cầu mà được; hay nói đúng hơn, là do phước đức nhiều đời tu hành tạo nên, may mắn tự tìm đến mình. Phật dạy rằng thấy người tốt với mình là biết mình đã làm tốt với họ trong kiếp quá khứ. Tôi biết nhiều đời tôi đã từng hành Bồ tát đạo, sinh hoạt vui vẻ với họ rồi, nên nay mới gặp lại đã thấy thân quen, hoặc ác nghiệp quá khứ đã từng tạo rồi thì nay mới gặp đã thấy bực bội. Một số việc thành đạt của tôi, trong đó có phần nhờ may mắn gặp thiện tri thức giúp đỡ.

Trở lại việc gặp được Bảo Tạng Như Lai, vua Vô Tránh Niệm đã phát tâm xuất gia tu hành. Ngài thấy rằng mình đã tạo phước đức, nên mới có được cơ thể khỏe mạnh, ngoại hình tốt và quyến thuộc hết lòng; nhưng muốn giữ phước báu này lâu dài phải có trí tuệ Như Lai soi rọi. Còn không có trí tuệ, tức không thấy biết đúng đắn thì khi nào mình đáp ứng được cho họ, họ mới thương, không đáp ứng được thì họ chống mình. Thực tế cho thấy có những người lúc mới làm cách mạng được nhiều người theo, nhưng về sau chính những người ủng hộ này lại trở thành người chống đối, người giết hại.

Nhìn thấy như vậy, Chuyển luân Thánh vương Vô Tránh Niệm bỏ ngôi đi tu theo Phật Bảo Tạng, tức là vào kho tàng quý báu của Phật; nói theo ngày nay là trầm mình trong kinh điển Phật. Riêng tôi cũng đã theo Phật Bảo Tạng suốt hơn 60 năm mới có được tri thức ngày nay. Đi vào ngôi chùa tâm linh là nghĩa như vậy, không phải đến ngôi chùa thực tế để tâm sự vui buồn thế gian.

Trầm mình trong giáo pháp Phật và thực tập được giáo pháp Phật, nên vua Vô Tránh Niệm mới học được 90 ức giáo pháp Phật. Điều này nhắc nhở chúng ta nếu trầm mình học Phật pháp thì mới có kho tàng Phật pháp, nên nói ra mới có Phật pháp. Còn tu hơn 20 năm mà chỉ nói chuyện thế gian là vì chưa vào được ngôi chùa tâm linh.

Đức Phật Di Đà biết cách xây dựng Tịnh độ mười phương mới xây dựng được Tịnh độ của Ngài bằng 48 lời nguyện, hay đó là mô hình kiến tạo Tịnh độ. Nguyện thứ nhất của Phật Di Đà là trong thế giới của Ngài không có tên địa ngục tiêu biểu cho khổ đau, không có tên ngạ quỷ tiêu biểu cho ham muốn và không có tên súc sanh tiêu biểu cho sân hận, ngang bướng. Như vậy, ở thế giới của Phật Di Đà, trước nhất là không có việc ngang bướng, kỳ khôi, khổ đau, tham vọng. Những người đi chùa mà ngang bướng, cố chấp, cứ nói theo ý mình, thì không bao giờ nghe được lời hay lẽ phải.

Chúng ta không dại gì mời gọi những người ngang bướng vào tâm mình để họ đạp phá lung tung làm chúng ta ngủ không yên, ăn không ngon. Nếu lỡ họ vào được thì chúng ta loại bỏ liền, nói cách khác, những gì làm chúng ta phiền não thì phải đẩy ngay ra khỏi tâm mình. Có nhiều người rất đáng tội nghiệp vì gặp phải những thứ xấu này mà lại ôm giữ nó trong lòng đến mức không ngủ được vì tức muốn chết. Theo Phật, phải loại bỏ phiền não, vì thân xác này có chết cũng không quan trọng, còn giữ phiền não trong lòng làm chết đạo tâm, làm tâm đau khổ thì chết sẽ đi vào cảnh giới xấu.

Tôi khuyên quý vị đẩy bực tức ra ngoài bằng cách lạy sám hối và tụng kinh. Tất cả những gì làm chúng ta khó chịu, bất mãn, chẳng những không mời gọi, mà còn phải loại trừ những nghiệp quá khứ nữa. Xưa kia, Hứa Do nghe vua mời về làm vua mà khiếp sợ, nên ông vội vàng rửa sạch lỗ tai đã nghe những lời mời gọi không tốt này. Tuy nhiên, tai không còn nghe tiếng, mà tâm vẫn nghe mới là điều nguy hiểm. Bá Di dắt trâu định cho uống nước sông, nhưng khi nghe Hứa Do kể như vậy, thì không dám cho trâu uống nước ở đó, vì sợ trâu bị nhiễm danh lợi của nước mà Hứa Do đã rửa lỗ tai. Đối với người tu, “Danh lợi lòng băng với bão đêm”, nhất là đối với những Phật tử tuổi từ 50 trở lên thì lại càng cần bỏ mặc những việc danh lợi. Người xưa nói “Ngũ thập minh minh tầm tử lộ” nghĩa là 50 tuổi thì con đường chết đã mở ra mà còn thấy trước mắt tối thui, không biết đường đi, cho nên phải mau mau lo cho đời sau.

Xây dựng ngôi chùa tâm linh, trước nhất, đối với bốn hạng người thuộc địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và A tu la là những người sân hận, ngu si, ích kỷ, tham lam, nếu lỡ có những người bạn này thì phải loại bỏ ngay, để lòng chúng ta được trong sạch, tâm ta chỉ có Phật pháp và những người học Phật pháp thôi. Người đến với tôi mà nói Phật pháp và hỏi Phật pháp thì tôi trả lời, nói chuyện khác, tôi không nghe, không dám giữ trong lòng, vì tôi đã lớn tuổi rồi. Tất cả Phật tử lớn tuổi ở đây, tôi khuyên phải dứt khoát loại trừ bốn hạng người vừa nói. Theo Phật Di Đà, trong tâm mình không có bạn hung dữ, tham lam, ngu si, nên bạn ác bên ngoài cũng cách ly.

Kế đến, khi tâm đã trong sạch, chúng ta mời gọi Phật, Hiền thánh, những bậc thượng thiện nhân vào tâm mình, nói cách khác, chúng ta tìm hiểu hành trạng của Phật, Bồ tát trong kinh điển Đại thừa. Ví dụ tôi mời Bồ tát Văn Thù, Phổ Hiền, Quan Âm, Địa Tạng, bằng cách nào? Tôi đọc kinh Đại thừa thấy Phật Thích Ca giới thiệu hành trạng của các vị Bồ tát, thì  học theo và tập sống theo các Ngài. Như vậy, lòng ta đã chứa Bồ tát, nên ta nghĩ gì, làm gì cũng là Bồ tát.

Nếu quý vị mời Bồ tát Phổ Hiền thì phải tụng hạnh nguyện Phổ Hiền. Tôi suốt đời tụng hạnh nguyện Phổ Hiền, vì tôi muốn mời Ngài và tôi biết đồng hạnh đồng nguyện thì mới đến với nhau được. Thật vậy, Phổ Hiền đã nói rằng:

Những người cùng tôi đồng một hạnh
Cầu được sanh chung các cõi nước
Thân khẩu ý nghiệp đều đồng nhau
Tất cả hạnh mầu cùng tu tập
Các thiện tri thức lợi ích tôi
Vì tôi chỉ bày hạnh Phổ Hiền
Nguyện cùng tôi thường chung hội họp
Đối với tôi lòng luôn hoan hỷ.

Lúc nào chúng ta cũng mời gọi Bồ tát Phổ Hiền thì Ngài đến tác động cho tâm ta sáng lên và hạnh đức của chúng ta trở nên thánh thiện. Và khi có được tâm sáng, hạnh tốt trang nghiêm cho mình rồi, chắc chắn những gì tốt đẹp, những người tốt đẹp sẽ đến với mình. Đó là nhờ Phổ Hiền lực gia bị cho người tụng Phổ Hiền.

Tôi mong những người lớn tuổi tìm được nguồn vui tâm linh của chính mình bằng cách loại trừ những gì xấu ác của sáu đường sinh tử và mời gọi chư Bồ tát, chư Hiền thánh vào tâm mình để kiến tạo được Tịnh độ của riêng mình, thì dù tuổi trẻ hay tuổi già, chúng ta cũng được an lành trong Nhà lửa tam giới.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày