Niết-bàn Không của Thanh văn chỉ là “trạm dừng chân”

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GN - Bài cung văn của Tổ Phước Huệ là tinh thần kinh Pháp hoa của người Việt Nam, nói về thành quả của người tu Pháp hoa đạt được.

Tổ nói: “Vãng hoàn tam giới, trường ngự bạch ngưu chi xa. Xuất nhập cửu cư chung cứ thanh liên chi tọa”. Câu này chúng ta phải suy nghĩ thật kỹ, thật sâu mới thấy ý nghĩa quan trọng. Gần thì chúng ta có kinh Pháp hoa 28 phẩm gồm hơn sáu vạn lời, nhưng xa nữa, có kinh Pháp hoa của Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh, kinh Pháp hoa của Phật Oai Âm Vương mà Phật Thích Ca nghe được khi tiền thân Ngài là Thường Bất Khinh Bồ-tát.

Vì vậy, kinh Pháp hoa mở ra cho chúng ta nhận thức rộng hơn những gì Phật đã dạy trong tạng kinh Nikaya. Trong tạng kinh Nikaya, Phật chỉ nói rằng những gì Ta biết như lá trong rừng, những gì Ta nói như nắm lá khô trong tay. Và khi các ông nghe được, hiểu được và làm được thì còn ít hơn nữa.

Thật vậy, từ khi Phật còn tại thế đến khi Ngài vào Niết-bàn cho đến ngày nay, tất cả các vị Tổ sư ra đời ở các quốc gia và vùng lãnh thổ, mỗi vị hiểu pháp Phật khác nhau, ứng dụng khác nhau nên có kết quả khác nhau.

Có vị căn cứ vào Tứ Thánh đế tu hành và cuối cùng chứng Diệt đế là Niết-bàn. Họ thấy ngũ uẩn giai không là ngũ uẩn không thực có, nó do địa, thủy, hỏa, phong hợp lại mà thành. Bốn yếu tố này hợp lại là con người và nó ly tán là trở về không. “Không” này trong đạo Phật, chúng ta hiểu thêm rằng có tất cả chúng sanh hội nhập vào đó. Ý này thể hiện trong kinh Hoa nghiêm, Phật nói khởi đầu của vũ trụ, nhân sinh từ Không này. Vì vậy, Không này có tất cả gọi là sum la vạn tượng, không phải không có gì.

“Không” là trí tuệ Bát-nhã mà Bồ-tát chứng được: “Bồ-tát hành thâm Bát-nhã ba-la-mật đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không”, tức thấy thân tứ đại ngũ uẩn là không. Thật vậy, chúng ta nhìn kỹ con người dù còn sống cũng là trống không nếu nhìn bằng mắt trí tuệ. Gần nhất, dùng mắt khoa học là X quang nhìn cơ thể con người về vật chất lẫn tinh thần, người ta cũng thấy không, nhưng trong không vẫn có con người, chứ không phải không là không có.

Những người tu còn chấp, bị kẹt vào Niết-bàn Không, mới nghĩ sai lầm rằng khi phiền não hết, ngũ uẩn tan biến mất thì mình là không. Kinh Pháp hoa gọi đó là hàng thú tịch Thanh văn.

Theo kinh Pháp hoa, Niết-bàn Không của Thanh văn là hóa thành do Phật tạo ra. Tổ Phước Huệ nhận ra ý này, gọi là thê tức hóa thành. Vì hàng Thanh văn quá mệt mỏi, sợ hãi, chán nản thế giới sinh tử khổ đau, nếu Phật nói sự thật rằng cần tiếp tục vượt 500 do tuần đường hiểm sinh tử và hành Bồ-tát đạo để đạt đến quả vị Phật thì không ai dám theo. Biết rõ tâm niệm chúng nhân như vậy, Phật mới dùng thần lực hóa ra một cái thành là trạm dừng chân cho hàng Nhị thừa tạm nghỉ ngơi được an lạc rồi sẽ tiếp tục đi tới.

Ý này thể hiện rõ nét trong cuộc đời giáo hóa độ sanh của Phật. Khi Phật tại thế, các người theo Phật được an lành và chứng quả A-la-hán quá dễ dàng, đó là Phật tạo điều kiện cho đại chúng được an lành. Nói chính xác, trên bước đường hành đạo theo Phật, dù gặp nguy hiểm nhưng nương vào uy đức của Phật, họ cũng được an lành. Thậm chí sau khi Phật vào Niết-bàn, người có niềm tin, có căn lành, họ tin nương vào Phật lực, nên họ không sợ, vẫn thấy được Phật che chở và cảm thấy an lành; nhưng người không có niềm tin với Phật, họ vẫn sợ và chắc chắn không nhận được Phật lực che chở.

Quả A-la-hán hay Niết-bàn Không của Nhị thừa là tạm dừng chân. Kinh Pháp hoa diễn tả ý này rằng hàng Tam thừa tu hành ra đến bãi đất trống là ra khỏi Nhà lửa tam giới, không bị lửa tam độc tham sân si đốt cháy, hoàn toàn được an ổn. Các vị chân tu dạy rằng đặt mình vô chỗ an thì an, còn lao vô chỗ tranh chấp, quyền lợi, danh vọng mà muốn an sao được. Vì vậy, phải hiểu và thực tập ở hoàn cảnh nào tu thực cũng cảm thấy an.

Đọc cuộc đời hành đạo của Hòa thượng Hư Vân cho thấy ý này. Khi Trung Quốc mới giải phóng, thống nhất đất nước, phải nói lúc đó tình hình còn phức tạp, nhưng Hòa thượng tìm được cái an trong bất an, mà Tổ Phước Huệ nói là thanh lương hỏa trạch. Trong Nhà lửa tam giới bị lửa tham sân si đốt, nhưng chúng ta không tham, không bực tức và sáng suốt thì thoát được.

Nói cụ thể, trước khi Trung Quốc thống nhất đất nước, Tăng Ni sống trong chùa không làm gì mà cuộc sống đầy đủ hơn cả người thế tục. Sống không làm gì lợi ích, chỉ hưởng thụ, nên xã hội lúc ấy phê phán người tu là lực lượng phi sản xuất, chắc chắn không thể tồn tại. Khi Mao Trạch Đông thống nhất đất nước, chư Tăng thấy khổ, một số chạy qua Đài Loan, Hồng Kông, thậm chí qua Việt Nam, số còn lại sống dở chết dở.

Lúc đó Hòa thượng Hư Vân đang hoằng pháp ở Hồng Kông, mọi người khuyên ngài ở lại đó luôn. Ngài nói tôi ở đây bình yên, nhưng còn mấy vạn Tăng Ni ở đại lục thì sao. Ngài tình nguyện trở lại Trung Quốc, nghĩa là ngài ở ngoài Nhà lửa rồi vào lại Nhà lửa để làm chỗ nương tựa an ổn cho mọi người. Ngài dạy các tu sĩ rằng quý vị nên nhìn thực tế, đừng biến đạo Phật trở thành ăn hại. Phải trả lại cho Phật giáo vị trí quý báu như các thầy, Tổ của chúng ta đã làm. Sanh ra và hành đạo ở đất nước nào, mình cũng phải làm công việc cứu khổ ban vui giống như thầy, Tổ và Phật. Ngày xưa, Tổ Bách Trượng sản xuất cung cấp thực phẩm cho đời sống Tăng Ni và còn sản xuất cho người đời hưởng. Đó là vị trí đích thực của Phật giáo.

Hòa thượng Hư Vân đích thân làm ruộng, sản xuất thực phẩm và làm tất cả mọi việc như người dân. Ngài nói các thầy thấy mệt thì nghỉ, tôi thấy cần phải làm, dù lúc đó Ngài 100 tuổi vẫn vác cuốc ra đồng canh tác.

Ngài nói chính quyền cho mình mượn lúa, nhưng phải sản xuất trả lại. Họ xử sự như vậy vẫn tốt hơn xử sự với dân. Đó là cái nhìn của Thánh Tăng, thấy mọi việc vẫn tốt đẹp, vì nhu cầu của Ngài ít hơn cái có được. Còn nhu cầu nhiều hơn cái có thì khổ vì lửa tham đốt chết. Với người tu, sinh hoạt dưới mức mình có vẫn thấy an lành. Ngài nói đơn giản rằng hết gạo thì nhổ khoai ăn vẫn sống được, có sao đâu. Mai mốt thu hoạch có lúa gạo thì tiếp tục ăn cơm lại!

Ngài Hư Vân đã sống thanh thản trong Nhà lửa đến 120 tuổi mà không bị lửa tham dục, bực tức, ngu si đốt chết. Cuộc sống đạo hạnh giải thoát của ngài quả là tấm gương sáng mà chúng ta phải học theo. Còn những người tham dục, bực tức, liều mạng thì chết rồi.

Ở Việt Nam, tôi có điều kiện tiếp xúc với Hòa thượng Thanh Bích và Hòa thượng Phổ Tuệ là hai bậc chân tu mà tôi kính trọng. Hòa thượng Thanh Bích là Phó Pháp chủ, Ngài sống trên 100 tuổi và có điểm đặc biệt là Ngài không biết tiêu tiền, một bộ đồ mặc cả chục năm. Và Hòa thượng Phổ Tuệ, Đệ tam Pháp chủ thọ đến 105 tuổi. Ngài nói một câu mà tôi rơi nước mắt, rằng ngài không dám thâm lạm một đồng tiền, một bát gạo của ai, tự làm ruộng mà sống. Hai vị Hòa thượng này cũng là tấm gương sáng cho đàn hậu học.

Tu hành ở hoàn cảnh nào thì sống theo đó, không bị lửa sân hận, ngu si đốt chết và cảm thấy mát mẻ trong Nhà lửa tam giới. Đó là Bồ-tát mới dám dấn thân vào cuộc đời.

Hòa thượng Thích Trí Quảng thuyết giảng: "Phước duyên trong đời" tại chùa Huê Nghiêm

Tu Pháp hoa, đầu tiên phải dùng ba xe ra khỏi Nhà lửa tam giới là Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới vì ba cõi này còn trong sinh tử luân hồi, không yên, nên gọi là Nhà lửa. Phải ra khỏi Nhà lửa, tới bãi đất trống, chúng ta nhập Không môn, tức tâm trống không và chúng ta nhập Niết-bàn.

Nhưng Phật nói nếu tu chứng A-la-hán mà không gặp Phật, không phát Bồ-đề tâm thì tan biến vào hư không, thấy thân tứ đại ngũ uẩn của mình không có và linh hồn mình cũng không có. Điều này khiến chúng ta dễ rơi vào đoạn kiến.

Vì vậy, tới bãi đất trống, Tổ Huệ Năng thấy:

Bồ đề bản vô thọ

Minh cảnh diệc phi đài

Bản lai vô nhất vật

Hà xứ nhạ trần ai.

Nghĩa là con người thật của chúng ta từ xưa đến nay vốn là không thì làm sao dính bụi. Mình tu Thanh văn, đến đây thấy trống không, không có gì.

Nhưng Tổ Dư Hàng nói thêm một câu rất có ý nghĩa là “Vô nhất vật trung vô tận tạng”. Đó là truyền thống của Phật giáo Việt Nam, của thiền Việt Nam. Tôi rất tâm đắc câu này, rằng người tu không giữ một bát gạo, một đồng tiền, nhưng của vua thua của Phật là vô tận tạng. Ta không chất chứa tiền của, nhưng chuyển tiền của thành công đức, chuyển thân hữu lậu khổ thành Pháp thân vĩnh hằng bất tử. Vì thân tứ đại chết thì tiền cũng mất, thậm chí chưa chết mà tiền đã mất. Phước đức hữu lậu thì chết không mang theo được.

Vua Lương Võ Đế hỏi Tổ Đạt Ma rằng ông xây 72 cảnh chùa, có công đức không. Tổ trả lời không có gì, hay có phước nhỏ không đáng kể. Muốn phước đức không mất phải chuyển thành phước đức vô lậu, gởi vào kho vô tận tạng mới còn mãi. Phật nói chư thiên sanh ở đâu thì lầu các hiện đến đó. Trong vô hình lạ lắm, hễ người có phước đức đến ở thì lầu các, đường sá mọc lên. Người tội lỗi đến thì nơi đó trở thành địa ngục. Cũng là người, nhưng người có phước đức, có trí tuệ khác với người bần cùng, ngu si. Phật nói phước đức và trí tuệ, hay nghiệp ác luôn theo sát chúng ta giống như cái đuôi của con trâu dính liền với con trâu.

Tu hành đạt đến thực chứng rằng trong cái Không đã có sẵn cái Có, nên hành giả có công đức khởi niệm muốn gì, cái đó liền hiện ra. Còn người nghiệp chướng trần lao muốn thì không bao giờ có.

Phật dạy chúng ta điều gì về cái Không này. Kinh Pháp hoa nói hàng Tam thừa ra khỏi Nhà lửa được ông trưởng giả cho chiếc xe trâu lớn có sức mạnh vượt trên ba cõi Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới rồi chạy xuống tận địa ngục. Vì vậy, họ đi ra đi vào tam giới tự tại. Đi ra là từ Có đi vào Không và bấy giờ từ Không hiện ra cái Có, không phải là đoạn kiến, không phải mất.

Thật vậy, Đức Phật Thích Ca từ Không đi ra là từ Bồ-tát Hộ Minh ngự ở cung trời Đâu Suất hiện thân lại Ta-bà, hay Bồ-tát Di Lặc cũng ở Đâu Suất chờ nhân duyên thích hợp mới ra đời. Nghĩa là trong Không đã sẵn cái Có gọi là thậm thâm diệu hữu. Ai có trí giác, có niềm tin thì thấy. Không có niềm tin hay mù làm sao thấy trời Đâu Suất, thấy Phật, thấy Di Lặc. Người có niềm tin vẫn thấy Phật và Bồ-tát Di Lặc hiện hữu.

Điển hình là Hòa thượng Hư Vân bị người ta đánh chết, nhưng thần thức của ngài lên Đâu Suất nghe Đức Di Lặc thuyết pháp và trở lại trần gian, ngài sống lại. Đó là sự thật, con người thật, không phải không có, nhưng chúng ta không hiểu, không thấy. Chỉ người có Chánh niệm, trụ Chánh định mới thấy được thế giới trong thiền định, trong Chánh niệm, Chánh định, trong căn lành. Có nghiệp ác thấy Nhà lửa, thấy ở đâu cũng khổ. Nhưng tu được, theo kinh Pháp hoa lên đại bạch ngưu xa lên cung trời Đâu Suất, tới trời Tứ thiên và trở lại nhân gian thấy cũng giống nhau. Ngồi xe trâu trắng tiêu biểu cho sạch nghiệp, không có ác nghiệp thì ở đâu cũng an lành. Có tội lỗi ở đâu cũng bị bắt, cũng khổ.

Tu theo kinh Pháp hoa phải trong sạch hoàn toàn, tiêu chuẩn là phải đắc La-hán, hết tham sân si, phá được ngũ ấm ma và diệt được phiền não, bấy giờ Phật trao cho viên ngọc quý của Ngài là Phật huệ. Vì vậy, trên bước đường tu Tam thừa là chúng ta phá ngũ ấm ma và phiền não ma rồi, trí tuệ chúng ta tự sáng, bảo là Phật cho, nhưng thực chúng ta hết phiền não thì tự tâm chúng ta sáng ra. Mình mới nói Phật cho, nhưng Phật nói Ngài không cho, chính yếu là viên minh châu của ta tức tâm chúng ta sáng. Được như vậy thì từ các cõi trời cho đến địa ngục, ở đâu mình cũng an lành. Tổ Phước Huệ diễn tả ý này: “Vãng hoàn tam giới, trường ngự bạch ngưu chi xa”, nghĩa là trở lại ba cõi, không phải tan biến vào hư không, mất luôn.

Hòa thượng Trí Hải trước khi viên tịch, ngài vào miền Nam, nói rằng ngài phát nguyện tụng 1.000 bộ kinh Pháp hoa để cầu đất nước hòa bình. Ngài tụng 600 bộ kinh Pháp hoa thì đất nước hòa bình, thống nhất. Tôi nói 400 bộ kinh còn lại để con tụng. Các thầy liền nói Thượng tọa làm Trưởng ban Hoằng pháp, thì giờ đâu mà tụng 400 bộ kinh Pháp hoa. Tôi nghĩ các thầy không hiểu ý nghĩa kinh Pháp hoa mà Hòa thượng Trí Hải nói đã tụng 600 bộ là gì và 400 bộ kinh Pháp hoa mà tôi tụng là gì.

Hòa thượng nói thêm các thầy tiếp tục ở đây hoằng pháp. Tôi về Cực lạc mấy hôm thăm Đức Phật Di Đà rồi trở lại Ta-bà này hành đạo.

Điều này cũng thể hiện cái lý của “Vãng hoàn tam giới, trường ngự bạch ngưu chi xa”. Ngài qua Cực lạc rồi về lại Ta-bà, không sợ, vì Ngài không có nghiệp ác và có công đức thì ở đâu cũng được. Có nghiệp ác trốn đâu cũng bị bắt. Có trí tuệ không bao giờ lao vô chỗ có quyền lợi, tranh chấp là Nhà lửa bị thiêu đốt chết. Có trí tuệ biết chỗ chết thì vào làm chi. Ở địa ngục hay thiên đường không khác là ý này.

Phát tâm Đại thừa, hành Bồ-tát đạo, chứng quả vị Phật thì ở thiên đường, địa ngục, hay Niết-bàn, ở đâu cũng là Phật. Đó là ý quan trọng nhất mà Tổ Phước Huệ dạy chúng ta được hoàn toàn tự tại, không bỏ chạy, không trốn, không sợ. Vì Phật dạy chỗ người trì kinh Pháp hoa, cách 500 do tuần không có khổ đau. Nếu còn khổ đau thì phải xét lại tư cách hành giả Pháp hoa của mình, e rằng chỉ là giả danh.

Kinh Pháp hoa dạy rằng ai gần người trì kinh Pháp hoa thì thấy an, đó là tu Pháp hoa. Gần ta mà thấy nguy là ta rớt qua tà đạo. Không phải tụng kinh Pháp hoa là hành giả Pháp hoa, yếu chỉ kinh đã dạy chúng ta ý này.

“Tạc tỉnh phùng nguyên, tiễn tế lao sanh chi muộn” là đào giếng gặp nước được nói đến trong phẩm Pháp sư thứ 10. Người tu theo Pháp hoa được ví như đào giếng trên cao nguyên. Khởi đầu chúng ta tu ở Hiền vị là Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng ví như bắt đầu đào giếng thấy đất khô thì biết cách nước còn xa, tức cách đạo còn xa, còn khó khổ, mà nghĩ mình tu chân chánh là sai. Thân còn nghiệp chướng, tâm còn tham vọng, phải chịu cực, ra công đào giếng là tu đoạn lòng tham, bực tức thì phước tới là hết khổ, hay đào đến đất ướt, đất bùn. Tu đạo Bồ-tát cũng như thế.

Bồ-tát nghe kinh Pháp hoa mà kinh nghi, sợ sệt là Bồ-tát mới phát tâm, còn cách đạo xa. Nhưng nghe được kinh Pháp hoa là gặp đất ướt, biết sắp tới nước. Nghe được kinh Pháp hoa nghĩa là chúng ta có đời sống mà thân tâm trong sạch. Đây là yếu chỉ tu hành của Hòa thượng Pháp chủ Đệ tam, hay nói chung là nghệ thuật sống của người thực tu theo Phật. Tâm nhơ bẩn nhất là tham, sân, si. Thân nhơ bẩn vì chứa vô số sanh linh. Thân tâm nhơ bẩn thì luôn bị bệnh hoạn, khổ đau, sợ hãi bao vây.

Tâm Bồ-tát trong sạch như hoa sen, vì ở bùn nhơ, tức sống giữa cõi hồng trần nhưng không nhiễm bụi trần. Sen không tanh bùn là Liên hoa và Diệu pháp là thấy được thậm thâm vi diệu mầu nhiệm bên trong. Như ngài Hư Vân nói các thầy thấy chùa mất, tiền mất nên khổ, tu không được. Nhưng ngài Hư Vân nói mình còn được vay ba đấu gạo là sướng quá, nghĩa là không tham thấy khác với các ông thầy tham thấy mất hết. Chùa không phải của mình nhưng nghĩ của mình, đất đai của đàn việt cúng cũng nghĩ của mình. Nhà nước nói cái này của nhân dân mang tới, phải trả lại cho nhân dân. Ngài Hư Vân nói vậy là đúng rồi.

Ai tụng Pháp hoa, nghe Pháp hoa mà sợ là mới phát tâm, không phải Bồ-tát, vì còn ở trên cao nguyên, tức nghĩ cái này của ta, ráng giữ nhưng không được thì khổ.

Nhưng gặp đất ướt là Tăng vô nhất vật, thầy tu không có gì của mình. Của người thì người lấy lại. Người xưa nói đất vua, chùa làng, quán sãi. Ông thầy tu không có gì, chỉ ở trọ qua đêm, chùa của làng, đất của vua. Mình ở trọ phải làm tròn bổn phận người ở trọ, phải đốt nhang, quét dọn chùa…, nói chính xác là mình làm tôi cho Phật. Muốn làm chủ thì người ta sẽ loại mình. Tăng vô nhất vật thì thấy không có gì để mất.

Bồ-tát không kinh nghi, sợ sệt, nhưng hiểu đạo thì không có gì để sợ, thậm chí chết cũng không sợ, vì ngũ uẩn giai không thì ai làm gì được ai! Điển hình là Tổ Thần Quang bị chặt đầu cũng không sợ. Ngài nói nếu tôi còn sợ thì chặt đầu cho máu chảy, nhưng chặt đầu ngài lìa khỏi cổ, đầu rớt xuống mà vẫn không có máu chảy, nên người ta nói ngài đắc đạo. Ngài biết trước cái chết, nên truyền pháp cho Tăng Xán và ngài tìm đến cái chết, xả bỏ thân tứ đại để nhập vào biển Không và lên đại bạch ngưu xa, ngài trở lại tam giới cứu độ chúng sanh hoàn toàn tự do, tự tại.

Hàng Thanh văn nghe kinh Pháp hoa còn kinh nghi sợ sệt. Có bốn hạng Thanh văn: thị hiện Thanh văn là Bồ-tát hiện thân làm Thanh văn. Hai là thoái chuyển Thanh văn, vì hành Bồ-tát đạo khó quá, các Ngài mới ẩn cư. Thực sự tâm của các Ngài là Bồ-tát nhưng gặp hoàn cảnh nghịch, các Ngài thệ nguyện an lạc là chờ đủ duyên mới làm, không dám liều mạng. Hạng thứ ba là thú tịch Thanh văn chứng Niết-bàn, rớt vào biển Không, thấy an lành, ở đó luôn. Nhưng đắc quả La-hán, nếu có căn lành và có nhân duyên với Phật sẽ thấy Phật.

Thật vậy, chúng ta tu trong giáo pháp Phật và nhập biển Không, chúng ta lại thấy Phật, nghĩ đến Phật thì Phật hiện ra và chúng ta thâm nhập vào thế giới Phật, đi theo Phật, phát Bồ-đề tâm, hành Bồ-tát đạo, đó là Thanh văn đắc La-hán và chuyển qua Bồ-tát hạnh. Nhưng đắc La-hán, quên Phật và trụ Niết-bàn là thú tịch Thanh văn.

Còn đắc La-hán nghe kinh Pháp hoa mà kinh sợ là tăng thượng mạn Thanh văn, chưa chứng nhưng nghĩ mình chứng, tức nghĩ mình ra khỏi sinh tử là bằng với Phật, nhưng nay nghe nói phải hành Bồ-tát đạo cứu chúng sanh mới thành Phật thì sợ. Còn Kiều Trần Như, hay Xá Lợi Phất cũng là A-la-hán nhưng các ngài biết mình khác với A-la-hán của Phật.

Vì vậy, chúng ta tu nhận ra được ý này ví như đào giếng ở cao nguyên gặp được nước nghĩa là nhiều đời chúng ta đã tu Pháp hoa rồi, nên nay nghe kinh Pháp hoa liền ngộ. Đó là tu nhiều kiếp nhưng ngộ nhứt thời, tức tu lâu nhưng ngộ nhanh lắm. Đạt được chỗ này, việc tu của chúng ta trở nên dễ dàng, chúng ta không ham muốn nhưng việc xảy đến tự tốt. Tôi tin điều này do Phật sắp xếp, mình không có khả năng làm. Việc hành đạo tự nhiên nhàn hạ lại thành công. Vua Tống Nhân Tông ở Trung Hoa thấy điều này mới ca ngợi rằng “Bang bang như ý, chủng chủng hiện thành”, nghĩa là các nhà sư sống ung dung tự tại, nhưng việc nào cũng thành tựu tốt đẹp. Tổ Phước Huệ diễn tả là “Tín thọ phụng hành, vĩnh xứ chơn thường chi lạc”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hơn 100 em thanh thiếu niên tham gia khóa tu "Tuổi trẻ" lần thứ I tại chùa Long Phước

Chùa Long Phước (TP.Bạc Liêu) khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I

GNO - Sáng 15-12, chùa Long Phước (P.5, TP.Bạc Liêu) tổ chức khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I với sự chứng minh của Thượng tọa Thích Giác Nghi, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh, trụ trì chùa Long Phước; chư tôn đức giáo thọ sư, Phật tử và hơn 100 thanh thiếu niên tham dự khóa tu.

Thông tin hàng ngày